
Những cột mốc quan trọng gần đây không chỉ là những điểm sáng đơn lẻ, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ cho vai trò dẫn dắt của khu vực kinh tế tư nhân, thể hiện khát vọng cống hiến cho sự phát triển bền vững của đất nước, đúng với với tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Ngày 28/6/2025, tại Sân bay quốc tế Nội Bài, Vietravel Airlines, một thành viên mới của T&T Group, chính thức đón nhận máy bay Airbus 321 đầu tiên thuộc quyền sở hữu của hãng.
Tàu bay Airbus A321 mới của Vietravel Airlines được mang số hiệu VN - A129 có sức chứa 228 ghế, dự kiến sẽ được đưa vào khai thác ngay đầu tháng 7/2025.
“Việc sở hữu tàu bay Airbus A321 không chỉ là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển đội tàu bay hiện đại, mà còn là lời khẳng định về nội lực tài chính và năng lực vận hành của chúng tôi”, ông Đỗ Vinh Quang, Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines chia sẻ, không quên nhấn mạnh quyết tâm mạnh mẽ của Vietravel Airlines trong việc phát triển bền vững và xây dựng một hãng hàng không có bản sắc riêng.
Ông Đỗ Vinh Quang – Phó Chủ tịch T&T Group giữ vị trí Chủ tịch Vietravel Airlines, sau khi T&T Group trở thành cổ đông chiến lược của hãng hàng không này. Với sự tham gia quản trị và hỗ trợ của cổ đông chiến lược T&T Group, Vietravel Airlines đã có những bước tái cấu trúc và phát triển mạnh mẽ.

Cùng với tàu bay Airbus A321 đầu tiên, ngay trong tháng 7 này, Vietravel Airlines sẽ đón thêm hai tàu bay Airbus A320, nâng tổng số tàu bay thuộc sở hữu lên ba chiếc.
Trong bối cảnh thị trường hàng không quốc tế nói chung, Việt Nam nói riêng vẫn trong tình trạng thiếu hụt máy bay do chuỗi cung ứng linh kiện và động cơ bị gián đoạn, đây là một bước đi chiến lược đầy ấn tượng.
Điều này không chỉ khẳng định năng lực tài chính và tầm nhìn dài hạn, việc sở hữu đội tàu bay riêng còn giúp Vietravel Airlines chủ động hơn trong khai thác, tối ưu chi phí vận hành và nâng cao năng lực cạnh tranh – đặc biệt khi thị trường được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trở lại trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, từ nay đến 2030, Vietravel Airlines cũng sẽ đầu tư nguồn lực để tăng cường thêm đội bay với các dòng máy bay hiện đại, linh hoạt và hiệu quả.
Tại đại hội cổ đông thường niên vừa diễn ra, Vietravel Airlines đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 1.300 tỷ đồng lên 2.600 tỷ đồng.
Quyết định này sẽ củng cố năng lực tài chính, tạo điều kiện cho việc mở rộng đội bay, đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng hiện đại, cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Kế hoạch này được đặt ra trên cơ sở có sự tham gia và cam kết đồng hành của Ngân hàng SHB – một thành viên quan trọng khác trong hệ sinh thái T&T Group.
Với sự đồng hành của T&T Group, Vietravel Airlines đang tận dụng tối đa những lợi thế từ hệ sinh thái đa dạng của tập đoàn. Hãng hàng không có kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực vận chuyển hàng hóa hàng không (air cargo) để khai thác tiềm năng từ sự tăng trưởng của chuỗi cung ứng và logistics trong khu vực. Cùng với đó, T&T Group và Vietravel Airlines cũng đang nghiên cứu khả năng phát triển các dịch vụ hỗ trợ hàng không như dịch vụ mặt đất, kho bãi, dịch vụ kỹ thuật và công nghiệp hàng không.
“Chúng tôi muốn thể hiện khát vọng vươn lên của hàng không tư nhân Việt Nam – một lĩnh vực đang từng bước khẳng định vai trò kiến tạo tăng trưởng trong nền kinh tế quốc dân”, ông Đỗ Vinh Quang chia sẻ.


Sự kiện đón tàu bay Airbus chính là dấu mốc “cất cánh” đầy ấn tượng của Vietravel Airlines, thể hiện rõ khát vọng vươn tầm của khối kinh tế tư nhân Việt, đúng với tinh thần “khuyến khích kinh doanh, đổi mới sáng tạo” của Nghị quyết 68 của Bộ chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã đề ra.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực hàng không, T&T Group còn thể hiện vai trò tiên phong trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng - logistics, với trọng tâm là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.
“Hiện tập đoàn đã đầu tư hàng chục tỷ USD trong các lĩnh vực, đặc biệt có những dự án lớn thành công đi vào hoạt động”, ông Đỗ Quang Hiển, Nhà sáng lập, Chủ tịch Điều hành T&T Group từng chia sẻ.
Ngày 29/6, chỉ 1 ngày sau khi Vietravel Airlines đón tàu bay Airbus A321 đầu tiên, liên danh nhà đầu tư – trong đó có T&T - chính thức khởi công dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương tại tỉnh Lâm Đồng. Tuyến đường cao tốc dài hơn 73 km với 4 làn xe, kết nối hai trung tâm quan trọng của tỉnh Lâm Đồng.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 17.718 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm 43,8% tổng mức đầu tư, phần còn lại sẽ do liên danh nhà đầu tư gồm T&T – FUTA GROUP và Phương Thành chi trả.
Dự án không chỉ có ý nghĩa về mặt hạ tầng giao thông, mà còn góp phần khai phá những tiềm năng và mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Lâm Đồng mới sau sáp nhập – được hình thành trên cở sở 3 đơn vị hành chính cũ là Lâm Đồng – Bình Thuận – Đắk Nông.

Đặc biệt, dự án còn được kỳ vọng sẽ trở thành là biểu tượng cho hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân khi được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Mô hình PPP được áp dụng không chỉ giúp giảm áp lực lên nguồn vốn ngân sách, mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát huy tối đa năng lực quản lý, kỹ thuật và kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án lớn.
Giữa năm ngoái, một dự án khác cũng được T&T Group tham gia đầu tư theo mô hình PPP - Cảng hàng không Quảng Trị.
Điểm đặc biệt là dù dự án PPP sân bay Quảng Trị không áp dụng cơ chế chia sẻ giảm doanh thu nhưng nhà đầu tư, bao gồm T&T và Tập đoàn Cienco 4 đã tự thu xếp tổng mức đầu tư hơn 5.821 tỉ đồng là điều hiếm thấy trong đầu tư PPP thời gian qua. Dự án quy mô lớn được triển khai với tốc độ nhanh chóng khi theo kế hoạch, Cảng hàng không Quảng Trị sẽ khánh thành vào tháng 7/2026.
Sự tham gia của T&T Group cùng các đối tác uy tín khác trong liên danh nhà đầu tư cho thấy sự tin tưởng của Chính phủ vào năng lực ngày càng lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân trong việc kiến tạo các công trình giao thông trọng điểm quốc gia, “phát huy vai trò của kinh tế tư nhân trong việc huy động vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý để phát triển kinh tế - xã hội” của Nghị quyết 68.


Những dự án lớn trong lĩnh vực hàng không, đường bộ là những mảnh ghép mới nhất trong một hệ sinh thái hạ tầng toàn diện của T&T Group – theo đúng tinh thần “hạ tầng đi trước, mở đường cho phát triển” mà Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh.
Trên thực tế, kế hoạch vươn ra biển lớn của T&T Group được thực hiện trước tiên ở… biển, thông qua việc trở thành cổ đông lớn của Cảng Quảng Ninh. Đây là cảng biển nước sâu có quy mô của một cảng tổng hợp quốc gia và là đầu mối khu vực (loại 1) quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế trọng điểm Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội.
Với sự góp vốn và tham gia quản lý của T&T Group, Cảng Quảng Ninh đang vươn mình trở thành một trung tâm logistics đa năng, kết nối Việt Nam với mạng lưới vận tải biển quốc tế.
Một hệ thống các cụm công nghiệp, trung tâm logistics đa năng được T&T Group triển khai dọc theo các tuyến hạ tầng. Đáng kể nhất trong số đó phải kể tới “siêu cảng” logistics thông minh đặt tại Vĩnh Phúc – Việt Nam SuperPort, do liên danh T&T Group và “ông lớn” logistics châu Á – Tập đoàn YCH hợp tác triển khai.

Việt Nam SuperPort là thành viên đầu tiên trong Mạng lưới logistics thông minh ASEAN, và được đánh giá là một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất miền Bắc.
Việt Nam SuperPort là trung tâm logistics thông minh đa phương thức, có diện tích lên đến 83 ha, tổng vốn đầu tư điều chỉnh hơn 6.900 tỷ đồng, được đặt tại “thủ phủ” công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Nằm trên hành lang kinh tế phía Bắc, Việt Nam SuperPort kết nối 20 khu công nghiệp với các cảng biển và sân bay lớn, bao gồm Hải Phòng, Nội Bài, và kéo dài đến các tỉnh Vân Nam và Côn Minh, Trung Quốc.
Đặc biệt, hưởng ứng cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam SuperPort cũng đã đưa ra các giải pháp phát triển bền vững tiên tiến vào các hoạt động cốt lõi của mình với cam kết trở thành cảng logistics đầu tiên tại Đông Nam Á đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040.
Việt Nam SuperPort không chỉ là một dự án logistics, mà còn là một biểu tượng cho sự đổi mới và sáng tạo của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Để hỗ trợ kết nối tới siêu cảng này, tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội), T&T đang triển khai dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ - giai đoạn 1 với quy mô 41,7 ha và tổng mức đầu tư gần 780 tỉ đồng.
Với vị trí đắc địa trên quốc lộ 32, Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ - giai đoạn 1 cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi các dự án của T&T Group, thể hiện tầm nhìn trong việc xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp - logistics hoàn chỉnh.
Nếu Việt Nam SuperPort là mắt xích vận tải quốc tế phía Bắc, thì khu vực miền Trung – Tây Nguyên với Cảng hàng không Quảng Trị , Tổ hợp công nghiệp hàng không, logistics, dịch vụ, thương mại và đô thị sân bay và Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương sẽ là “nút hậu cần trung tâm” của trục miền Trung – ASEAN. Khi các tuyến cao tốc, sân bay, cảng biển và trung tâm logistics này được kết nối, T&T Group không chỉ hoàn thiện chuỗi cung ứng cho riêng mình, mà còn góp phần giảm chi phí logistics quốc gia – điều mà Chính phủ đang quyết liệt thúc đẩy trong Chiến lược phát triển hạ tầng đến năm 2030
Không dừng lại ở đó, việc Vietravel Airlines sở hữu đội bay riêng và mở rộng vận tải hàng hóa (air cargo), hệ sinh thái logistics của T&T sẽ tích hợp trục vận tải hàng không, tạo năng lực vận chuyển nhanh cho chuỗi cung ứng công nghệ cao, y tế, nông sản xuất khẩu và thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đáng chú ý, bức tranh hạ tầng của bầu Hiển không chỉ dừng lại ở hạ tầng giao thông – logistics, T&T Group tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng năng lượng - đúng theo tinh thần Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
T&T Group đã và đang triển khai nhiều dự án hạ tầng năng lượng lớn trong và ngoài nước như các dự án điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, tổ hợp điện khí LNG Hải Lăng Quảng Trị - giai đoạn 1 tổng công suất 1.500MW, Dự án điện gió Savan 1 tại Lào – giai đoạn 1 (300 MW)…
Đồng thời, T&T đang xúc tiến đầu tư các dự án năng lượng sạch gắn với phát triển chuỗi công nghiệp phụ trợ, pin lưu trữ năng lượng, hydrogen xanh & thu hồi carbon… góp phần thực hiện mục tiêu trung hòa carbon, đạt Net Zero vào năm 2050 và đảm bảo an ninh năng lượng bền vững cho quốc gia.
Việc T&T Group đẩy mạnh đầu tư vào các dự án năng lượng sạch – từ điện gió, điện khí LNG đến hydrogen xanh và thu hồi carbon – chính là hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó nhấn mạnh: “Chú trọng phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là năng lượng mới, năng lượng sạch và bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển khoa học, công nghệ, các ngành công nghiệp chiến lược.”
Một dấu ấn hạ tầng khác của T&T Group không thể không nhắc đến – chính là các dự án bất động sản.
Các dự án bất động sản do T&T phát triển không chỉ đơn thuần là các khu đô thị quy mô lớn hay các tổ hợp công trình nhà ở, căn hộ, văn phòng thương mại, khách sạn, khu nghỉ dưỡng… mà còn được đồng bộ cùng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như giao thông nội khu, trường học, công viên, trung tâm thương mại… tạo thành những đô thị hiện đại, đồng bộ, đáng sống.
Từ các khu đô thị như T&T Victoria (Nghệ An), T&T Định Công, T&T Riverview Vĩnh Hưng (Hà Nội)… đến loạt dự án trung tâm đang được đầu tư xây dựng như dự án số 2 Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội), T&T Phố Nối (Hưng Yên), T&T City Millennia (Long An), Khu dân cư Phước Thọ (Vĩnh Long), Khu đô thị tại An Giang, T&T Sa Đéc, (Đồng Tháp)… đã và đang góp phần thay đổi diện mạo đô thị Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại nhiều địa phương trên cả nước.

Liên tiếp những dự án quy mô lên tới “tỷ đô” vào hạ tầng – logistics – hàng không đã phản ánh rõ khát vọng và tầm nhìn chiến lược của T&T Group trong kỷ nguyên mới của đất nước. Đồng thời, đây cũng là một lời cam kết mạnh mẽ về việc hiện thực hóa những mục tiêu mà Nghị quyết 68 đã đề ra: xây dựng một Việt Nam hùng cường, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Tầm nhìn dài hạn của T&T Group không chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, mà còn vươn ra khu vực và thế giới, thể hiện khát vọng vươn tầm và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Để hiện thực hóa những mục tiêu đầy tham vọng này, T&T Group đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển (R&D), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ xanh và các công nghệ tiên tiến nhất vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Các hoạt động xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Chẳng hạn, với siêu cảng logistics thông minh Việt Nam SuperPort, Việt Nam SuperPort hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn YCH và Học viện Logistics & Chuỗi cung ứng Singapore (SCALA) để đào tạo 500 chuyên gia logistics thông qua chương trình phát triển tài năng kéo dài 9 tháng tại Singapore.
Sáng kiến này nhằm chuẩn bị lực lượng lao động am hiểu công nghệ, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực logistics, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử và R&D quan trọng của khu vực.
Các định hướng này cũng cho thấy T&T Group đang cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị – về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững đất nước.
Việc đầu tư mạnh vào R&D, AI, công nghệ xanh và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là cách tập đoàn từng bước xây dựng năng lực tự chủ về công nghệ, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia – đúng như kỳ vọng mà Đảng đã đặt ra cho các doanh nghiệp tư nhân trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo.

Bài: Trần Anh
Thiết kế: Diệu Thảo
Ngày xuất bản: 04/07/2025