Việc cân nhắc các yếu tố về quyền sở hữu trí tuệ và tích hợp hoạt động quản trị tài sản trí tuệ khi thực hành ESG nên trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình ra quyết định chiến lược của doanh nghiệp.
Khởi nguồn dưới dạng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khái niệm ESG lần đầu tiên được đề cập đến tại bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới “Ai quan tâm, người đó thắng – Kết nối thị trường tài chính với một thế giới đang thay đổi” phát hành năm 2004.
Trải qua gần 20 năm được các doanh nghiệp trên thế giới thực hành và tích hợp vào chiến lược kinh doanh, Bộ tiêu chuẩn ESG cũng đã không ngừng tiến hóa, thay đổi cùng môi trường đầu tư, kinh doanh, xã hội và công nghệ. Cho đến nay, khái niệm ESG đã gắn liền với biểu tượng của sự phát triển bền vững và đang dần trở thành một khái niệm tương đối quen thuộc với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây.
Thực tiễn cho thấy, ba yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị có mối quan hệ mật thiết với nhau, đồng thời là các cơ sở dẫn dắt hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. Việc phân tích ba yếu tố này, cùng với việc đánh giá các tiêu chí của Bộ tiêu chuẩn ESG được sử dụng không chỉ để đo lường hiệu quả hoạt động nội bộ của doanh nghiệp, mà còn có thể trực tiếp đánh giá danh tiếng, mức độ kỳ vọng của thị trường, người tiêu dùng đối với doanh nghiệp đó.
Bộ tiêu chuẩn ESG như tấm gương phản chiếu cho tầm nhìn, sứ mệnh, những cam kết của một doanh nghiệp, của một thương hiệu đến cho tất cả các bên liên quan, từ khách hàng, cổ đông đến các nhân viên. Việc thực hành tốt ESG không còn là trách nhiệm của những tập đoàn đa quốc gia mà cần được trở thành đích đến cho mọi doanh nghiệp trên hành trình tìm kiếm hướng đi bền vững.
Với sự thay đổi không ngừng của khoa học công nghệ, công cuộc đổi mới sáng tạo hiện đang là xu thế tất yếu, là ưu tiên hàng đầu để doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định việc phát triển tài sản trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo.
Bước vào một tương lai không những đang thay đổi, mà còn thay đổi rất nhanh, doanh nghiệp cần sớm định hình, ưu tiên các hoạt động quản trị tài sản trí tuệ và tích hợp cùng chiến lược thực hành ESG. Sự cộng hưởng này có thể không chỉ rút ngắn quãng đường đạt được các mục tiêu ESG, mà hoàn toàn có thể sẽ xác lập nên hành trình đổi mới bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Vai trò của việc quản trị tài sản trí tuệ trong Bộ tiêu chuẩn ESG
Tài sản trí tuệ là một dạng tài sản vô hình, nhưng lại hiện diện trong nhiều hoạt động khác nhau của doanh nghiệp. Hiểu theo một nghĩa thông dụng, tài sản trí tuệ là tất cả các sản phẩm của hoạt động trí tuệ: các ý tưởng, các tác phẩm sáng tạo văn học/nghệ thuật, các công trình khoa học, các sáng chế, phần mềm máy tính, kiểu dáng bao bì, mẫu mã sản phẩm...
Ngoài các đặc tính chung như các dạng tài sản vô hình khác, các tài sản trí tuệ lại có các đặc tính riêng, đó là tính sáng tạo và đổi mới.
Tài sản trí tuệ có thể được hình thành trên cơ sở tự phát sinh (đối với bí mật kinh doanh, quyền tác giả, quyền liên quan) hoặc xác lập quyền sở hữu cho các đối tượng sở hữu công nghiệp thông qua giấy chứng nhận độc quyền nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế...
Do đó, quản trị tài sản trí tuệ là việc xây dựng và tổ chức vận hành một hệ thống đồng bộ các giải pháp nhằm gìn giữ, bảo vệ, quản lý, khai thác tối đa hiệu quả kinh tế của các quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Đối với từng loại tài sản trí tuệ thì sự liên kết của hoạt động quản trị tài sản trí tuệ với chiến lược thực hành ESG tổng thể của doanh nghiệp cũng có sự khác nhau, cụ thể như sau:
Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của nhân viên: Những doanh nghiệp thực hành ESG trước tiên cần tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của chính các nhân viên của mình. Trong quá trình làm việc, các nhân viên có thể có những sáng kiến, ý tưởng phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp.
Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng chính sách về chuyển giao quyền sở hữu của nhân viên, trong đó không chỉ bao gồm các điều khoản đơn giản rằng tất cả tài sản trí tuệ do nhân viên tạo ra sẽ được chuyển đến công ty mà còn đặt ra các quy định về thù lao một cách công bằng và phù hợp cho việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ và hiệu quả của tài sản trí tuệ.
Tôn trọng quyền tác giả của nguồn thông tin, dữ liệu: Tiếp theo, doanh nghiệp cần tôn trọng quyền tác giả của các tổ chức, cá nhân thực sự sở hữu nguồn tài liệu, dữ liệu, thông tin mà doanh nghiệp đó muốn sử dụng. Doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống các quy định, quy trình nội bộ khi thu thập, xử lý thông tin, dữ liệu. Trong trường hợp doanh nghiệp muốn sử dụng những thông tin này cho mục đích thương mại, doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện theo đúng các nguyên tắc về việc cấp phép sử dụng và trả phí bản quyền. Xác định chính xác thời điểm phát sinh quyền: Quyền tác giả tự phát sinh tại thời điểm tác phẩm được hình thành; đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp, thời điểm phát sinh quyền là kể từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền. Việc xác định chính xác thời điểm phát sinh quyền giúp cho doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp dựa trên những quyền mà mình đang sở hữu.
Thương hiệu và các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu: Doanh nghiệp cần có sự truyền đạt chân thật cho thương hiệu, hình ảnh của mình. Một thương hiệu thân thiện với môi trường cần được thể hiện trên chính các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đó, và đảm bảo rằng khách hàng có những trải nghiệm đúng với cam kết của doanh nghiệp Đầu tư nghiên cứu các sáng chế xanh: Sáng chế xanh đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cũng đã xây riêng một bảng phân loại cho các sáng chế xanh và thiết lập sàn giao dịch công nghệ xanh. Các doanh nghiệp nghiên cứu về các giải pháp công nghệ xanh cũng thường nhận được nhiều sự quan tâm hơn của nhà đầu tư và cộng đồng.
Minh bạch về quyền sở hữu sáng chế: Một sản phẩm có thể chứa đựng nhiều sáng chế. Doanh nghiệp cần có sự minh bạch về các sáng chế mà mình sở hữu khi sản xuất và quảng bá sản phẩm. Cần phải đảm bảo rằng, các thông tin về sáng chế mà doanh nghiệp sở hữu cũng như sử dụng của các bên khác cần được ghi nhận chính xác trên sản phẩm. Điều này không chỉ đóng vai trò như một thông báo và cảnh báo cho những tổ chức, cá nhân (có khả năng) vi phạm bằng sáng chế, muốn sao chép sản phẩm đó mà còn có thể giúp tạo dựng niềm tin với khách hàng và nhà đầu tư cũng như tránh những xung đột lợi ích tiềm ẩn khác.
Tối ưu hóa chiến lược chuyển giao quyền (cấp phép) sử dụng tài sản trí tuệ: Doanh nghiệp có thể vừa cấp phép công nghệ xanh của mình cho tổ chức, cá nhân khác, điều này có thể mang lại nguồn doanh thu mới, vừa có thể xin cấp phép sử dụng công nghệ của tổ chức, cá nhân khác để kết hợp vào các sản phẩm và quy trình của riêng họ nhằm đáp ứng các mục tiêu về môi trường và các mục tiêu khác liên quan đến ESG. Việc cân nhắc các yếu tố về quyền sở hữu trí tuệ và tích hợp hoạt động quản trị tài sản trí tuệ khi thực hành ESG nên trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình ra quyết định chiến lược của doanh nghiệp. Bằng cách ưu tiên bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng hệ thống quản trị tốt các tài sản trí tuệ và tuân thủ các nguyên tắc ESG, các doanh nghiệp có thể chủ động thích ứng với bối cảnh thay đổi ngày càng nhanh của sự đổi mới bền vững.
Các doanh nghiệp sớm nhận ra và thực hiện được điều này sẽ hưởng lợi từ việc nâng cao vị thế, hình ảnh và danh tiếng cũng như tăng khả năng thu hút đầu tư và khả năng cạnh tranh. Khi thế giới tiếp tục hướng tới một tương lai bền vững hơn, việc tích hợp các yếu tố về quản trị tài sản trí tuệ với chiến lược ESG tổng thể của doanh nghiệp sẽ trở thành nền tảng thành công cho các doanh nghiệp có tư duy đổi mới bền vững.