Đại dịch Covid-19 xảy ra khiến công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và các địa phương khác trên cả nước nói chung bị ảnh hưởng rất lớn do việc đi lại bị hạn chế cộng với tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp.
Trước tình hình đó, ông Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch huyện Vân Đồn, nguyên phó trưởng Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã xác định tập trung vào xúc tiến đầu tư vào các doanh nghiệp nước ngoài hiện hữu ở Việt Nam và đang có nhu cầu mở rộng sản xuất.
Vào cuối tháng 8/2020, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2020 với chủ đề “Quảng Ninh 2002 – điểm đến đầu tư” với sự tham gia của 50 CEO tập đoàn lớn Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.
Với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh luôn xác định ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Hàn Quốc vào.
Mấu chốt quan trọng để Quảng Ninh thúc đẩy thu hút đầu tư từ thị trường trọng điểm Hàn Quốc là do chính sách phát triển kinh tế của Quảng Ninh trong giai đoạn tới cũng sẽ tập trung vào các ngành và lĩnh vực mà nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm.
Cụ thể, tỉnh ưu tiên vào những lĩnh vực xây dựng hạ tầng khu công nghiệp kiểu mẫu, các dự án chế biến, chế tạo, ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm tài nguyên, công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện thiết bị điện tử, ô tô, công nghiệp y dược, công nghiệp sáng tạo... Đồng thời cam kết đồng hành, làm hết sức mình vì sự thành công của các nhà đầu tư.
Ngoài ra Hàn Quốc cũng là một thị trường khách du lịch quan trọng đối với Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng cho biết, nắm bắt được dòng dịch chuyển vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ trong thời gian gần đây, tỉnh Quảng Ninh cũng đã tìm cách để tiếp cận với các nhà đầu tư chất lượng cao có các dự án trong lĩnh vực mà tỉnh đang chú trọng.
Việc đi lại, gặp gỡ trực tiếp để xúc tiến đầu tư tại nước bạn không thể diễn ra trong mùa dịch, Quảng Ninh đã tận dụng công nghệ để tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến, đặc biệt là vào các thị trường trọng điểm.
Đồng thời, tổ chức các buổi kết nối doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp các nước thông qua các nền tảng để tạo môi trường cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Tháng 9/2020, Quảng Ninh cùng với Vĩnh Phúc và Nghệ An đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức hội thảo - giao thương trực tuyến “Kết nối đầu tư Việt Nam - Nhật Bản 2020” với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp hai nước.
Mới đây, JETRO đã công bố danh sách 15 doanh nghiệp nước này (trong tổng số hơn 100 công ty đăng ký dự án đa dạng hóa chuỗi cung ứng) được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào.
Đồng thời, theo khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại châu Á và châu Đại dương của JETRO vào tháng 2/2020, có 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN và đứng thứ ba trong khu vực châu Á và châu Đại Dương.
Bên cạnh đó, với uy tín mà tỉnh Quảng Ninh đã tạo dựng được đối với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước thì chính các nhà đầu tư nước ngoài lại trở thành đại sứ để lan toả những thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh cùng các cơ hội đầu tư vào địa phương này tới các đối tác của mình trên thế giới.
“Ở khu công nghiệp Texhong - Hải Hà, Tập đoàn Texhong cũng kêu gọi một số đối tác vào đầu tư và hình thành một cụm đầu tư khu công nghiệp về dệt may mang tính chất cao cấp, giá trị đầu tư lớn”, ông Hùng cho biết.