Analytic
Ngã ba lựa chọn của phụ nữ ĐBSCL giữa biến đổi khí hậu

Những đợt hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử đang khiến rất nhiều phụ nữ ở Đồng bằng sông Cửu Long buộc phải lựa chọn con đường khác để mưu sinh, khi thu nhập từ nông nghiệp vốn bấp bênh nay lại giảm mạnh. Con đường đó có thể sẽ mang thêm những tia hy vọng cho cuộc sống của họ, nhưng cũng là bằng chứng rõ ràng về sự dễ tổn thương của những người phụ nữ nơi đây. 

--- Kiều Mai thực hiện ---

Trên khu vườn rộng mấy công đất (1 công đất = 1000m2) cạnh con đường bê tông nhỏ chạy dọc xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, người phụ nữ hơn 60 tuổi Trần Thị Chọn vẫn cần mẫn dọn dẹp lá khô, kiểm tra những con mương đã được phủ bạt từ trước để trữ nước ngọt. Trời đã sẩm tối, xung quanh chỉ còn tiếng côn trùng xen lẫn tiếng lá xào xạc, và chút ánh sáng le lói từ căn nhà cách đó vài mét.

Sự lo lắng của bà Chọn cho vườn sầu riêng mới trồng lại này luôn thường trực khi mùa khô bắt đầu vào cuối tháng 12. Cách đây bảy năm, đợt xâm nhập mặn lịch sử đã xóa sổ vườn sầu riêng sắp tới năm cho trái, và cả phần lớn tài sản của gia đình bà.

Vài năm trở lại đây, hạn hán và xâm nhập mặn đã tàn phá Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), buộc nhiều phụ nữ như bà Chọn phải tìm kiếm thêm nguồn thu nhập khác. Sự chuyển dịch ấy có thể sẽ mang tới cơ hội mới cho những con người vốn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng cũng cho thấy sự tổn thương của họ trước ảnh hưởng của khí hậu, đặc biệt là biến đổi khí hậu.

Thời tiết cực đoan

Xâm nhập mặn là hiện tượng tự nhiên diễn ra mỗi năm tại ĐBSCL, nhưng năm 2015 – 2016, hiện tượng này đã gây thiệt hại lớn cho cây ăn quả, hoa màu và nuôi trồng thủy sản.

Dữ liệu từ Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho biết, tính đến cuối tháng 4/2016, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khoảng 40 – 50% đất canh tác lúa, và làm thiệt hại gần 69.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản của ĐBSCL – chiếm hầu hết diện tích thủy sản bị thiệt hại của cả nước vào giai đoạn đó.

Ngã ba lựa chọn của phụ nữ ĐBSCL giữa biến đổi khí hậu
Bản đồ vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn 2015 - 2016.

Đợt xâm nhập mặn kỷ lục trong gần 90 năm ấy có liên quan tới đợt El Niño dài nhất trong lịch sử vào năm 2014 khiến nền nhiệt độ tăng cao và gây thiếu hụt lượng mưa, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn gần hai tháng so với bình thường, với phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền cao nhất lên tới 90km, do mùa mưa 2015 đến muộn và kết thúc sớm, cộng hưởng cùng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong thiếu hụt dưới tác động của các đập thủy điện.

Điều đáng chú ý là các hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn tiếp tục diễn ra, khi tháng 6 và tháng 7/2019 ghi nhận mực nước sông Mekong giảm sâu so với các năm trước. Kết quả sau đó là một đợt ngập mặn đến sớm và nghiêm trọng hơn mùa 2015 – 2016. 

Hai gánh nặng trên vai

Với bà Chọn và rất nhiều người dân khác tại các tỉnh ĐBSCL, tài sản mà xâm nhập mặn lịch sử để lại là khối công việc nông nghiệp gia tăng và gánh nặng tài chính khi nguồn thu nhập quen thuộc nay đã không còn đủ đảm bảo cho cuộc sống nữa.

“Giờ có tưới thật nhiều nước cũng chỉ trôi được trên bề mặt, chứ sâu phía dưới là chết ngắc. Giờ trồng lại phải làm lại đất, bón phân, làm ụ sầu riêng cao lên. Nói vậy chứ công việc cũng luôn tay à”, bà tâm sự.

Dữ liệu từ NCIF năm 2020 cho thấy tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại vùng ĐBSCL đã khiến người dân phải tăng thời gian lao động để cấp nước ngọt cho cây trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi.

Tốc độ tăng năng suất lao động của người lao động nông nghiệp bị giảm đi, có nghĩa rằng người lao động phải mất nhiều công sức hơn để bảo vệ cây trồng vật nuôi khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu nhất.

Ngã ba lựa chọn của phụ nữ ĐBSCL giữa biến đổi khí hậu 1
Tốc độ tăng thu nhập và số giờ làm việc bình quân của lao động nông nghiệp ĐBSCL (%). Nguồn: NCIF.

Đối với phụ nữ, mất an ninh nguồn nước do hậu quả của biến đổi khí hậu làm tăng khối lượng công việc cho phụ nữ, đặc biệt là những người tham gia vào hoạt động canh tác quy mô nhỏ, theo báo cáo “Thực trạng lồng ghép giới trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam" của UN Women năm 2021.

Nguyên nhân là bởi họ phải dành nhiều thời gian và công sức hơn cho việc làm đất, lấy nước, và tưới nước, cũng như bảo vệ cây trồng khỏi dịch bệnh.

Sau khi mất toàn bộ vườn sầu riêng năm 2015, bà Chọn chuyển sang trồng tắc (quất), và làm thêm nghề nấu rượu để có đủ tiền trang trải cuộc sống. Thế nhưng, những nguồn thu nhập này chẳng thể đủ đảm bảo cho đôi vợ chồng đã ở tuổi “xế chiếu” vốn đã phụ thuộc rất lớn vào vườn sầu riêng để kiếm sống.

Hai vợ chồng bà Chọn đã quyết định trồng sầu riêng trở lại, bất chấp những rủi ro đã phải trải qua, một phần là bởi loại trái cây này có thể cho thu nhập lên tới 300 triệu đồng mỗi công đất trong một mùa thu hoạch. Một phần khác quan trọng hơn là bởi khi sức khỏe không còn dẻo dai như trước, họ chẳng còn khả năng theo đuổi những công việc được trả lương cao hơn ngoài nông nghiệp.

Ở lại, hay ra đi?

Khi các tác động từ biến đổi khí hậu tiếp tục tàn phá khu vực ĐBSCL, sinh kế của nhiều gia đình cũng rơi vào khó khăn. Đặc biệt, người phụ nữ buộc phải gánh thêm vai trò đáng kể trong kinh tế gia đình, trong khi áp lực từ công việc chăm sóc hàng ngày chẳng hề thuyên giảm.

Vai trò giới truyền thống tại Việt Nam thường quy định rằng người phụ nữ chịu trách nhiệm về các công việc gia đình như nấu ăn, chăm sóc các thành viên khác. Sợi dây trách nhiệm ấy gắn chặt suốt nhiều năm qua khiến việc thay đổi công việc của bất kỳ người phụ nữ nào tại ĐBSCL cũng chẳng hề dễ dàng.

Với nhiều người, họ tìm đến các công việc thời vụ ở các tỉnh lân cận cách vài, đến vài chục cây số, có thể đi lại trong ngày, để vẫn đảm bảo công việc chăm sóc gia đình. Đổi lại, họ buộc phải chấp nhận sự bận rộn và vất vả hơn.

Ngã ba lựa chọn của phụ nữ ĐBSCL giữa biến đổi khí hậu 2
Rất nhiều phụ nữ tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre lựa chọn công việc trồng cây giống thời vụ. Ảnh: Kiều Mai.

Theo UN Women, nam giới – những người đảm nhận vai trò giới là trụ cột chính của gia đình – có xu hướng di cư lên thành thị để theo đuổi các cơ hội thu nhập khác, đặc biệt là khi các hiện tượng thời tiết cực đoan tạo ra những biến động lớn hơn trong sản xuất nông nghiệp.

Trong khi đó, những phụ nữ ở lại nông thôn và đảm nhận trách nhiệm sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực, cũng như chăm sóc trẻ em và người già. Phần lớn trong số họ là phụ nữ lớn tuổi và phụ nữ có con nhỏ không có cơ hội rời bỏ công việc ở nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc CTCP Sản xuất thương mại Abavina – doanh nghiệp tiên phong trong mô hình nông nghiệp cộng đồng tại Cần Thơ, cho biết khi xuất hiện các vấn đề cực đoan về khí hậu, đơn cử như hạn mặn, nam giới sẽ dễ dàng thay đổi công việc hơn, chủ động và quyết định nhanh hơn so với nữ giới.

Nguyên nhân là bởi phần lớn công việc dành cho nam giới có mức lương cao hơn, và nam giới thường không chịu nhiều trách nhiệm trong việc chăm sóc gia đình.

“Khi muốn thay đổi công việc, người phụ nữ phải có sự giúp đỡ từ những người xung quanh để san sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình, như ông bà, người thân. Họ phải lệ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, cho thấy rằng họ bị ảnh hưởng nặng nề hơn từ sự suy giảm trong nông nghiệp”, bà Thoa phân tích.

Sự sụt giảm trong hoạt động nông nghiệp dưới tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan không chỉ cho thấy tổn thương đối với người phụ nữ trong vấn đề lựa chọn công việc, mà còn dẫn tới sự suy giảm vị thế và tiếng nói của họ.

Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các cộng đồng, bà Thoa nhận định với khả năng tổn thương cao hơn, sự phụ thuộc của người phụ nữ sẽ càng lớn hơn, tác động tiêu cực đến đời sống tâm lý của họ, và dần dần, họ sẽ ngày càng trở nên tự ti và rụt rè hơn.

Rào cản di cư

Khi một số người phụ nữ lựa chọn ở lại, một số khác lại lựa chọn ra đi với hy vọng về một tương lai tốt hơn.

Chị Trần Thị Linh (tên nhân vật đã thay đổi) đã quyết định lên Đồng Nai làm việc cùng chồng, khi cả hai cảm thấy con cái đã đủ cứng cáp, có ý thức học hành, và đặc biệt, khi gánh nặng kinh tế lớn dần theo các con.

Không đủ tiền trang trải cho cả gia đình tại thành phố, hai vợ chồng chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc gửi con ở lại quê cho ông bà, rồi tranh thủ ngày nghỉ về thăm con cho khuây khỏa nỗi nhớ. Nói là vậy, nhưng lúc thì chồng bận, vợ bận, lúc thì tăng ca, lúc lại đau ốm, nên khoảng cách giữa những lần về thăm con cái cứ xa dần.

“Dẫu biết xa cha mẹ, các con sẽ thiếu thốn tình cảm hơn những đứa trẻ khác, buộc phải tự lập sớm hơn, thậm chí đứa lớn còn đang tuổi dậy thì cần sự quan tâm nhiều từ cha từ mẹ, nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Nếu chỉ trông vào trồng trọt thì làm sao lo được lúc gia đình ốm đau. Ông bà giờ già cả rồi, cũng phải lo nhiều thứ nữa”, chị thở dài, ánh mắt nhìn về phía trước.

Kết quả điều tra của nhóm nghiên cứu Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) năm 2019 cho thấy tỷ lệ nữ giới di cư tại ĐBSCL không kém nhiều so với tỷ lệ của nam giới, và đặc biệt, với nhóm phụ nữ dưới 35 tuổi, tỷ lệ di cư của nữ lao động nông thôn ĐBSCL khá lớn.

Trong điều kiện cầu về lao động sản xuất lao động nông nghiệp giảm, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp truyền thống mang lại thấp, di cư để tham gia lực lượng tại các tỉnh, thành phố lớn đang là lựa chọn của nhiều phụ nữ nông thôn ĐBSCL, đặc biệt là những lao động trẻ.

Tuy nhiên, họ cũng gặp phải nhiều khó khăn từ môi trường lao động tại nơi chuyển đến, như không có bảo hiểm xã hội, không có nhà trông trẻ cho người lao động, không có phòng y tế.

Đối với vấn đề việc làm cho phụ nữ nông thôn ĐBSCL, một trong những thách thức đáng chú ý là định kiến về vai trò của phụ nữ, IPSARD nhấn mạnh.

Một trong những rào cản đối với việc tham gia lực lượng lao động, tăng quyền cho phụ nữ là tư tưởng của nữ lao động nông thôn vùng ĐBSCL. Theo đó, nhiều phụ nữ ĐBSCL vẫn mang nặng tư tưởng an phận, chỉ muốn ở nhà chăm sóc gia đình, ngại đi làm xa.

Điều này cản trở chị em tham gia tập huấn kỹ năng và áp dụng kỹ năng trong các công việc tạo thêm thu nhập.

Chia sẻ đồng quan điểm, bà Thoa nhấn mạnh những suy nghĩ lối mòn về trách nhiệm của người phụ nữ đã khiến nhiều năng lực của họ không được giải phóng, tạo thành bức tường thành vô hình khiến họ không dám bước ra ngoài tìm kiếm thêm những giá trị mới.

Ngã ba lựa chọn của phụ nữ ĐBSCL giữa biến đổi khí hậu 3
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc CTCP Sản xuất thương mại Abavina.

Do đó, để tăng sự thích ứng với biến đổi khí hậu theo cách bền vững hơn, bà cho rằng trước mắt, cần hỗ trợ người dân tăng giá trị trên chính mảnh vườn thông qua tăng năng suất cây trồng nhờ áp dụng khoa học công nghệ. Cùng với đó, cần có sự đảm bảo một phần về thị trường để người dân yên tâm canh tác.

Không chỉ vậy, về dài hạn, biện pháp cần được ưu tiên là vấn đề giáo dục để nâng cao nhận thức và khả năng của người phụ nữ, từ đó họ có sự tự tin để giao tiếp, để hiểu và chấp nhận những thay đổi mang lại sự tích cực.

“Học ở đây không phải là để đổi đời, mà học ở đây để những người phụ nữ nông thôn ĐBSCL xóa tan sự rụt rè, để hòa nhập hơn với đời sống hội nhập nhanh như vũ bão”, bà nhấn mạnh.

Ông Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI), nhấn mạnh rằng nâng cao trình độ giáo dục của người phụ nữ tại khu vực ĐBSCL là điều rất quan trọng, bởi nguyên nhân của sự phân biệt đối xử đến từ thực tế người phụ nữ không được đi học đầy đủ, từ đó vốn kiến thức, vốn xã hội không cao, dẫn tới bị hạn chế tham gia vào các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các công việc bền vững và có thu nhập cao.

Ông cho biết thêm hiện nay, tại các khu vực hạ tầng phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp, đặc biệt là các công việc phi nông nghiệp với điều kiện địa lý gần, phụ nữ có thể đi lại trong ngày, thì sự tham gia của phụ nữ cao hơn nhiều so với trước đây.

Khi phụ nữ làm kinh tế, thậm chí có thu nhập cao hơn, sự chia sẻ quyền lực trong nhiều hộ gia đình sẽ thay đổi.

Về mặt tích cực, sự thay đổi này giúp nâng cao vị thế của người phụ nữ trong hộ gia đình, nhưng ở phía ngược lại, cũng tạo ra sức ép lớn về áp lực công việc và thời gian.

Dù lựa chọn ở lại như bà Chọn, hay đành lòng phải ly hương như chị Linh, sự khó khăn và áp lực của người phụ nữ vẫn chưa thể dừng lại. Thế nhưng, mỗi ngày với họ đều là sự cố gắng để vun vén cho tương lai, để mong rằng cuộc sống sau này sẽ tốt hơn. 

*Bài viết được thực hiện với sự hỗ trợ từ Mạng lưới báo chí Trái đất của Internews