Những đánh giá từ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài gần đây tiếp tục chỉ ra sự hấp dẫn của Việt Nam về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). HSBC trong báo cáo mới nhất cũng cho biết Việt Nam là một trong những thị trường nhận được nhiều sự quan tâm tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, trong trao đổi mới nhất đã chia sẻ đánh giá về vị trí của Việt Nam trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, ông khuyến nghị những vấn đề Việt Nam cần ưu tiên trong thời gian tới để thu hút và giữ chân FDI.
Ông đánh giá như thế nào về xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng thời gian qua và trong thời gian sắp tới? Khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ chịu tác động như thế nào?
Ông Ahmed Yeganeh: Trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, đa dạng hóa chuỗi cung ứng đã và đang diễn ra. Chúng ta đã thấy điều này khi Trung Quốc dịch chuyển dần chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á.
Không chỉ vậy, Trung Quốc đã và đang tiếp tục đa dạng hóa hơn nữa chuỗi cung ứng của họ từ Đông Nam Á sang các thị trường khác như Ấn Độ, Mexico.
Chúng ta cũng không thể bỏ qua xu hướng nội địa hóa khi các nước phát triển đang tung ra nhiều ưu đãi thuế để kéo hoạt động sản xuất, đầu tư trở về.
Tôi cho rằng Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung đã cho thấy những đặc điểm nổi bật với thu hút FDI và đã chứng minh được sức hấp dẫn này khi FDI tại đây tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Những yếu tố này bao gồm nhân khẩu học, GDP, mức tiêu dùng. Cùng với đó là lực lượng lao động trẻ, hiểu biết về công nghệ với chi phí nhân công vẫn tương đối rẻ.
Ngoài ra, các hiệp định thương mại cũng là điểm giúp khu vực này tăng sức hút.
Có một số ý kiến lo ngại về sự nổi lên của Ấn Độ. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới ASEAN. Kết quả khảo sát mới nhất của HSBC đã cho thấy, các khách hàng của chúng tôi cảm thấy rất lạc quan về các cơ hội tăng trưởng ở khu vực này.
Ngoài sự cạnh tranh của các thị trường khác với ASEAN thì không thể không kể đến sự cạnh tranh trong nội khối. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này? Việt Nam đang ở vị trí như nào trong khu vực?
Ông Ahmed Yeganeh: Trên thực tế chúng ta đều biết các nước ASEAN cũng phải cạnh tranh với nhau trong việc thu hút FDI từ Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu. Và mỗi nước lại có những lĩnh vực, kỹ năng và cơ hội riêng.
Đơn cử, Indonesia đang là một trong những thị trường đang được nhiều doanh nghiệp nước ngoài để ý, Malaysia là nước hưởng lợi lớn nhất từ FDI xét về số lượng thực tế.
Với Singapore, các doanh nghiệp đổ tới đây xem thị trường này như một trung tâm của khu vực nhờ vào nhiều điều kiện ưu đãi, công nghệ phát triển.
Với Việt Nam, lượng vốn lớn từ nước ngoài đã liên tục đổ vào Việt Nam suốt những năm qua.
Tôi vẫn lạc quan với tiềm năng của Việt Nam bởi thị trường này đã chứng minh khả năng phục hồi và phát triển tuyệt vời trong 20 – 30 năm qua. Việt Nam cũng giữ được mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với cả phương Đông và phương Tây với kết quả là hàng loạt hiệp định thương mại với các thị trường và khối quan trọng trên thế giới.
Không chỉ vậy, Việt Nam đang sở hữu dân số vàng. Trong khi nhiều nước Bắc Á ngày càng có nhiều người già, Việt Nam vẫn có sở hữu lực lượng trẻ đầu tư vào giáo dục không ngừng.
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy các công ty nước ngoài mới xuất hiện tại Việt Nam. Là ngân hàng quốc tế với mạng lưới toàn cầu, HSBC nhận được nhiều yêu cầu thông tin từ các công ty khắp thế giới tìm hiểu về về Việt Nam và cơ hội tại đây.
Tôi nghĩ rằng, nhiều người có thể cảm thấy Việt Nam chưa đủ mạnh, nền kinh tế chưa phát triển được tới mức cần thiết. Tuy nhiên, nếu là người nước ngoài nhìn vào Việt Nam với tốc độ tăng trưởng GDP vừa qua, thị trường tiêu dùng vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, Việt Nam thật sự là nền kinh tế đang phát triển nhanh với nhiều cơ hội.
Tuy vậy, chúng ta cũng không nên tự mãn bởi ngoài các nước trong khối ASEAN, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Ấn Độ, Mexico.
Theo ông, tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang chú trọng vào lĩnh vực nào? Họ lo lắng, mong muốn gì ở Việt Nam?
Ông Ahmed Yeganeh: Các nhà đầu tư quan tâm đến mọi lĩnh vực, từ công nghiệp, bán dẫn đến năng lượng tái tạo, sản xuất, dệt may…
Họ rất hào hứng với Việt Nam nhưng họ cũng lo ngại các yếu tố thiếu thuận lợi trong kinh doanh, các quy định và rào cản ngôn ngữ.
Khảo sát mới đây của HSBC cũng chỉ ra rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm những đối tác trong nước có thể hỗ trợ tìm hiểu các quy định trong nước, các khu vực địa lý tiềm năng và nhân sự phù hợp.
Không chỉ vậy, các nhà đầu tư cũng rất quan tâm rằng liệu họ có thể tiếp cận tới năng lượng tái tạo để cung cấp cho nhà máy hay không, làm như thế nào, hay nguồn điện có ổn định hay không.
Chúng ta đều biết Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong dòng vốn tới ASEAN. Ông đánh giá như thế nào về rủi ro với khu vực ASEAN từ sự chậm lại kéo dài của Trung Quốc?
Ông Ahmed Yeganeh: Thời gian qua chúng ta đã thấy sự suy thoái diễn ra ở Trung Quốc, nền kinh tế này đã chậm lại. Tuy nhiên, nếu so sánh với các thị trường khác như Mỹ, hay châu Âu, GDP của Trung Quốc vẫn tăng trưởng tích cực.
Điều đáng chú ý là bất chấp sự chậm lại đó, hiện vẫn chưa thấy sự sụt giảm đáng kể trong FDI của thị trường này vào Việt Nam và cả những nước ASEAN khác. Dữ liệu ba tháng đầu năm nay tiếp tục minh chứng cho điều này.
Tôi cho rằng, Trung Quốc sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong câu chuyện FDI của Việt Nam 2 – 3 năm tới. Dòng vốn này không chỉ đến từ Trung Quốc đại lục mà còn có thể từ Hồng Kông, Đài Loan bởi rất nhiều công ty từ đại lục tới đây hoạt động và sau đó đi đầu tư.
Điều có thể ảnh hưởng đến xu hướng này là lãi suất giảm ở phương Tây cùng sự quay trở lại của kinh tế Mỹ. Khi châu Âu và Mỹ cải thiện như chúng tôi mong đợi vào năm nay, các quốc gia trong ASEAN như Việt Nam, Indonesia hay Philippines sẽ có thêm cơ hội.
Sau căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, gần đây, cụm từ “chip war” đang nổi lên nói về những căng thẳng giữa hai nước này liên quan đến mảng sản xuất chip. Vậy theo ông, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào từ những vấn đề này?
Ông Ahmed Yeganeh: Chúng ta đều thấy rõ những căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ thời gian qua. Cho đến nay, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc phát triển các mối quan hệ với cả phương Đông lẫn phương Tây.
Từ góc độ của Việt Nam, việc duy trì đường lối đó thực sự quan trọng. Chúng ta đã chứng kiến chuyến thăm của Tổng thống Mỹ và việc nâng cấp quan hệ hai nước. Nhưng mối quan hệ giữ Việt Nam với Trung Quốc cũng vẫn rất bền chặt, khi Chủ tịch nước của Trung Quốc đã đến thăm Việt Nam vào cuối năm ngoái và gần đây nhất là chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch quốc hội Việt Nam.
Điều này cho thấy Việt Nam rất cởi mở và tạo điều kiện thuận lợi cho FDI cùng lĩnh vực công nghệ.
Với vấn đề bán dẫn, tôi cho rằng nguy cơ với vị thế của Việt Nam đến từ Ấn Độ. Nước này đang thực sự đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực bán dẫn.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần làm gì để tiếp tục thu hút và giữ chân các doanh nghiệp FDI?
Ông Ahmed Yeganeh: Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong việc thu hút FDI thời gian qua, như thiết lập các hiệp định thương mại tự do, tập trung cho cơ sở hạ tầng, giáo dục, tăng khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo. Tất cả những điều này hiện vẫn đang được tiếp tục và cần được tiếp tục trong thời gian tới.
Ngoài ra, các vấn đề quan trọng khác bao gồm giảm bớt những quan liêu trong thủ tục, hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài đưa ra các quyết định nhanh chóng khi đầu tư và hỗ trợ ngay cả khi họ đã đầu tư.
Về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu đang được quan tâm hiện nay, thành thật mà nói, các khách hàng của chúng tôi cảm thấy tương đối thoải mái với vấn đề này. Chính phủ cùng các bộ, ngành của Việt Nam đã những cuộc đối thoại và thảo luận liên quan về tác động đối với doanh nghiệp nước ngoài. Điều này thật sự quan trọng.
Khác với các thị trường ASEAN khác và thậm chí có thể cả những thị trường châu Á – Thái Bình Dương khác, Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Tài chính của Việt Nam đã rất gắn kết với cộng đồng doanh nghiệp, thường xuyên trao đổi để hiểu hơn về mối quan tâm của nhà đầu tư.
Những hội nghị với Thủ tướng cho thấy các doanh nghiệp có thể lên tiếng trực tiếp với lãnh đạo cao nhất của Chính phủ. Sự liên lạc hai chiều liên tục giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp là minh chứng gắn kết cho các công ty quốc tế có ý định đầu tư vào Việt Nam.
Tuy vậy, một lần nữa, chúng ta không nên tự mãn. Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm như tăng cường cơ sở hạ tầng, đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế…
Thành thật mà nói thì ông có thấy kết quả tích cực nào sau những cuộc đối thoại đó hay không?
Ông Ahmed Yeganeh: Có chứ, tôi đã thấy một số kết quả tích cực.
Các khách hàng của chúng tôi cho biết họ đã được thảo luận với Chính phủ và thực sự đánh giá cao những cơ hội này dù một số lĩnh vực sẽ cần thêm thời gian để điều chỉnh.
Những lần đối thoại giúp Việt Nam khác biệt với các thị trường khác.
Hiện nay, Việt Nam muốn nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng, tuy nhiên, khá tụt hậu về năng suất lao động so với các thị trường trong khu vực. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào và Việt Nam cần phải làm gì?
Ông Ahmed Yeganeh: Tham vọng phát triển chuỗi cung ứng là điều rất đáng khen ngợi. Chúng ta đã thấy điều đó tại Trung Quốc trong thập kỷ qua khi họ chuyển các công đoạn cuối của chuỗi cung ứng ra ngoài và tập trung vào phân khúc cao hơn.
Việt Nam sẽ làm điều tương tự và đó là sự chuyển đổi tất yếu.
Nếu Việt Nam muốn tiến lên chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần đầu tư vào con người và công nghệ. Khảo sát của HSBC cũng cho thấy đầu tư công nghệ tại Việt Nam tiếp tục là cơ hội lớn để cải thiện và tăng trưởng, trong khi lực lượng lao động trẻ, có tay nghề và am hiểu công nghệ cần tiếp tục mở rộng.
Cảm ơn ông!
Bài: Kiều Mai
Ảnh: Hoàng Anh