Ở độ tuổi ngoài 50 có thể lựa chọn an nhàn với cuộc sống đủ đầy, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Lệ Thu lại bắt đầu một chương hoàn toàn mới trong cuộc đời mình với thương hiệu thời trang Mr Crazy & Lady Sexy kết hợp với nhà hàng phong cách fine dining.
Đây là lần đầu tiên mô hình thời trang - nhà hàng xuất hiện tại Việt Nam, mới mẻ, nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thử thách.
Chị có thể giới thiệu đôi nét về mô hình mới – nhà hàng kết hợp thời trang mà chị đang phát triển? Mô hình này có sự khác biệt gì so với những cửa hàng truyền thống thuần về thời trang hay nhà hàng hiện tại?
Lệ Thu: Ý tưởng và mô hình này xuất phát từ trải nghiệm du lịch đến các thành phố lớn ở châu Âu. Tôi đặc biệt bị cuốn hút bởi nhà hàng lộng lẫy trong trong khuôn viên của một tòa nhà nằm trên đại lộ Saint Germain, Paris – cửa hiệu của thương hiệu thời Trang Ralph Lauren.
Tên gọi của nhà hàng cũng là tên của thương thiệu. Nhà hàng mang phong cách của Ralph Lauren từ bàn ghế, khăn trải bàn, khăn ăn đến vỏ áo gối và đồng phục của nhân viên, tạo cảm giác như đang bước vào ngôi nhà của thương hiệu này.
Ngôi Nhà Thời Trang (The House of Fashion) của thương hiệu thời trang do tôi sáng lập nằm ngay Quận 1, không quá lớn và cũng không quá nhỏ, vừa đủ cho tôi mở một cửa hàng chính cho thương hiệu Mr Crazy & Lady Sexy và một nhà hàng – có tên là Fashionista Café.
Café là một mô hình nhà hàng thịnh hành ở châu Âu mà ở đó, thực khách có thể thưởng thức cả bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Fashionista là danh từ để gọi hay gắn cho những nam thanh nữ tú yêu thời trang, ăn mặc có gu.
Tôi mong muốn Fashionista Café sẽ là điểm đến cho những người sành ăn và sành mặc.
Một số kinh nghiệm, lĩnh vực hoạt động của chị trước khi đến với ngành thời trang? Vì sao chị lại có quyết định dấn thân vào một lĩnh vực mới toanh và đầy thử thách ở độ tuổi mà lẽ ra nên hưởng an nhàn?
Lệ Thu: Có lẽ không ít người biết rằng, gần 20 năm qua, tên tuổi tôi gắn liền với thương hiệu Bệnh viện FV.
Số phận an bài, tôi có duyên nợ với ngành tiếp thị, kinh doanh và truyền thông dù ngành học của tôi không chút liên quan. Tôi tốt nghiệp tiếng Nga chuyên ngành phiên dịch nhưng giờ tôi không còn nhớ tiếng Nga nữa sau mấy chục năm không sử dụng.
Tốt nghiệp đại học cũng là lúc tiếng Nga hết thời, tôi cũng như các bạn lao vào học tiếng Anh và một ngành khác, tôi học và lấy thêm tấm bằng Ngoại Thương.
Thời trang, như tôi chia sẻ trên đây, cũng là cơ duyên để tôi bắt đầu mơ ước khởi nghiệp từ nhiều thập kỷ trước.
Tôi bắt đầu Mr Crazy & Lady Sexy vào năm 2019 với những bước đi chập chững, chủ yếu tập trung vào học các khóa học liên quan đến thời trang và nghiên cứu thị trường.
Sau hai năm đại dịch Covid-19, tôi thực sự bắt đầu từ năm 2022. Hai năm vừa qua là hai năm khó khăn nhất, chỉ có đầu tư mà không có doanh thu để tìm kiếm và tuyển dụng đội ngũ phù hợp, xây dựng quy trình và cơ cấu tổ chức, xác định thị trường, định vị thương hiệu.
Năm 2024, chúng tôi đã có rất nhiều tín hiệu tốt khi Mr Crazy & Lady Sexy đã tạo được một cộng đồng khách hàng yêu mến và trung thành với thương hiệu, nhiều fashionista đã hãnh diện chia sẻ khi diện trên mình các thiết kế của chúng tôi.
Đối tượng hướng đến của mô hình này là gì và vì sao chị lại chọn tập trung vào phân khúc này trong thời điểm này?
Lệ Thu: Đối với giới thời trang, tôi là người ngoại đạo, tôi không phải là nhà thiết kế thời trang. Trước khi khởi nghiệp với Mr Crazy & Lady Sexy, tôi cũng chưa bao giờ làm bất cứ việc gì liên quan đến thời trang. Âu cũng là duyên.
Chuyên môn của tôi là tiếp thị, kinh doanh và truyền thông, nên tôi theo đuổi đam mê theo cách nhìn của một nữ doanh nhân, với tham vọng xây dựng một thương hiệu thời trang Việt Nam đẳng cấp, có thể vươn tầm thế giới.
Tham vọng này đến từ những điều nhỏ nhất, từ mong muốn của những người phụ nữ xung quanh mình, độc lập, tự tin, can đảm, phiêu lưu nhưng vẫn luôn giữ được chất mềm mại của phái nữ qua trang phục.
Vậy nên, tôi tâm huyết xây dựng thương hiệu thời trang có tên gọi đặc biệt này với mong muốn truyền cảm hứng cho phụ nữ không biên giới, không giới hạn bởi hình thể, vóc dáng hay tuổi tác, về tình yêu bản thân, tình yêu cuộc sống để hạnh phúc và thành công mà vẫn giữ được chất ‘đẹp’ riêng.
Sự phát triển của hình thức kết hợp này trên thế giới và tại các nước xung quanh Việt Nam ra sao, thưa chị?
Lệ Thu: Trên thế giới, các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Gucci, Louis Vuitton, Prada hay Ralph Lauren gần đây mới bắt đầu mô hình này.
Tên tuổi của họ đã lừng danh nên việc thu hút khách hàng đến với nhà hàng trong khuôn viên thời trang của họ không phải là khó, có thể nói là hữu xạ tự nhiên hương.
Các thương hiệu thời trang cao cấp chính là sức hút đầy cảm hứng làm cho các nhà hàng của mô hình này lúc nào cũng đông khách.
Khách đến để mong muốn trải nghiệm ít nhất một lần sự xa hoa và sang trọng của những thương hiệu thời trang cao cấp.
Với tôi, tôi sẽ phải xây dựng và quảng bá song song cùng một lúc cả hai thương hiệu mới toanh trên thị trường: thời trang và nhà hàng.
Thách thức lớn nhất là phải làm sao cho đội ngũ hiểu được ý tưởng về mô hình này. Đây không phải là mô hình hai trong một, mà chính là một ngôi nhà, nơi mà khi khách đến dù là thưởng thức ẩm thực hay chọn cho mình một bộ cánh cũng đều có cảm giác như nhau.
Cùng với đó, thách thức cũng đến từ quá trình xây dựng hình ảnh và ngôn ngữ truyền thông, từ những món ăn ngon đến sự tinh tế trong cách bài trí.
Cũng rất may mắn khi tôi từng có kinh nghiệm trong ngành ẩm thực với hai nhà hàng ẩm thực Pháp trước đó. Vậy nên, Fashionista Café đã được vinh danh trong Michelin Selected 2023, năm đầu tiên Michelin đến Việt Nam, chỉ 6 tháng sau khi chúng tôi mở cửa đón những thực khách đầu tiên.
Trong giai đoạn ấy, chị đã phải đối mặt với những khó khăn nào và làm thế nào để vượt qua?
Lệ Thu: Khởi nghiệp không giống với công việc làm thuê chuyên nghiệp, khó khăn chồng chất khó khăn, nguồn vốn, dòng tiền, nhân sự, quy trình, chất lượng, mức giá, đối tượng khách hàng.
Có nhiều đêm, tôi từng nghĩ hay sáng mai đóng cửa luôn đi, sao phải mệt mỏi, sao phải tốn tiền, tiền mình đang đầu tư đủ để mình hưởng thụ cuộc sống chất lượng và an nhàn.
Nhưng rồi, sau một giấc ngủ ngon, sau những trăn trở, tôi lại đầy năng lượng quyết tâm chinh chiến tới cùng với đam mê và hoài bão.
Tôi truyền lửa tích cực đến đội ngũ của tôi, tôi minh bạch những khó khăn đó và quan trọng nhất, tôi tin và trao quyền cho họ.
Tôi cảm thấy mình rất may mắn, các cộng sự của tôi chân thành, trung thực và cam kết đồng cam cộng khổ với tôi để thành công.
Khi ở một thế hệ đã khá xa các bạn trẻ bây giờ, khoảng cách thế hệ có là rào cản trong việc điều hành kinh doanh của chị? Nếu có, chị và đội ngũ đã giải quyết những vấn đề đó ra sao?
Lệ Thu: Với tôi, thế hệ trẻ bây giờ rất giỏi, tôi thích làm với giới trẻ, trẻ hơn tôi nhiều lắm.
Có lẽ do tôi có trái tim trẻ nên hầu như tôi không gặp rào cản trong việc điều hành kinh doanh, thực ra là tôi nghe họ và làm theo họ nhiều hơn.
Trách nhiệm chính của tôi là vạch chiến lược, định hướng văn hóa công ty, chia sẻ trải nghiệm sống và làm việc, xuất hiện đúng lúc khi họ cần.
Theo chị, điều gì ở một người người phụ nữ ảnh hưởng tích cực/ tiêu cực trong công việc kinh doanh?
Lệ Thu: Tôi thăng tiến rất nhanh nên xưa kia tôi có mắc “bệnh ngôi sao”. Tôi cũng rất nóng tính và những điều này gây ra vô vàn bất lợi có cả thất bại nữa.
Thời gian qua đi, tôi rút ra được rất nhiều bài học cho mình: yêu bản thân để hạnh phúc, thành công và giữ được cái đẹp – cái đẹp của sự tự tin, thanh lịch, dịu dàng và khôn khéo trong mọi hoàn cảnh và tình huống.
Nếu nhìn lại khoảng thời gian ấy và được chia sẻ với thế hệ trẻ sau này, chị có lời khuyên, tâm sự về câu chuyện lựa chọn nghề, đam mê với công việc, về tâm thế sẵn sàng thay đổi dù ở bất cứ độ tuổi nào?
Lệ Thu: Sống hết đam mê, yêu hết mình, luôn mỉm cười với mọi thứ.
Cảm ơn chị!