Vững vàng qua những nốt thăng trầm

Ngay sau khi giành được độc lập vào năm 1945, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhận thức tầm quan trọng của giới doanh nhân trong sự nghiệp phát triển quốc gia. Một trong những minh chứng tiêu biểu cho nhận thức này là bức thư lịch sử mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương vào ngày 13/10/1945.

Trong bức thư, Hồ Chủ tịch không chỉ kêu gọi sự đoàn kết và đóng góp tài lực mà còn nhấn mạnh vai trò tiên phong của giới doanh nhân trong việc kiến tạo tương lai đất nước. Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra rằng, doanh nhân không chỉ là những người kinh doanh để mưu sinh hay mưu cầu lợi nhuận cho mình, mà còn là những người sẽ chung tay xây dựng nền kinh tế, tài chính quốc gia vững vàng và thịnh vượng.

Trong lịch sử cận đại của nước ta, giới doanh nhân đã hình thành qua quá trình rất gian truân. Thời phong kiến, tầng lớp thương nhân bị coi là tầng lớp thấp kém trong xã hội theo thứ tự sĩ - nông - công - thương. Thời Pháp thuộc, những doanh nhân Việt đầu tiên như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô, Trương Văn Bền ... - những biểu tượng của tinh thần doanh nghiệp của dân tộc ta, đã kiên cường vượt qua định kiến đó và sự thống trị của người Pháp, sáng lập nên các doanh nghiệp lớn mạnh, nêu gương cho nhiều người Việt khác đi vào con đường kinh doanh. Trải qua mấy thập kỷ chiến tranh, tầng lớp doanh nhân Việt đã góp phần không nhỏ dựng xây nền kinh tế nước nhà, cũng như trực tiếp đóng góp của cải, tài sản, tài chính cho các phong trào yêu nước và cách mạng.

Trong giai đoạn 1954-1975, khi đất nước bị chia cắt, miền Bắc áp dụng mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, trong đó, doanh nghiệp tư nhân bị quốc hữu hóa. Dù bị cấm cản, vô số doanh nhân trước đây vẫn âm thầm duy trì hoạt động và không thể phủ nhận vai trò của biết bao doanh nhân, tiểu chủ vô danh trong việc góp phần duy trì đời sống xã hội ở miền Bắc, đồng thời đóng góp sức người sức của cho cuộc chiến trong hơn 20 năm này.

Ở miền Nam, nền kinh tế thị trường vốn có đã tiếp tục phát triển, kể cả trong điều kiện chiến tranh. Các doanh nghiệp Việt lớn nhỏ do những doanh nhân Việt tài ba thành lập đã không ngừng lớn mạnh, thúc đẩy cả ba lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ liên tục vượt lên, có những ngành mạnh hơn cả các nước Đông Nam Á khác. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân có tên tuổi và thương hiệu sản phẩm nổi trội, cạnh tranh ngang ngửa với các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường nội địa và cả trên các thị trường ngoài. Vô số doanh nghiệp, doanh nhân đồng thời đã lặng lẽ che chở, nuôi dưỡng cán bộ, đóng góp của cải cho các phong trào yêu nước và lực lượng cách mạng ở miền Nam.

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, những sai lầm của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã gây những tổn thất đáng kể cho lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân và nền tảng kinh tế ở khu vực này. Cả nền kinh tế đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, phần do hậu quả của chiến tranh, phần do bị cô lập, cấm vận về kinh tế, và phần không kém quan trọng do mô hình kinh tế không phù hợp.

Phải đến khi công cuộc Đổi Mới được khởi xướng vào cuối năm 1986, Việt Nam mới quyết định chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường, trong đó, một trong những chủ trương quan trọng nhất là phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Từ đó, khu vực kinh tế tư nhân và tầng lớp doanh nhân mới dần công nhận, phục hồi và lấy lại vị thế của mình, dù con đường của họ hoàn toàn không bằng phẳng.

Cuối năm 1987, Luật Khuyến khích Đầu tư nước ngoài khá cởi mở được ban hành, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn tư nhân quốc tế. Tuy nhiên, phải đến năm 1990-1991 với sự ra đời của Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân, khu vực kinh tế tư nhân và tầng lớp doanh nhân trong nước mới có cơ sở pháp lý để hình thành và phát triển, song vẫn trong cơ chế xin-cho, chỉ được làm những gì Nhà nước cho phép và hết sức khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực cần thiết. Mất thêm gần 10 năm nữa, năm 1999, Luật Doanh nghiệp mới được ban hành thay cho hai luật trên, thay cơ chế xin phép bằng cơ chế đăng ký kinh doanh, trao lại quyền tự do kinh doanh đã quy định trong Hiến pháp 1946 và 1992 cho doanh nghiệp và người dân. Nhiều văn bản pháp quy về kinh tế, kinh doanh cũng được sửa tương ứng. Việc tiếp cận các nguồn lực được nới dần, tuy vẫn còn bị phân biệt đối xử rất rõ so với doanh nghiệp nhà nước và FDI.

Trong tiến trình Đổi Mới, nền kinh tế nước ta cũng ngày càng mở cửa, hội nhập với các nền kinh tế khác và tham gia các tổ chức khu vực và quốc tế. Năm 1995, việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, gia nhập ASEAN và ký kết Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế với Liên minh châu Âu đã đánh dấu thành công lớn và cột mốc mới của nước ta sau gần một thập kỷ Đổi Mới. Cũng năm này, nước ta đã nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngay khi tổ chức này hình thành, rồi bắt đầu quá trình giải thích chính sách và đàm phán với họ.

Luật Doanh nghiệp năm 1999 cùng với những đổi mới về chính sách, luật pháp liên quan và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng hơn, mở ra cơ hội cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân được thành lập, đồng thời tạo điều kiện cho một lớp doanh nhân mới ra đời và phát triển. Những doanh nhân này không chỉ dẫn dắt doanh nghiệp của họ mà còn đóng góp to lớn vào việc tạo việc làm, thu nhập và an sinh cho hàng triệu người lao động ở khắp các vùng miền, phát triển các ngành nghề mới, làm ra biết bao sản phẩm phong phú cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, nộp thuế, đóng góp cho các hoạt động công ích và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của nước nhà.

Đáng chú ý, trong số doanh nghiệp ra đời từ khi thực hiện luật Doanh nghiệp mới, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc điều hành đã tăng lên đạt khoảng 25%. Trong khu vực kinh tế hộ gia đình, tỷ lệ này còn cao hơn, đạt gần 50%. Số người trẻ đứng ra lập doanh nghiệp, điều hành kinh doanh cũng ngày càng tăng. Gương mặt của tầng lớp doanh nhân Việt ngày càng đa dạng, trẻ trung, sáng láng hơn.

Sản xuất ở nhà máy Xe đạp Thống Nhất. Ảnh: Hoàng Anh

Sự lan tỏa hoạt động của các doanh nhân cũng đã góp phần to lớn trong tiến bộ xã hội ở nước ta. Với những thành công trong công cuộc phát triển kinh tế đi đôi với xóa đói giảm nghèo, Việt Nam đã được Ngân hàng Thế giới nêu gương như một “ngôi sao sáng” trong các nước đang phát triển. Cơ hội kinh doanh và việc làm được tạo ra rộng rãi cho mọi đối tượng trong xã hội, kể cả bà con ở nông thôn, miền núi, hải đảo, phụ nữ, thanh niên, đồng bào các dân tộc ít người..., giúp bản thân và gia đình họ không chỉ thoát đói nghèo mà còn cải thiện và nâng cao dần mức sống, tăng khả năng tiếp cận và tham gia các hoạt động giáo dục, văn hóa, chính trị, xã hội, nâng vị thế và tiếng nói của họ trong xã hội.

Mối quan hệ hợp tác, kết nối giữa các doanh nghiệp, doanh nhân với nhau và với các tổ chức, cá nhân hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, nghiên cứu kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, các tổ chức văn hóa, thông tin, báo chí, các cơ quan thiết kế và thực thi chính sách... ngày càng phát triển sâu rộng. Tầng lớp trung lưu vốn hiếm hoi ở nước ta dần trở nên đông đảo, góp phần mở mang và nâng cao dần chất lượng các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh và các dịch vụ khác, kể cả dịch vụ công, các giao lưu trong nước cũng như với các đối tác bên ngoài. Các hiệp hội doanh nghiệp và nhiều mạng lưới kết nối ra đời, lôi cuốn sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp và các đối tác liên quan. “Vốn xã hội” của nước ta dần được phục hồi và phát triển.

Nhìn nhận những đóng góp và vai trò của doanh nhân trong gần 60 năm từ khi giành độc lập và 20 năm đổi mới, ngày 10/9/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định công nhận ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Với Quyết định này, Chính phủ không chỉ nhắc lại nội dung và ý nghĩa to lớn của bức thư lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho giới công thương ngày 13/10/1945, mà còn nhằm ghi nhận và tôn vinh vai trò quan trọng của Doanh nhân trong thời đại mới.

Quyết định này mang lại niềm tin, sự phấn chấn vô cùng lớn lao cho giới doanh nhân Việt Nam. Các doanh nhân hiểu rằng họ không những được Chính phủ thừa nhận, đánh giá cao và ghi nhận công lao, đóng góp của họ cho đất nước, mà còn đặt niềm tin và giao trọng trách cho họ trong việc ra sức phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần dựng xây một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu trong tương lai.

Quyết định này thực sự đánh dấu một cột mốc mới trong cách nhìn của các nhà lãnh đạo đối với doanh nhân, mở ra một chương mới trong mối quan hệ tương tác giữa Chính phủ với doanh nghiệp, doanh nhân và vị thế của giới doanh nhân trong xã hội nước ta. Chính những điều này mới là ý nghĩa quan trọng nhất của việc có Ngày Doanh nhân Việt Nam, chứ ngày 13/10 không phải chỉ là một dịp kỷ niệm đơn thuần. Đương nhiên có rất nhiều việc phải làm để thực hiện những điều này. Trong những năm tiếp theo, các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa XI, XII, XIII đã lần lượt được ban hành, đặc biệt là Nghị quyết 09 (2011), Nghị quyết 10 (2017) và Nghị quyết 41 (2023), làm rõ và sâu thêm những chủ trương, chính sách và kỳ vọng của Đảng và nhà nước đối với doanh nhân và khu vực kinh tế tư nhân Việt trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Khát vọng về kỷ nguyên vươn mình

Sau 40 năm Đổi Mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những thành tựu này mới chỉ là bước khởi đầu, vẫn có những hạn chế so với chính tiềm năng và nguồn lực của Việt Nam cũng như so với bước tiến của các nước khác trong khu vực. Bối cảnh của đất nước ngày nay, đặt trong bối cảnh thay đổi nhanh, mạnh, rộng và sâu của khu vực và thế giới hiện đại, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi nhận thức, tư duy phát triển và điều chỉnh chiến lược trên con đường đi tới của mình. Khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết nếu muốn đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Nhìn lại quá trình phát triển của các nền kinh tế vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình, điển hình là các "con rồng châu Á" như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Hồng Kông, có một điều cốt lõi là họ chủ yếu dựa vào thể chế và nguồn lực con người, trong khi tài nguyên thiên nhiên bị hạn chế. Như Hàn Quốc, sau chiến tranh có thu nhập bình quân đầu người chưa đến 60 USD, thấp hơn Việt Nam trước Đổi Mới (khoảng 80 USD), nhưng họ đã xây dựng được một thể chế tốt, đề ra các chiến lược đúng đắn và tập trung cao vào việc phát triển con người, đặc biệt là giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ. Nhờ vậy Hàn Quốc đã hóa rồng trong khoảng 35 năm, và ba nền kinh tế kia cũng tương tự.

Trong khi đó, dù đã khai thác hầu hết tài nguyên thiên nhiên và lực lượng lao động, đã phát triển công, nông nghiệp và dịch vụ với tốc độ khá tốt, đồng thời thu hút được nguồn vốn lớn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), song nền kinh tế Việt Nam sau bốn thập kỷ vẫn chỉ đang đứng trước ngưỡng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Muốn vượt qua chặng đường còn lại để trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần một sự chuyển biến rất mạnh về tư duy, thể chế, chiến lược và động lực phát triển.

Phát biểu tại Lễ Quốc khánh ngày 2/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh về một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là một tín hiệu đáng mừng, vì khát vọng của người đứng đầu đất nước là rất quan trọng để truyền động lực và tinh thần mạnh mẽ cho toàn thể bộ máy Đảng và Nhà nước, cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp cũng như các cộng đồng của nhân dân cả nước. Chúng ta hết sức mong chờ các nhà lãnh đạo sẽ sớm biến khát vọng trên thành các quyết sách chiến lược đúng đắn, các chương trình hành động phù hợp và thực thi nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt.

Trong các phát biểu khác, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã nhấn mạnh chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục cải cách thể chế, đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế - xã hội, lấy con người làm trung tâm, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bên cạnh việc phòng chống tham nhũng, bảo đảm an ninh quốc phòng... Trong những hoạt động đầu tiên của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chuyên gia, các nhà công nghệ trong nước..., cùng hàng loạt cuộc tiếp xúc đối ngoại, chuyển đạt những thông điệp này và khơi gợi sự hợp tác, chung tay thực hiện khát vọng vươn mình của Việt Nam.

Doanh nghiệp, doanh nhân Việt không mong đợi gì hơn một sự chuyển mình, trỗi dậy mạnh mẽ của cả nền kinh tế trong thời gian tới, sau gần 5 năm đầy khó khăn do đại dịch Covid, do những chấn động kinh tế toàn cầu và những vấn đề nội tại khác. Trong khoảng 5 năm vừa qua, chúng ta đã mất hàng vạn doanh nghiệp Việt khi họ buộc phải rời khỏi thị trường, kéo theo hàng triệu lao động mất công ăn việc làm, hàng loạt sản phẩm mất chỗ đứng, nhiều mảng thị trường của hàng Việt bị co hẹp ngay trên sân nhà, các nguồn thu cho ngân sách, đóng góp cho xã hội bị giảm sút, nội lực giảm sức chống chịu và nền kinh tế không đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng mong muốn. Không ít doanh nhân Việt và những người đồng hành với họ đã phần nào nản chí trước tình trạng mất mát và trì trệ này.

Tuy nhiên, về cơ bản tinh thần doanh nghiệp của người Việt không hề mất đi. Nhiều nhân tố tích cực mới đã hình thành. Tỷ lệ thương mại điện tử của Việt Nam tăng vọt trong và sau đại dịch Covid. Các hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu ở Việt Nam vẫn tiếp tục, bền bỉ chèo lái giữa sóng gió của cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung và các biến động kinh tế toàn cầu. Nhiều doanh nhân tạm ngừng hoạt động đã không chịu bó tay, mà dành thời gian tự soi xét lại mình, học hỏi, tìm tòi hướng đi mới, thị trường mới, xây dựng năng lực mới cho mình để chuyển hướng hoạt động nhằm thích ứng với hoàn cảnh mới. Không ít doanh nghiệp mới hình thành trên cơ sở các doanh nhân tự tái cấu trúc doanh nghiệp cũ, hoặc “xóa đi làm lại” đơn vị của mình, bám sát những thay đổi và đòi hỏi mới trên thị trường.

Bên cạnh đó, hàng vạn doanh nhân mới đã xuất hiện, phần lớn là những gương mặt trẻ trung, sáng láng với tri thức và kỹ năng tiên tiến, tự tin khởi nghiệp bằng những ý tưởng mới, lồng ghép các yếu tố số và xanh vào dự án của mình, tận dụng mọi cơ hội để hợp tác, liên kết với các doanh nhân và đối tác khác, mạnh dạn xông ra thị trường. Đặc biệt đáng yêu là những nhà “khởi nghiệp xanh” -những chàng trai, cô gái xuất thân từ các dân tộc, các vùng miền và nền tảng đào tạo khác nhau, có chung niềm đam mê khai thác và phát triển tài nguyên bản địa, nhất là từ nền nông nghiệp phong phú của nước nhà, để cho ra những sản phẩm mới giàu chất sáng tạo, thu hút được sự ủng hộ của người tiêu dùng, đồng thời mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm và thu nhập tốt hơn cho những người tham gia chuỗi cung ứng với mình.

Giờ đây, doanh nhân, doanh nghiệp Việt nhận thức ngày càng rõ về những cơ hội, thách thức mới đối với mình trên các trận địa của thương trường. Họ không ngừng cố gắng học hỏi để nắm được những yêu cầu liên tục nảy sinh cho hoạt động hay sản phẩm cụ thể của mình ở từng thị trường, từ các tiêu chuẩn hàng hóa, bao bì, các chuẩn mực xanh, các phương thức giao dịch, marketing, đến các vấn đề về lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp...

Những biến động về dân số và sự thay đổi thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng mà họ nhắm tới cũng tạo không ít thách thức cho họ. Đặc biệt là tác động của sự phát triển chóng mặt của các lĩnh vực công nghệ khác nhau, một mặt mang lại những cơ hội lớn cho sự nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, mặt khác cũng thách thức số phận của biết bao công việc con người đang làm và cả một số ngành nghề có thể bị thu hẹp hoặc thậm chí biến mất trong tương lai. Rồi xu hướng toàn cầu hóa từng mang lại bao thuận lợi cho họ cũng đang rung lắc, với xu hướng bảo hộ tăng lên, các chuỗi cung ứng cũ đứt gẫy, các chuỗi mới hình thành theo những nguyên tắc rất khác trước, trong đó các nhân tố chính trị, an ninh, công nghệ, quản trị... đan xen, quan trọng không kém nhân tố lợi ích kinh tế.

Trong những điều tạm kể trên (mà rõ ràng là chưa đủ), doanh nhân, doanh nghiệp hiểu rằng họ phải tự mình ứng phó là chính với những nhân tố cụ thể, trực tiếp, có tính chất vi mô. Họ hiểu và trên tinh thần học hỏi và đổi mới liên tục, đã tự đặt cho mình những chương trình đầu tư nâng cao chất lượng và kỹ năng của nguồn nhân lực, đầu tư cho ứng dụng hoặc sáng tạo công nghệ, cho nâng cấp năng lực quản trị và các chuyên môn khác, cho văn hóa và đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp... Họ cũng hiểu họ cần sự hỗ trợ của các nhà công nghệ, các chuyên gia về kinh tế, thương mại và các lĩnh vực khác liên quan. Nhu cầu hợp tác, liên kết trong các hiệp hội, mạng lưới kinh doanh, mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước cũng rất lớn.

Và điều chắc chắn là họ cần hơn bao giờ hết sự chung sức, hỗ trợ của nhà nước để thích ứng với những thay đổi ở tầm vĩ mô cả ở trong nước và trên thế giới bên ngoài. Họ cần hơn bao giờ hết một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, thân thiện; một hệ thống luật pháp, chính sách minh bạch, đồng bộ, nhất quán, tiên liệu được và có trách nhiệm giải trình cao, được thực thi một cách nghiêm túc bởi một đội ngũ công chức nhà nước chuyên nghiệp, thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của mình, có tinh thần hợp tác với các công chức và cơ quan nhà nước liên quan cũng như với doanh nghiệp, người dân trên cơ sở vì lợi ích chung của đất nước để có thể cùng nhau giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tế.

Rất mừng là mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc gặp và làm việc với một số doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn, công ty tư nhân lớn của Việt Nam. Trong cuộc gặp này, Thủ tướng đã khuyến khích các tập đoàn, công ty tư nhân lớn tham gia vào các dự án đầu tư có tầm cỡ quốc gia với quy mô rất lớn mà Chính phủ đang dự định tiến hành trong những năm tới. Đây thực sự là một động thái rất đáng hoan nghênh. Nó chứng tỏ niềm tin và sự sẵn sàng của Chính phủ trong việc trao quyền và tạo điều kiện cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong nước vào các dự án đầu tư công quan trọng, mà trước đây thường chỉ được dành cho doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp nước ngoài.

Niềm tin của Chính phủ chắc hẳn dựa trên thực tế phát triển của lực lượng doanh nghiệp tư nhân ở nước ta trong những năm qua, đặc biệt là sức mạnh nổi trội của những tập đoàn lớn, được dẫn dắt bởi những doanh nhân tài ba, có tinh thần dân tộc và ý chí kinh doanh cao, có gan làm giàu cho mình và cho đất nước, trong đó có những doanh nhân - doanh nghiệp đã dám đi vào những lĩnh vực mới và khó mà ngay nhiều công ty tầm cỡ toàn cầu cũng ít chọn lựa xông vào.

Tôi không mong gì hơn là từ cuộc gặp này, chúng ta sẽ có những công trình phát triển dựa chủ yếu trên chính trí tuệ, tài năng, công sức, nguồn lực, ý chí của những người Việt cùng nhau chung tay xây dựng và làm chủ cơ đồ. Khi chúng ta thực lòng tin tưởng, hợp tác, liên kết chặt chẽ với nhau, thì không gì là không thể.

Trước mắt, mong Chính phủ có thể giao cho bộ, ngành phụ trách các dự án mời một số chuyên gia người Việt liên quan cả ở trong và ngoài nước, cùng các nhà lãnh đạo các doanh nghiệp trên và cả một số doanh nghiệp tư nhân có quy mô có thể chưa lớn bằng, nhưng có năng lực chuyên môn thực sự, để cùng nhau tiến hành nghiên cứu, tính toán, đánh giá một cách khoa học, cẩn trọng mọi yếu tố cần thiết cho các khả năng và phương án thực hiện từng dự án lớn.

Tất cả các vấn đề về kinh tế, tài chính, công nghệ, kỹ thuật, môi trường, nhân lực, khả năng Việt Nam làm chủ và/hoặc tham gia các công đoạn khác nhau, tác động đa chiều trước mắt và tương lai... của từng dự án phải được đầu tư nghiên cứu một cách thật nghiêm túc trước khi tiến hành. Trong điều kiện chúng ta có khát vọng lớn, có nhiều mong muốn và dự định phát triển với tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, song lại bị hạn chế về nguồn lực và đứng trước bối cảnh nhiều thay đổi diễn ra liên tục trên thế giới này, mọi sự cẩn trọng đều rất cần thiết. Đã có không ít bài học thành công và không thành công, nhất là khi tính đến các tác động đa chiều và dài hạn, của các nước khác trong các dự án tương tự, chúng ta có thể học hỏi. Trên hết là lợi ích quốc gia, dân tộc, của đa số người dân các thế hệ hiện nay và mai sau cần được đặt lên cao nhất, để từ đó có những quyết sách và lựa chọn, ưu tiên đúng đắn.

Bài: Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế

Ảnh: Hoàng Anh

Xuất bản: 12/10/2024

Bài viết nằm trong Đặc san Nhà Quản Trị xuất bản tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Đặc san dày 160 trang, khổ 23x29cm, giá bán 150.000 đồng. Để đặt mua Đặc san, xin liên hệ Tạp chí điện tử Nhà Quản Trị - TheLEADER.
Tòa soạn
Tầng 7, tòa nhà HCMCC số 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội
Điện thoại: (024) 3244 4359
Văn phòng đại diện TP.HCM
Lầu 2, tòa nhà VNO, số 29 Huỳnh Văn Bánh, phường 17, quận Phú Nhuận, TP.HCM
Điện thoại: (08) 8670 8817