Sau gần 40 năm Đổi mới, một trong những thành tựu nổi bật nhất của cải cách kinh tế ở Việt Nam là sự nổi lên của một khu vực tư nhân năng động. Thành quả của những năm Đổi mới phản ánh bức tranh bươn trải, trưởng thành của hàng trăm nghìn doanh nghiệp, của ba, bốn thế hệ doanh nhân Việt Nam. DOANH NHÂN là biểu tượng của khát vọng, sự dấn thân làm giàu cho mình, cho doanh nghiệp và cho đất nước.

Nguồn lực sẽ không thể phân bổ hiệu quả nếu thiếu cơ chế thị trường và hạt nhân của kinh tế thị trường chính là cạnh tranh cùng hoạt động của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, đây không phải là một quá trình trơn tru trong lộ trình Đổi mới. Sự phức tạp của nó được phản ánh qua cách sử dụng các thuật ngữ, từ điều gọi là “nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần”, đến “cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước”, chuyển sang “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” cùng vai trò chủ đạo của khu vực doanh nghiệp nhà nước và kinh tế nhà nước.

Doanh nghiệp lớn nhưng kinh tế tư nhân chưa mạnh

Vai trò kinh tế tư nhân ngày càng được nhìn nhận đầy đủ hơn, thực chất hơn. Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XII năm 2017 đã ban hành một Nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân, khẳng định kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết 41-NQ/TW năm 2023 của Bộ Chính trị nhấn mạnh: Đội ngũ doanh nhân là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Cùng Đổi mới, nhất là từ khi có Luật Doanh nghiệp năm 1999, khu vực tư nhân đã có sự phát triển mạnh mẽ. Trong gần 20 năm lại đây, trung bình hàng năm có trên 100.000 doanh nghiệp đăng ký ra đời. Hiện có tới 900.000 doanh nghiêp tư nhân hoạt động cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cũng dâng cao. Số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startups) tăng đáng kể, từ con số khá khiêm tốn là 400 vào năm 2012 đã tăng lên khoảng 3.800 năm 2023; trong đó, 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Việt Nam hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á về số các thương vụ đầu tư cho startups, sau Indonesia và Singapore.

Số lượng các công ty, tập đoàn tư nhân qui mô lớn đang tăng lên. Hàng năm, Bảng xếp hạng VNR500 công bố danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, không ít trong đó là doanh nghiệp tư nhân với doanh thu, tổng tài sản chục nghìn, trăm nghìn tỷ đồng, hàng nghìn/chục nghìn lao động lao động, và nhiều nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Uy tín và giá trị thương hiệu Việt Nam và nhiều tập đoàn, công ty Việt Nam cũng được quốc tế thừa nhận. Theo Brand Finance năm 2018, Việt Nam xếp ở vị trí số 43/100 thương hiệu quốc gia có giá trị nhất trên thế giới được xếp hạng, với giá trị thương hiệu quốc gia đạt 235 tỷ USD. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 102% trong giai đoạn 2019 – 2023, đạt tới 498 tỷ USD, xếp thứ 33/121 thương hiệu quốc gia có giá trị nhất trên thế giới được xếp hạng. Hơn nữa, các tập đoàn/công ty tư nhân thường có tốc độ tăng giá trị thương hiệu nhanh nhất.

Tốc độ tăng giá trị thương hiệu một số công ty (2023/2022; %). Nguồn: Theo Báo cáo Brand Finance 2024

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy khu vực tư nhân đang phải đối mặt với rất nhiều trở ngại, cả về chính sách, cả nằm trong chính bản thân doanh nghiệp và cả từ cách nhìn nhận xã hội.

Xét tổng thể khu vực tư nhân vẫn là “nhiều về lượng và yếu về chất”. Phần lớn (trên 97%) các doanh nghiệp là nhỏ và vừa. Điều đó là bình thường, song lại không bình thường khi đại đa số doanh nghiệp đăng ký đều có quy mô rất nhỏ dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới 5 tỷ đồng (70%).

Sự thiếu vắng ngày càng rõ các doanh nghiệp qui mô trung bình, nhất là trong công nghiệp chế tác, đang cản trở tăng năng suất, chuyên môn hóa và chuyển giao công nghệ. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu song có vị thế yếu trong chuỗi giá trị. Nhiều hộ kinh doanh từ chối đăng ký làm doanh nghiệp chính thức do sợ “gánh nặng” quan liêu và cách thức quản lý của nhà nước, làm tăng chi phí giao dịch.

Thực tế cũng cho thấy các doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, với tỷ lệ thua lỗ, phải dừng sản xuất kinh doanh, chờ thủ tục giải thể và giải thể ở mức cao, trung bình là 45% trong giai đoạn 2007- 2017 và lên tới trên 70% năm 2018. Tỷ lệ này vẫn cao cả sau đại dịch Covid-19; năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024 lên tới trên dưới 80%.

Những doanh nghiệp tư nhân lớn cũng chưa thể hiện được vai trò dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo và tăng trưởng. Khu vực doanh nghiệp tư nhân hiện vẫn đóng góp chỉ trên dưới 10% GDP; R&D vẫn còn mờ nhạt. Giá trị thương hiệu Việt Nam vẫn đứng sau nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, như Singapore, Malaysia, Thái Lan, và Indonesia.

Dư địa cho tư nhân phát triển

Động lực chính cho phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam trong Đổi mới chính là sự khẳng định của Nhà nước về vai trò to lớn của khu vực này, là việc thừa nhận quyền sở hữu tư nhân và quyền tự do kinh doanh. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 và Nghị quyết 41-NQ/TW xem kinh tế tư nhân và cả doanh nhân như một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển đất nước đã tái khẳng định cam kết của Việt Nam là tạo xung lực vững chắc cho khu vực tư nhân lớn mạnh, giúp tạo thêm niềm tin cho thị trường vào nỗ lực cải cách của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một quá trình không chỉ cần cách tiếp cận nhất quán của Chính phủ, mà cả việc triển khai trên thực tế, khẳng định Việt Nam “chơi thật”.

Trong thực tế, sự phát triển còn xa so với kỳ vọng của khu vực tư nhân. Đó là những yếu kém trong đảm bảo quyền tài sản, “sân chơi” không công bằng, sự méo mó của các thị trường nhân tố sản xuất, khả năng tiếp cận nguồn lực khó khăn và chi phí giao dịch cao. Nhưng ở chiều ngược lại, đó cũng chính là dư địa để cải thiện không gian và môi trường cho khu vực tư nhân phát triển.

Hai vấn đề cơ bản cần tập trung xử lý: Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp và chuyển đổi chiến lược các công ty, tập đoàn tư nhân.

Tinh thần kinh doanh vô cùng quan trọng, nhưng rất cần một hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả. Trong đó đặc biệt lưu ý đến vai trò then chốt của vốn đầu tư mạo hiểm cùng điều kiện rút vốn, tư vấn có kinh nghiệm và những “vườn ươm công nghệ”, trung tâm sáng tạo kết nối tốt bộ ba: hỗ trợ tài chính, R&D và thiết lập mạng lưới hợp tác. Cùng với đó là việc thiết lập những qui chế điều tiết tạo thuận lợi cho sáng tạo.

Một tín hiệu tích cực cho sự chuyển đổi của kinh tế đất nước là nhiều công ty, tập đoàn tư nhân đã và đang chuyển nguồn lực đầu tư mạnh cho công nghệ và “chất xám” cùng kỹ năng mới. Dù không ít trắc trở, song cũng là xu hướng chung của thế giới, là việc ứng phó với vấn đề “to be or not to be”. Như thời gian đã chỉ ra, ‘tuổi thọ’ trung bình của 500 doanh nghiệp tên tuổi nhất thế giới đã giảm từ 60 năm xuống còn 15 năm. Nếu không thay đổi, không thích ứng, không đổi mới, thì ngay các doanh nghiệp tên tuổi cũng có thể ‘chết yểu’. Hơn thế, cơ hội “lớn lên” là cho tất cả những ai dám đón nhận và biết “tư duy lại, thiết kế lại, và xây dựng lại”.

Doanh nghiệp tư nhân, để trở nên “lớn mạnh”, phải thực sự có khát vọng, sự dấn thân. Tầm nhìn toàn cầu, bản lĩnh, sự chuyên nghiệp và khôn khéo cùng cạnh tranh thật bằng sản phẩm, thành quả thật cũng là những đòi hỏi đối với các nhà lãnh đạo công ty/tập đoàn lớn. “Lớn mạnh” còn là sự tiên phong trong đột phá phát triển và đầu đàn trong tạo dựng mạng liên kết sản xuất kinh doanh, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính vì vậy, họ phải tạo được khả năng thu hút những người tài, những kỹ năng tốt nhất trên toàn cầu. Khi đó giá trị, đóng góp và hình ảnh, thương hiệu của họ sẽ tăng lên nhiều lần. Chuyển đổi chiến lược từ “lớn” sang “lớn mạnh”, về bản chất là chuyển đổi giá trị của công ty, tập đoàn và tổng hợp lại là cả sự chuyển đổi nâng tầm giá trị của đất nước.

Không có đáp án sẵn cho mọi doanh nghiệp, nhưng chuyển đổi “kép” (số và xanh) với những bước đi cụ thể, thiết thực sẽ giúp tăng năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh và giá trị thương hiệu doanh nghiệp, qua đó tạo thuận lợi trong kết nối đối tác, tiếp cận thị trường cũng như thu hút vốn và tài chính xanh, tăng cường khả năng chống chịu trong một thế giới nhiều rủi ro, bất định.

Trong bối cảnh mới, nỗ lực tự thân của công ty, tập đoàn có ý nghĩa quyết định. Những hỗ trợ thích hợp, thiết thực của Nhà nước cũng rất cần thiết cho quá trình đó. Đảm bảo cạnh tranh thị trường và cam kết quốc tế, nhất là trong các hiệp đinh thương mại tự do Việt Nam tham gia là nguyên tắc trước hết cần tôn trọng. Cạnh tranh sẽ hạn chế độc quyền/quyền chi phối thị trường (điều mà công ty/tập đoàn lớn dễ lạm dụng) và do đó, khuyến khích sáng tạo. Phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia, hỗ trợ R&D và chuyển giao công nghệ, và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (kể cả qua đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo) là các biện pháp hết sức quan trọng.

Bài viết nằm trong Đặc san Nhà Quản Trị xuất bản tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Đặc san dày 160 trang, khổ 23x29cm, giá bán 150.000 đồng. Để đặt mua Đặc san, xin liên hệ Tạp chí điện tử Nhà Quản Trị - TheLEADER.
Tòa soạn
Tầng 7, tòa nhà HCMCC số 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội
Điện thoại: (024) 3244 4359
Văn phòng đại diện TP.HCM
Lầu 2, tòa nhà VNO, số 29 Huỳnh Văn Bánh, phường 17, quận Phú Nhuận, TP.HCM
Điện thoại: (08) 8670 8817