![](https://i.ex-cdn.com/theleader.vn/files/content/2025/02/13/cover_doanh-nghiep-viet-trong-ky-nguyen-moi-rong-tai-sinh-1-2208.jpg)
![](https://i.ex-cdn.com/theleader.vn/files/content/2025/02/13/tit-1-2209.jpg)
Vốn chẳng phải là “đứa con đầu lòng”, khu vực kinh tế tư nhân chỉ chính thức được công nhận là một phần của nền kinh tế Việt Nam ngay sau thời kỳ cải cách nổi tiếng (Đổi Mới) vào những năm 1980. Tuy nhiên, khu vực này đã ngay lập tức chứng minh được tiềm năng của mình khi đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm trên 6% và chiếm tỉ trọng hơn 64% toàn bộ nền kinh tế vào thời điểm đó.
Việc ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1990, sau đó là Luật Doanh nghiệp năm 1999, đã tạo ra bệ phóng vững mạnh giúp các công ty Việt Nam bứt phá trong những năm tiếp theo, đồng thời thay đổi hoàn toàn diện mạo của khu vực kinh tế tư nhân.
Cùng với quá trình mở cửa và hội nhập thương mại quốc tế vào đầu những năm 2000, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đã tăng từ khoảng 92.000 vào năm 2004 lên hơn 930.000 doanh nghiệp tính đến nay. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 157.200 doanh nghiệp đăng ký mới, trong đó những thành phố năng động như Hà Nội và TP.HCM chiếm số lượng nhiều nhất.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cho thấy sự phát triển vượt bậc về chất lượng, tính đa dạng và phức tạp. Từ những ngành nghề truyền thống có giá trị gia tăng thấp và thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thủy sản, chế biến thực phẩm, dần dần, các doanh nghiệp trong nước đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với công nghệ cao hơn và ứng dụng kỹ thuật số, như điện tử, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và truyền thông, và tất nhiên, trong hiện tại và tương lai còn có cả trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn, trung tâm dữ liệu.
Sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của các doanh nghiệp Việt đã góp phần thúc đẩy sự phát triển ấn tượng của nền kinh tế nước nhà trong những thập kỷ gần đây. Quy mô GDP của Việt Nam xếp thứ 33 trên thế giới vào năm ngoái và dự kiến đạt 500 tỷ USD trong năm nay, theo thông tin từ Chính phủ. Vào tháng 9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm 45% GDP, 40% tổng vốn đầu tư xã hội và hỗ trợ tạo ra 85% việc làm trong xã hội, đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế Việt Nam.
![](https://i.ex-cdn.com/theleader.vn/files/content/2025/02/13/tit-2-2211.jpg)
40 năm kể từ thời kỳ Đổi Mới, ngày càng nhiều thương hiệu Việt Nam đang khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu. Một trong những câu chuyện thành công tiêu biểu là Vĩnh Hoàn, một doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản được thành lập năm 1997 tại Đồng Tháp.
Từ một cơ sở chế biến cá nhỏ, công ty đã tận dụng lợi thế tự nhiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng chiến lược đổi mới sáng tạo để thực hiện những bước tiến mạnh mẽ trên con đường trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến cá tra đông lạnh. Năm 2024, Vĩnh Hoàn đứng đầu danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, chiếm 14% tỷ trọng trong tổng giá trị xuất khẩu cá tra của cả nước.
Tập đoàn này thành công nhờ chiến lược nhất quán, tập trung vào xây dựng thương hiệu mạnh, thiết lập mạng lưới phân phối toàn cầu, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và theo đuổi phát triển bền vững. Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất đã giúp Vĩnh Hoàn tăng khả năng tự chủ về nguồn nguyên liệu, duy trì chất lượng sản phẩm ổn định và đảm bảo hoạt động sản xuất liên tục.
Hơn nữa, mô hình bền vững này còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đáp ứng yêu cầu cao từ các thị trường xuất khẩu nước ngoài, đồng thời giúp Vĩnh Hoàn tăng lợi nhuận nhờ các sản phẩm giá trị gia tăng hoặc các phụ phẩm.
Là đối tác ngân hàng của Vĩnh Hoàn trong gần 20 năm, chúng tôi đã chứng kiến nhu cầu về dịch vụ ngân hàng của họ tăng trưởng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp, từ các nhu cầu tín dụng thuần túy ban đầu, đến những yêu cầu phức tạp hơn trong nhiều sản phẩm và dịch vụ như giải pháp thanh toán và thương mại, ngoại hối, và gần đây nhất là tín dụng xanh.
Vĩnh Hoàn là minh chứng tiêu biểu cho sự trưởng thành của các doanh nghiệp Việt Nam trong một thế giới đầy biến động và cạnh tranh. Thành công đó là nhờ vào tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, luôn chấp nhận thách thức, sự dũng cảm, tư duy cởi mở và ham học hỏi, cùng tính cách kiên cường.
![](https://i.ex-cdn.com/theleader.vn/files/content/2025/02/13/vinh-hoan_2-2213.jpg)
![](https://i.ex-cdn.com/theleader.vn/files/content/2025/02/13/tit-3-2214.jpg)
Tuy nhiên, như câu nói “biển động thường đầy cá,” càng có nhiều lợi ích, chúng ta càng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam liên tục đối mặt với áp lực bên trong lẫn biến động bên ngoài. Vậy, câu hỏi lớn đặt ra là: Liệu Việt Nam, một nền kinh tế với hơn 90% doanh nghiệp là vừa và nhỏ, có thể vững chãi vượt qua không? Và họ sẽ làm điều đó như thế nào?
Dù mang nhiều ưu điểm như sự sáng tạo, quyết tâm và kiên cường, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam ngày nay vẫn phải đối mặt với những thách thức mới về năng lực, quản trị doanh nghiệp và nguồn lực - những rào cản khiến họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn quốc tế. Nếu không có kế hoạch ứng phó hiệu quả, doanh nghiệp không chỉ gặp khó trong tiếp cận khoản vay, mà còn đối diện nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của họ giữa muôn vàn thách thức.
Một vấn đề đã được thảo luận khá lâu là tình trạng thiếu hụt lao động tay nghề cao. Dù Chính phủ đã khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp đòi hỏi tay nghề cao và hướng đến thu hút dòng vốn FDI chất lượng, lực lượng lao động trong nước vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu. Theo Bộ Lao động, thương binh và xã hội, năm 2023, chỉ 27% lao động Việt Nam có bằng cấp hoặc chứng chỉ, trong khi 38 triệu lao động chưa qua đào tạo. Điều này khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.
Những trở ngại này, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu và tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng, có thể khiến các doanh nghiệp Việt Nam “đuối sức” nếu không có chiến lực phù hợp.
Đây không còn là lúc chờ đợi. Hãy nhớ rằng, các nước láng giềng của chúng ta như Indonesia, Malaysia hoặc Thái Lan đã sẵn sàng nắm bắt mọi cơ hội.
![](https://i.ex-cdn.com/theleader.vn/files/content/2025/02/13/quote_ong-ahmed-yeganeh-2223.jpg)
Trước hết, tôi nghĩ các công ty Việt Nam nên xây dựng một tư duy linh hoạt, cởi mở và tiến bộ, bởi đây là yếu tố giúp họ luôn tò mò về những khái niệm mới và khao khát áp dụng chúng vào doanh nghiệp của mình. Chuyển đổi số nên là một trong những trọng tâm chính, không chỉ để nâng cao năng suất, cải thiện độ chính xác, gia tăng sự hài lòng của khách hàng, mà còn mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh.
Phát triển con người cần được đặt ngang hàng với phát triển doanh nghiệp, bởi nhân lực là tài sản quan trọng nhất. Những công ty thành công là những công ty không ngừng trang bị cho nhân viên kiến thức và kỹ năng mới để kịp thời xác định và nắm bắt các xu hướng.
Sự hướng dẫn và hỗ trợ của Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của khu vực tư nhân. Doanh nghiệp Việt cần một môi trường kinh doanh thân thiện, hỗ trợ họ cải tiến và tăng trưởng theo đúng quy định, minh bạch và bền vững.
Việt Nam đã được nhắc đến như một cứ điểm sản xuất thay thế cho các tập đoàn toàn cầu. Tuy nhiên, theo định hướng của Bộ Kế hoạch và đầu tư, đã đến lúc chúng ta phát triển các sản phẩm “Made by Vietnam” (làm ra bởi người Việt) thay vì chỉ dừng lại ở “Made in Vietnam” (sản xuất tại Việt Nam).
Được thành lập tại Việt Nam cách đây 155 năm, HSBC vẫn luôn giữ vững cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và kết nối họ với các cơ hội quốc tế thông qua mạng lưới toàn cầu rộng lớn của chúng tôi. Đồng hành cùng các doanh nghiệp địa phương, HSBC tự hào khi chứng kiến sự đột phá và chuyển mình của họ, từ lúc còn non trẻ cho đến khi trở thành những doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực.
Bước sang năm Ất Tỵ, con giáp biểu tượng cho trí tuệ và thay đổi, điềm tĩnh và sáng tạo, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội sau khi đã trải qua một năm Rồng với những nền tảng vững chắc và tăng trưởng ấn tượng.
Thế giới ngày nay biết đến VietJet như một hãng hàng không giá rẻ quốc tế, Trung Nguyên liên tục mở rộng hệ thống quán cà phê tại Mỹ và Trung Quốc, còn người Canada và người Mỹ có thể nộp đơn ứng tuyển tại Vinfast ngay trên chính quốc gia của họ. Các doanh nghiệp Việt đã có một hành trình dài với nhiều thành tựu to lớn, và tôi tin rằng con đường này sẽ tiếp tục phát triển rực rỡ trong những năm tới.