-- Ngọc Anh thực hiện --
Tổng sản phẩm trong nước (GDP)
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2022 ước tính tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê.
Đây là con số cao hơn nhiều so với dự báo của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế tại các hội nghị, diễn đàn về kinh tế vĩ mô gần đây (các dự báo chỉ xoay quanh khoảng 9 - 11% cho quý III).
Bên cạnh nguyên nhân do ‘mức nền’ thấp của cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng rất cao của quý III năm nay còn đến từ sự khôi phục mạnh mẽ ở khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp - xây dựng.
Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP tăng 8,83%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 – 2022. Trong đó, khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp – xây dựng đóng góp lớn nhất với lần lượt 54,2% và 41,8%; còn lại khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 4%.
Ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng trưởng nhanh nhất so với cùng kỳ năm trước là ngành lâm nghiệp với 5,2%; ngành thủy sản theo sau với 4,43%; còn ngành nông nghiệp tăng trưởng 2,43% so với cùng kỳ năm trước.
Ở khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng đầu năm đạt 9,26% so với cùng kỳ, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,7%, cao hơn so tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2019. Ngành xây dựng tăng 8,55%.
Khu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh với tốc độ cao nhất của 9 tháng các năm 2011 – 2022. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; thông tin và truyền thông.
Dự báo tăng trưởng GDP
Theo dự báo của đa số chuyên gia và tổ chức quốc tế, GDP năm 2022 sẽ tăng trên 7%. Đơn cử như trong tháng 9, Ngân hàng Thế giới vừa đưa ra dự báo tăng trưởng 7,2%. IMF dự báo 7%, cao hơn 1% so với con số tổ chức này đưa ra vào 3 tháng trước đó.
“Năm nay tăng trưởng 7 – 7,5%, còn năm sau ở mức 6,5 – 7%” là dự báo của Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV – TS. Cấn Văn Lực.
Bên cạnh đó, vẫn có các tổ chức đưa ra dự báo thấp hơn như ADB với mức 6,5% cho năm nay.
Theo đánh giá của ADB, tình trạng thiếu lương thực và sự hồi phục của chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trong năm nay, nhưng chi phí đầu vào cao có thể hạn chế tăng trưởng của ngành.
Đi lại trong nước trở lại bình thường sau Covid-19 hỗ trợ sự phục hồi của du lịch trong những tháng cuối năm, thúc đẩy tăng trưởng khu vực dịch vụ.
Bên cạnh đó, triển vọng công nghiệp có xu hướng đi lên do giải ngân vốn FDI mạnh mẽ trong khu vực này.
Tuy nhiên, ADB còn dự báo, suy thoái kinh tế toàn cầu có thể tác động đến xuất khẩu nặng nề hơn so với dự báo, điều này sẽ làm cán cân tài khoản vãng lai xấu đi.
Nhìn ở góc độ khác, PGS.TS Trần Hoàng Ngân lại nhấn mạnh về GDP bình quân đầu người. Ông cho rằng, cần đạt được 3.900 USD/người trong năm nay. Để từ đó, Việt Nam sẽ đạt khoảng 4.700 – 5.000 USD vào năm 2025 như kế hoạch đề ra, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Sản xuất nông, lâm, thủy sản
Nông nghiệp
Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn trong bối cảnh thiếu lương thực ở nhiều nơi trên thế giới và sự phục hồi của chuỗi cung ứng.
Nổi bật nhất là thị trường lúa gạo sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và đánh thuế 20% đối với các loại gạo khác từ đầu tháng 9/2022. Giá gạo trên thế giới được dự báo sẽ tăng cao do chịu áp lực nguồn cung bị hạn chế.
Thị phần gần 37% thương mại gạo toàn cầu của Ấn Độ hiện nay có thể phải chia sẻ cho Việt Nam và Thái Lan khi sức cạnh tranh của giá gạo Ấn Độ yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn.
Trong báo cáo triển vọng ngành gạo mới nhất, VNDirect nhận định: “Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu xu hướng tăng giá của gạo”.
Mặc dù là vậy, nhưng thực tế ‘dư địa’ để đột phá về sản lượng gạo trong năm nay không nhiều.
Vụ lúa đông xuân (thường gieo cấp từ cuối tháng 10 và thu hoạch vào tháng 4 năm sau) là vụ lúa chính trong năm, chiếm hơn 40% diện tích gieo trồng lúa cả năm, năng suất cao nhất trong các mùa vụ và sản lượng đạt từ 45-47% tổng sản lượng lúa sản xuất trong năm.
Vào năm nay, diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước đã giảm 14,8 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước chủ yếu do chuyển sang đất phi nông nghiệp phục vụ quá trình đô thị hóa, chuyển sang trồng cây lâu năm hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Năng suất lúa đông xuân của cả nước ước giảm 1,5 tạ/ha so với năm trước. Bên cạnh diện tích gieo cấy giảm, năng suất lúa đông xuân năm nay giảm nhiều còn do giá phân bón, thuốc bảo vệ tăng cao nên người dân giảm mức sử dụng; thời tiết diễn biến thất thường, mưa to, ngập úng ở khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung từ cuối tháng 3 trở lại đây, xâm nhập mặn vào cuối vụ ở vùng ĐBSCL.
Còn các vụ mùa khác trong năm, diện tích gieo cấy năm nay cũng bị thu hẹp lại và gặp không ít khó khăn do thời tiết diễn biến thất thường và chi phí đầu vào tăng cao.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng toàn ngành năm 2022 là 2,8 – 3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 55 tỷ USD, cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD.
Trong bối cảnh nhiều chuyên gia dự báo các động lực tăng trưởng sẽ không còn nhiều, nông nghiệp được kỳ vọng sẽ là một trong những điểm sáng của nền kinh tế thời gian tới.
Lâm nghiệp
Sản lượng gỗ khai thác trong quý III/2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước do rừng đến tuổi khai thác, giá gỗ tăng và nhu cầu gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến được khôi phục trở lại.
Sau thời gian tăng trưởng đột phá, trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm nông, lâm, thủy sản, mang về hàng chục tỷ USD mỗi năm, ngành gỗ năm nay phải đối mặt với nhiều thách thức.
Biến động của kinh tế thế giới hiện đang tác động trực tiếp đến ngành gỗ khi sản phẩm gỗ sản xuất trong nước đa phần được dùng để xuất khẩu.
Các chuyên gia dự báo khả năng tăng trưởng của ngành gỗ năm nay cao nhất chỉ ở mức vài phần trăm và việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD trong năm 2022 là rất khó khăn.
Theo kết quả khảo sát tại 52 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đồ gỗ do các hiệp hội gỗ và Forest Trends công bố cuối tháng 7/2022, 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng các tháng cuối năm sẽ tiếp tục giảm.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 40% trong năm 2022.
Thủy sản
Mặc dù có nhiều khó khăn trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao, song trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thủy sản toàn cầu giữ được ổn định, chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng được kỳ vọng tiếp tục là một năm ‘thắng lớn’ trên thị trường quốc tế.
Kỳ vọng thủy sản Việt Nam sẽ vượt mốc xuất khẩu trên 10 tỷ USD, tăng 12 - 15% so với năm 2021 là mục tiêu mà ngành gần như đã nắm chắc trong tay, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nhận định.
Theo Vasep, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã chớp lấy thời cơ từ những thị trường có nhu cầu lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc và những thị trường luôn ưa chuộng sản phẩm thủy sản chế biến tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và nhiều thị trường tiềm năng khác. Nhiều doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu tăng trưởng bứt phá trong nửa đầu năm 2022, nhất là với những doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng cá tra.
Nhiều doanh nghiệp lớn đã có các đơn đặt hàng để sản xuất đến hết quý III và các đơn đặt hàng quý IV với giá bán bình quân dự kiến sẽ ngang bằng với quý II.
Các chuyên gia cũng cho rằng, dù không đạt mức đỉnh của quý I, nhưng nhu cầu thủy sản tăng nhanh trong tháng 9 và trước kỳ nghỉ lễ cuối năm từ tháng 11 đến tháng 12 tại các nước Âu - Mỹ sẽ góp phần đảm bảo cho tăng trưởng của xuất khẩu thủy sản trong năm 2022.
Tuy nhiên, ngành thủy sản Việt cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Xuất khẩu đã chững lại do quý III thường được coi là giai đoạn thấp điểm của ngành hàng này và đã hạ nhiệt từ tháng 7 so với tháng trước đó. Nguyên nhân xuất khẩu thủy sản giảm nhiệt được cho là do thời tiết bất lợi, mưa sớm đã làm ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản.
Cùng với đó là lạm phát và lượng tồn kho tăng tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ, quốc gia nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam do khối lượng nhập khẩu cao trong khoảng nửa đầu năm vừa qua đã tác động đến nhu cầu nhập khẩu của nước này ngay từ tháng 6 và giảm sâu 23% trong tháng 7.
Không riêng với Mỹ, ở nhiều nước nhập khẩu, lạm phát tăng cao khiến người dân giảm tiêu dùng đã dẫn tới tình trạng nhiều nhà nhập khẩu phải tạm ngưng đơn hàng đến tận tháng 10 khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chịu áp lực hàng tồn kho và xoay vòng vốn.
Một khó khăn nữa có thể tác động đến xuất khẩu là giá bán bình quân một số mặt hàng thủy sản của Việt Nam đang ở mức cao hơn so với các quốc gia xuất khẩu khác trong bối cảnh nguồn cung thế giới cuối năm có dấu hiệu gia tăng khiến doanh nghiệp khó có thể giữ được mức giá hấp dẫn như trong 2 quý đầu năm. Đồng thời các chi phí tuân thủ xử lý môi trường liên quan đến nước thải đầu ra và các chi phí khác cũng đang là thách thức đối với ngành thủy sản.
Sản xuất công nghiệp
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, mặc dù đã phục hồi mạnh, đặc biệt là trong quý II và III, nhưng ngành công nghiệp được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số địa phương, nhất là trung tâm công nghiệp của cả nước và ngành, lĩnh vực như dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ, du lịch…
Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu hiện đang tàn phá ngành sản xuất toàn cầu, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô. Các nhà phân tích dự đoán rằng, tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm 2023.
Trong hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Vì phụ thuộc vào nguồn cung ứng và hợp tác toàn cầu mà nền kinh tế của Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng khi thiếu hụt nguồn cung ứng.
Bên cạnh đó, cần giải quyết các thách thức về lực lượng lao động và nhân công lành nghề, theo Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SBG). Chính phủ cần ưu tiên điều chỉnh các ngành công nghiệp của Việt Nam theo hướng kỹ thuật số hóa và cải thiện khả năng tiếp cận các chương trình đào tạo tại chỗ trong các lĩnh vực này.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường cam kết hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân để phát triển thêm nhiều chương trình đào tạo được cụ thể hóa, thiết kế riêng cho từng mảng kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Theo SBC, trước những cơ hội và thách thức do tình trạng thiếu chip gây ra, Chính phủ nên xem xét mở rộng đầu tư vào sản xuất chip bằng cách phát triển các ưu đãi đầu tư đặc biệt cho sản xuất chip.
Mặt khác, cần có những chính sách và quy định cụ thể rằng các ngành kinh doanh khác (như kinh doanh kho bãi, logistics, các dịch vụ liên quan đến thương mại điện tử) có thể được thực hiện trong các khu công nghiệp.
Đăng ký doanh nghiệp
Hoạt động khởi sự kinh doanh ghi nhận sự sôi động trở lại trong tháng 9 sau khi tâm lý hạn chế của người dân trong tháng 7 âm lịch qua đi.
Điều này góp phần đưa số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 9 tháng đầu năm nay tiếp tục đạt cột mốc mới, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Một điểm lưu ý nữa là trong 9 tháng qua, đã có 38,7 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, với hơn 2,6 triệu tỷ đồng vốn tăng thêm (tăng 57% so với cùng kỳ năm 2021).
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định đây là tín hiệu rất đáng mừng vì các doanh nghiệp này đang hoạt động và trải nghiệm thực tế môi trường kinh doanh. Họ nhìn thấy các cơ hội kinh doanh và mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Những tín hiệu tích cực trong hoạt động khởi sự kinh doanh nổi bật ở một số ngành khi có số doanh nghiệp thành lập mới tăng trên 35% như dịch vụ lưu trú và ăn uống; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; nghệ thuật, vui chơi và giải trí.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm nay tăng 56% so với cùng kỳ năm 2021 với 50,5 nghìn doanh nghiệp. Đây là con số kỷ lục khi cao hơn số doanh nghiệp trở lại hoạt động trong cả một năm của giai đoạn trước đây.
Ở chiều ngược lại, trong 9 tháng đầu năm nay cũng có 112,7 nghìn doanh nghiệp buộc phải rút lui khỏi thị trường, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phần lớn lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn.
Trong báo cáo mới nhất, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng mặc dù bức tranh doanh nghiệp có nhiều điểm sáng, tuy nhiên, dịch Covid-19 đã bào mòn sức lực của nhiều doanh nghiệp, dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Quy mô vốn của doanh nghiệp gia nhập thị trường đang có xu hướng giảm, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 9 giảm 20% so với tháng 1/2022. Con số này giảm 29% so với mức vốn đăng ký trung bình của doanh nghiệp thành lập mới năm 2021 và giảm 28% so với năm 2020.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định: “Điều này cho thấy vẫn còn tâm lý thận trọng của doanh nghiệp trong quá trình bỏ vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn”.
Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kế về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong quý III/2022, có 38,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý II/2022; 36% doanh nghiệp cho rằng ổng định và 25,4% doanh nghiệp gặp khó.
Dự kiến quý IV/2022, 49% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 34% doanh nghiệp ổn định và 17% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Về khối lượng sản xuất, trong 3 tháng cuối năm, 47% doanh nghiệp dự báo sẽ tăng, 36% sẽ giảm và 17% ổn định. Về đơn đặt hàng, 44,5% doanh nghiệp dự kiến tăng; 38% giảm và 26% ổn định. Về đơn đặt hàng xuất khẩu, 37% doanh nghiệp dự kiến tăng; 45% giảm; 18% ổn định.
Hoạt động dịch vụ
Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 9 tiếp tục phục hồi và phát triển tích cực ở tất cả các ngành và ghi nhận mức doanh thu tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 129% và dịch vụ du lịch lữ hành gấp 40 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, các con số tăng trưởng ‘siêu thực’ trên một phần do tháng 9/2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam, nhiều địa phương vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội.
Tính chung 9 tháng đầu năm nay, hoạt động thương mại và dịch vụ đã ghi nhận quy mô doanh thu ‘khủng’. Con số 4.170,2 nghìn tỷ đồng cho thấy không chỉ dừng lại ở việc ‘phục hồi’ mà mảnh ghép này trong bức tranh kinh tế còn tỏa sáng hơn so với trước khi có dịch và đang được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng vững chắc cho nền kinh tế trong bối cảnh xuất khẩu và FDI được dự báo giảm tốc.
Cụ thể, so với 9 tháng năm 2019 – thời điểm chưa có dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng qua vẫn tăng 14,2%.
Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng qua ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất trong các hoạt động thương mại và dịch vụ, do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa.
Đáng chú ý, một số địa phương ghi nhận mức tăng trưởng khủng như Cần Thơ tăng 767%; Đà Nẵng tăng 635%; Hà Nội tăng 386%; Hải Phòng tăng 277%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 152%; Quảng Ninh tăng 90%.
Tuy nhiên, doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm nay mới chỉ bằng 56% so với cùng kỳ năm 2019.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ghi nhận mức tăng trưởng thứ 2 nhờ nhu cầu vui chơi và du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè sau hơn 2 năm hạn chế đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình.
Nổi bật nhất ở một số địa phương như Cần Thơ tăng 122,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 100,2%; Hà Nội tăng 92%; Quảng Ninh tăng 85%; Đà Nẵng tăng 84%; Đồng Nai tăng 55,5%; Bình Dương tăng 49%. Mặc dù vậy, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm nay vẫn thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2019.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm tới gần 80% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, khi 9 tháng qua ghi nhận tăng trưởng 15,8% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 11,6%), chủ yếu do doanh thu cùng kỳ năm trước đạt thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm nay vẫn tăng 19%.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ghi nhận mức tăng 2 con số ở các địa phương gồm Khánh Hòa tăng 61%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 57%, Bình Dương tăng 43%; Cần Thơ tăng 41%; Hà Nội tăng 40%; Đà Nẵng tăng 39%; Hải Phòng tăng 31%; Quảng Ninh tăng 27%.
“Cầu nội địa đã phục hồi rất mạnh nhờ việc khắc phục được cơ bản các đứt gãy của nền kinh tế trong nước và nhờ kết quả triển khai gói phục hồi kinh tế - xã hội.
Trong ngắn hạn, sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành dịch vụ hướng nội (du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, nhất là hàng không…) đang tạo nền tảng tăng trưởng khá vững chắc cho nền kinh tế Việt Nam”, theo nhận định của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 được tổ chức mới đây.
Do vậy, trong các giải pháp để phát triển du lịch, nhiều chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu chính sách nới lỏng visa phù hợp để thu hút thêm nhiều du khách quốc tế.
Đặc biệt là trong bối cảnh mức tiêu dùng năm tới sẽ không như năm nay bởi người tiêu dùng thắt chặt kinh tế 1 phần và việc tiêu dùng kiểu ‘trả thù’ cũng bớt dần, vệc du lịch cũng giảm đi như vậy nền kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng từ khách quốc tế, theo TS. Võ Trí Thành.
Hoạt động đầu tư
Việc thu hút vốn FDI trong tháng 9 đã có sự cải thiện so với tháng trước đó, đặc biệt là phần vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm khi gấp 3 lần so với tháng 8, vốn đăng ký cấp mới cũng tăng 37%.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, mức giảm của tổng vốn đăng ký FDI trong 9 tháng vẫn đang ngày càng bị ‘đào sâu’.
Tình hình thế giới đang biến động ngày càng nhanh. Những dự báo vào tháng 6 và trước đó dường như không còn đúng khi cho rằng tình trạng ‘ảm đạm’ trong thu hút FDI của Việt Nam chỉ là ‘tạm thời’ trong các tháng đầu năm khi Việt Nam được dự báo sẽ là điểm đến của hàng loạt công ty lớn trên thế giới trong bối cảnh gián đoạn hoạt động sản xuất tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, nguy cơ suy thoái toàn cầu được liên tục cảnh báo từ tháng 7 tới nay khiến các tập đoàn lớn trên thế giới phải ‘dè chừng’ trong các quyết định đầu tư ra nước ngoài, việc thu hút FDI thời gian tới được nhiều chuyên gia dự báo sẽ càng khó khăn hơn.
TS. Nguyễn Đình Cung cảnh báo, trong bối cảnh FDI vào Việt Nam sẽ giảm, đầu tư nhà nước thời gian qua có cải thiện nhưng không có những thay đổi ‘đột phá’. Ông đề nghị chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp để ứng phó.
Trước hết, về đầu tư công, đề nghị Thủ tướng nên lập tổ phân tích rõ những nguyên nhân. Tổ này độc lập, phân tích đánh giá, phân loại các nguyên nhân, đề xuất phương án xử lý.
Cũng tương tự như thế với đầu tư nhân, ở các địa phương có quá nhiều dự án lớn nhỏ đều bị ách tắc, đề nghị có Tổ phân loại nguyên nhân, có chỉ đạo sau đó tháo gỡ ách tắc đó cho dòng vốn đầu tư cả nhà nước và tư nhân. Một nguồn lực rất lớn nhưng chúng ta không sử dụng một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo ông Cung, cần một cách tiếp cận động lực tăng trưởng mới – động lực tăng trưởng theo vùng kinh tế.
Động lực tăng trưởng của miền Đông Nam bộ và khu vực sông Hồng chiếm 60% GDP và nếu chúng ta thúc đẩy 2 vùng này tháo gỡ điểm ngẽn của nó, làm nó phát triển tăng trưởng 9 - 10% thì cả nước sẽ tăng trưởng 7 - 8%. Cái này hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Vì vậy phải có một hệ khuyến khích đầu tư mới để thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vào những vùng đô thị phát triển, chứ không phải vào vùng sâu, vùng xa. Đó là cách tạo động lực tăng trưởng, đồng thời đổi mới mô hình tăng trưởng.
Xuất nhập khẩu hàng hóa
Về xuất khẩu, từ đầu năm đến nay, 32 mặt hàng đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm gần 92% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD gồm điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ.
Xét về tốc độ tăng trưởng, nhóm hàng đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận có kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh nhất với 48% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp sau là xăng dầu và hóa chất lần lượt tăng 45% và 44%.
Tuy nhiên trong bối cảnh tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới, nhiều chuyên gia dự báo xuất khẩu có nguy cơ ‘giảm tốc’ trong các tháng cuối năm và năm 2023 khi nhu cầu các thị trường chính của Việt Nam đều gay go và suy thoái.
Về nhập khẩu, từ đầu năm đến nay có 42 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 91% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 4 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD gồm điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; điện thoại và linh kiện; vải.
Xét về tốc độ tăng trưởng, mặt hàng xăng dầu đứng đầu khi kim ngạch nhập khẩu tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Theo sau là than đá, dầu thô, thủy sản, rau quả.
Lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022 - 2023.
Trong mức tăng này, 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm giảm.
Nhóm giáo dục tăng cao nhất 5,84%, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 6,48% do thời gian miễn, giảm học phí trong đại dịch tại nhiều địa phương đã kết thúc, đồng thời một số tỉnh, thành phố thực hiện tăng học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục từ năm học 2022-2023 trở đi tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,94% chủ yếu do giá thuê nhà thực tế tăng 8,2%. Còn các nhóm khác đều tăng không quá 0,2%.
Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giảm gồm nhóm giao thông giảm 2,23% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.
CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu gồm giá xăng dầu trong nước tăng 41%; giá gas tăng 19%; giá ăn uống ngoài gia đình tăng 4,48%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,9% do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào; giá các mặt hàng thực phẩm tăng 0,5%.
Lao động, việc làm
Tại hội nghị về thị trường lao động cuối tháng 8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hạn chế của thị trường hiện nay là việc phân bố lao động không đồng đều giữa các vùng miền, địa phương; chất lượng lao động thấp, chỉ có hơn 26% lao động qua đào tạo, có chứng chỉ, nhất là lao động quản lý, tay nghề cao rất thiếu, không đáp ứng cho thu hút đầu tư FDI công nghệ cao; năng suất lao động rất thấp, theo các đánh giá quốc tế.
Cùng với đó, trong giai đoạn hiện nay có tình trạng mất việc làm, thiếu hụt lao động cục bộ một số địa phương và lĩnh vực.
Ngoài ra, tốc độ già hóa dân số nhanh hơn dự báo, trước đây Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam bắt đầu già hóa dân số sau năm 2030 nhưng hiện nay đã diễn ra, làm giảm lực lượng lao động. Nếu không tranh thủ, tăng tốc nhanh, với chính sách mạnh hơn để tận dụng thời cơ dân số vàng thì chúng ta "chưa giàu đã già".