Bằng những kinh nghiệm sau nhiều năm không ngừng học hỏi, và bằng cái tâm của người làm dịch vụ, chị Vũ Hương Giang – Quản lý khu nghỉ dưỡng Alma Resort – đã từng bước gặt hái thành công trong sự nghiệp, trở thành một trong những người phụ nữ Việt hiếm hoi giữ vị trí cấp cao này ở Việt Nam.
Nỗ lực bền bỉ
“Nếu để miêu tả về quãng đường từ một cô sinh viên Thủy sản Nha Trang đến vị trí như ngày hôm nay, có lẽ tôi sẽ chọn từ may mắn. May mắn vì có được những cơ hội làm việc và học tập tuyệt vời, may mắn vì có những người đồng nghiệp luôn hỗ trợ, những người sếp luôn tận tâm chỉ bảo, và may mắn khi có gia đình luôn bên cạnh, trở thành điểm tựa vững vàng trong những ngày tháng khó khăn nhất”, chị Giang tâm sự.
Dù vậy, những kết quả của ngày hôm nay của chị không chỉ đơn thuần là những may mắn nối tiếp nhau, mà đằng sau đó là những nỗ lực bền bỉ học tập, làm việc và cống hiến, với tinh thần không ngại khó, sẵn sàng thử sức ở bất cứ vị trí nào trong ngành dịch vụ khách sạn vốn khốc liệt.
Nhớ lại hơn 20 năm trước, cô sinh viên ngày ấy chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm việc và theo đuổi sự nghiệp trong ngành khách sạn. Điểm bắt đầu đến từ những cơ duyên chẳng ai có thể đoán được.
Học chuyên ngành chế biến thực phẩm của Đại học Nha Trang lúc ấy dù cảm thấy không phù hợp, chị Giang vẫn cố gắng gắng hoàn thành tốt với suy nghĩ không thể trở thành gánh nặng cho bố mẹ. Ngay cả trước khi tốt nghiệp, chị đã luôn đau đáu tìm một công việc, sẵn sàng làm bán thời gian (part-time) và không ngần ngại bất kỳ việc làm nào.
Cơ hội đầu tiên trong ngành khách sạn đến với chị khi Vinpearl tại Hòn Tre tuyển nhân sự. Nhưng với một người trái ngành, lại chưa có nhiều kinh nghiệm, kết quả “trắng tay” là điều dễ dàng đoán được.
“Tôi nhớ năm đó Vinpearl tuyển nhân viên cho khu nghỉ dưỡng bên đảo, tôi ứng tuyển làm nhân viên phục vụ, nhưng kết quả là rớt. Yêu cầu lúc đó đã rất cao, cả về chuyên ngành lẫn tiếng Anh”, chị Giang nhớ lại.
Không lâu sau đó, chị tiếp tục với cơ hội thứ hai tại Six Senses Ninh Vân Bay, đánh dấu sự khởi đầu cho hành trình trong ngành dịch vụ khách sạn sau này.
“Con đường phỏng vấn cũng chông gai lắm, khi vòng đầu tiên gặp luôn trưởng phòng nhân sự là người Đức. Lúc ấy cũng chưa phải là đam mê ngành khách sạn lắm, nhưng bản thân cảm thấy có trách nhiệm với cha mẹ, phải kiếm được việc làm, nên suy nghĩ rằng bằng mọi giá phải đậu. Lúc ấy, bao nhiêu vốn tiếng Anh có được đều mang ra dùng hết”.
“May mắn là đậu, và cũng rất tự hào, vì lúc ấy Six Senses chỉ tuyển ít người, mà tôi thì lại không có kinh nghiệm nhiều”, chị Giang nhớ lại.
Một điều may mắn hơn nữa với những người trái ngành như chị Giang là cơ hội được học tập, được đào tạo một cách rất bài bản và chuyên nghiệp tại nơi làm việc đầu tiên, thậm chí, còn được tiếp cận đến cách làm việc theo tiêu chuẩn dịch vụ cao cấp trong đào tạo với những người từ Maldives về dạy tại Six Senses.
Những nỗ lực không mệt mỏi suốt gần một thập kỷ sau đó đã giúp chị tiếp tục có cơ hội đi Singapore, và đáng nhớ nhất là chuyến đi Maldives một tháng để học cách làm dịch vụ, làm trải nghiệm khách hàng tại một trong những địa điểm có chất lượng dịch vụ ngành khách sạn hàng đầu thế giới.
Sau đó, để cân bằng cuộc sống và có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình, chị đã quyết định chuyển qua bộ phận lễ tân phụ trách đón khách trên khu vực đất liền.
Thế nhưng, tinh thần luôn học hỏi, tính cách luôn tìm kiếm thử thách để làm mới bản thân đã thúc giục chị cần một vị trí mới mẻ hơn, nhiều thách thức hơn, và nhân duyên lại một lần nữa níu kéo chị ở lại với Six Senses trong vai trò nhân viên kế toán, kiểm soát chi phí bộ phận nhà hàng (F&B) của resort, và sau đó là trợ lý trưởng bộ phận.
Những bận bịu gia đình nối tiếp nhau khiến chị Giang lựa chọn dừng công việc tại Six Senses và chuyển sang làm việc tại Vinpearl.
Với chị, lần thay đổi này cũng là một sự may mắn trong cuộc đời, bởi khi đó, Vinpearl Nha Trang bắt đầu cải tạo, giúp chị có cơ hội được làm mới, được cộng tác với khối thiết kế, tạo nền tảng để chị sẵn sàng bước vào những khu nghỉ dưỡng mới sau này.
Không chỉ vậy, chị còn là một trong những người hỗ trợ Vinpearl Land Phú Quốc trong mảng F&B ngay từ những ngày đầu tiên, giúp chị học được cả những điều nhỏ nhất, từ đó điều chỉnh bản thân liên tục trong môi trường văn hóa đầy chuyên nghiệp và kỷ luật tại Vin.
Sau đó, chị tiếp tục hành trình trong ngành dịch vụ khách sạn tại các khu nghỉ dưỡng khác như Mia Resort Nha Trang, The Anam, và hiện là Alma Resort với vị trí cấp cao nhiều người mơ ước.
“Trong sự nghiệp, tôi cảm thấy mình là người may mắn, luôn gặp được những người quản lý, người sếp giống như những người thầy. Họ không chỉ là tấm gương để mình noi theo, mà còn là người truyền cảm hứng, là nguồn động viên để tôi vượt qua những nỗi đau, những khó khăn trong cuộc sống”, chị chia sẻ.
Tình người là tài sản lớn nhất
Mỗi khi nhớ lại những ngày đầu với Alma, chị Giang không khỏi bồi hồi. “Tôi bắt đầu tại Alma từ khi Alma chỉ có 6 người, và bây giờ con số là hơn 700. Có thể nói văn hóa của Alma được đúc kết từ những kinh nghiệm và tích lũy của những người đầu tiên, nhưng tất cả đều đồng ý rằng sự hiếu khách, tốt bụng, quan tâm – những điều tốt đẹp của con người Việt Nam – là những yếu tố không thể thiếu, đặc biệt trong ngành khách sạn này”.
“Cùng với đó là đam mê, chính trực, và tôn trọng. Tất cả điều này liên kết với nhau, tạo thành một con người, một tập thể đầy đủ nhân và trí, sẵn sàng đương đầu và đủ khả năng vượt qua mọi thử thách”.
Với nữ quản lý của khu nghỉ dưỡng Alma, mỗi cơ sở lưu trú sẽ có vẻ đẹp khác nhau, và mỗi năm sẽ có thêm nhiều sự sáng tạo để làm cơ sở vật chất đẹp hơn, tạo nên một cuộc đua không hồi kết.
Do đó, “tài sản quý giá nhất và quan trọng nhất là con người, là sự hiếu khách và cách chăm sóc của người làm dịch vụ đối với khách hàng. Với Alma, con người là gốc, và lấy định hướng đào tạo con người làm chủ đạo. Đào tạo ở đây không chỉ về nghề, mà còn về chân, thiện, mỹ, về cách giao tiếp, làm việc cùng nhau một cách hiệu quả”, chị Giang cho biết.
Một điều đặc biệt ở Alma resort là ngay cả những công việc tưởng chừng như rất đơn giản lại có một lộ trình nghề nghiệp rõ ràng, nhiều điều để học tập và trau dồi.
Đơn cử như trong việc làm vườn, nhân viên sẽ luôn được cập nhật thêm kiến thức mới về thổ nhưỡng, về chế độ nước, chiếu nắng, dinh dưỡng, hay như nhân viên bếp sẽ cần bổ sung kiến thức về các loại dụng cụ, máy móc với công nghệ mới.
“Điều quan trọng là người dẫn đầu phải cho nhân viên thấy được tương lai nghề nghiệp đó, như chức vụ, thu nhập, các cơ hội học tập trong cả ngắn và dài hạn, từ đó, nhân viên sẽ tự có động lực làm việc và cống hiến”, chị Giang chia sẻ.
Với quan điểm con người là trung tâm, xây dựng đội ngũ dựa trên sự kết nối giữa con người với con người, Alma resort đã dám đi một bước đi táo bạo trong vấn đề nhân sự khi thị trường vẫn còn ảm đạm, thậm chí, chưa được mở cửa hoàn toàn.
“Khi mở cửa lại vào ngày 15/1, Alma đã ký hợp đồng với hơn 300 nhân viên cùng một lúc, trong khi trước đó chỉ giữ ở mức khoảng 100 người. Đến đầu tháng 3, ngay cả khi du lịch chưa mở cửa hoàn toàn, Alma cũng quyết định “liều”, ký thêm với 300 nhân viên nữa, bởi đội ngũ quản lý nhận định lạc quan rằng du lịch sẽ nhanh chóng phải mở cửa, và nhu cầu sẽ quay trở lại”, chị Giang cho biết.
Điều này đã giúp đội ngũ nhân sự tại Alma rất ổn định giai đoạn sau đó để đón đợt sóng đầu tiên của khách du lịch vào thời điểm kỳ nghỉ 30/4 – 1/5, dù vẫn còn nhiều khó khăn khi hiệu suất công việc bị ảnh hưởng do thời gian dài nghỉ dịch.
Bên cạnh việc định hướng nghề nghiệp từ những công việc nhỏ nhất, một trong những điều đặc biệt trong việc đào tạo của Alma là chương trình dạy tiếng Việt.
“Nghe thì có vẻ phi lý khi đi dạy người Việt tiếng Việt, nhưng trên thực tế, không phải ai cũng biết cách nói làm sao cho hiệu quả, thân thiện với người nghe trong giao tiếp. Do đó, chương trình này tưởng chừng vô nghĩa, lại rất quan trọng, giúp ngay cả những anh chị an ninh, cứu hộ, làm vườn có thể ứng xử như một nhân viên lễ tân”, chị Giang giải thích.
Gia đình là hành trang vững vàng nhất
Khi nhìn lại quãng đường dài đến với vị trí cấp cao tại một khu nghỉ dưỡng lớn như hiện nay, chị Giang trầm ngâm: “Kết quả nào, thành công nào cũng đều có sự hy sinh và đánh đổi. Với tôi, đó là việc mất đi thời gian riêng tư cho bản thân, cho gia đình. Ngành dịch vụ này lại càng khắc nghiệt hơn, khi công việc đòi hỏi đi sớm về khuya, thậm chí rất nhiều đêm phải ở lại”.
“Nhưng vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn và ảnh hưởng lên hàng trăm người. Khi ấy, gánh nặng với công ty buộc mình phải đánh đổi những giờ phút bên người thân, những trách nhiệm mà đáng lẽ ra mình phải làm”, chị Giang tâm sự.
Với chị, sự đồng hành và thấu hiểu của người thân là hành trang vững vàng nhất giúp chị can đảm và sẵn sàng vượt qua khó khăn.
“Chị hy vọng rằng những người phụ nữ không chỉ tự tin, tự quyết, mà còn có thể tìm ra cách đương đầu thay vì đối đầu với những mâu thuẫn trong quan điểm. Gia đình có thể không thấu hiểu và chấp nhận ngay từ đầu, nhưng hãy chia sẻ chân thật nhất, hãy để gia đình dần dần thấu hiểu công việc. Nút thắt nào rồi cũng gỡ được, bởi không ai thương mình hơn những người thân”.
“Cuộc đời này không ai có thể thành công mà đi một mình, xã hội này phải nương tựa vào nhau và hỗ trợ nhau, và ở đó, sự hỗ trợ từ gia đình là điều gần nhất và cần thiết nhất”, chị Giang chia sẻ.
-- Kiều Mai thực hiện --