Hiện diện tại Việt Nam từ năm 1960 thông qua các đại lý phân phối, và chính thức đăng ký thành lập cơ sở kinh doanh đầu tiên từ năm 1996, Bühler là cái tên quen thuộc trong lĩnh vực cung ứng giải pháp, thiết bị công nghệ chế biến thực phẩm, nông sản sau thu hoạch (gạo, cà phê, các loại hạt, sô-cô-la và bánh kẹo) và sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Các giải pháp của Tập đoàn Bühler luôn hướng đến mục tiêu tinh gọn sản xuất, nâng cao năng suất, qua đó giúp vừa giảm chi phí, vừa bền vững hóa chuỗi sản xuất của khách hàng doanh nghiệp
Cũng trên tinh thần đó, Bühler tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành vật liệu công nghệ cao tại Việt Nam, với những máy móc, thiết bị hỗ trợ hiệu quả cho chuỗi sản xuất xe điện. Với thế mạnh về công nghệ, Tập đoàn Bühler tin tưởng sẽ tạo ra trợ lực mạnh mẽ giúp các doanh nghiệp Việt và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nền kinh tế Việt tham gia tích cực vào ngành sản xuất xe điện – tương lai của giao thông xanh toàn cầu.
Những kỳ vọng đó được ông Asif Abbas, Giám đốc điều hành Bühler Việt Nam, chia sẻ trong câu chuyện với TheLEADER.
Được biết, Bühler đã có hàng chục năm hiện diện tại Việt Nam. Công ty đánh giá thế nào về tiềm năng thị trường, nền kinh tế cũng như môi trường kinh doanh của Việt Nam?
Ông Asif Abbas: Việt Nam sở hữu tiềm năng to lớn, xứng tầm vị thế một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Đà tăng trưởng GDP nhanh chóng hồi phục sau đại dịch Covid-19 chứng tỏ sức chống chịu mạnh mẽ của thị trường và nền kinh tế.
Việt Nam cũng sở hữu nhiều ưu điểm thu hút nhà đầu tư quốc tế, chẳng hạn như vị trí địa lý thuận lợi, có sự kết nối tốt với các nước trong khu vực châu Á cũng như giao thương thuận lợi với thế giới; lực lượng lao động trẻ, có tay nghề cao, tình hình chính trị ổn định cùng sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ đối với các nhà đầu tư.
Việt Nam cũng đang đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa với sự hình thành và phát triển của một số ngành công nghiệp yêu cầu trình độ khoa học kỹ thuật cao.
Tất cả những yếu tố đó tạo ra một thị trường hấp dẫn, đầy tiềm năng không chỉ cho Tập đoàn Bühler mà còn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác đồng hành lâu dài.
Bühler hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng máy móc công nghệ cho nông nghiệp, một ngành mà Việt Nam vốn có nhiều thế mạnh. Tại sao quyết định tiếp theo của Bühler lại là vật liệu công nghệ cao phụ trợ cho sản xuất xe điện, ngành công nghiệp mới và rất non trẻ?
Ông Asif Abbas: Ngành vật liệu công nghệ cao là một trong ba mũi nhọn của Tập đoàn Bühler. Trên thực tế, chúng tôi đã cung cấp giải pháp vật liệu công nghệ cao cho một số tập đoàn FDI tại Việt Nam trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, Bühler nổi tiếng tại Việt Nam với mảng chế biến lương thực thực phẩm nhiều hơn vì nền nông nghiệp của Việt Nam thật sự mạnh và chúng tôi có nhiều giải pháp, nhiều khách hàng hơn.
Hòa mình vào tốc độ công nghiệp hóa mạnh mẽ của thị trường Việt Nam, chúng tôi quyết định đẩy mạnh ngành vật liệu công nghệ cao, đặc biệt cho ứng dụng xe điện do nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng cao tại Việt Nam cũng như phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn.
Cụ thể, một số giải pháp công nghệ đã và đang được chúng tôi đẩy mạnh tại thị trường Việt Nam bao gồm công nghệ đúc áp lực cao giúp sản xuất ra vỏ pin, vỏ động cơ và các thành phần cấu trúc khác trong xe ô tô với mức chi phí cạnh tranh, giảm phát thải carbon; giải pháp nghiền và phân tán ứng dụng trong sản xuất pin, sơn phủ xe và công nghệ tráng phủ ứng dụng cho kính xe, cảm biến, đèn, camera, bán dẫn và tụ điện.
Động thái chiến lược của Bühler là dùng chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm của mình trong lĩnh vực vật liệu công nghệ cao để thúc đẩy ngành sản xuất xe điện không chỉ Việt Nam và còn cả toàn thế giới, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong phương tiện giao thông.
Ngành xe điện ở Việt Nam có tiềm năng cụ thể ra sao, thưa ông?
Ông Asif Abbas: Ngành xe điện của Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh mẽ do quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề môi trường ngày càng tăng và những ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ của Chính phủ nhằm phát triển xe điện cũng như những lĩnh vực xanh khác.
Tất cả những điều đó là động lực cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo, sản sinh ra những tiến bộ về công nghệ. Đây là nền tảng cho sự phát triển về dài hạn của xe điện và sản xuất xe điện tại Việt Nam.
Bühler đánh giá sao về cam kết và nỗ lực của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, phát thải ròng bằng 0 cũng như những chính sách khuyến khích phát triển khoa học công nghệ?
Ông Asif Abbas: Việt Nam đã đưa ra cam kết quốc tế đầy mạnh mẽ về việc đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, theo sau đó là Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu.
Chúng tôi ghi nhận nỗ lực của Việt Nam qua việc thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, các chiến dịch nâng cao nhận thức của công chúng về phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, giáo dục STEM cũng như thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo.
Những nỗ lực này thể hiện cách tiếp cận toàn diện của Việt Nam về tăng trưởng xanh, phản ánh lập trường vững chắc của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học công nghệ.
Bằng những thế mạnh của mình, Tập đoàn Bühler sẽ tiếp tục cung ứng những giải pháp bền vững giúp giảm tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu, cải thiện chất lượng trong sản xuất lương thực, thực phẩm cũng như phát triển các giải pháp protein thực vật để giảm nhẹ phát thải carbon từ chăn nuôi.
Song song với đó, chúng tôi hỗ trợ các đối tác chuyển dịch sang tự động hóa và ứng dụng số hóa để giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất. Đây là giải pháp vừa giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh, vừa giảm thiểu phát thải và tiết kiệm tài nguyên.
Hoạt động hỗ trợ của Bühler tập trung vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ với chương trình đào tạo, huấn luyện, bên cạnh việc phát triển các thiết bị, máy móc cỡ nhỏ, giá cả phù hợp cho nhóm doanh nghiệp này.
Khi khách hàng sử dụng công nghệ của Bühler, chúng tôi có đội ngũ kỹ sư, chuyên gia tay nghề cao đồng hành hỗ trợ khách hàng lắp đặt, vận hành thử nghiệm đến khi ra được sản phẩm như mong muốn. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể rút ngắn khoảng cách về kinh nghiệm sản xuất so với đối thủ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Các giải pháp về vật liệu công nghệ cao cũng tiếp tục được Bühler đẩy mạnh, tập trung vào không chỉ xe điện mà còn trong sản xuất tụ điện, quang điện, chất bán dẫn.
Với những nỗ lực đó, chúng tôi tin tưởng rằng Tập đoàn Bühler sẽ luôn đồng hành và đóng góp tích cực cho một tương lai phát triển bền vững của Việt Nam.
Những khó khăn, thách thức nào đặt ra trên con đường thực hiện những kỳ vọng của Bühler tại Việt Nam? Công ty kỳ vọng gì vào những chính sách khuyến khích, hỗ trợ?
Ông Asif Abbas: Có thời gian dài hoạt động sản xuất, kinh doanh tại thị trường Việt Nam, Bühler vấp phải một số khó khăn.
Đầu tiên phải kể đến trong lĩnh vực nông nghiệp, các ngành mũi nhọn như lúa gạo, cà phê chưa xây dựng được vị thế vững chắc, giá trị cao và bền vững tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân đến từ canh tác nông nghiệp còn nhỏ lẻ, thô sơ, manh mún và chưa đồng bộ. Đây là trở ngại trong nỗ lực hiện đại hóa chuỗi giá trị nông nghiệp của Bühler tại Việt Nam.
Tiếp đó, nguồn nhân lực tại Việt Nam cũng là một thách thức. Tôi đánh giá cao nguồn lao động trẻ dồi dào với tài năng cao tại Việt Nam nhưng chưa có nhiều lao động đáp ứng được chuyên môn cần thiết để đáp ứng yêu cầu các công nghệ mới của Bühler.
Do đó, bên cạnh tuyển dụng, hoạt động đào tạo cũng được Bühler đẩy mạnh để tạo ra lực lượng lao động kỹ năng, trình độ cao, phục vụ không chỉ cho hoạt động của Bühler mà còn góp phần vào cho sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước.
Cuối cùng, chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam cũng cần được kiện toàn hơn nữa, để tránh xảy ra những trường hợp như nhà đầu tư lớn đến thăm Việt Nam, sau đó lại công bố dự án ở các nước khác trong khu vực.
Chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm chính sách hỗ trợ như giảm thuế, tài trợ, trợ cấp đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ cao, phát triển bền vững, song song với thúc đẩy các hiệp định tự do thương mại.
Phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực thông qua các chương trình liên kết giáo dục, đào tạo nghề cũng là điều cần thiết để khơi thông tiềm lực phát triển bền vững dựa trên công nghệ cao của Việt Nam.
Bên cạnh đó, như những nhà đầu tư nước ngoài khác, Bühler kỳ vọng các chính sách tiếp tục tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, các thủ tục, quy trình được đơn giản hóa. Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam thu hút thêm nhiều nhà đầu tư công nghệ cao từ nước ngoài
Xin cảm ơn ông!
Thực hiện: Phạm Sơn
Thiết kế: Diệu Thảo
Xuất bản: 18/11/2024