Khó chồng khó

Ông nhận định như thế nào về sức khoẻ của các doanh nghiệp tư nhân hiện nay, khi liên tiếp trải qua khó khăn do đại dịch Covid-19, khủng hoảng địa chính trị trên toàn cầu cũng như biến động của thị trường tài chính trong nước và mới đây nhất là bão Yagi gây thiệt hại nặng nề?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đang trong thời kỳ khó khăn hiếm thấy sau hơn 35 năm đổi mới.

Về khách quan, tình hình trên có nguyên nhân từ đại dịch Covid-19, kéo theo sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động tiêu cực mạnh mẽ tới hoạt động của các doanh nghiệp Việt – là lực lượng “sinh sau”, đa phần còn nhỏ yếu.

Dịch bệnh đã bào mòn ghê gớm thực lực của nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân với 94 - 95% là nhỏ và siêu nhỏ.

Với một nền kinh tế có độ mở cao, tình trạng đi xuống kéo dài của kinh tế toàn cầu càng làm cho không gian, cơ hội phát triển của các doanh nghiệp Việt bị thu hẹp, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ.

Thêm vào đó, khi các doanh nghiệp còn chưa gượng dậy được, thì lại đến bão lũ, thiên tai gây họa. Siêu bão số 3 vừa qua đã giáng một đòn rất nặng vào sức khoẻ nền kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân.

Hàng trăm ngàn tỷ đồng tài sản và vốn liếng của doanh nghiệp bị bão lũ cuốn trôi, chồng chất thêm gánh nặng nợ xấu đang đè lên triển vọng của nền kinh tế.

Bên cạnh những yếu tố khách quan, khó khăn của các doanh nghiệp Việt hiện nay còn do những nguyên nhân chủ quan, đến từ môi trường kinh doanh và bản thân các doanh nghiệp

Kinh tế Việt Nam thực sự có cơ hội phục hồi để bứt phá sau đại dịch Covid-19, Chính phủ cũng đã chuẩn bị khá tốt các điều kiện đề phục hồi, song cơ hội đó lại chưa được tận dụng tốt do phối hợp kém, hành động chậm và thiếu đồng bộ.

Sau khủng hoảng, các doanh nghiệp vốn đã yếu, lại them mất đà tăng trưởng. Để lấy lại đà, cần rất nhiều chi phí. Trong khi đó, điều kiện tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn, giờ lại khó khăn hơn.

Thực sự là tình thế “khó chồng khó”. Thách thức đặt ra với các doanh nghiệp lớn gấp bội, cần những giải pháp thật sự mạnh từ Chính phủ và nỗ lực khác thường của cộng đồng doanh nghiệp mới có thể vượt qua.

Doanh nghiệp tư nhân phải giữ vai trò nền tảng của tăng tưởng kinh tế. Ảnh: Hoàng Anh.

Trong tình thế như vậy, giới doanh nhân sẽ thúc đẩy nền kinh tế đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 như thế nào?

PGS.TS. Trần Đình Thiên: Việt Nam đã chọn kinh tế thị trường định hướng XHCN để giải quyết vấn đề phát triển của mình. Trên con đường đó, doanh nghiệp dân tộc phải được coi là lực lượng quyết định, trong đó, quan trọng bậc nhất là khu vực tư nhân với thành tố cốt lõi là các doanh nghiệp tư nhân.

Để đạt mục tiêu đưa đất nước trở nên hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045, theo logic kinh tế thị trường, doanh nghiệp tư nhân phải giữ vai trò nền tảng, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn làm trụ cột.

Thế nhưng, điều chưa yên lòng là nền tảng đó hiện còn khá yếu; vai trụ cột cũng chưa định hình thật rõ. Trong hệ thống kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được các chuỗi sản xuất, do các Tập đoàn Kinh tế Việt dẫn dắt.

Mà chúng ta biết, trong nền kinh tế toàn cầu hiện đại, không có “chuỗi” thì không có thương hiệu quốc gia. Yêu cầu này hàm nghĩa đến năm 2045, để có nền kinh tế phát triển với quy mô hơn 100 triệu dân, Việt Nam phải định hình được các chuỗi sản xuất của mình. Đây là một thách thức không hề nhỏ.

Các doanh nghiệp tư nhân Việt còn cần tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn kinh tế toàn cầu. Hiện nay độ "bám" này rất yếu do năng lực của các doanh nghiệp trong nước hạn chế, lại thiếu tổ chức liên kết để tạo thế và cộng hưởng sức mạnh.

Cấu trúc công nghiệp, cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam phải vươn lên theo sự phát triển lớn mạnh của lực lượng doanh nghiệp tư nhân. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu phát triển mà Đảng và Nhà nước đặt ra.

Ba điểm yếu chí tử của doanh nghiệp tư nhân

Thực tế thời gian qua, những điểm yếu nào cản trở giới doanh nhân Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập toàn cầu, thưa ông?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sau hàng chục năm cải cách, mở cửa hội nhập, mặc dù đã có một số thành tựu nhất định, nhưng thực lực của khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn được gói trọn trong ba từ: nhỏ, yếu và thấp.

Đẳng cấp của nền kinh tế hiện cơ bản vẫn là “thủ công, gia công, lắp ráp”. Tuy nền kinh tế đã có những bước tiến nhất định về công nghiệp - công nghệ, song cơ bản vẫn chưa vượt qua được trình độ "cơ khí truyền thống".

Ngoài ra, có thể kể thêm một số điểm yếu “chí tử” khác của khu vực tư nhân, trong đó nổi bật là tình trạng thiếu hội tụ sức mạnh và khó liên kết phát triển. Không phải hoàn toàn vô lý khi nói rằng thế mạnh đặc biệt của nền kinh tế là “mạnh ai nấy làm”. “Phát huy thế mạnh” này, khu vực doanh nghiệp Việt vốn đã nhỏ, yếu lại rời rạc, lại càng yếu hơn.

Một điểm yếu khác của các doanh nghiệp trong nước là xu thế - nguy cơ bị lệ thuộc bên ngoài – thị trường, công nghệ, các điều kiện tài chính – tiền tệ, v.v.

Điểm yếu thứ ba là tình trạng không “thông” về cơ chế. Tồn tại nhiều điểm nghẽn cơ chế chính sách, thị trường các nguồn lực bị ách tắc, … Tính phân biệt đối xử giữa các khu vực kinh tế còn cao, dẫn tới chỗ, khu vực kinh tế tư nhân chưa nhận được sự hỗ trợ xứng tầm từ phía nhà nước.

Tình trạng giải ngân đầu tư công khó khăn, chậm trễ, cho dù Chính phủ đã có những nỗ lực đặc biệt mạnh mẽ có thể coi là một ví dụ điển hình.

Hệ thống pháp luật chồng chéo nhưng thiếu đồng bộ, phức tạp, xung đột, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Đây là những “điểm yếu sinh tử” của môi trường kinh doanh mà khu vực tư nhân Việt Nam thường xuyên đối mặt. Những điểm yếu đó mang tính hệ thống, chậm được khắc phục, tồn tại dai dẳng, khiến khu vực này dù có sức chống chịu tốt song khó lớn, chậm trưởng thành.

Trong khó khăn như vậy, qua tiếp xúc với giới doanh nhân, ông nhận thấy khát vọng của họ hiện nay có gì khác biệt so với thế hệ trước? Ông nghĩ gì về những tâm tư, trăn trở của họ?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Doanh nhân Việt Nam cơ bản là lực lượng "trẻ". Tính theo mốc Đổi mới, từ lớp tiên phong đến nay, chưa đầy 40 năm, doanh nhân Việt mới trải qua 2 thế hệ.

Nói như vậy để thấy rằng tinh thần, khát vọng của các thế hệ doanh nhân Việt Nam từ trước đến nay đối với sứ mệnh phát triển, cống hiến cho đất nước, cho dân tộc, tuy có những “thăng trầm”, cơ bản vẫn còn tươi trẻ.

Thế hệ doanh nhân mới, có thể gọi là thế hệ thứ 2, gắn với thời đại công nghệ 4.0, có cấu trúc kinh tế mới và cuộc chơi hội nhập toàn cầu. Tình thế phát triển mới đòi hỏi ở họ những năng lực mới vả khác, có khả năng ứng biến cao.

Đây chính là sự tiếp nối của thế hệ sau. Nhưng cả hai thế hệ đang cùng chung khát vọng đưa nền kinh tế chuyển nhanh sang kinh tế thị trường hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển xanh. Là người Việt Nam, họ đều có mục tiêu đưa đất nước “tiến kịp” thời đại để “sánh vai” cùng thế giới.

Tuy nhiên, “nội hàm” của khát vọng ấy trong mỗi giai đoạn lại có những sắc thái khác nhau. Tại thời điểm hiện nay, tâm thế của các doanh nghiệp có phần sa sút - do dịch bệnh, bão lũ tàn phá, nợ xấu bao quanh, kinh doanh phục hồi chậm.

Mặt khác, môi trường kinh doanh trong nước tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiến lòng tin của các doanh nghiệp, doanh nhân sụt giảm.

Đây là dấu hiệu không thể xem thường. Thị trường bị tổn thương sẽ làm suy giảm, thậm chí triệt tiêu, động lực của các doanh nghiệp, doanh nhân.

Vai trò của kinh tế tư nhân đang được khẳng định mạnh mẽ hơn. Ảnh: Hoàng Anh.

Phát huy sức mạnh của doanh nghiệp tư nhân

Ông từng nói các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vừa nhỏ, yếu, lại thấp. Liệu họ có tiếp tục khẳng định được vai trò, sứ mệnh quan trọng của mình trong bối cảnh mới, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Yếu thì yếu thật, nhưng thực tiễn gần 40 năm qua cho thấy sức chống chịu có thể nói là phi thường của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Đa số doanh nghiệp là “nhỏ và vừa”, sinh sau đẻ muộn, trong điều kiện kinh doanh khó khăn, lãi suất cao kéo dài nhiều năm, cạnh tranh khốc liệt, nhưng vẫn kiên trì “trụ hạng” và nỗ lực vươn lên.

Trong quá trình đó, nổi lên những đặc điểm nổi bật, có thể coi là thế mạnh của doanh nhân, doanh nghiệp Việt. Đó là tinh thần lạc quan, là tính thần đồng đội, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau, để cùng vượt qua khó khăn; là năng lực ứng biến, tính linh hoạt và sáng tạo.

Đây là những thế mạnh ở các tầng cấu trúc, nằm sâu trong căn cốt của người Việt Nam. Nếu phát huy được những thế mạnh ấy, nó sẽ là bệ phóng cho cả nền kinh tế tăng trưởng.

Tuy nhiên, 40 năm vừa qua, chúng ta vẫn chưa phát huy được hết sức mạnh của khối các doanh nghiệp tư nhân. Trong bối cảnh mở cửa hội nhập, đua tranh với thế giới, Chính phủ cần tạo ra cơ chế chính sách để khuyến khích tinh thần của các doanh nghiệp, phát huy tối đa những thế mạnh để tăng trưởng.

Gỡ những nút thắt

Ông có đề xuất chính sách cụ thể nào để kích thích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám tiên phong của doanh nhân, nhằm xây dựng một đội ngũ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đủ mạnh để dẫn dắt nền kinh tế phát triển?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Sứ mệnh đặt ra đối với các doanh nghiệp tư nhân là rất lớn, nhưng rất nhiều nút thắt cho sự phát triển lại chưa được tháo gỡ.

Hệ thống chính sách, pháp luật còn nhiều chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đôi khi, gỡ được cái này lại vướng cái kia, chuyển biến rất chậm.

Việt Nam đã có gần 40 năm đổi mới. Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta đang bước sang một nhịp phát triển khác, không thể giữ mãi những cái cũ. Đã đến lúc, chúng ta phải thay những khối cơ chế chính sách cũ chứ không thể chỉ sửa từng chính sách một.

Giai đoạn mới đòi hỏi cấu trúc thị trường phải thông thoáng, môi trường cạnh tranh phải bình đẳng và lành mạnh, trong đó, điểm mấu chốt là không phân biệt đối xử khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Mặt khác, khu vực kinh tế tư nhân đang phải đương đầu với những thách thức mới như kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ cao… Đây là những vấn đề đang đến rất nhanh, cần có cơ chế chính sách mới của Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi kịp thời, nếu không sẽ rất khó bắt nhịp và theo kịp.

Đáng tiếc là những điều này hiện nay chúng ta vẫn chưa làm được nhiều.

Muốn làm được, trước hết, Chính phủ phải xác định được mấu chốt của các nút thắt để tập trung tháo gỡ với tinh thần "khó khăn nào cũng vượt qua".

Chính phủ cần tập trung khơi thông các nguồn lực, cơ chế chính sách, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân phát triển; phải kết nối được sức mạnh của nhà nước với sức mạnh của doanh nghiệp, giữa người Việt trong nước và người Việt ở nước ngoài.

Rất mừng là hiện nay động lực này, tinh thần này đang được khởi động lại. Vai trò của kinh tế tư nhân đang được khẳng định mạnh mẽ hơn.

Chính phủ vừa qua đã có nhiều nỗ lực để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển – kiến tạo hệ thống hạ tầng cao tốc (hạ tầng giao thông, hạ tầng số), thúc đẩy cải cách thể chế, hướng tới hội nhập toàn cầu và thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, đẩy mạnh thực hiện cam kết phát triển xanh.

Những điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế phục hồi và bứt phá đang hé rạng.

Trong xu thế mang tính thời cơ lịch sử đó, các doanh nghiệp tư nhân Việt cần chắt chiu, tận dụng những cơ hội đang mở ra, để cùng lớn lên, cùng kết nối tạo sức mạnh, đưa kinh tế Việt Nam phát triển hùng cường.

Tác giả: Phương Linh

Ảnh: Hoàng Anh

Thiết kế: Diệu Thảo

Xuất bản: 13/10/2024

Bài viết nằm trong Đặc san Nhà Quản Trị xuất bản tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Đặc san dày 160 trang, khổ 23x29cm, giá bán 150.000 đồng. Để đặt mua Đặc san, xin liên hệ Tạp chí điện tử Nhà Quản Trị - TheLEADER.
Tòa soạn
Tầng 7, tòa nhà HCMCC số 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội
Điện thoại: (024) 3244 4359
Văn phòng đại diện TP.HCM
Lầu 2, tòa nhà VNO, số 29 Huỳnh Văn Bánh, phường 17, quận Phú Nhuận, TP.HCM
Điện thoại: (08) 8670 8817