Tăng ‘chất’ cho FDI

Phạm Sơn - 09:06, 08/08/2022

TheLEADERThay vì cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo nhiều chuyên gia, các địa phương có thể lựa chọn thu hút FDI phù hợp với lợi thế, đặt vào bối cảnh phát triển kinh tế chung của vùng, khu vực, từ đó tạo ra tác động lan tỏa và lợi ích to lớn hơn rất nhiều.

Tăng ‘chất’ cho FDI
Thành công phát triển kinh tế Bắc Ninh không thể thiếu sự đóng góp của "hiệu ứng Samsung". Ảnh: VietnamFinance

Bắc Ninh từ tỉnh nông nghiệp nghèo đã vươn lên trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP, với kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, hiện đại, trở thành một đỉnh của tam giác tăng trưởng miền Bắc.

Thành công của Bắc Ninh, bên cạnh những nỗ lực của địa phương, không thể không nhắc tới “hiệu ứng Samsung”. Tính đến nay, Samsung đã đầu tư khoảng hơn 9 tỷ USD vào Bắc Ninh, đồng thời thiết lập ra một hệ sinh thái công nghệ cao, biến Bắc Ninh trở thành một trong những cứ điểm sản xuất lớn nhất thế giới của tập đoàn này.

Thực tế, không chỉ riêng Bắc Ninh mà thành công trong phát triển kinh tế của nhiều địa phương khác trên cả nước đều có sự đóng góp tích cực của dòng vốn FDI. Do đó, thu hút vốn FDI được các địa phương đặt làm một trong những mục tiêu trọng tâm.

Đặt mục tiêu tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài tạo ra động lực để địa phương tích cực phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, chính từ tâm lý quá coi trọng đầu tư nước ngoài cũng đã gây ra một số hệ lụy.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, một số địa phương vẫn còn tình trạng dễ dãi trong việc tiếp nhận các dự án FDI, đặc biệt là FDI có quy mô nhỏ, chủ yếu đến từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, một số địa phương thu hút FDI theo phương pháp “cuộc đua xuống đáy”, cụ thể là cung cấp những ưu đãi thậm chí vượt khung chính sách, cấp đất quá lớn cho dự án FDI mà không căn cứ vào quy hoạch.

Nhìn nhận thực trạng về cuộc cạnh tranh thu hút FDI giữa các địa phương, để tránh hiện tượng “có 1 cái dự án mà hết địa phương này đến địa phương khác kêu gọi đầu tư”, tại tọa đàm Thu hút FDI hướng đến chất và lượng do Truyền hình Quốc hội tổ chức, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, đề xuất cần có một quy hoạch về thu hút vốn FDI.

Bản quy hoạch này đặt ra chỉ tiêu riêng cho các lĩnh vực. Ví dụ như đối với ngành điện, quy hoạch đưa ra là cần bao nhiêu nhà máy điện, trong cần bao nhiêu phần vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, chỉ ra đặt nhà máy ở đâu thì tốt nhất, có lợi nhất.

Như vậy, các địa phương xác định được lợi thế riêng, qua đó thu hút FDI theo lợi thế và theo sự phát triển chung chứ không chỉ vì thành tích riêng.

Đồng quan điểm với ông Thắng, theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), các địa phương không nền đặt ra chỉ tiêu cứng đối với thu hút vốn FDI. Thay vào đó, cần đặt các địa phương vào bức tranh toàn cảnh của kinh tế toàn vùng và liên vùng.

Từ đó, mỗi địa phương sẽ thu hút FDI sao cho phù hợp với thế mạnh riêng, đồng thời liên kết chặt chẽ với nhau, tạo ra giá trị lan tỏa.

Trên thực tế, một dự án FDI có thể lựa chọn đầu tư vào một địa phương nhưng lại tạo ra giá trị cho cả những địa phương lân cận. Ông Việt lấy ví dụ như khi Samsung thành lập cứ điểm sản xuất ở Bắc Ninh, tại Hà Nội đã xuất hiện lĩnh vực kinh doanh mới là xe bus đưa đón cán bộ, nhân viên, chuyên gia xuống Bắc Ninh làm việc.

Nếu đặt việc thu hút FDI vào bức tranh toàn cảnh như vậy, các địa phương có thể đặt ra những trọng tâm, trọng điểm trong công tác thu hút FDI, kết hợp với cơ chế liên kết các ngành, các thành phần kinh tế.

Bên cạnh đó, trong công tác thu hút FDI, theo ông Việt, không nên bỏ quên các khu vực kinh tế khác, đặc biệt là khu vực tư nhân. Các dự án FDI cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng, thay vì kéo theo những công ty con để xây dựng hệ sinh thái riêng.

Để đảm bảo được điều này, ông Thắng đề xuất, cần có một bộ tiêu chí cụ thể đánh giá chất lượng của các dự án FDI. Bộ tiêu chí này không chỉ căn cứ vào những yếu tố truyền thống như vốn thực hiện, đóng góp ngân sách mà phải bổ sung những yếu tố như chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ…