Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương cho rằng, khủng hoảng kinh tế lần này nghiêm trọng hơn rất nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đó và tình hình khó khăn sẽ còn rất dai dẳng. Chính vì vậy, nếu các doanh nghiệp không có chiến lược ứng phó kỹ lưỡng và dài hơi, sẽ rất khó để vượt qua.
Là chuyên gia kinh tế từng sống và làm việc tại Mỹ nhiều năm, luôn theo sát những diễn biến của kinh tế toàn cầu, ông đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế thế giới hiện nay?
Ông Trần Sĩ Chương: Thế giới đang đi vào một thời kỳ có tính chất lịch sử với nhiều yếu tố tác động rất mạnh, rất sâu đến bối cảnh hiện tại. Có thể nói đây là một giai đoạn cực kỳ khó khăn, mang tính bước ngoặt với kinh tế thế giới và Việt Nam.
Nếu như các đợt khủng hoảng kinh tế trước đó chỉ chịu tác động của một yếu tố, thì ở khủng hoảng lần này, rất nhiều yếu tố đang tác động cùng lúc. Chính điều này đã khiến khó khăn ngày càng trầm trọng và cần thời gian rất dài để điều chỉnh lại.
Bên cạnh đó, thế giới cũng đang đi qua một khúc quanh lịch sử có khả năng xác lập lại một trật tự mới, với một sân chơi mới, một hệ thống luật chơi mới cùng các nhân vật chính điều hành.
Theo ông, bản chất của cuộc suy thoái kinh tế lần này là gì? Cuộc khủng hoảng hiện nay khác gì so với các đợt khủng hoảng trước đó?
Ông Trần Sĩ Chương: Điều gì đang tác động đến kinh tế thế giới?
Thứ nhất đó là nguy cơ “sụp đổ” của xu hướng toàn cầu hoá.
Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, cùng với sự lên ngôi của mình, Mỹ đã phát động phong trào “toàn cầu hoá’, “thế giới đại đồng”, cùng nhau làm việc trong sân chơi chung, cùng phát triển.
Tham vọng của phong trào này là mỗi quốc gia tận dụng lợi thế sẵn có của mình để sản xuất những mặt hàng với giá thành thấp nhất cho nguồn cung, chuỗi cung ứng toàn cầu, trong một cơ chế hợp nhất thuận lợi nhất, có lợi cho các bên.
Không thể phủ nhận rằng, dưới sự lãnh đạo của Mỹ trong 30 năm qua, kinh tế thế giới đã có bước phát triển vượt bậc. Đây thực sự là thời kỳ hoàng kim của kinh tế thế giới. Chưa bao giờ, nền kinh tế thế giới tạo ra được sản lượng lớn, nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết nghèo đói nhanh như những thập niên qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, sự thành công của toàn cầu hoá cũng tiềm ẩn những rủi ro rất lớn.
Bên cạnh vai trò của Mỹ, trong suốt 30 năm qua, vị thế của Trung Quốc đã dần được khẳng định. Với lợi thế về vị trí, địa chính trị, dân số..., Trung Quốc đã trở thành công xưởng của thế giới, nơi sản xuất của mọi loại mặt hàng với mức giá “rẻ bất ngờ”, giúp người dân và chính phủ các nước tiết kiệm được nhiều hơn, kinh tế phát triển tốt hơn.
Song, mặt trái của điều này là hầu như người dân và chính phủ các nước đều tiêu xài nhiều hơn, “vung tay quá trán” khi in tiền thỏa sức.
Đơn cử như tại Mỹ, trong nhiều thập niên, Chính phủ đã “in” hơn 30.000 tỷ USD trên mức cân đối cung cầu tiền tệ hợp lý, nhằm chi trả cho những cuộc chiến tốn kém. Chính phủ nhiều năm nhập siêu đã phải vay mượn qua nhiều hình thức khác nhau, thâm hụt ngân sách nội địa triền miên... Trong gần ba năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, chính quyền cũng đã hào phóng chi vài ngàn tỷ đô trợ cấp cho người dân Mỹ.
Khi kinh tế phát triển tốt, các quốc gia đều "lấp liếm" được điều này, tuy nhiên tới một mức nào đó khi thu nhập khựng lại, các quốc gia không vay nợ được thêm, lãi của nợ cũ đè nặng, những tác động tiêu cực nên nền kinh tế mới được bộc lộ rõ nét.
Dấu hiệu của lạm phát toàn cầu - hệ quả của việc cung tiền quá nhiều đã xuất hiện từ 2017 - 2018. Ngay từ thời điểm này, kinh tế thế giới đã bắt đầu đi vào chu kỳ suy thoái 10 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2007 - 2008 do cung tiền ở mức kỷ lục.
Nếu chỉ có lạm phát và chu kỳ kinh tế đi xuống đã là vấn đề rất khó xử lý, tuy nhiên, tình hình còn nghiêm trọng và ngày càng nặng nề hơn nhiều do dịch bệnh Covid-19 ập đến.
Đây chính là yếu tố thứ hai tác động mạnh mẽ đến bối cảnh kinh tế hiện nay và càng làm bộc lộ rõ những rủi ro của toàn cầu hoá mà Mỹ đã khởi xướng trong 30 năm qua.
Với sự xuất hiện của đại dịch và việc “ngăn sông cấm chợ”, cả thế giới như “tỉnh giấc”. Chuỗi cung ứng toàn cầu từ đầu năm 2020 bị gián đoạn hoàn toàn, hoạt động sản xuất ngừng trệ, nguồn cung hàng hóa giảm mạnh so với nhu cầu.
Đến lúc này, các quốc gia mới nhận thấy cái “nguy” của toàn cầu hoá và xây dựng chiến lược lui về cố thủ. Chính phủ Hoa Kỳ cũng tập trung xây dựng lại nội lực kinh tế - xã hội, củng cố vị trí là một siêu cường quốc với năng lực quân sự, kinh tế - xã hội và công nghệ cao số 1 thế giới.
Tuy nhiên, việc các nước tự chủ sản xuất đã dẫn đến hạn chế là năng suất lao động giảm, sản xuất không chuyên môn hoá, giá thành tăng cao. Đây là bài toán lớn mà các quốc gia đang phải đối mặt.
Hệ lụy của dịch bệnh Covid-19 sẽ còn dai dẳng với những biến chủng bất ngờ, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
Thế nhưng, không chỉ có vậy, năm 2021, khi kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục, thì chiến tranh Nga - Ukraina lại nổ ra. Đây chính là yếu tố thứ ba khiến bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng nghiêm trọng như hiện nay.
Cuộc chiến này là “giọt nước tràn ly” của sự tranh chấp giữa các cường quốc, làm đảo lộn trật tự thế giới, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch từ trật tự thế giới cũ sang mới.
Chỉ trong 8 tháng (từ tháng 2 - tháng 10/2022), cuộc chiến này đã gây thiệt hại hơn 4.000 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu. Con số này mới chỉ là những thiệt hại trực tiếp có thể định lượng được, chưa kể đến những thiệt hại gián tiếp có ảnh hưởng lâu dài.
Đáng chú ý hơn, đây chính là mốc lịch sử, đe doạ phong trào kinh tế “toàn cầu hóa” trong nhiều năm qua.
Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, Hoa Kỳ lên ngôi siêu cường độc tôn không đối thủ. Những năm đầu thập niên 90 này, kinh tế Trung Quốc chỉ mới bằng 1/25 của Mỹ. Tuy nhiên, chính Mỹ đã hoàn thiện cơ chế toàn cầu hoá tạo điều kiện cho Trung Quốc trở thành một công xưởng của thế giới, một siêu cường kinh tế. Sau 30 năm ẩn dật, tập trung làm ăn, nương theo Mỹ, hiện nay Trung Quốc đã giàu có.
Dự báo chỉ 5 năm nữa, GDP Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Chính vì vậy, quốc gia này muốn có một thế độc lập không lệ thuộc vào cơ chế do Mỹ sắp đặt và không hoàn toàn lệ thuộc vào đồng đô la.
Trật tự thế giới mới đang được sắp xếp lại, trở thành đa cực với 2 siêu cường Mỹ, Trung Quốc và một số nước có khả năng gây rối/đặt điều kiện, nhưng không đủ khả năng áp đảo. Châu Âu cũng bắt đầu có những hành động chứng tỏ sự độc lập với Mỹ. Kinh tế đa cực sẽ cấu thành những khối chính trị, kinh tế, liên minh quân sự, làm hiệu suất kinh tế nói chung bị giảm, giá thành sản phẩm tăng.
Theo ông, kinh tế thế giới sẽ đi về đâu trong thời gian tới? Việt Nam sẽ ở đâu trong thế giới đa cực mới?
Ông Trần Sĩ Chương: Thế giới sẽ phải sống với cuộc khủng hoảng này trong một thời gian dài. Sự trầm trọng của suy thoái lần này không chỉ từ chu kỳ kinh tế toàn cầu mà còn từ những tranh chấp địa chính trị phức tạp có tính lịch sử, định hình lại mô hình chính trị, kinh doanh, thương mại toàn cầu - từ sân chơi, luật chơi đến quan hệ giữa các bạn hàng.
Những gì đang xảy ra nghiêm trọng gấp nhiều lần so với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1997 - 1999 bắt đầu từ sự mất giá của đồng bath Thái, hay khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2007 - 2008.
Đây là một cuộc khủng hoảng với hàng chục biến số chưa có cách giải và chưa ai có khả năng thấy được “đáy” của khủng hoảng chứ đừng nói đến việc dự đoán khi nào sẽ ra khỏi “đáy”.
Tình hình khó khăn vì vậy sẽ còn dai dẳng, cả chục năm chưa chắc đã kết thúc để trở lại bình thường mới. Thậm chí, sau đó, hệ quả mà nó để lại cũng sẽ vô cùng nặng nề, khó khắc phục. Tất cả những vấn đề này đã và đang tác động mạnh và sâu sắc đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế Việt Nam.
Trong vòng xoáy đó, kinh tế Việt Nam mới đang bắt đầu đi vào 'vòng ngoài' của cơn bão, chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Đầu năm 2023, khi tăng trưởng kinh tế ở mức thấp, nhiều ý kiến chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước đã kỳ vọng rất lớn vào bức tranh tăng trưởng của quý II và các quý tiếp theo sẽ “cứu” mục tiêu tăng trưởng của cả năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình hình khó khăn đang ngày càng nghiêm trọng hơn trong quý II.
Nếu như một chu kỳ kinh tế bình thường, thông thường sẽ mất 10 - 15 năm để nền kinh tế “đụng đáy” và bắt đầu đi lên theo hình chữ V, nhưng với bối cảnh hiện nay, nhiều khả năng kinh tế sau xuống đáy sẽ đi ngang rất lâu, rất sâu mới có thể hồi phục.
Ông đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế Việt Nam hiện tại?
Ông Trần Sĩ Chương: Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nội lực kinh tế trong nước, từ cơ sở hạ tầng, môi trường làm ăn, độ minh bạch, an toàn đầu tư, vẫn còn chưa đủ mạnh để ổn định, duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm có giá trị gia tăng cao, giúp vượt qua khó khăn.
Mức độ giải ngân đầu tư công, đầu tư nước ngoài, trong nước đều chậm. Cả một thời gian dài, nguồn lực trong nước đã tập trung quá nhiều vào bất động sản, đặc biệt vào phân khúc giá cao, vốn là lĩnh vực kinh doanh có hiệu quả đầu tư dài lâu rất thấp cho xã hội. Đây là hiện tượng “ăn nhiều nhưng không ăn đúng thứ” làm cho nền kinh tế béo phì mà lại không khoẻ, khó chống đỡ khi rơi vào suy thoái.
Vậy với bối cảnh hiện tại, theo ông doanh nghiệp Việt nên định vị, định hướng cho mình như thế nào để có một chiến lược ứng phó xuyên suốt, củng cố nội lực, vượt khó và phát triển bền vững?
Ông Trần Sĩ Chương: Trước hết, các doanh nghiệp trong nước cần phải ý thức rõ, cuộc khủng hoảng kinh tế lần này là rất nghiêm trọng.
Khi thu nhập giảm, doanh nghiệp cần áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi phí tối đa, cắt giảm các chi phí không cần thiết, thu hẹp quy mô hoạt động.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần cơ cấu lại tài sản, lĩnh vực hoạt động. Những danh mục đầu tư trung - dài hạn đang ngốn nhiều tiền mà không có thu nhập, tài sản đầu tư chưa sinh lời ngay cần được thanh lý, chỉ giữ lại những tài sản, lĩnh vực kinh doanh đang làm ra tiền.
Trong thời kỳ khủng hoảng, tiền mặt là vua, doanh nghiệp phải tăng tính thanh khoản của tài sản hiện có nhằm gia tăng sức chịu đựng cho doanh nghiệp.
Thứ hai, doanh nghiệp cần nắm bắt các thông tin vi mô, vĩ mô của thế giới và trong nước liên quan đến ngành nghề, công việc của mình. Trong trật tự thế giới mới đang hình thành, sẽ có các quan hệ và làm ăn mới, do đó, doanh nghiệp cần liên tục đánh giá thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của mình. Câu hỏi đặt ra là nếu cố gắng trụ lại trong cuộc chơi, khi kinh tế hồi phục, lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp còn có còn chỗ đứng trong tương lai hay không?
Thế giới hiện đang thay đổi rất nhanh các xu hướng của sản xuất, hàng hoá nhờ yếu tố công nghệ. Chính vì vậy, nếu không còn chứng minh được lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp nên sớm buông bỏ, thanh lý tài sản, thay vì đợi thị trường xuống đáy sâu hơn nữa.
Để càng lâu, doanh nghiệp chịu thiệt hại càng lớn. Trong khi đó, nếu thanh lý tài sản sớm, doanh nghiệp sẽ có thể bảo tồn lực lượng và có thời gian chuẩn bị cho những kế hoạch kinh doanh mới phù hợp hơn với thị trường trong tương lai.
Song song với đó, về phía nhà nước, theo ông, Chính phủ cần làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng?
Ông Trần Sĩ Chương: Trong giai đoạn này, Chính phủ cần gấp rút cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, minh bạch hơn, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.
Trong số gần 100 công ty quốc tế lớn mới đây muốn rời bỏ Trung Quốc đến quốc gia khác, chỉ 15 công ty có chất lượng giá trị gia tăng thấp nhất chọn đến Việt Nam.
Điều này cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nặng về thủ tục hành chính, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh đó, hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực giảm lãi suất cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này giống như con dao hai lưỡi. Nếu chu kỳ kinh tế thông thường trong vòng 2 năm, điều này không đáng ngại, nhưng với bối cảnh hiện nay, không biết khi nào thoát khỏi khủng hoảng, việc giảm lãi suất không chỉ không giải quyết vấn đề gì cả mà còn đặt gánh nặng cho nhà nước, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính.
Mặt khác, nhà nước cũng giống như một doanh nghiệp, khi kinh tế khó khăn, nguồn thu giảm, vậy lấy đâu ra nguồn chi? Doanh nghiệp cần hiểu để chia sẻ với Chính phủ.
Do đó, việc cần làm nhất của Chính phủ hiện nay là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Khi luật chơi thông thoáng, các huyệt đạo được lưu thông, nền kinh tế sẽ tự nhiên khoẻ mạnh.
Đơn cử như với thị trường bất động sản, rõ ràng không thể giải cứu bằng cách bơm tiền mà phải sửa đổi hệ thống pháp luật liên quan để “bàn tay vô hình” của thị trường tự vận hành, điều chỉnh.
Yếu tố thứ hai, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội đổi đời trong “thế giới mới”. Theo đó, “chiến lược ngoại giao cây tre” - với gốc vững, thân chắc nhưng cành linh hoạt, có thể làm bạn với tất cả mọi người đã giúp Việt Nam có một lợi thế, một vận hội rất lớn, tạo điều kiện để duy trì quan hệ làm ăn tốt với mọi bên trong thời gian tới.
Có thể liên tưởng đến Dubai (UAE), ở bề nổi ai cũng biết vùng đất này phát triển bởi các trung tâm tài chính, công nghệ, du lịch, cảng biển, bất động sản… Nhưng sự thật là, vì Dubai ở sát cạnh Iran (đang bị thế giới cô lập nhiều năm) nên Dubai tận dụng điều này để làm giàu thông qua nhập/xuất hàng hóa qua lại giữa Iran và thế giới.
Tương tự, Việt Nam có một lợi thế và hiếm có khi ở sát ngay một nước lớn như Trung Quốc với thị trường, cơ hội đầu tư và buôn bán lớn, và họ cũng cần Việt Nam vì Việt Nam có vị trí chiến lược mà Trung Quốc không thể sống thiếu. Vì vậy, chúng ta cần tận dụng tối đa và thông minh hơn nữa trong thị trường thương mại, đầu tư với Trung Quốc và Nga.
Tóm lại, bên cạnh những khó khăn thách thức rất lớn, kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước một vận hội mà trong lịch sử chưa bao giờ có mà nếu khéo léo, biết nắm bắt, Việt Nam sẽ có thể bứt tốc mạnh mẽ trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!
(*) Ông Trần Sĩ Chương từng là chuyên viên cố vấn kinh tế và tiền tệ tại Quốc hội Mỹ, từng thành lập và điều hành nhiều doanh nghiệp tại Mỹ và Việt Nam.
Tác giả: Thu Phương
Xuất bản: 6/9/2023