Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân. Mặc dù vậy, vẫn tồn tại nhiều vấn đề dinh dưỡng, khi Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các quốc gia có chiều cao trung bình thấp, đứng thứ 15 từ dưới lên trong số 201 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tại hội thảo quốc tế dinh dưỡng người Việt gần đây, các chuyên gia trong và ngoài nước đã “hiến kế”, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người Việt cải thiện tầm vóc. Trong đó, hầu hết đều nhìn nhận, chìa khóa của vấn đề nằm ở việc cải thiện dinh dưỡng trong trường học.
Thạc sĩ Josselyn Neukom, chuyên gia dinh dưỡng cộng đồng từ tổ chức SwipeRx đã đưa ra góc nhìn của hệ thống giáo dục tại Mỹ.
Bà Josselyn Neukom cho biết, Chính phủ Mỹ coi trường học là môi trường lý tưởng để khuyến khích trẻ em duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, vì đây là nơi các em dành phần lớn thời gian hàng ngày.
Chính vì vậy, Chính phủ Mỹ đã đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về dinh dưỡng, tập trung vào việc giảm thiểu lượng đường, muối và chất béo; chú trọng bổ sung rau củ, ngũ cốc và sữa tươi trong các bữa ăn học đường. Thậm chí cả đồ ăn vặt bán ở căng tin trong trường cũng phải tuân thủ các quy định dinh dưỡng nghiêm ngặt.
Bên cạnh việc cải thiện bữa ăn, chương trình dinh dưỡng học đường tại Mỹ còn bao gồm việc giáo dục dinh dưỡng được tích hợp vào chương trình học chính khóa, giúp trẻ nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe.
Một chương trình dinh dưỡng học đường đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu là sự kết hợp tổng hòa giữa nhiều bên. Đó là chính sách và nguồn lực từ Chính phủ, trường học, sự hợp tác của quản lý nhà trường, chương trình giảng dạy, môi trường xã hội và cả dịch vụ y tế…
Thông qua bữa ăn trong trường và những kiến thức dinh dưỡng được giảng dạy, trẻ em được tiếp cận với những thực phẩm lành mạnh, nhiều chất dinh dưỡng và dần hình thành thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe.
“Chúng tôi sử dụng phương pháp tiếp cận hệ thống để nâng cao dinh dưỡng học đường. Phương pháp tiếp cận hệ thống đảm bảo các chính sách, cơ chế và nguồn lực cho sức khỏe và tinh thần được thúc đẩy một cách bền vững trong tất cả các khía cạnh của đời sống học đường. Điều này bao gồm sự hợp tác giữa các lĩnh vực, quy trình tham gia, mô hình lãnh đạo phân quyền, nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá một cách hiệu quả”, bà Josselyn Neukom chia sẻ.
GS. Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản thì chia sẻ, Nhật Bản thậm chí có những bước đi mạnh mẽ hơn khi đưa các tiêu chuẩn cao về dinh dưỡng học đường quy định vào trong Luật.
Ngay từ sau thế chiến II, khi nước Nhật vẫn còn đối mặt với khó khăn kinh tế và thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng, Chính phủ Nhật vẫn ưu tiên cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em.
Trong đó, hướng đi quan trọng được Chính phủ Nhật Bản triển khai mạnh mẽ là chương trình bữa ăn học đường. Bữa trưa học đường tại Nhật Bản đã trở thành một nền tảng để giáo dục toàn diện về dinh dưỡng và chế độ ăn uống.
Bữa trưa học đường không chỉ là một bữa ăn, mà còn là cơ hội để trẻ em khám phá và học hỏi về nhiều lĩnh vực như dinh dưỡng, sức khỏe, nông nghiệp, thủy sản, lao động, chế biến thực phẩm, nấu ăn, vệ sinh thực phẩm, mối quan hệ giữa con người, môi trường và văn hóa ẩm thực một cách toàn diện.
Những thống kê từ Nhật Bản cũng cho thấy, việc giáo dục dinh dưỡng cho trẻ thông qua bữa trưa học đường đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những tác động tích cực lâu dài đến sức khỏe con người.
Đến năm 1954, Nhật Bản tiến thêm một bước nữa khi ban hành Luật Bữa trưa học đường. Đến năm 2005, chính phủ Nhật Bản đã ban hành "Luật cơ bản về Giáo dục thực phẩm và Dinh dưỡng (Shokuiku Basic Act).
“Có thể thấy Luật về dinh dưỡng học đường ở Nhật Bản đã ra đời từ sớm và có sự thay đổi theo từng giai đoạn, để phù hợp với tình hình thực tế về tình trạng dinh dưỡng, kinh tế và xã hội”, giáo sư Nakamura chia sẻ.
Luật vừa chuẩn hóa bữa ăn học đường vừa chú trọng phát triển giáo dục dinh dưỡng. Đến nay, 99% các trường tiểu học và 91,5% các trường trung học cơ sở tại Nhật đã áp dụng chương trình này.
Kết quả triển khai rất tích cực khi tình trạng suy dinh dưỡng giảm đáng kể, thanh niên Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ về thể chất và trí tuệ, với tầm vóc, chiều cao trung bình tăng trưởng vượt bậc.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, công bố vào năm 2023, chiều cao trung bình của người Nhật đạt 1m72 ở nam giới và 1m58 ở nữ giới. Con số này vượt trội so với mức chỉ 1m50 ở nam giới và 1m49 ở nữ giới cách đây 50 năm. Hiện tại, chiều cao trung bình của người Nhật cũng đứng hàng đầu thế giới.
Nhật Bản là một ví dụ điển hình về cách một quốc gia có thể sử dụng dinh dưỡng, được quy định bởi một “hành lang pháp lý” chuẩn mực, như một công cụ mạnh mẽ để cải thiện sức khỏe, tầm vóc, chất lượng sống của thế hệ trẻ.
Trong đó, dinh dưỡng học đường không chỉ là một giải pháp cải thiện sức khỏe học sinh, mà còn là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội khỏe mạnh và phát triển bền vững.
PGS.TS Nguyễn Phương Mai, người đang công tác tại Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan cũng đánh giá rất cao vai trò của bữa ăn học đường.
Theo bà Mai, lợi ích của bữa ăn học đường với trẻ em là rất rõ ràng.
“Học sinh thường dành phần lớn thời gian sinh hoạt và học tập tại trường. Điều này khiến trường học trở thành một môi trường lý tưởng để giải quyết những vấn đề sức khỏe đại chúng ở quy mô lớn. Một bữa ăn học đường cân bằng sẽ cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu nhằm hỗ trợ sự phát triển thể chất, hiệu suất học tập và ổn định tâm lý”, bà Mai chia sẻ.
Hiện nay, ngày càng có nhiều quốc gia cung cấp bữa trưa miễn phí, thực hiện các chính sách đảm bảo không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau và tạo cơ hội công bằng cho tất cả học sinh.
Tại Việt Nam, những bữa ăn ở trường mẫu giáo, tiểu học và các trường bán trú đã xuất hiện từ rất lâu tại Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay, hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập. Hầu hết các trường đều không có chuyên gia dinh dưỡng và thường sử dụng các công ty dịch vụ bên ngoài.
Điều này dẫn tới sự khó khăn để đảm bảo cho các em học sinh một bữa ăn đủ dinh dưỡng, ngon miệng, đa dạng, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, có giá thành phù hợp với điều kiện kinh tế và văn hóa của từng địa phương.
Ở cấp vĩ mô, đó là một khoảng trống pháp luật, góp phần tạo ra khó khăn trong việc hướng dẫn các chính sách và tiêu chuẩn hóa chất lượng bữa ăn học đường.
Đến nay, các quy định, nghị định và hướng dẫn đã có rải rác trong một số văn bản, nhưng chưa được tập hợp lại và luật hóa một cách có hệ thống, cũng như chưa được áp dụng thống nhất cho các doanh nghiệp cung cấp bữa ăn học đường.
Đồng quan điểm với các chuyên gia nước ngoài khác, bà Mai nhìn nhận một bộ Luật về dinh dưỡng học đường cần được nghiêm túc cân nhắc bởi đó chính là khoản đầu tư cho tương lai của đất nước.
Thứ nhất, bữa ăn học đường là biện pháp hiệu quả trong các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ trẻ bị thiệt thòi và thu hẹp bất bình đẳng xã hội.
Thứ hai, một chương trình dinh dưỡng học đường sẽ có lợi cho tất cả học sinh chứ không chỉ học sinh nghèo, nâng cao hiệu quả học tập, giúp xây dựng nguồn lực trí tuệ của quốc gia trong tương lai gần.
Cuối cùng, cần nhắc lại lại chế độ ăn uống những năm niên thiếu có tính dai dẳng, đi cùng trẻ từ tuổi thơ và tạo tiền đề cho thói quen ăn uống trong cả đời.
“Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của một bộ luật dinh dưỡng học đường. Với những can thiệp dinh dưỡng phù hợp, những lợi ích gặt hái được có thể tiết kiệm cho đất nước một khoản ngân sách khổng lồ vốn sẽ bị chi tiêu cho các vấn đề sức khỏe toàn dân và những tổn thất không thể đo đếm về suy giảm năng suất lao động”, chuyên gia của đại học Amsterdam, Hà Lan chia sẻ.
Trong khi các quốc gia trên thế giới đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện dinh dưỡng cho trẻ nhỏ thì tại Việt Nam, vấn đề này vẫn còn nan giải.
Theo số liệu điều tra toàn quốc năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt nam là 18,2%. Bên cạnh đó, có sự gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở tất cả các đối tượng, trong đó phải kể đến là thừa cân, béo phì ở trẻ 5-19 tuổi gia tăng từ 8,5% năm 2010 lên đến 19% vào năm 2020, nghĩa là tăng hơn gấp đôi chỉ sau 10 năm.
Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, với những mục tiêu cụ thể nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho toàn dân, đặc biệt là nhóm trẻ em và thanh thiếu niên tuổi học đường.
Những giải pháp tập trung cải thiện bữa ăn học đường đã được đưa ra. Có thể kể đến Mô hình điểm Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì.
Can thiệp chính của Mô hình điểm là 400 thực đơn bữa ăn học đường đa dạng, cân đối, giàu vi chất dinh dưỡng, bữa phụ chiều sử dụng 1 ly sữa tươi để cải thiện khẩu phần canxi, kết hợp giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất, giúp học sinh tăng cường sức khỏe và phát triển thể lực.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, Mô hình điểm đã có hiệu quả tích cực đối với sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ, đồng thời góp phần nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường thể lực cho cả ba đối tượng: học sinh, nhà trường và phụ huynh.
Mặc dù vậy, tương tự như các chuyên gia nước ngoài đã chia sẻ, để hướng tới những mục tiêu xa hơn như có thể cải thiện chiều cao cho cả một dân tộc, những bước đi mạnh mẽ hơn về luật pháp là cần thiết.
Tại Hội thảo Quốc tế Dinh dưỡng người Việt (lần 2) do Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) và Hội Dinh dưỡng Nhật Bản tổ chức tại Hà Nội giữa tháng 10 vừa qua, nhiều chuyên gia đã khuyến nghị, nên luật hóa/chính sách hóa “Luật dinh dưỡng học đường”.
“Việc Luật hóa dinh dưỡng học đường tại nước ta là vấn đề cấp thiết, để có giải pháp bền vững và đồng bộ”, GS.TS.BS. Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội dinh dưỡng Việt Nam chia sẻ.
PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cũng bày tỏ quan điểm: “Cần xây dựng các chính sách dinh dưỡng học đường tập trung nội dung: cơ sở vật chất, nhân lực, đào tạo; tiêu chuẩn bữa ăn học đường; giáo dục dinh dưỡng trong trường học; vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát cung ứng thực phẩm và suất ăn trường học, giáo dục thể chất; môi trường thực phẩm, tiếp thị quảng cáo thực phẩm; theo dõi sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng cho trẻ học đường”.
Sự xuất hiện của Luật sẽ giúp chuẩn hóa bữa ăn cho học sinh, chuẩn hóa quy trình chế biến, tăng cường nhận thức dinh dưỡng lành mạnh để giúp cho trẻ phát triển toàn diện, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng sau này.
Mặt khác, Luật cũng là căn cứ để quy định cho những người làm công tác dinh dưỡng học đường phải được đào tạo bài bản; đưa kiến thức dinh dưỡng vào các bài học chính khóa cho học sinh; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh.
Bên cạnh đó, việc ban hành hệ thống văn bản quy phạm đồng bộ sẽ tạo điều kiện, môi trường để có chuỗi cung ứng thực phẩm lành mạnh, thúc đẩy cung ứng và sản xuất thực phẩm an toàn cho các bữa ăn học đường.
“Đầu tư phát triển thể lực và trí lực là đầu tư phát triển bền vững mang tính chiến lược quốc gia” – đó cũng là niềm “đau đáu” của không ít những doanh nghiệp có tâm trong lĩnh vực thực phẩm, dinh dưỡng và giáo dục.
Tại hội nghị Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp lớn ngày 21/9, khi được mời “hiến kế” cho Chính phủ, Anh hùng Lao động Thái Hương, nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH đã đề xuất với Thủ tướng xây dựng một bộ luật riêng tên là Luật Dinh dưỡng học đường.
“Hiện nay, vẫn tồn tại tình trạng chạy theo lợi nhuận, bất chấp tất cả để đưa thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn vào các trường học. Các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học đã có nhưng do khâu giám sát không chặt chẽ đã dẫn tới nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển thể chất của con trẻ”, nữ doanh nhân Thái Hương lo lắng.
Người đại diện Tập đoàn TH tin rằng chỉ khi Luật Dinh dưỡng học đường ra đời mới có thể kiểm soát hiệu quả vấn đề an toàn thực phẩm và bảo đảm dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em, góp phần dự phòng và giảm thiểu các bệnh mãn tính không lây. Thực tế tại nhiều quốc gia cho thấy việc luật hóa các tiêu chuẩn dinh dưỡng học đường mang lại lợi ích lớn cho quốc gia.
Nội dung cần xây dựng một cách bài bản, cẩn thận, chỉn chu dựa trên những căn cứ khoa học và thực tiễn chẳng hạn như các mô hình điểm đã có kết quả thực nghiệm trong đó có “Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên”, đồng thời tham khảo kinh nghiệm các nước đã thành công trên thế giới về lĩnh vực này.
Ngoài hành lang pháp lý, lãnh đạo tập đoàn TH cũng cho rằng các nhà kinh doanh thực phẩm phải xem sứ mệnh nâng cao tầm vóc của dân tộc là của mình, cùng gánh vác trọng trách cải thiện dinh dưỡng người Việt.
“Tôi mong muốn truyền cảm hứng để mọi người thúc đẩy sự ra đời của những hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường. Tôi sẽ kiên định và bền bỉ với hành trình này. Tôi có khát vọng là làm một nhà sản xuất thực phẩm tử tế trước hết cho chính người dân Việt Nam rồi mới ra quốc tế”, bà Thái Hương chia sẻ.