"Nghề tái chế có lẽ là nghiệp của mình. Càng làm, càng thấy yêu nghề, thấy gắn bó với anh em. Vất vả thì có nhưng may mắn là tìm được những người đồng hành, anh em cùng nhau chia sẻ, cùng nhau gánh vác."
Tại làng Đan (thôn Phan Bôi, xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên), từ rất lâu về trước đã phát triển loại hình sinh kế “thu cũ đổi mới”. Người dân, bất kể nam nữ, già trẻ, cứ mỗi dịp nông nhàn là lại chuẩn bị quang gánh, xe thồ để đi thu gom, nhặt nhạnh những thứ bỏ đi ở khắp tứ xứ.
Khoảng đầu những năm 1990, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty CP VietCycle, khi ấy ở độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, cũng đã bắt đầu theo chân các anh lớn hơn trong làng đi thu mua đồng nát. Quen với công việc “truyền thống” của làng, ông Tuấn xoay đủ mọi hình thức thu gom, từ thu gom vỏ hóa chất, ắc quy, cho đến xác ô tô, cánh máy bay, từ đi xe đạp, xe thồ, xe máy tới xe tải.
Những ký ức đó đi theo ông Tuấn đến suốt những năm tháng sau này, khi đã chuyển sang đầu tư xây dựng nhà máy tái chế nhựa và cùng những người anh em thân thiết trong ngành thành lập ra Công ty CP VietCycle – một hệ sinh thái toàn diện hướng đến kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa.
Hàng chục năm gắn bó với nghề thu gom, tái chế phế liệu với nhiều thăng trầm, nhiều cung bậc cảm xúc, đã được ông Tuấn kể lại trong câu chuyện với TheLEADER.
Tính đến nay, ông đã gắn bó với nghề thu gom, tái chế bao lâu?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Nghề “thu cũ đổi mới” là nghề truyền thống của làng Đan những khi nông nhàn. Từ thời ông bà tôi đã có việc ngâm mạ non làm kẹo mạch nha rồi đem đi đổi tóc rối. Đến đời bố mẹ tôi thì người quang gánh, người đạp xe đạp thồ đi khắp nơi gom đồng, nhôm cũ hỏng.
Hàng xóm xung quanh, các cô, dì, chú, bác cũng đi khắp các nơi đổi phế liệu. Các anh lớn thì đi gom vỏ can đựng dầu, đựng xà phòng của Đức Giang, về băm ra, bán lại cho họ. Nói chung là cả làng đi đổi hàng lấy... rác, cứ có lời là đổi.
Từ khoảng năm 1992 – 1993, tôi đã đi theo các anh lớn ở làng để "hành nghề". Vào nghề với việc đổi dép, lấy dép mới từ Hà Nội về, đem đi đổi lấy từ dép cũ cho tới nhôm, đồng, lấy cả ngô, khoai, sắn, mắm...
Hồi mới đi đổi dép, tôi cứ băn khoăn mãi rằng không biết đến khi mọi người không còn đi dép nhựa nữa, chuyển sang những chiếc dép lào, dép xốp không thu gom được, thì lúc ấy mình sẽ làm nghề gì?
Thời gian đã giúp tôi trả lời câu hỏi ấy. Từ việc đổi dép, tôi chuyển sang thu chai, can nhựa đựng dầu, đựng xà phòng của công ty hóa chất Đức Giang, đem về băm ra, đóng vào túi rồi bán lại cho công ty của họ.
Lớn lên chút nữa, ti vi, loa, đài bắt đầu phổ biến, kèm theo một lượng lớn ắc quy thải. Tôi chuyển qua gom ắc quy cũ, lấy lá ắc quy bán lại cho những xưởng gia công ở dưới Hải Phòng.
Ngành thu gom, tái chế cứ gọi là làm không hết việc, chỉ lo không có sức thôi chứ chẳng bao giờ thiếu rác để làm.
Rồi tiếp theo đó là hàng loạt loại phế liệu khác nhau, cả ô tô cũ, cánh máy bay tôi cũng từng thu mua rồi. Kinh tế đi lên, xã hội phát triển, con người ta tiêu dùng nhiều, thải bỏ cũng ngày càng nhiều. Tôi phát hiện ra là ngày xưa mình “lo hão”. Ngành thu gom, tái chế cứ gọi là làm không hết việc, chỉ lo không có sức thôi chứ chẳng bao giờ thiếu rác để làm.
Ban đầu, tôi đạp xe đi gom phế liệu như những chị đồng nát bây giờ. Trai trẻ, ngày đạp cả trăm cây số, từ quê ở Hưng Yên đạp sang Ý Yên (Nam Định), sang Phố Động (Hà Nam)… thồ theo cả tạ phế liệu. Mệt mỏi, vất vả nhưng không bằng nỗi lo bị trêu, bị đánh hay là bị cướp tiền.
Tôi bị đánh 2 lần rồi, có một lần còn bị người ta nhốt trong nhà đánh cho sứt đầu. Mình thanh niên, trai trẻ còn bị như thế, mới thấy các cô, các chị phải bản lĩnh thế nào thì mới dám đi làm nghề này.
Sau này tôi chuyển qua làm phế liệu nhựa, cũng mua đất, làm nhà xưởng, mua máy móc, trang thiết bị, vay vốn ngân hàng mua xe ô tô để đi khắp các tỉnh phía Bắc, từ Thanh Hóa, Nghệ An đổ ra tới Nam Định, Ninh Bình… Ban đầu là gom phế liệu nhựa, xay tạo hạt rồi bán cả trong nước lẫn bán sang Trung Quốc.
Vào ngành tái chế nhựa, tôi cũng trải qua, cũng làm được hết, từ việc phân loại, kéo màng, xay hạt nhựa… Máy móc các loại trong nghề tái chế cũng biết cả.
Từ khi đạp xe đổi dép cũ, chuyển qua lái xe máy đến đánh ô tô đi gom phế liệu, từ khi thu gom đến khi mở xưởng, lập công ty tái chế nhựa, đến nay là ngót nghét 30 năm rồi. Mà chắc chuyện nghề của tôi còn dài nữa, vì quyết gắn bó với nghề này rồi.
Xuất phát từ thu gom, nhặt nhạnh phế liệu rồi dần dần ông mở được nhà xưởng, mua ô tô, mua máy móc, chứng tỏ nghề thu gom, tái chế cũng có lợi nhuận lớn?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Làm thu gom, tái chế thật ra lợi nhuận cũng không cao, chủ yếu lấy công làm lãi. Cả gia đình, vợ chồng con cái cùng làm, mỗi tháng dôi dư ra cũng đủ gom góp sau chục năm để xây căn nhà.
Bạn bè, anh em xung quanh tôi, nhiều người cũng vay mượn, cũng cắm đất nhưng rồi thất bại, không trả được nợ ngân hàng, bị người ta xiết nhà. Có người còn phải vương vào vòng lao lý....
Còn như tôi, để mở rộng ra, mua xe tải, mua máy móc, mở nhà xưởng, mở công ty, tôi phải đi vay mượn, cắm đất. Tuy nhiên, mở rộng ra rồi mới biết, ngành tái chế này tồn tại cái nghịch lý là “cứ mở rộng là chết”. Bản thân tôi cũng phải trải qua bao nhiêu năm vất vả, cheo leo, cũng từng có nhiều lần thất bại, may mắn là còn trụ được đến giờ.
Bạn bè, anh em xung quanh tôi, nhiều người cũng vay mượn, cũng cắm đất nhưng rồi thất bại, không trả được nợ ngân hàng, bị người ta xiết nhà. Có người còn phải vương vào vòng lao lý. Như mấy anh em trong nghề ở Hải Dương, đầu những năm 2000 có độ chục dự án tái chế nhựa nhưng đến nay đã “chết” 9, chỉ còn lại 1 dự án được sang tên cho người khác. Ở các vùng khác, phần nhiều dự án tái chế đến nay còn sống thì cũng đang ngắc ngoải.
Tại sao lại có nghịch lý đó, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Nghề này nếu biết làm, biết tiết kiệm, chắt bóp, cộng với sự chịu thương chịu khó thì cũng để ra được một khoản. Nhiều người thấy làm ở quy mô hộ gia đình ổn thì tưởng rằng mở rộng ra chắc cũng ổn. Nhưng họ đã nhầm.
Nguyên nhân chủ quan phải kể đến năng lực quản trị chưa tốt, đâu phải ông nào cũng có khả năng điều hành công ty đâu. Mở công ty ra, phải tính đến nào là thủ tục hành chính, chi phí thuê nhà xưởng, thuê nhân công, đóng thuế… chứ đâu phải cứ như quy mô hộ gia đình.
Tuy nhiên, khó khăn là thế, ngành tái chế lại không nhận được hỗ trợ từ phía Nhà nước. Chưa cần nói đến hỗ trợ về thuế, phí mà những chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động tái chế cũng như bảo vệ môi trường là thiết kế sinh thái, phân loại rác thải tại nguồn cũng chưa có. Chúng tôi vừa phải vất vả tìm cách thu gom, phân loại rác tái chế khi rác thải rắn đặc biệt phức tạp, vừa phải tự đầu tư công nghệ. Đó chính là nguyên nhân khách quan.
Cũng từ nguyên nhân khách quan này, ngành tái chế phát sinh ra một số vấn đề. Đầu tiên phải kể đến việc tái chế gây ra ô nhiễm, từ quy mô làng nghề đến quy mô doanh nghiệp. Người làm nghề tái chế hiểu điều này chứ, nhưng công nghệ lạc hậu, rác thải phức tạp.
Có một điều mong mỏi của những làng nghề tái chế là xây dựng cơ sở xử lý nước thải, hay là tìm được một nơi để chuyển hoạt động tái chế ra đấy, nhưng đều rất khó.
Nếu bỏ đi làm nghề khác, hoặc là đi đầu cơ đất thôi, tôi cũng giàu lâu rồi!
Tiếp theo là một số nhà tái chế chấp nhận nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài, bởi phế liệu nước ngoài “sạch” hơn, lại được phân loại cẩn thận, rất dễ tái chế.
Chính vì những vấn đề ấy, suốt nhiều năm, ngành tái chế bị “quay lưng”, thậm chí bị báo chí lên án, dư luận tẩy chay, chính quyền nhắc nhở.
Bản thân tôi và những anh em ở VietCycle, sau bao nhiêu năm gắn bó với nghề, cũng gọi là may mắn khi còn trụ lại được đến giờ. Nói thật, nếu bỏ đi làm nghề khác, hoặc là đi đầu cơ đất thôi, tôi cũng giàu lâu rồi!
Khó khăn, vất vả, lợi nhuận cũng chẳng cao, vậy tại sao ông vẫn quyết tâm “bám trụ” với nghề?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Nghề tái chế có lẽ là nghiệp của mình. Càng làm, càng thấy yêu nghề, thấy gắn bó với anh em. Vất vả thì có nhưng may mắn là tìm được những người đồng hành, anh em cùng nhau chia sẻ, cùng nhau gánh vác.
Đi ra từ làng nghề, khởi điểm từ đạp xe thồ đi đổi phế liệu, đến nay, tôi thấy tôi cũng nhận lại được nhiều thứ. Không phải là tiền bạc, vật chất nhưng cũng đổi lấy được những mối quan hệ chất lượng, những hiểu biết giúp mở mang tầm nhìn.
Một lý do nữa là chúng tôi tự tin chúng tôi cũng đang đóng góp tích cực cho xã hội, ít nhất là đảm bảo đầu ra cho các cô, các chị đồng nát, ve chai. Phải có người tái chế thì người thu gom mới bán được phế liệu chứ.
Xuất thân từ làng nghề đồng nát, ve chai, tôi hiểu rất rõ những tủi nhục trong nghề này. Tôi cũng từng đạp xe thồ hàng tạ phế liệu đi cả trăm cây số, cũng từng bị chửi bới, thậm chí là đánh đập, cướp giật. Tôi cũng từng cảm thấy ngại, xấu hổ khi tự giới thiệu mình là người làm nghề thu gom, tái chế, kể cả khi đã làm chủ một cơ sở, một đơn vị.
Càng hiểu, tôi càng muốn làm một chút gì đấy cho những người đồng nát, ve chai, lực lượng thu gom rác thải phi chính thức đang đóng góp thầm lặng cho xã hội. Vậy thì thôi, vất vả nhưng cố gắng làm sao để hỗ trợ cho người đồng nát, ve chai càng nhiều càng tốt.
Có phải ước vọng đó của ông đang được viết tiếp bởi VietCycle?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Năm 2018, VietCycle được thành lập, do anh Hoàng Đức Vượng làm chủ tịch. Tôi với anh Vượng quen nhau từ khoảng những năm 2005 - 2006, khi ấy là đối tác của nhau. Qua làm việc, tiếp xúc, anh em thấy hợp nhau, thấy hiểu nhau nên cùng với một số người khác kết hợp lại để làm tái chế.
Chúng tôi nhận ra hướng đi bền vững cho ngành tái chế thu gom và tái chế phế liệu ngay trên đất nước mình!
Nghề tái chế vất vả, chúng tôi cũng cố gắng mở rộng quy mô nên vướng phải nhiều khó khăn, thất bại. Sau này, chúng tôi nhận ra hướng đi bền vững cho ngành tái chế, đó là tập trung thu gom tại nguồn, thu gom và tái chế phế liệu ngay trên đất nước mình.
Để làm được như vậy, tất nhiên không thể thiếu sự đóng góp của lực lượng đồng nát, ve chai. Hoạt động của VietCycle cũng mở rộng sang hỗ trợ nhóm này, từ việc tặng quà, thăm hỏi, tổ chức những buổi trao đổi, hướng dẫn kỹ năng an toàn, cho tới giúp họ cất lên tiếng nói đòi quyền lợi, đòi sự ghi nhận chính đáng từ xã hội.
Sắp tới, với công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), doanh nghiệp làm tái chế như VietCycle sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn. Chúng tôi luôn tâm niệm sẽ chia sẻ phần hỗ trợ, phần lợi ích ấy tới cả những người đồng nát, ve chai nữa. Nhận được lợi ích thì phải biết chia sẻ, như vậy mới bền vững.
Ông kỳ vọng điều gì vào tương lai?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Đến giờ phút này thì chắc tôi sẽ gắn bó mãi với nghề tái chế này thôi. Tuy nhiên, với sự quan tâm từ Nhà nước cùng với việc nhận thức của xã hội được nâng cao, nghề này “danh giá” hơn nhiều rồi.
Trước đây tôi ngại khi phải giới thiệu rằng mình làm nghề tái chế, bởi mỗi khi giới thiệu như vậy đều nhận được ánh mắt có phần không thiện cảm. Do đó, tôi toàn phải tự nhận mình làm kinh doanh tự do.
Thế nhưng đến giờ tôi đã có thể tự hào khẳng định “tôi làm nghề tái chế”. Hy vọng rằng tất cả những anh, chị, em đang tham gia vào các khâu từ thu gom, phân loại cho đến tái chế, đều có thể tự hào giới thiệu như vậy. Vì chúng ta đang làm ăn chính đáng và đóng góp tích cực cho môi trường, cho xã hội.
Còn một điều nữa. Tôi thấy ở nước ngoài có nhiều đơn vị tái chế lớn mạnh lắm, nhiều tiền lắm. Họ nhận được nhiều ưu đãi về thuế, phí, về chính sách. Tôi mong rằng ngành tái chế Việt Nam cũng sẽ được lớn, mạnh như họ, thay vì hơn 40 năm trời vẫn còn non trẻ.
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!
Phạm Sơn thực hiện