Analytic

[Longform] Ổn định vĩ mô và thách thức của ''mục tiêu kép''

-- Sơn Phạm thực hiện --


Cái giá phải trả cho bất ổn vĩ mô từ giai đoạn 2006 – 2011 là quá lớn, dẫn đến Việt Nam rút ra kinh nghiệm “bằng mọi giá phải giữ ổn định vĩ mô”. Tuy nhiên, nội hàm của khái niệm “ổn định vĩ mô” thực chất có phải để chỉ mức lạm phát thấp? Công tác điều hành chính sách cần làm gì để duy trì ổn định vĩ mô?

Trong bối cảnh đầy biến động hiện nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, một trong những ưu tiên điều hành chính sách hàng đầu là làm sao kiểm soát được lạm phát và duy trì ổn định vĩ mô, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo mục tiêu phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

“Mục tiêu kép” này đặt nhiệm vụ của điều hành chính sách vĩ mô vào thế khó, với hàng loạt câu hỏi hóc búa phải trả lời: Thắt chặt hay nới lỏng cung tiền? Thắt chặt ở mức độ nào, nới lỏng ở mức độ nào? Bằng công cụ chính sách gì?

Đứng trước những bài toán khó, nên dù “mục tiêu kép” đã được quán triệt và nhấn mạnh nhiều lần bởi Thủ tướng nhưng một câu hỏi được đặt ra là nếu không thể đạt được cả 2 mục tiêu, liệu Chính phủ có chấp nhận mức lạm phát cao để đổi lấy phục hồi và tăng trưởng?

Theo nhiều chuyên gia, việc đánh đổi mức lạm phát cao để duy trì tăng trưởng là điều chắc chắn không xảy ra, bởi cái giá phải trả cho bất ổn vĩ mô trong giai đoạn khủng hoảng trước đó là quá lớn, thậm chí có những “cái giá” đến tận bây giờ vẫn chưa “trả” xong.

“Ảnh hưởng của mất ổn định vĩ mô trong giai đoạn 2006 – 2011 là quá lớn, đến tận bây giờ chúng ta vẫn bị ám ảnh rằng “mất ổn định vĩ mô là mất tất”, do đó không có chuyện đánh đổi bất ổn vĩ mô để lấy tăng trưởng”, Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh nói tại một sự kiện kinh tế vĩ mô gần đây.

Ổn định kinh tế vĩ mô là "bất biến" để ứng phó với "vạn biến" của tình hình kinh tế quốc tế!
Ông Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022, cũng lý giải, ổn định vĩ mô là cái “bất biến” được sử dụng để “ứng vạn biến” của tình hình quốc tế. Trong tình thế nền kinh tế chịu đe dọa của lạm phát và suy thoái, ổn định vĩ mô cần phải được duy trì để hóa giải “nguy cơ kép”.

Lạm phát thấp có phải ổn định vĩ mô?

Khẳng định Việt Nam sẽ duy trì không để lạm phát tăng cao để tránh bất ổn vĩ mô, tuy nhiên, ông Ánh cũng lưu ý, lạm phát không phải yếu tố duy nhất của ổn định vĩ mô, mà chỉ là yếu tố “được nhắc đến nhiều nhất”. Mức lạm phát cao có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến bất ổn vĩ mô, cũng là nguyên nhân tác động đến các yếu tố gây bất ổn vĩ mô khác.

“Khi phân tích ổn định vĩ mô, chúng ta cần mở rộng nội hàm của khái niệm này thay vì chỉ tập trung vào lạm phát”, ông Ánh nhắn nhủ báo chí và các chuyên gia kinh tế.

Khi phân tích ổn định vĩ mô, chúng ta cần mở rộng nội hàm của khái niệm này thay vì chỉ tập trung vào lạm phát
TS Vũ Đình Ánh
Chuyên gia kinh tế

Quay trở lại vấn đề duy trì ổn định vĩ mô trong bối cảnh hiện nay, trao đổi với Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành trong một cuộc họp vào cuối tháng 7, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (VIE), đồng tình với quan điểm phải giữ ổn định vĩ mô.

Tuy nhiên, giống như quan điểm của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, ông Thiên đặc biệt nhấn mạnh, duy trì ổn định vĩ mô không chỉ nằm ở việc kiểm soát lạm phát.

“Lạm phát được duy trì ở mức thấp mà nền kinh tế bất ổn, doanh nghiệp chưa thể phục hồi thì liệu có thể gọi là ổn định vĩ mô”, nguyên lãnh đạo VIE đặt vấn đề.

Theo vị chuyên gia này, bên cạnh tỷ lệ lạm phát, ổn định vĩ mô cần phải xét đến những yếu tố bao gồm độ hiệu quả của các công cụ điều hành chính sách; khả năng phục hồi của doanh nghiệp và rủi ro của hệ thống ngân hàng.

Thế nào là ổn định vĩ mô? 2
PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), đưa ra quan điểm, khi nói đến ổn định vĩ mô, cần phải xem xét đến nhiều yếu tố vĩ mô, bao gồm từ lạm phát cho tới cán cân thanh toán, hệ thống tài chính, tiêu dùng, tiết kiệm, đầu tư…

Một nghiên cứu được công bố vào đầu năm 2020 của Ban Kinh tế vĩ mô và dự báo, Bộ Tài chính, cũng chỉ ra, mức độ ổn định kinh tế vĩ mô được xem xét thông qua nhiều biến số, không chỉ lạm phát mà còn là vấn đề ổn định tiền tệ, nợ công, thâm hụt ngân sách, dự trữ ngoại hối, bong bóng tài sản…

Thế nào là ổn định vĩ mô? 3
Diễn biến một số chỉ số liên quan đến lạm phát giai đoạn vừa qua. Ảnh: VEPR

Nghiên cứu này dẫn lại quan điểm của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), nhấn mạnh những yếu tố bao gồm lãi suất, gánh nặng nợ và kiểm soát lạm phát là những yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá độ ổn định kinh tế vĩ mô.

Như vậy, lạm phát thấp và ổn định chỉ là một yếu tố cấu thành nên sự ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, để đảm bảo mục tiêu ưu tiên hàng đầu là duy trì ổn định vĩ mô, các chính sách điều hành kinh tế không thể chỉ tập trung vào lạm phát.

Làm sao để giữ ổn định vĩ mô

Đề xuất với Chính phủ về những giải pháp điều hành chính sách trong thời gian tới, Viện trưởng BCSI nhận định, chính sách tiền tệ cần linh hoạt, một mặt vừa duy trì lạm phát thấp, vừa hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng.

Thế nào là ổn định vĩ mô? 4
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. Ảnh: Người đưa tin

Tuy nhiên, ông Thành đặc biệt nhấn mạnh, linh hoạt không phải là thắt chặt để bớt lạm phát mà thể hiện trong việc chuyển dịch tín dụng vào các ngành, các lĩnh vực cần thiết, ví dụ như doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu theo chuỗi giá trị chất lượng cao…

Quan điểm này nhận được sự đồng tình của TS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân. Ông Cường cho rằng, chính sách tiền tệ nếu quá thắt chặt sẽ làm triệt tiêu khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Như vậy, quay trở lại câu hỏi của TS. Trần Đình Thiên, doanh nghiệp yếu về nội lực, gặp nhiều khó khăn thì mức lạm phát thấp có đủ để giữ vĩ mô ổn định, có đủ để đảm bảo phát triển bao trùm và bền vững trong lâu dài?

Có một yếu tố ít được nhắc đến trong nội hàm của ổn định vĩ mô nhưng lại đang rất được quan tâm kể từ khi cả thế giới đối mặt với khủng hoảng Covid-19, là sức chống chịu của nền kinh tế.

Với hàm ý nhằm duy trì tiềm năng tăng trưởng bao trùm và bền vững trong lâu dài, sức chống chịu của nền kinh tế hoàn toàn phù hợp để được xem xét làm một yếu tố cấu thành nên sự ổn định vĩ mô, đặc biệt là khi những thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu sẽ trở thành những rủi ro lớn trong tương lai.

Theo ông Thành, sức chống chịu của nền kinh tế thể hiện qua những chính sách đảm bảo an sinh xã hội, chính sách phản ứng với những cú sốc bất thường như đại dịch hay bất ổn địa chính trị trong thời gian qua.

Thế nào là ổn định vĩ mô? 5
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

Nói về năng lực chống chịu của nền kinh tế, tại tham luận gửi tới Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV có đề cập đến nhiều chỉ tiêu, bao gồm cả chỉ tiêu về thể chế, quản trị vĩ mô, kinh tế - tài chính lẫn chỉ tiêu về môi trường và xã hội.

Ông Lực cho biết, năng lực chống chịu của nền kinh tế Việt Nam ở mức trung bình khá, dù chỉ tiêu quản trị vĩ mô và kinh tế - tài chính đều được đánh giá là khá và khá tốt. Lý do là vì chỉ tiêu về xã hội và môi trường của Việt Nam chỉ đạt thấp và trung bình thấp.

Do đó, để tăng cường năng lực chống chịu, bên cạnh việc thực hiện linh hoạt các chính sách vĩ mô để duy trì các chỉ tiêu quản trị vĩ mô, cần tập trung thêm vào những lĩnh vực đem lại lợi ích cho môi trường và xã hội như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.