Analytic

Việt Nam cán mốc 100 triệu dân: Số to đẹp và những nỗi lo lớn

Việt Nam cán mốc 100 triệu dân: Số to đẹp và những nỗi lo lớn

Quy mô dân số lớn mang đến nhiều lợi thế. 100 triệu người dân Việt Nam chính là tượng trưng cho “100 triệu hy vọng, 100 triệu giấc mơ và 100 triệu giải pháp”. Tuy nhiên, dấu mốc này lại đạt được khi Việt Nam đã đi qua đỉnh giai đoạn cơ cấu 'dân số vàng' và đi kèm với những nỗi lo về tình trạng già hóa dân số, 'chưa giàu đã già', áp lực lên tài nguyên, cơ sở hạ tầng, dịch vụ công, cung cấp việc làm...

Việt Nam hiện đã chạm mốc 100 triệu dân trong tháng 4, sớm hơn 2 năm so với dự báo trước đó của Viện Chính sách công và quản lý vào năm 2017. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,2 triệu người, trong đó, số tham gia lao động chiếm 98%, theo số liệu Tổng cục Thống kê trong quý I/2023.

Đây là ‘cột mốc’ quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, tất cả các quốc gia đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cán mốc 100 triệu dân: Đi cùng 'niềm hân hoan' là những 'nỗi lo' lớn
Theo Tổng cục Thống kê

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), sau khi chạm mốc 100 triệu dân, Việt Nam đã trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Đứng trước Việt Nam có các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Nhật Bản…

Đồng thời, Việt Nam cũng đứng thứ 8 ở châu Á và thứ 3 khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia, Philippines) về dân số.

100 triệu hy vọng, 100 triệu giấc mơ và 100 triệu giải pháp

UNFPA nhận định 100 triệu người dân Việt Nam chính là tượng trưng cho “100 triệu hy vọng, 100 triệu giấc mơ và 100 triệu giải pháp”. Quy mô dân số lớn mang đến nhiều lợi thế.

Bên cạnh nguồn lao động dồi dào, Việt Nam còn có một thị trường nội địa lớn, tiềm năng tiêu thụ nhiều sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Điều này tạo nên động lực rất lớn để phát triển kinh tế, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, 100 triệu dân cũng mang đến cơ hội to lớn về đổi mới, sáng tạo.

Nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… đã tận dụng tốt cơ hội 'dân số vàng' để tạo nên kỳ tích về phát triển kinh tế. Trong đó, cái tên nổi bật nhất là Trung Quốc, nước này bước vào thời kỳ cơ cấu 'dân số vàng' từ năm 1990 với quy mô GDP ở mức 360,9 tỷ USD, đứng ở vị trí 11 trên thế giới. Đến năm 2021, quy mô GDP của Trung Quốc ở mức 17,73 nghìn tỷ USD, tăng 49 lần trong hơn 30 năm và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, theo Ngân hàng Thế giới.

Cơ hội 'dân số vàng’ đóng góp khoảng 1/3 cho tăng trưởng kinh tế thần kỳ ở các nước Đông Á, tuy nhiên, lợi ích từ cơ hội 'dân số vàng’ không tự đến với các nước.

Theo UNFPA, nhiều nghiên cứu cho thấy cơ hội 'dân số vàng’ đóng góp khoảng 1/3 cho tăng trưởng kinh tế thần kỳ ở các nước Đông Á. Tuy nhiên, các nghiên cứu này cũng khẳng định rằng lợi ích từ ‘cơ hội dân số vàng’ không tự đến với các nước.

Các nước có cơ hội 'dân số vàng’ đã tận dụng thành công cơ hội này bằng cách đầu tư lớn và có hiệu quả cho y tế, phát triển giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực - những nhân tố tác động tích cực đến kỹ năng, trình độ của lực lượng lao động trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường nhanh nhạy và bền vững.

Ngược lại, việc quản lý hiệu quả nền kinh tế tăng trưởng cao cho phép các nước này tích lũy được nguồn lực để đầu tư mạnh hơn nữa cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, đẩy mạnh đào tạo tiên tiến và phát triển năng lực.

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ cơ cấu 'dân số vàng' từ năm 2007, tức số người trong độ tuổi lao động (từ 15 - 64 tuổi) lớn gấp hai lần số người chưa đến tuổi lao động và hết tuổi lao động. Dự báo, giai đoạn này sẽ kéo dài đến khoảng năm 2038. Đây là cơ hội có một không hai dành cho Việt Nam.

Thời gian qua, chất lượng dân số đã được cải thiện nhiều mặt, tuổi thọ người dân tiếp tục tăng, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, sức khỏe người Việt Nam có bước cải thiện.

Lao động trẻ hiện nay năng động, thích ứng nhanh với thời đại số và có trình độ văn hóa cũng như kỹ năng lao động hơn giai đoạn trước. Do đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự thay đổi về chất lượng tăng trưởng; sự đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp và tự chủ kinh doanh cũng sẽ có những thay đổi về chất so với giai đoạn trước.

Quy mô GDP của Việt Nam đến năm 2022 đã tăng khoảng 5,3 lần so với năm 2007 – điểm bắt đầu của thời kỳ cơ cấu 'dân số vàng'. Việt Nam đang đứng thứ 41 trên thế giới về quy mô GDP (năm 2007 đứng thứ 63), theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.

Cán mốc 100 triệu dân: Đi cùng 'niềm hân hoan' là những 'nỗi lo' lớn 1
Số liệu theo Tổng cục Thống kê

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài cách đây vài ngày, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, Việt Nam đang có cơ cấu 'dân số vàng', tuy nhiên đã không còn ở đỉnh của giai đoạn này. Do đó cần sớm chủ động khắc phục tình trạng 'già hóa dân số'.

Tỉ lệ thiếu việc làm thông thường trong độ tuổi vào cuối năm 2022 là 2,1%; tỉ lệ thất nghiệp trung bình cho đến nay là khoảng 2,2%, trong đó thanh niên thất nghiệp khoảng 7,72%.

Theo ông Dung, con số 7,72% đôi khi phải nhìn dưới hai góc độ vừa là chưa tốt nhưng ngược lại cũng là một lực lượng dự trữ tốt của nước ta. Như vậy có thể thấy rằng Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ dồi dào, tiềm năng.

Nỗi lo về tình trạng 'già hóa dân số'

Bên cạnh niềm hân hoan khi dân số Việt Nam ‘cán mốc’ 100 triệu dân cùng những lợi thế đi kèm, thì nhiều chuyên gia, người dân cũng bày tỏ nỗi lo về tình trạng 'già hóa dân số', hay ‘chưa giàu đã già’ mà nước ta đang phải đối mặt.

Theo một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc, giai đoạn cơ cấu 'dân số vàng' ở Singapore dự báo kéo dài trên 40 năm; Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan khoảng 40 năm. Còn tại Việt Nam, 'già hoá dân số' nhanh khiến giai đoạn 'dân số vàng' của Việt Nam dự báo sẽ ngắn hơn so với một số nước trong khu vực.

UNFPA nhận định Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%.

Năm 2036 với dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 15,5 triệu người, chiếm hơn 14% tổng số dân, Việt Nam bước vào thời kỳ 'dân số già', chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.

Cán mốc 100 triệu dân: Đi cùng 'niềm hân hoan' là những 'nỗi lo' lớn 2
Giai đoạn cơ hội 'dân số vàng’ ở Đông Nam Á. Theo Liên Hợp Quốc.

Cơ quan này lý giải: sự thay đổi nhân khẩu học này xảy ra ở Việt Nam không chỉ nhờ giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ, mà phần lớn là do giảm mạnh tỷ lệ sinh. Tỷ lệ sinh giảm trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số.

“Đây là thách thức trong đảm bảo an sinh xã hội và chăm sóc cho những người cao tuổi”, UNFPA nhận định. 'Già hóa dân số' nhanh chóng cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai cũng như nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi. Khi tỷ lệ người cao tuổi tăng thì nhu cầu về các dịch vụ xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của họ cũng tăng theo.

Dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15 – 49 và con số này sẽ lên đến 2,5 triệu người vào năm 2059.

Ngoài ra, do tâm lý ưu thích có con trai vẫn còn phổ biến trong xã hội Việt Nam, cùng với mức sinh giảm và hạn chế số con cũng như các công nghệ sẵn có nên thực hành lựa chọn giới tính trước sinh đang diễn ra phổ biến, ước tính khoảng 47.000 trẻ em gái bị thiếu hụt mỗi năm, dẫn đến mất cân bằng giới tính.

Dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15 – 49 và con số này sẽ lên đến 2,5 triệu người vào năm 2059.

Cùng với đó, thách thức khi dân số ngày càng đông cũng không hề nhỏ gồm áp lực lên tài nguyên, cơ sở hạ tầng, dịch vụ công, cung cấp việc làm, vấn đề xã hội, môi trường…

Năng suất lao động còn thấp

Các tổ chức quốc tế như IFC đã đánh giá rằng ‘trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045” là mục tiêu lớn đầy tham vọng của Việt Nam tại Đại hội XIII của Đảng năm 2021.

Để làm được điều đó, GS. Nguyễn Đức Khương - Phó giám đốc Phụ trách nghiên cứu, Trường Kinh doanh IPAG (Paris, Pháp), Chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cho rằng, Việt Nam cần liên tục tìm cách cải thiện năng suất để tăng đầu ra của nền kinh tế.

“Chỉ khi tăng được quy mô sản lượng quốc gia tính bình quân trên đầu người, chúng ta mới có khả năng tăng được mức sống, điều kiện sống của người dân”, ông Khương chia sẻ.

Điều này trùng với nhận định của chủ nhân giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2008 - GS. Paul Krugman, “Năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài, nó gần như là tất cả”.

Hiện năng suất làm việc của lao động Việt Nam chỉ bằng 11% của Singapore, 23% của Hàn Quốc, 24% của Nhật Bản...

Tuy nhiên, trình độ, kỹ năng lao động chưa cao hiện là một trong những rào cản trong việc nâng cao năng suất, thu nhập cho người lao động ở Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nhìn nhận, sau 35 năm đổi mới đất nước, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hộp nhập quốc tế. Số doanh nghiệp tăng mạnh, cùng với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước, nhu cầu lao động ngày càng tăng. Mặc khác, nguồn cung lao động cho thị trường lao động cũng không ngừng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng.

Tuy nhiên, cung lao động trên cả nước còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ; chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ 'dân số vàng' để thu hút đầu tư FDI.

Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có thể có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng.

Năm 2021, Chính phủ đã đặt việc tăng năng suất lao động ở vị trí đầu tiên trong các mục tiêu tổng quát tại Nghị quyết 54 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.

Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021 - 2025 trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5% - 7%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước.

Trước đó, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn năm 2011 - 2020 là 5,06%. Trong đó, giai đoạn 2011 – 2015 tăng bình quân 4,24% và giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,5%.

Cán mốc 100 triệu dân: Đi cùng 'niềm hân hoan' là những 'nỗi lo' lớn 3
Theo số liệu Tổng cục Thống kê

Biểu đồ trên cho thấy tốc độ tăng năng suất lao động liên tục đi lên qua các năm trong giai đoạn 2012 - 2015. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng năng suất lao động bị chững lại và giảm mạnh trong 3 năm qua.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn được thống kê, chưa năm nào có mức tăng năng suất lao động chạm tới 6,5%.

Có thể thấy, mục tiêu đạt tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm giai đoạn 2021 – 2025 là một thách thức rất lớn của Chính phủ.

Càng khó hơn khi năng suất lao động năm 2021 và 2022 chỉ tăng lần lượt 4,71% và 4,8% so với năm trước đó. Điều này đã tạo áp lực lớn lên 3 năm tiếp theo khi tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 2022 – 2025 phải đạt trên 6,95% để ‘chạm’ được mục tiêu đề ra.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 năm qua, năng suất lao động của nước ta có sự cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn khá thấp. Hiện năng suất làm việc của lao động Việt Nam chỉ bằng 11% của Singapore, 23% của Hàn Quốc, 24% của Nhật Bản... Trong khu vực Ðông Nam Á, năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (2,4 lần), Myanmar (1,6 lần), Lào (1,2 lần).

Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn 'dân số vàng' nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là vàng.
Ông Phạm Tấn Công
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Số người từ 15 tuổi trở lên năm 2022 là 75,4 triệu người, trong đó có 51,7 triệu người thuộc lực lượng lao động. Trong số 51,7 triệu người lao động, có tới 73,8% lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, 26,2% lao động có chuyên môn kỹ thuật (bao gồm 3,7% người có trình độ sơ cấp, 1,9% người có trình độ trung cấp, 1,9% người có trình độ cao đẳng và 6,1% người có trình độ từ đại học trở lên). Cả nước hiện có khoảng 38,1 triệu người lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và 13,6 triệu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên.

Khi doanh nghiệp FDI có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%). Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%), theo báo cáo PCI 2021 của VCCI.

“Trên thực tế, Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn 'dân số vàng' nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là vàng. Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,1%; cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường”, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhận định tại hội nghị phát triển thị trường lao động do Chính phủ tổ chức vào tháng 8 năm ngoái.

Để hưởng trọn vẹn lợi ích mà lợi thế dân số mang lại, UNFPA khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đầu tư vào thanh thiếu niên thông qua các chính sách và chương trình y tế, giáo dục, cơ hội việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên mới và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong nước.

Ngọc Anh (tổng hợp)