Cuối tháng 5, T&T Group hợp tác chiến lược toàn diện với tỉnh Đồng Tháp trong các lĩnh vực: đầu tư bất động sản, tài chính, năng lượng, nông nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ và logistics.
Cuối tháng 7, Tập đoàn T&T Group đã tiến hành ký kết hợp đồng kỷ lục thu mua 150.000 tấn điều thô - thương vụ điều lớn nhất tại Bờ Biển Ngà từ trước đến nay. Sản lượng điều này sau khi nhập khẩu về Việt Nam sẽ được T&T Group trực tiếp chế biến, xuất khẩu thành phẩm và phân phối cho thị trường nội địa.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân trong nước bị lệ thuộc tương đối vào nguồn cung điều thô từ một số doanh nghiệp nước ngoài, thương vụ của T&T Group được ví như một điểm tựa về nguồn cung ổn định cho DN nội địa.
Trước đó, hồi tháng 4, T&T Group còn ký hợp đồng thu mua nông sản trị giá 115 triệu USD với đối tác Mỹ.
Những thương vụ của T&T Group diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu giữa các quốc gia bị kiểm soát chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp lựa chọn chiến lược “nằm im” chờ bão tan.
Giữa bức tranh có phần ảm đạm ấy, T&T Group vẫn liên tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư đa ngành. Tháng 8/2020, Tập đoàn đã tiến hành khởi công hàng loạt dự án ở nhiều địa phương trên cả nước như Trung tâm thương mại - dịch vụ - giải trí, phức hợp tại số 2 phố Thống Nhất, TP Hải Dương với tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng hay Dự án xây dựng nhà ở Khu dân cư Phước Thọ 1 nằm trong Khu dân cư Phước Thọ, tỉnh Vĩnh Long, có tổng diện tích đất hơn 6,1 ha, tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, dự án Khu dịch vụ - du lịch Gio Hải với tổng quy mô trên 21ha, tổng vốn đầu tư gần 4.500 tỷ đồng…
Trong lĩnh vực năng lượng, hồi tháng 8, T&T Group đã khởi công xây dựng nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Bình Thuận với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Đây là nhà máy điện mặt trời thứ 2 của tập đoàn được khởi công xây dựng trong năm nay. Trước đó, nhà máy điện mặt trời Phước Ninh (tỉnh Ninh Thuận) có công suất 45 MW, kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng đã chính thức khánh thành vào cuối tháng 6/2020.
Đáng chú ý, với định hướng xác định năng lượng là một trong những lĩnh vực cốt lõi,T&T Group cũng đẩy mạnh đầu tư, triển khai nhiều dự án năng lượng lớn trêncả nước, có thể kể tên như: dự án Trung tâm Điện khí LNG Sơn Mỹ 3&4 dự kiến được đặt tại Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 (xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) có tổng công suất phát điện 3.000 MW; dự án Trung tâm Nhiệt điện khí hóa lỏng LNG, Bến chuyên dụng và kho khí hóa lỏng LNG - Cái Mép Hạ tại Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng chi phí đầu tư gần 6 tỷ USD, tổng công suất hóa khí đạt 9 triệu tấn/năm; công suất phát điện tăng 6.000MW; dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng (Quảng Trị) có quy mô gần 120 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 4,4 tỷ USD, dự kiến đi vào vận hành giai đoạn 1 từ năm 2028.
Những hoạt động liên tiếp diễn ra cho thấy hoạt động tại T&T Group không hề chậm lại, dù là một giây trong bất kể hoàn cảnh nào.
Chính giữa Trụ sở của T&T Group có treo một bảng hiệu: “Hãy cạnh tranh với chính mình, không giết cái cũ của bản thân thì sẽ bị đối thủ tiêu diệt”. Với chủ tịch Đỗ Quang Hiển, cứ mỗi sáng thức dậy, ông luôn tự hỏi mình xem hôm nay có gì khác, có gì mới không?
27 năm xông pha thương trường, chưa bao giờ ông Hiển cảm nhận thấy đất nước thay đổi nhanh đến vậy.
“Nó khiến tôi nhận thấy nếu doanh nghiệp cứ giữ mãi cách làm cũ, suy nghĩ cũ tức là dừng lại rồi và đối thủ sẽ vượt lên mình. Ở T&T Group, vài năm gần đây, tôi luôn thúc đẩy mọi người liên tục, để dám phá đi những cái cũ và tiến lên. Tất nhiên, cái này nói thì dễ chứ làm rất khó nhưng phải cố gắng làm hàng ngày để tư duy đổi mới ngấm dần vào mọi người trong tổ chức”, ông Hiển chia sẻ.
Sự thành công của T&T Group, gắn liền với việc liên tục thay đổi tư duy, nhanh chóng gạt bỏ cái cũ, tìm đến cái mới ưu việt hơn theo triết lý doanh nhân Đỗ Quang Hiển. Nhìn lại quãng thời gian gần 3 thập kỷ, có thể thấy ông Hiển và T&T Group đã trải nghiệm qua vô số ngành nghề, từ bán hàng điện lạnh nhập khẩu, lắp ráp xe máy, ngân hàng, bất động sản, nông nghiệp, năng lượng, bóng đá, thương mại điện tử,…
Mỗi một lĩnh vực, T&T Group đều để lại những dấu ấn nhất định. Thời điểm đầu những năm 2000, T&T Group bắt đầu quan tâm tới lĩnh vực tài chính và bắt đầu liên doanh, liên kết với nhiều đối tác chiến lược, trong đó có Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Dưới sự dẫn dắt của Ông Đỗ Quang Hiển, SHB đã lột xác từ một ngân hàng nông thôn nhỏ trở thành TOP đầu trong những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay. Đây cũng là đơn vị hỗ trợ nhiều doanh nghiệp xử lý nợ xấu hiệu quả khi hồi sinh thành công Thủy sản Bình An (Bianfishco), Công ty Tài chính Vinaconex - Viettel hay sáp nhập với ngân hàng Habubank.
Tính đến 30/06/2020, SHB có tổng tài sản đạt hơn 391 nghìn tỷ đồng. Vốn điều lệ hiện nay đạt hơn 17.558 tỷ đồng. Ngân hàng đã phát triển mạnh mẽ với gần 8.500 cán bộ nhân viên đang làm việc tại 530 điểm giao dịch trong và ngoài nước, phục vụ hơn 4 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và kết nối tới 400 ngân hàng đại lý trên khắp các châu lục.
Hay trong hành trình 27 năm của T&T Group, không thể không nhắc tới lĩnh vực thể thao. Năm 2006, T&T Group thành lập Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội T&T - tiền thân của Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội hiện nay. Với nguồn lực từ “bầu Hiển” và một chiến lược đầu tư bài bản, Câu lạc bộ liên tục thăng hạng, góp mặt vào giải đấu V-League với 5 chức vô địch. Quan trọng hơn, sự đi lên của câu lạc bộ Hà Nội cũng góp phần quan trọng vào sự đi lên của toàn nền bóng đá Việt Nam nói chung, khi đóng góp nhiều nhân sự chủ chốt vào đội hình đội tuyển quốc gia.
Tất nhiên, không phải lúc nào T&T Group cũng thành công. Ông Hiển cũng có những sai lầm, thậm chí là sai lầm nghiêm trọng khiến doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản như khi tham gia vào ngành điện lạnh. Mặc dù vậy, vượt qua những khúc quanh gập ghềnh, đoàn tàu T&T Group vẫn bon bon tiến về phía trước.
Từ một doanh nghiệp buôn hàng điện lạnh với tài sản chỉ là một cửa hàng bán lẻ rộng vài chục mét vuông tại Hà Nội, sau mỗi lần vươn mình sang một lĩnh vực mới, quy mô của T&T Group lại thêm phần đồ sộ. Hiện tại, T&T Group đã là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng và hệ thống hơn 80 công ty thành viên, công ty liên doanh, liên kết hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề, cùng gần 80.000 cán bộ nhân viên.
Cuối năm 2019, Ông Đỗ Quang Hiển gây bất ngờ khi tuyên bố T&T Group, Ngân hàng SHB sẽ kết hợp với Amazon. Thông qua sự hỗ trợ của T&T Group và SHB, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có thể đưa hàng hóa của mình bán trên nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Người đứng đầu T&T Group tin rằng, đây là cơ hội tuyệt vời để “thế giới sẽ thực sự hiểu hơn về Việt Nam, về những sản phẩm thế mạnh, về trí tuệ cũng như bàn tay khéo léo của người Việt Nam”.
Cái bắt tay giữa T&T Group và Amazon chỉ là một phần trong kế hoạch đưa hàng Việt Nam ra thế giới của chủ tịch T&T Group Đỗ Quang Hiển. Bắt đầu tư năm 2016 đến nay, T&T Group liên tục bắt tay hợp tác với các tập đoàn lớn nhất thế giới trong nhiều lĩnh vực.
Đó là cái bắt tay với Bouygues của Pháp để xây dựng hạ tầng, với Food City của Nga để phát triển nông nghiệp, với Boskalis của Hà Lan để phát triển cảng biển, hay ký kết với Hiệp hội HunterNet (Úc) để phát triển năng lượng tái tạo, dệt may công nghiệp…
Trong quan niệm của ông Hiển, việc tiếp cận, học hỏi những người giỏi nhất là cách nhanh nhất, bền vững lâu dài cho kế hoạch vươn tầm của T&T Group. Đích đến cuối cùng của kế hoạch này, vẫn là làm sao để doanh nghiệp Việt Nam, hàng hóa Việt Nam thực sự có chỗ đứng trên bản đồ thế giới.
Quyết tâm của ông Hiển chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tinh thần Bạch Thái Bưởi, một doanh nhân có sự nghiệp kinh doanh gắn liền với tinh thần dân tộc. Một điều trùng hợp thú vị là ông Bạch Thái Bưởi tên thật là Đỗ Thái Bửu, cùng họ Đỗ như ông Hiển.
Trong “cuộc chiến thương mại” đầu thế kỷ 20, Bạch Thái Bưởi là người đã mở đầu phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” còn dư vọng cho đến ngày nay. Không chỉ là lòng ái quốc, đó còn là niềm tin, là khát vọng của một doanh nhân dám cạnh tranh và đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với tư bản người Pháp, người Hoa trên thương trường.
Tinh thần Bạch Thái Bưởi đã tạo nên một thế hệ doanh nhân mà tên tuổi của họ được cả nước biết đến, như Nguyễn Sơn Hà, Nguyễn Hữu Thu, Trương Văn Bền, Bùi Huy Tín... và đến tận ngày nay, tinh thần đó vẫn được những doanh nhân như ông Đỗ Quang Hiển kế thừa.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, T&T Group có thể được nhìn nhận như một doanh nghiệp dân tộc điển hình. Đối với người dân Việt Nam, T&T Group gắn liền với sự tự hào và mang lại tên tuổi về nền bóng đá nước nhà. Còn về phương diện tập đoàn, cách triển khai của ông Đỗ Quang Hiển cho thấy T&T Group rất tập trung vào khuynh hướng công nghệ cao, phát triển toàn cầu hoá.
“Tầm nhìn của ông Hiển và T&T Group về xu hướng toàn cầu hoá là rất lớn, đây là điều mà rất ít Tập đoàn trong nước làm được. Khi tiến sang thị trường nước ngoài, thay vì chọn các thị trường đang phát triển như Lào, Campuchia, Myanmar, T&T Group lại chọn Mỹ, Đức, Nga, là những đấu trường có tính cạnh tranh khốc liệt. Những người như ông Hiển sẽ làm xua tan được nghi kị về doanh nghiệp Việt Nam, lấy lại được niềm tin của xã hội với các hoạt động doanh nghiệp của Việt Nam”, ông Thiên nhận xét.
Trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, doanh nhân Đỗ Quang Hiển tiếp tục thể hiện tinh thần Bạch Thái Bưởi, “cái tâm và cái tầm” của mình với các hoạt động trách nhiệm xã hội thông qua việc tài trợ gần 65 tỷ đồng, cũng như quyên góp trên 30 tỷ đồng cho quỹ hỗ trợ người nghèo. Hàng năm, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Ông Hiển cũng hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội, thiện nguyện trên khắp đất nước.
Những nỗ lực, đóng góp trong phát triển kinh tế đất nước và an sinh xã hội của doanh nhân Đỗ Quang Hiển và toàn bộ tập thể T&T Group đã được Nhà nước Việt Nam ghi nhận bằng Huân chương Lao động hạng Nhất, điều không nhiều tổ chức và cá nhân đạt được. Nhìn rộng hơn, việc Chính phủ trao danh hiệu cao quý cho T&T Group và ông Hiển cũng chính là sự thừa nhận vai trò của kinh tế tư nhân với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.