Analytic
Tuấn chợ hay Tuấn trầm

Tên cúng cơm của hắn là Phạm Đức Tuấn. Việt Nam có hàng chục ngàn người tên Tuấn, trong đó hàng ngàn người trùng tên Đức Tuấn. Để phân biệt, người Việt thường gọi kèm biệt danh theo họ hàng (con cái, cha mẹ), nghề nghiệp, thậm chí hỗn danh theo cá tính hay đặc điểm. 

Ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh), hầu như ai cũng biết hắn. Họ gọi hắn là Tuấn Chợ nhưng tôi gọi hắn là Tuấn Trầm.

“Gọi là gì cũng được, mình vẫn là mình”, hắn cười hiền như đất. Nhìn bề ngoài, chẳng ai nghĩ hắn là “đại gia của huyện”, cả tỉnh đều biết.

Nhỏ con, nhẹ cân, nói năng từ tốn, chân chất như một nông dân thứ thiệt. Ngoan đạo, thích chơi quần vợt, mê việc, hiểu biết và nhạy bén kinh doanh; uống được rượu và cà phê nhưng chỉ tiếp khách, đãi bạn, khoái uống trà mãng cầu Hậu Giang.

Trong công việc, hắn cực đoan, đã quyết, không ai cản được.

Tuấn Chợ hay Tuấn Trầm? 1

Mẹ mất sớm, Tuấn và bố, phụ ông nội làm nghề thuốc, biết rành rọt nhiều loại cây thuốc và công dụng. Nghề nhân bản, giúp người nhưng cuộc sống thời bao cấp quá khó khăn, cả làng ai cũng vậy, cố chòi đạp vẫn nghèo bền vững. Không an phận qua ngày theo nghề thuốc nam, hắn cãi bố bỏ học, ra ngoài buôn bán vặt.

Đi đâu hắn cũng “dòm ngang liếc dọc”, học lỏm thiên hạ, xem giá cả, mặt hàng, thấy chênh lệch là mua về bán, từ lá dong, rau củ đến thịt cá, từ nhà dân đến cả chợ Vinh (Nghệ An).

Tuấn Chợ hay Tuấn Trầm? 2

Các chợ quê bao cấp, người bán, người mua, hàng hóa đều nghèo, người đông của khó. Gánh hàng bộ từ xã này qua xã khác, hàng chục km nhưng tiền lời chỉ đủ đắp đổi. Cái khó ló cái liều, hắn mạo hiểm, nhảy xe, theo mấy người buôn chuyến, ra chợ Đồng Xuân (Hà Nội) dò hỏi và ăn hàng.

Hắn buôn vải, ban đầu là vải vụn, vải thô, dần dà lên vải xịn, từ bán lẻ lên bỏ mối. Hắn bảo “làm gì cũng phải học và chịu khó, từ cách nhận biết mặt hàng, thị hiếu người mua đến cách bán, phải có chiêu riêng”. Có lúc hắn cõng và đội 80kg, gần gấp đôi trọng lượng cơ thể. Hắn ham việc, chưa tính lấy vợ như nhiều trai quê thời đó. 

Vợ hắn bây giờ, mê hắn hiền lành, chịu khó, con nhà gia giáo nên tìm cách tác động và nên duyên.

Nhà vợ khá giả nhưng hắn theo thuyết “tam không” (không vay - không xin - không nhận). Hắn muốn tự mình gầy dựng tổ ấm. Ông nội hắn dạy “Đại phú do thiên. Tiểu phú do cần. Đại bần do lười”. Hắn quyết chí thành tiểu phú, chăm chỉ và tiết kiệm, kể cả khi đã thành đại phú, vẫn giản dị, chắt chiu và tiết kiệm. Buôn vải sống được nhưng khó làm giàu.

Vợ hắn tính xin cho hắn theo mấy anh em nhà vợ đi buôn gỗ. Hắn không chịu, muốn tự lập nên lại nhảy xe qua Lào, làm thuê và học nghề mới của mấy ông chủ gỗ. Nhờ thật thà, chăm chỉ, chủ ngày càng tin cậy. Mấy năm sau, hắn ra riêng, buôn chuyến lớn dần. 

Năm 1993, Việt Nam cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên nhưng Lào tới 2011 mới cấm.

Suýt thành thầy thuốc, hắn càng hiểu “ăn của rừng rưng rưng nước mất” nên khác nhiều đại gia gỗ khác, hắn chỉ thầu và khai thác gỗ các lòng hồ, nhất quyết không mua gỗ lậu dù lời nhiều hơn. 

Hắn tâm nguyện, làm gì cũng phải đúng luật mới bền được. Người Lào thật thà, chính sách ổn định, nên chỉ mấy năm, hắn thành đại phú. Nhà hắn toàn gỗ xịn. Nhiều nhà thờ các xóm đạo ở Hương Khê đều mua gỗ của hắn với giá hỗ trợ.

Tuấn Chợ hay Tuấn Trầm? 3

Năm 2011, Lào cấm cửa rừng, việc khai thác trở nên chụp giựt, hắn về lại quê. Nhà nước khuyến khích trồng rừng nhưng người dân không mặn mà vì trồng rừng biết bao giờ mới thu hoạch. Gỗ tạp 5 – 10 năm nhưng gỗ quý phải mấy chục năm. Là đại gia khai thác gỗ, hắn biết rằng “rừng điêu tàn là Tổ quốc suy vong” (Hannes Tuch, Đức, Bùi Bá Bổng dịch).

Dân chê thì hắn nhận. Hắn bảo “dân mình chưa có của đã sợ người khác ăn. Trồng rừng là của để dành cho tương lai con cháu”. Ít ai biết, hắn hiện có 250ha rừng nhận khoán. Hắn có nhiều đất vàng, hai khách sạn Đức Tài 1, 2 và chợ huyện Hương Khê. 

Gọi là chợ huyện nhưng bề thế, đẳng cấp hơn nhiều chợ tỉnh, khai trương năm 2017. Năm 2016, chợ huyện bị cháy, tiểu thương bơ vơ. Nhà nước đang làm kế hoạch xây lại thì hắn nhảy vào làm luôn chợ mới, chợ cũ làm công viên. 

Từng là dân chợ, ăn ngủ trong sạp, hắn hiểu những khó khăn của tiểu thương. Có của ăn, của để, hắn muốn góp sức trả nợ chợ, nơi đã cưu mang hắn những ngày đầu kiếm sống. Hắn hết lòng hỗ trợ các tiểu thương gặp khó, các gia đình chính sách. Hiếm có chủ chợ nào làm được như hắn.

Vào chợ ai cũng bất ngờ, từ cảnh quan, kiến trúc, tiện nghi đến dịch vụ thu gom chất thải rắn, xử lý nước thải, bể nước, trạm bơm, trạm biến áp và thái độ người bán, cứ ngỡ đang đi chợ các nước phát triển. 

Nhìn từ trên cao, chợ Hương Khê giống khu công nghiệp khang trang gồm nhiều tòa nhà biệt lập, có lối đi riêng rộng và nhiều cây xanh. Chợ rộng gần 6ha, gồm 904 quầy hàng với nhiều công trình phụ trợ chuẩn quốc gia. Mọi người gọi hắn là Tuấn Chợ!

Tuấn Chợ hay Tuấn Trầm? 4

Dó bầu, dó núi, trầm dó, trầm hương... là tên gọi chung của loài thực vật họ trầm. Khi thân cây bị thương (tự nhiên hoặc nhân tạo), cây tiết ra chất nhựa thơm đề kháng, thành trầm sau hàng chục năm. Trầm có mùi thơm dịu nên gọi là trầm hương. 

Cuối những năm 1980, cây dó được thuần hóa, đem trồng thành vườn, bị chủ nhân “tra tấn”, làm bị thương với hàng chục vết cắt sâu vào thân, như con mắt đau khổ, thúc cây tạo trầm.

Tuấn Chợ hay Tuấn Trầm? 5

Ngày nay, cây không bị tra tấn như xưa mà vẫn tạo trầm. Tuấn Chợ bén duyên trầm hơi trễ, dù biết trầm là vị thuốc quý từ thời phụ ông nội. Hắn mày mò, tìm hiểu và phát hiện ra, dó là cây làm giàu bền vững. Không sợ được mùa mất giá hay giải cứu như trái cây vì giá trầm ổn định. 

Hồi nhỏ, đọc truyện “Ngậm ngải tìm trầm”, kỳ bí nơi rừng thiêng nước độc. Giờ đứng giữa vườn trầm, thấy lâng lâng cảm xúc.

Trồng dó phải kiên nhẫn và thật tâm. Dó 15 năm trở lên mới có trầm và được giá. Phải hiểu và chăm sóc như con thì dó mới vui vẻ cho trầm. Trồng dó, ai cũng làm được nhưng để dó ra trầm thì không chỉ học mà phải biết cách chăm sóc. Cây cỏ cũng có hồn và những tập tính riêng. Ban đầu hắn mua cả vườn của dân, sau tự trồng vì “con mình, mình phải chuẩn bị kỹ, từ giống, đất, chế độ dinh dưỡng và cả dỗ dành, chiều chuộng”.

Hắn hiện có gần 20ha với trên 50.000 cây dó, từ mấy tháng tuổi đến hàng chục năm. Nhà hắn có xưởng trầm nhỏ để khách trải nghiệm. Nhang trầm thiên hạ bán 2.000 – 3.000 đồng cây, hắn bán 30.000 đồng vì “tiền nào của đó”. Ngoài nhang, còn có vòng đeo tay, tinh dầu trầm, nến trầm, trầm trang trí... Hắn chỉ làm khi có đơn, chưa sản xuất đại trà.

Tuấn Chợ hay Tuấn Trầm? 6

Ngoài tác dụng chữa bệnh, trầm khử mùi và thanh lọc không khí nên vua chúa ngày xưa thường dùng. Tôi đã có dịp thực nghiệm, lấy miếng trầm bé tẹo, đốt chưa được 30 giây, mùi mắm ruốc xào khó chịu bỗng mất tích như chưa hề gây phiền phức trước đó. 

Tôi được hắn mời ra Hương Khê tư vấn, giúp hắn và người dân làm du lịch cộng đồng nông nghiệp. Hắn hăm hở như một hướng dẫn viên, chưa chuyên nghiệp nhưng thừa nhiệt thành và yêu quê. Hắn đưa tôi băng rừng vào tắm thác Tiên cao 150m, ghé các điểm không đụng hàng như làng Phú Gia với các báu vật và di tích vua Hàm Nghi, làng dó Phúc Trạch (còn gọi là làng Bưởi)...

Hôm ở nhà hắn, tôi còn tận mắt thấy kỳ nam, loại trầm cực đỉnh, chỉ những cây dó hàng trăm năm và ngàn cây mới có một. Trầm màu nâu, kỳ nam đen mun. Lái trầm chào bán hai miếng trầm. Miếng nhỏ bằng đầu đũa. Bỏ lên cân tiểu ly – 3,2gr. Hắn phán, miếng này ngậm nước nếu khô chỉ 2,5gr. Hắn trả 63 triệu đồng, lái không bán đòi đúng 65 triệu đồng. Miếng lớn 32gr, chốt giá 1,6 tỷ đồng.

Cầm ngửi, thấy mùi hương dịu mê hoặc. Người không biết, lượm được kỳ nam, chắc tưởng miếng gỗ thơm bình thường. Hắn nói, kỳ nam, tùy theo loại, thấp nhất 16 tỷ đồng/1kg. Hắn cũng không biết tại sao có giá đó, chỉ biết đó là giá thị trường, khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản lùng mua nhưng hiếm khi có hàng.

Việc kinh doanh khách sạn, nhà hàng, hắn giao cho vợ. Vợ hắn đậm người hơn, xởi lởi và dễ mến, bù trừ và giúp hắn chuyên tâm làm những việc mình đam mê. Hắn bảo, chợ ổn định, không mở thêm vì quản lý không xuể nhưng sẽ phát triển trầm và trồng thêm rừng. 

Hắn mê cả rừng lẫn trầm. Hương Khê xưa bạt ngàn rừng. Hắn mơ phục hồi lại, xung phong nhận khoán trồng rừng theo Luật Lâm nghiệp nhưng thủ tục gian nan quá.

Tuấn Chợ hay Tuấn Trầm? 7

Hắn sẽ làm bảo tàng mini về dó trầm, xây dựng các sản phẩm lưu trú giữa vườn trầm để khách đến nghỉ ngơi, trải nghiệm, tham gia chế tác sản phẩm trầm giản đơn. 

Hắn sẵn lòng truyền nghề trồng dó và làm trầm miễn phí cho ai có nhu cầu. Hắn mong ước biến Hương Khê thành thủ phủ trầm. Tôi tin hắn sẽ làm được như đã từng làm gỗ, làm chợ.

Tôi gọi hắn là Tuấn Trầm. Không chừng mai này có thêm biệt danh. Khi đó hắn sẽ đổi tên khai sinh Phạm Đức Tuấn thành Phạm Lâm Tuấn, nghĩa là Tuấn Rừng?


Thực hiện: Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt Tours 

Thiết kế: Diệu Thảo

Xuất bản: 14/03/2024