Trong chuyến thăm và làm việc tại Nghệ An chiều ngày 20/5, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Mạnh Cường Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng các lãnh đạo trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước; ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương; ông Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn lãnh đạo tỉnh nhà Nghệ An đã tới dâng hương Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Kim Liên và thắp nhang đền Chung Sơn - ngôi đền thờ những người thân yêu trong gia đình Bác Hồ. Dù ở cương vị nào, muôn dân Việt Nam khắp ba miền vẫn ngưỡng vọng về cội nguồn và đang cùng nhau hành hương về thăm quê Bác, tham gia Lễ hội Làng Sen, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đối với vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Di tích Kim Liên với những bảo vật bình dị mà thiêng liêng về bậc vĩ nhân Hồ Chí Minh vốn đã thân thuộc với người dân trong nước và bạn bè thế giới. Giờ đây, kề bên đó, nơi lưng chừng núi Chung, ngọn núi nho nhỏ khơi gợi năm tháng tuổi ấu thơ cội nguồn tâm hồn, trí tuệ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung năm nào, sừng sững ngôi đền uy linh, hội tụ tinh hoa kiến trúc, điêu khắc, văn hóa dân tộc ngàn năm mà ấm áp như một nơi thờ tự gia đình, và cũng ấm áp bởi tình cảm của những đoàn con cháu khắp bốn biển năm châu tìm về nhớ ơn Người!
Núi Chung cao chừng 50 mét, có 3 đỉnh chính, La Sơn phu tử đã để lại câu nói nổi tiếng như một lời sấm truyền:
Chung sơn tam đỉnh hình vương tự,
Kế thế anh hùng vượng tử tôn
(Nghĩa là: Núi Chung ba đỉnh hình chữ Vương,
Con cháu đời nối đời thịnh vượng)
Từ đỉnh núi Chung thuở ấu thơ phóng tầm mắt khắp miền quê chôn nhau cắt rốn, Nguyễn Tất Thành đã đi ra thế giới bằng trái tim tha thiết yêu thương con người theo cách riêng, độc lập với những bậc cha anh mình.
Một lần vào ngày sinh nhật mình, 19-5-1948, Bác viết thư cảm ơn: “Đồng bào yêu mến tôi, chúc thọ tôi, tôi biết lấy gì, nói gì để báo đáp lòng thân ái ấy? Tôi chỉ có một cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực, chịu khổ, quyết cùng đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, quyết cùng đồng bào tranh lại thống nhất và độc lập thật sự cho Tổ quốc, quyết cùng đồng bào ra sức làm thế nào cho con cháu chúng ta bây giờ và muôn đời về sau được sung sướng và tự do”. Trong ngày sinh của mình, Người vẫn chỉ hướng tới mục tiêu: làm thế nào cho con cháu chúng ta bây giờ và muôn đời về sau được sung sướng và tự do!
Xuôi theo đường mòn mang tên Bác, đoàn công tác dừng chân nơi xưa kia là Nông trường 19/5 – Nông trường lấy ngày sinh nhật Bác làm tên gọi, nay là những trang trại bò sữa, những cánh đồng nguyên liệu của Cụm trang trại bò sữa ứng dụng công nghệ cao lớn nhất châu Á cũng như lớn nhất thế giới.
Miền Tây Nghệ An heo hút xa xôi năm nào, sau gần 15 năm Tập đoàn TH đưa những công nghệ tiên tiến, hiện đại, ưu việt nhất về đã làm thay da đổi thịt hoàn toàn, như có phép màu làm cho đất gió Lào nắng cháy thành thủ phủ nuôi bò sữa với những kỳ tích ngỡ chỉ có trong mơ.
Đoàn đã thăm Nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả núi Tiên với công nghệ Đức hàng đầu thế giới, thăm trang trại công nghệ cao khắc chế thời tiết để chăn nuôi đàn bò sữa thuần chủng HF, cho ra đời dòng sữa tinh khiết, sạch, chất lượng quốc tế, thăm những cánh đồng bát ngát không giới hạn chân trời là thành tựu tự hào của nền nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong trồng trọt. Các máy móc hiện đại công suất ngoài sức tưởng tượng. Máy thu hoạch liên hoàn (cắt, nghiền, phun lên xe tải) với tốc độ kỷ lục 2 tấn/phút. Tốc độ thu hoạch cao nhất đã đạt được 3000 tấn/ngày. 15 cánh tay tưới nước tự động dài từ 350-550m, hiện đại bậc nhất trên thế giới, lập trình theo nhu cầu cây trồng và độ ẩm đất mong muốn. Máy thu hoạch cỏ khô có thể đóng 300 bánh một ngày, mỗi bánh cỏ nặng 500kg. Và mỗi máy có thể thay thế 800 công nhân làm việc.
Với tâm trạng đặc biệt của một vị nguyên Chủ tịch nước đã 3 lần tới nơi này, ngay từ ngày đầu chứng kiến bước chân đầu tiên của những con người kiến tạo nên dự án kỳ diệu, Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhỏ nhẹ nói những lời xúc động: “Lần thứ nhất về đây, tôi ngạc nhiên nhưng mà tin tưởng. Lần thứ 2 tôi lên đây, tôi cũng ngạc nhiên nhưng mà khâm phục. Còn qua lần thứ 3 này thì tôi lại khâm phục và tự hào”.
Nguyên Chủ tịch nước cười, nói thêm: “Người đứng đầu nghị lực, trí tuệ, quy tụ sức mạnh để phát triền. Rồi bao nhiêu những chuyên gia, kỹ sư, những người công nhân đến đây, các em các cháu đến đây, gắn bó ở đây, cùng nhau vượt qua thử thách, khó khăn vô cùng để xây dựng nên thành quả này. Mà có như thế thì mới đưa Việt Nam, đưa tỉnh nhà mình tiến lên hùng cường sánh vai với thiên hạ. Ban nãy mọi người cảm ơn tôi, giờ tôi xin cảm ơn lại. Tôi cảm ơn TH, tôi cảm ơn các chuyên gia, tôi cảm ơn các cháu cán bộ công nhân. Chúc thành công, đại thành công!”.
Anh hùng lao động Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH cũng rất xúc động bởi sự quan tâm, động viên chí tình của Nguyên Chủ tịch nước và các vị lãnh đạo Tỉnh nhà, Tỉnh bạn. Bà nhắc lại những lời Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói tại lần đầu tiên tới thăm Dự án khi vừa mới bắt đầu xây dựng, “những lời tiên tri về sự thành công” của ông nay đã thành hiện thực. “Hôm nay cũng là dịp gần tới chuẩn bị kỷ niệm 15 năm Dự án, tôi xin phép sẽ có một lễ tri ân thật đàng hoàng với Người đứng đầu Nhà nước và Người đứng đầu Tỉnh nhà cùng Ban Thường vụ Nghệ An ngày đó đã kêu gọi đưa Dự án về quê hương, đã đặt niềm tin vào tính khả thi của Dự án, đồng thời quyết liệt vào cuộc đồng hành cùng nhà đầu tư. Sự tin tưởng và ủng hộ ấy đã tạo nên sức mạnh của niềm tin, tạo động lực to lớn để chúng tôi vượt qua muôn ngàn gian khó. Xin được tri ân tới lãnh đạo các Bộ ban ngành, nhất là tỉnh Nghệ An cũng như huyện Nghĩa Đàn và bà con lối xóm vùng Dự án”.
Thấm thoát đã gần 15 năm, đó là một ngày đầu thu, bà Thái Hương lần đầu tiên đặt chân tới Nông trường 19/5, nhìn thấy pho tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị, khiêm nhường giữa vườn Khu nhà điều hành Nông trường bà đã rưng rưng lệ, xúc động tận tâm can, quỳ xuống thì thầm: "Thưa Bác, Bác hãy giúp con quy tụ được lòng dân, để con đủ sức mạnh thực hiện được Dự án ý nghĩa này, giúp cho người dân bớt nghèo khổ”.
Nông trường 19/5 ở Nghĩa Đàn đã từng là đỉnh cao của nền kinh tế quốc doanh trong nông nghiệp ở Việt Nam những năm 1960, thương hiệu cam Vinh nổi tiếng ngày đó trồng trên đất nông trường đã xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Nhưng thời kỳ rực rỡ của các nông trường nhanh chóng trôi qua, và đến thập niên 80 thế kỷ trước, nông trường đang đứng bên bờ vực phá sản, kéo theo sự đi xuống của cả nền kinh tế địa phương.
Bằng tư duy vượt trội và tấm lòng người Mẹ, Anh hùng lao động Thái Hương tin đây là sứ mệnh Trời Đất giao cho mình để ngày đêm miệt mài không kể nắng mưa, đêm trường vượt hàng trăm cây số đều đặn mỗi ngày tận tay chỉ đạo từng chi tiết nhỏ nhất, kiến tạo nên công trình đồ sộ ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn nhất thế giới của ngành chăn nuôi bò sữa. Dự án khổng lồ có vốn đầu tư 1,2 tỷ đô la Mỹ với đàn bò sữa tiệm cận 70 nghìn con, trong đó bình quân 45-50% bò cho sữa thường xuyên. Năng suất sữa bình quân đạt 35- 36 lít/con/ngày vào mùa cao điểm. Dự án không chỉ làm thay đổi bản chất ngành sữa trong nước, tiên phong và đặt nền móng cho nền nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam mà đến nay nơi này được coi là hình mẫu về Kinh tế Xanh, Kinh tế Tri thức, Kinh tế Tuần hoàn ưu việt mà các nước tiên tiến đang hướng tới. Bằng thực tiễn sinh động, nơi này đã cống hiến cho Việt Nam một chiếc chìa khoá vàng mở ra mô hình điển hình cho công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế.
Tập đoàn TH giờ đang vận hành nhiều Dự án nông nghiệp thành công ở miền Tây xứ Nghệ, đưa người nông dân thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất hàng hóa đạt chất lượng quốc tế, làm cho người nông dân có quyền tự hào về mảnh đất của họ như lời hứa bên tượng Bác 15 năm trước đây của bà Chủ tịch Tập đoàn.