"Tương lai của việc làm" là một chủ đề được thảo luận tại APEC CEO Summit 2017. Đây là sự kiện quy tụ 800 nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của 21 nền kinh tế thành viên APEC diễn ra từ ngày 8 đến 10/11 trong tuần lễ cấp cao APEC đang diễn ra tại Đà Nẵng.
Các nhà lãnh đạo gồm Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (dự kiến), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (dự kiến), Tổng thống Philipines Rodrigo Duterte đều sẽ tham dự và có bài phát biểu tại sự kiện này.
Trước thềm sự kiện, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch TBS Group, một trong 4 đại diện của Việt Nam tham gia thảo luận tại APEC CEO Summit 2017.
Vì sao ông lựa chọn chủ đề “Tương lai của việc làm” để tham gia thảo luận tại APEC CEO Summit 2017 ?
Ông Nguyễn Đức Thuấn: Ngành công nghiệp thời trang, da giày Việt Nam xu thế chung hiện nay đang phát triển khởi sắc nhờ có được lợi thế về nhân công, nguồn lao động tại chỗ dồi dào… Tuy nhiên, cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đang tạo nên thách thức mới cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thời trang, da giày. Với cách vận hành, quản lí nhân lực cũ, các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo dự đoán, với cách quản lí nhân lực như hiện tại thì trong 5 đến 7 năm nữa, 1 triệu việc làm sẽ bị mất đi gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và an sinh xã hội. Do đó, việc thay đổi cách đào tạo, nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động đóng vai trò then chốt cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần xác định khoa học công nghệ là nền tảng, yếu tố then chốt quyết định đến năng suất lao động và góp phần tiết giảm các nguồn lực khác, đem lại sự thành công cho doanh nghiệp.
Đó là lý do tôi chọn chủ đề “Tương lai của việc làm” để tham dự APEC CEO Summit 2017.
Với vai trò chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, nơi có hàng ngàn doanh nghiệp hội viên với hàng triệu lao động, theo ông để phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu như hiện nay khu vực tư nhân cần làm gì?
Ông Nguyễn Đức Thuấn: Tôi cho rằng, trước hết chính bản thân mỗi doanh nghiệp với trách nhiệm là người sử dụng lao động cần phải chủ động trong việc tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh, an toàn. Doanh nghiệp phải là nơi mà người lao động có thể làm việc một cách hạnh phúc nhất, hăng say nhất.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của cá nhân tôi thì không phải ông chủ nào cũng có đủ tâm huyết, đủ khả năng để làm việc này vì ngoài cái tâm của người chủ doanh nghiệp, còn cần phải có năng lực tài chính, mà không phải doanh nghiệp nào cũng kinh doanh có hiệu quả để làm điều mình mong muốn.
Bản thân mỗi doanh nghiệp phải có trách nhiệm với người lao động của mình. Doanh nghiệp phải có một mô hình tổ chức hợp lý với những vị trí chức năng rõ ràng, có hạ tầng phù hợp để người lao động hiểu được công việc của mình và làm việc với năng suất tốt nhất.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải lo cho người lao động đủ công ăn việc làm, đào tạo và tái đào tạo cho họ khi có sự thay đổi về công nghệ, thiết bị để họ thích nghi với sự thay đổi.
Đồng thời, doanh nghiệp phải dự báo được những sự thay đổi do tác động của toàn cầu hóa, tác động của tự động hóa để có kế hoạch điều chỉnh phù hợp, người lao động không thể làm được việc này.
Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân nói chung và các doanh nghiệp da giày, thời trang nói riêng mong đợi gì từ Chính phủ trong việc tháo gỡ những vướng mắc chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi?
Ông Nguyễn Đức Thuấn: Từ thực tế bản thân hơn 25 năm qua với TBS Group, tôi nhìn nhận việc tháo gỡ các khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp ngành công nghiệp da giày thời trang thì cần cả hai yếu tố bao gồm sự hỗ trợ của Chính phủ và sự tự thân vận động của doanh nghiệp.
Người lao động lành nghề, khỏe mạnh thì doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả mà doanh nghiệp kinh doanh tốt thì Chính phủ mới có nguồn thu. Do vậy, khi Chính phủ hỗ trợ cho người lao động, hoặc hỗ trợ cho doanh nghiệp thì chính là Chính phủ đang nuôi dưỡng nguồn thu của mình. Tất cả Chính phủ các nước trên thế giới đều có suy nghĩ như vậy.
Có hai điều mà chúng tôi mong đợi từ Chính phủ, trước hết Chính phủ cần có những cải cách mạnh mẽ nhằm tạo môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi để doanh nghiệp toàn tâm toàn ý vào việc kinh doanh chứ không bị phân tâm cho việc đối phó. Đồng thời, Chính phủ cần có chiến lược cụ thể giúp doanh nghiệp hình thành nên một đội ngũ lao động có trình độ, thích nghi với những thay đổi mới của thế giới.
Để hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp tư nhân da giày hiện nay, tôi nghĩ Chính phủ cần làm tốt hai việc sau:
Thứ nhất, phải có chiến lược đào tạo thật tốt các học sinh ở các cấp tiểu học và trung học, trang bị cho học sinh những kiến thức hiện đại, bổ ích, những kỹ năng thích nghi với sự thay đổi của cuộc sống hơn là chỉ nhồi nhét những bài vỡ phục vụ thi cử. Có như vậy, sau này khi lên đại học hoặc dù không thi đại học mà đi làm ngay thì doanh nghiệp chỉ đào tạo cho các em về nghề nghiệp,tự thân mỗi người đã có khả năng tự thích nghi nhanh.
Các nền kinh tế trong APEC cần có những chính sách, cùng với ngân sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp một phần trong việc tái đào tạo khi có sự thay đổi công nghệ lớn cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp trang bị các cơ sở vật chất nội bộ giúp duy trì sức khỏe và nâng cao kiến thức của người lao động như nhà ở cho người lao động, trung tâm đào tạo, thư viện, nhà trẻ trong doanh nghiệp…
Chính phủ có thể xây dựng các cơ sở giải trí, nhà trẻ, các điểm tập thể dục thể thao, thư viện, các trung tâm ngoại ngữ… tại những khu vực có lao động tập trung như các khu công nghiệp, cụm công nghiệp… với mức thu phí hợp lý để người lao động có được một đời sống vật chất và tinh thần lành mạnh với chi phí chấp nhận được.
Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần chủ động thay đổi cách quản lí, đào tạo nhân lực để vươn lên phát triển, bắt kịp xu thế của thời đại. Đồng thời doanh nghiệp cũng cần xác định rõ vai trò của khoa học công nghệ để vận dụng vào phương thức quản lí, kinh doanh.
Theo ông, đâu là những thách thức đặt ra cho mục tiêu kiến tạo nên một không gian làm việc lành mạnh, có hiệu quả của các doanh nghiệp tư nhân?
Ông Nguyễn Đức Thuấn: Như đã nêu một phần ở trên, thách thức lớn nhất của khu vực tư nhân tại Việt Nam và một số nước đang phát triển trong APEC là vấn đề tài chính để thực hiện các nội dung liên quan đến chủ đề này, đặc biệt khi mà trên 90% doanh nghiệp Việt nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là một bài toán khó nhưng không phải là không có lời giải.
Theo tôi, không nhất thiết từng doanh nghiệp đều cùng bỏ tiền ra để làm giống nhau mà cần có sự hợp tác sao cho hài hòa, cần phân rõ điều gì tự làm riêng, điều gì cần có sự phối hợp. Với những việc cần sự phối hợp thì chính quyền địa phương phải là nhạc trưởng kết nối, đặc biệt là chính quyền các quận, huyện hoặc liên quận huyện, từ đó đưa ra kịch bản về những việc cần làm chung với nhau.
Chính quyền các địa phương không cần phải sử dụng ngân sách, nhưng họ cần phải kết nối được, chủ trì được và tạo điều kiện để doanh nghiệp cùng đầu tư vào các công trình, hạ tầng xã hội. Đồng thời, chính quyền và doanh nghiệp cũng phải tự quản lý được các công trình này, có như vậy, mới tạo nên những cộng đồng người lao động hạnh phúc, được thụ hưởng các tiện ích trong một xã hội tiến bộ.
Nếu làm được như vậy, không chỉ từng địa phương mà cả nước sẽ hình thành nên một môi trường làm việc và sinh sống thật tốt để người lao động yên tâm vào việc cải tiến, nâng cao trình độ, thích nghi với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng từng ngày, từng giờ.
Xin cảm ơn ông!
Thực hiện: Trâm Anh - Anh Minh