Nước Nước Mỹ có Boeing của Wiliam E.Boeing, có Ford của Henrry Ford, có Microsoft của Bill Gates và Paul Allen, có Apple của Steven Jobs, có SpaceX, Tesla của Elon Musk, có Facebook của Mark Zuckerberg… Nước Pháp có hãng thời trang Louis Vuitton, Chanel, Hermès, có hãng ô tô Peugeot, Renault… Nước Đức có công nghệ công nghệ Siemens, xe ô tô Mercedes-Benz, BMW… Ở châu Á gần gũi là Panasonic, Toshiba, Honda, Toyota, Misubitsi… của Nhật Bản; Samsung, Huyndai, Daewoo… của Hàn Quốc.
Không thể kể hết các thương hiệu nổi tiếng trên trái đất này, mà mỗi khi gọi tên nó, hay nhìn thấy nhãn mác là người ta lập tức chỉ ra nguồn gốc xuất xứ từ quốc gia nào, thậm chí còn kể ra những câu chuyện hay ho về cha đẻ của hãng sản xuất, kinh doanh ấy. Niềm tự hào doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân cũng là niềm kiêu hãnh của quốc gia dân tộc một khi thương hiệu đã vượt ra ngoài biên giới. Doanh nhân không chỉ sản xuất, bán hàng, thu lợi nhuận, làm giàu mà còn viết tên quê hương mình trên những miền đất lạ toàn cầu. Trông người lại ngẫm đến ta, vui buồn chợt đến nhưng hy vọng và tin tưởng, mong muốn về doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đi ra biển lớn thì vẫn sục sôi nóng bỏng trong lòng tôi.
Mùa hè rực rỡ năm 2010 tôi đang ở châu Âu xa xôi. Lúc rời phi trường quốc tế Charles de Gaulle nước Pháp, trong đầu tôi chợt nghĩ đến một ngày xa xôi nào đó cháu chắt tôi sẽ được ngồi trên máy bay của người Việt sản xuất thay vì phải ngồi máy bay Airbus hay Boeing. Lúc đó và cả bây giờ tôi biết rằng: điều đó có lẽ còn rất xa vời, bởi để sản xuất được chiếc máy bay thương mại vô cùng phức tạp, khó khăn phải cần đến trình độ khoa học công nghệ tiên tiến và khoa học quản lý quản trị đến đẳng cấp cao nhất định, chứ không cứ quốc gia nào giàu có cũng làm được.
Khoảng một tuần sau đó, chúng tôi sang thủ đô Rome nước Ý, ngồi bên đấu trường La Mã nhìn đường phố người đông thấy nhiều sắc tộc, bỗng trong đầu tôi lại xuất hiện ý nghĩ tìm kiếm những gì của bản sắc Việt Nam. Bất chợt tôi bắt gặp một người nào đó mặc áo dài tân thời, đội nón trắng tạo dáng bên cổng vào đấu trường để chụp ảnh lưu niệm, lòng tôi có xôn xao, da diết bởi bắt gặp quê hương ở nơi xa gần nửa vòng trái đất. Nhưng, cảm xúc đó mất nhanh, lúc ấy tôi lại ước ao vô cùng thấy một chiếc xe ô tô thương hiệu Việt chạy trên đường phố thành Rome, hay được chạm tay vào sản phẩm của một hãng thời trang, một doanh nghiệp mỹ phẩm nào đó mang thương hiệu của người Việt Nam trong cửa hàng phố phường nước Ý xa xôi.
Năm tháng thời gian trôi như bóng câu qua cửa sổ, hơn một thập niên rồi, tôi kể lại mong ước xa vời về quốc gia mình trong chuyến đi châu Âu ấy với một bạn văn. Ông bạn bảo: “Thì ông ước mơ viển vông của ông đã trở thành hiện thực. Xe ô tô Vinfast đã chạy trên cao tốc và đường phố quê hương của ông vua ô tô Herry Ford rồi đấy”. Vinfast đã “đổ bộ” vào nước Mỹ dù tương lai nó thế nào thì cũng là bước đi táo bạo, cần khuyến khích và ủng hộ. Nhưng, để một thương hiệu Việt tự hào trên những miền đất lạ thì sản phẩm sáng tạo ấy phải Việt hóa chiếm tỷ lệ thật cao.
Năm 1945, chỉ hơn một tháng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Thư gửi các giới Công thương Việt Nam”, đăng trên báo Cứu Quốc, ngày 13 tháng 10 cùng năm rằng: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này…”. Chính quyền non trẻ ra đời, đất nước đặt trong tình trạng khẩn cấp “thù trong giặc ngoài” đặc biệt là: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, nhưng Cụ Hồ vẫn quan tâm đến giới công thương, Cụ nhận ra vai trò và tầm quan trọng của doanh nhân với công cuộc kiến thiết đất nước.
Sau đó, dù chiến tranh giặc giã, rồi nền kinh tế kế hoạch tập trung, cơ chế quan liêu bao cấp, doanh nghiệp tư nhân nói chung và doanh nhân bị thời đại tác động, ảnh hưởng, có lúc kinh tế tư nhân gần như bị xóa sổ. Để đi đến ngày hôm nay tự hào chiêm ngắm bức tranh doanh nghiệp, doanh nhân sáng sủa: “… khu vực kinh tế tư nhân chiếm 43% trong cơ cấu GDP, doanh nghiệp tư nhân trong nước thu hút 58,1% số lao động, chiếm 59,3% tài sản, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước, 500 doanh nghiệp tư nhân trong nước lớn nhất chiếm 0,07% số lượng; đóng góp 12% lao động; 28% tổng tài sản;18,4% doanh thu” thì kinh tế tư nhân đã từng bị thủ tiêu nhiều năm.
Để có những tỉ phú đô la như Phạm Nhật Vượng với Vingroup, Trần Bá Dương với Thaco Group, Nguyễn Thị Phương Thảo với Hàng không Vietjet, Trần Đình Long với Tập đoàn Hòa Phát… rồi các tập đoàn tư nhân hùng mạnh FPT, Hoa Sen, Masan… đóng thuế nhiều, giải quyết hàng triệu việc làm cho người lao động thì kinh tế tư nhân Việt Nam cũng phải trải qua những cơn giống bão tơi bời làm cho các thương hiệu tư nhân nổi tiếng như dệt Cự Doanh, giày da Thụy Khuê… ở miền Bắc; xà bông cô Ba, xe hơi La Đalat, nồi nhôm Ba Cây Dừa… ở miền Nam lừng lẫy một thời cũng vắng bóng. Để trở thành “vua lốp”, ông Nguyễn Văn Chẩn với khát vọng làm giàu chỉ mất mười năm, nhưng ông phải mất gấp đôi thời gian đó để đi đòi tài sản bị tịch thu và đòi trả lại danh dự doanh nhân. Đi ra biển lớn, đi đến miền đất lạ, xây dựng và khẳng định thương hiệu tư nhân Việt Nam mới nhọc nhằn, toát mồ hôi biết bao nhiêu.
Quả thật! Người Việt chưa có sản phẩm mang thương hiệu Việt nổi tiếng ra ngoài biên giới đến mức gắn liền với tên nước Việt Nam, đến mức nhắc đến thương hiệu ấy là hình ảnh dân tộc Việt Nam hiện ra, thời chiến tranh đã không, thời bao cấp càng không, và bây giờ chúng ta chỉ còn biết mong chờ, hy vọng.
Từ quá lâu, dân Việt đã quen sử dụng những đồ dùng của nước ngoài và còn nhớ được cả thương hiệu hiệu của họ: Xe đạp Peugeot của Pháp, xe đạp Mifa của Cộng hòa dân chủ Đức… Có những lúc nghĩ về hàng hóa Việt, bỗng chốc tôi lại buồn bã nhớ đến một thời xa lắc nghèo khó, nhìn thấy chiếc xe Phượng Hoàng của Trung Quốc mà ước ao, ngắm cái máy khâu năm con bướm của Tầu mà thương cả nền kinh tế chiến tranh.
Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, người miền Bắc ngỡ ngàng và sung sướng khi trong nhà có chiếc tivi đen trắng nhãn hiệu National thay cho cái ti vi cửa lùa Neptune Ba Lan, mua được cái xe honda 67 hay honda50 của Nhật, hoặc xe máy Vespa cũ của Ý thì đẳng cấp lên đời hơn sở hữu cái xe máy Simson màu đỏ, hay màu xanh ngọc mới tinh của Đông Đức… Nhưng xét đến cùng, cái xe máy Simson dù có èo uột lép vế trước những huyền thoại Honda DD “Nữ hoàng áo đỏ”, hay Honda 67 “Hoàng tử đen”, thì nó vẫn là thương hiệu của một quốc gia mang tên “Đông Đức” một thời.
Còn chúng ta có sản phẩm hàng hóa gì để mang theo khi ra ngoài biên giới như một niềm tự hào, như một sự mặc cả với phần còn lại của thế giới? Chúng ta sống thời kinh tế chiến tranh gian khổ hi sinh, hoặc kinh tế bao cấp đói nghèo, hay gần hơn là thời đổi mới thì dường như chưa có một thương hiệu nào có thể mang ra nước ngoài để đủ tự tin hãnh diện.
Nói đi cũng cần nói lại, và cũng nên công bằng với giới doanh nhân Việt Nam hiện đại. Tư tưởng “trọng nông khinh thương” từ ngàn đời ăn vào máu người Việt không dễ một sớm một chiều buông bỏ. Khi mà cả xã hội đồng thanh: “Nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ cổ” thì công (công nghiệp), cổ (buôn bán) vẫn chỉ mang vị thế cuối và áp cuối đầy hầm hiu số phận. Vả lại, xuất phát điểm nền sản xuất hàng hóa của chúng ta quá thấp, khoa học kỹ thuật - công nghệ càng thấp.
Vì thế, doanh nhân Việt Nam bao nhiêu năm nay chỉ loanh quanh ở trong nước cũng chẳng có gì khó hiểu. Tình cảnh này cũng giống như các chuyên ngành khác, mặt bằng chung không thấp nhưng cũng chẳng cao. Chẳng hạn, nói đến văn học Nga là người ta nhớ đến Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina của Lev Tolstoy; Tội ác và trừng phạt, Anh em nhà Karamazov của Fyodor Dostoevsky; hay Yevgeny Onegin, Người con gái viên Đại úy của thi hào Pushkin. Nói đến Văn học Pháp thì lại nhớ đến Victor Hugo, Balzac, Albert Camus… Còn nước Nhật với những tên tuổi lớn Kawabata và Kazuo Ishiguro… cũng là thương hiệu uy tín của chuyên ngành văn học đáng để bạn đọc quốc tế kính nể.
Còn nước ta, nếu phải cầm một tác phẩm lớn ra nước ngoài đối thoại với các nền văn học khác thì sẽ là của nhà văn nào? Không chỉ kinh tế, mà các lĩnh vực khác nữa, từ thương hiệu quốc gia đến thương hiệu quốc tế là cả một hành trình đầy sáng tạo của những tầm vóc lớn cần tài năng, cần cả môi trường sống và làm việc, cần “thiên thời, địa lợi, nhân hòa nữa”.
Có một thời chiến tranh giặc giã ác liệt hy sinh: nhân vật trung tâm thời đại của văn học là người lính ra trận. Lại có một thời bình: Nhân vật trung tâm thời đại của văn học là: người trí thức, là công nhân, nông dân. Phải chăng nhân vật trung tâm thời đại ngày nay của văn học có cả… doanh nhân?
Thời đại mới, tư duy mới, đất nước đang đổi thay không phải. Thời bây giờ, dù doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân còn gặp những giằng néo, cản trở, nhưng về cơ bản “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đang đến. Doanh nhân Việt Nam đang có đất để nuôi trồng khát vọng làm giàu, và đi ra ngoài biên giới. “Ở nhà nhất mẹ nhì con/ Ra đường lắm kẻ còn ròn hơn ta”. Ra biển lớn thì phải có bản lĩnh, ý chí lớn, có tài năng, và có công cụ lớn, doanh nhân Việt Nam phải có “Tâm - Tài - Trí - Dũng, phụng sự đất nước và đồng hành cùng nhân dân. Doanh nhân thời đại mới phải: Nhạy bén, nắm bắt cơ hội sản xuất, kinh doanh. Có gan làm giàu, dám chấp nhận rủi ro. Sáng tạo không ngừng, đổi mới liên tục. Dĩ nhiên là phải thu hái được thành quả lao động sáng tạo bền vững, lâu dài. Doanh nghiệp liên tục mở rộng thị phần ra ngoài biên giới, bảo toàn và gia tăng quy mô vốn, xây dựng thương hiệu mạnh, có uy tín, được xã hội công nhận và vinh quang hơn là được lưu danh thiên cổ cả tâm tài như lưu danh những nhà khoa học, nhà cách mạng xã hội kỳ tài. Niềm tự hào doanh nhân Việt cũng sẽ là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Thế nhưng, đi đến miền đất lạ, đi ra biển lớn không dễ dàng, bao giờ cũng là thử thách nghiệt ngã. Thời gian thì cứ trôi đi vùn vụt, ngày hôm qua đã là quá khứ của ngày hôm nay. Thế giới đang thay đổi quá nhanh, không đợi người đủng đỉnh, đứng lại coi như là bị loại khỏi cuộc chơi, huống hồ là tụt hậu. Những người hùng trong thế giới về công nghệ di động như Nokia, BlackBerrry sẽ biến mất tăm mất tích như chưa hề có mặt trên đời. Thương hiệu hàng gia dụng Tupperware - đế chế nhà bếp 78 tuổi của Mỹ nổi tiếng toàn cầu vừa mới nộp đơn xin phá sản làm bao nhiêu người tiêu dùng tiếc ngẩn ngơ. Ông lớn chíp Intel lỗ 7 tỷ USD ở mảng kinh doanh xưởng đúc chíp, và đang bị Nvidia vượt mặt và có nguy cơ bị thâu tóm. Facebook đang bị mất dần thị phần và bị Tiktok lấn sân. Ai mà biết được trong tương lai gần cả facebook và Tiktok rồi sẽ bị đối thủ nào đó đánh bại? Yahoo thì gần như bị lãng quên, Weblog bị xóa gần như sạch sẽ. Người tiêu dùng đang ít vào Google để tìm kiếm, vì Chat GPT đã ra đời và đang là cơn địa chấn kiến thức, tri thức và sáng tạo…
Thế giới thay đổi không phải làm cách mạng “một giờ bằng 20 năm” mà đơn vị thay đổi tính bằng cái nháy mắt. Vậy thì, khoa học - công nghệ, kinh tế - tài chính và doanh nghiệp - doanh nhân Việt Nam sẽ đứng ở đâu trong bản đồ tồn tài và phát triển như vũ bão này, sẽ đi hay sẽ chạy để không phải đứng im và càng không phải bị đối thủ bỏ xa, bị tụt hậu trong cuộc cạnh tranh tốc độ lành mạnh này? VinFast có đứng vững và phát triển ở Mỹ, có đặt chân vững chắc ở Ấn Độ, Indonesia…? FPT đến lúc nào sẽ ngang ngửa với Tập đoàn Microsoft? Và đến lúc nào người Nhật sẽ chọn xe ô tô Trường Hải ngay trên đất nước Mặt trời mọc? Tất cả vẫn còn đang ở phía trước với mong muốn và hy vọng.
Ngạn ngữ châu Phi nói rằng: “Mỗi sáng ở Châu Phi, một con linh dương thức dậy. Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất nếu không muốn bị giết. Mỗi sáng, một con sư tử thức dậy, nó biết nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất hoặc nó sẽ bị chết đói. Điều quan trọng không phải ở chỗ bạn là sư tử hay linh dương. Khi mặt trời mọc, bạn hãy bắt đầu chạy.” Quy luật sinh tồn của thế giới tự nhiên dành cho kẻ yếu đuối nhất và cho cả kẻ mạnh nhất, không chừa, không dành ưu tiên riêng cho bất cứ cá thể nào. Con người sinh ra là phải đối mặt với nỗi lo sinh tử, muốn tồn tại, muốn không bị tụt hậu, muốn không bị hủy diệt, đều phải nỗ lực phấn đấu không ngưng nghỉ.
Mỗi doanh nghiệp được thành lập cũng vậy, cũng phải có mục tiêu, như con linh dương “chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất”, và như con sư tử thì phải “chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất”; phải có cách đi khác đối thủ. Dù là bị đẩy vào vị thế của con linh dương, hay kiêu hãnh trên đà phóng của con sư tử thì doanh nghiệp, doanh nhân nào cũng phải… chạy. Chạy có nghĩa là tư duy sáng suốt không ngừng, là hành động quyết đoán đúng thời điểm… Tôi thực sự mong muốn và hy vọng doanh nghiệp tư nhân - doanh nhân Việt Nam cũng sẽ làm nên chuyện thần kỳ như Hyundai, Samsung, Lotte, LG… của người Hàn Quốc; như Honda, Toyota, Misubishi… của người Nhật ở bên ngoài Tổ quốc.
Bài viết nằm trong Đặc san Nhà Quản Trị xuất bản tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đặc san dày 160 trang, khổ 23x29cm, giá bán 150.000 đồng. Để đặt mua Đặc san, xin liên hệ Tạp chí điện tử Nhà Quản Trị - TheLEADER.
Tòa soạn
Tầng 7, tòa nhà HCMCC số 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội
Điện thoại: (024) 3244 4359
Văn phòng TP.HCM
Lầu 2, tòa nhà VNO, số 29 Huỳnh Văn Bánh, phường 17, quận Phú Nhuận, TP.HCM
Điện thoại: 08867 08817