Năng suất lao động phản ánh thất bại trong chính sách thu hút FDI

Phạm Sơn - 08:56, 29/04/2021

TheLEADERCác doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được kỳ vọng sẽ đem tới công nghệ, quy trình quản lý, kinh nghiệm hoạt động cũng như đào tạo nâng cao trình độ tay nghề, góp phần nâng cao năng suất. Tuy nhiên, điều ngược lại đang xảy ra trong thực tế.

Năng suất lao động phản ánh thất bại trong chính sách thu hút FDI
TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chiến lược (VESS).

Theo quan điểm của nhiều nhà kinh tế học, năng suất lao động là yếu tố quan trọng hàng đầu cho quyết định khả năng phát triển cũng như sự thịnh vượng và bền vững của mỗi quốc gia. Đối với các nước nhỏ, nền kinh tế chưa phát triển, đầu tư nâng cao năng suất lao động là chiến lược quan trọng cho sự bứt phá.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, nâng cao năng suất lao động cũng được chú trọng trong các chiến lược, chính sách về phát triển kinh tế. Trong đó, nguồn vốn FDI là một ngoại lực mạnh mẽ, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, nhờ vào các máy móc trang thiết bị công nghệ cao, kinh nghiệm quản lý hiện đại.

Tuy nhiên, nghiên cứu thuộc báo cáo Năng suất Việt Nam chỉ ra điều ngược lại: năng suất lao động khu vực FDI chứng kiến mức tăng trưởng vượt bậc ở giai đoạn đầu mở cửa nền kinh tế, sau đó giảm mạnh từ đầu những năm 2000. Đi cùng với đó là sự chững lại của năng suất lao động ngành chế biến, chế tạo, mặc dù Việt Nam có nhiều chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa để chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế.

Năng suất lao động phản ánh thất bại trong chính sách thu hút FDI
Năng suất lao động theo khu vực kinh tế. Đơn vị: triệu đồng/lao động. Ảnh: VCCI.

Tính đến hiện nay, năng suất lao động của khu vực FDI thấp hơn so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và cao hơn so với khu vực tư nhân. Diễn biến năng suất lao động của khu vực FDI cũng phức tạp hơn nhiều so với mức tăng trưởng ổn định của hai khu vực còn lại.

Lý giải cho điều này, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược (VESS) cho biết, trong giai đoạn đầu mở cửa nền kinh tế, các nhà đầu tư quốc tế chủ yếu tìm đến Việt Nam cho những dự án công nghiệp nặng, thâm dụng vốn lớn, dẫn đến năng suất lao động của khu vực này trở nên ưu việt hơn hẳn.

Tuy nhiên, vào giai đoạn sau đó, doanh nghiệp nước ngoài nhận ra sự kém hiệu quả trong các khoản đầu tư công nghiệp nặng, do đó chuyển hướng sang các ngành có mức thâm dụng lao động cao và hướng vào xuất khẩu như giày dép, dệt may, lắp ráp điện tử… Trong các lĩnh vực này, sự đóng góp của Việt Nam vào chuỗi giá trị không cao, chủ yếu nằm ở vùng trũng trong “đường cong mặt cười” về chuỗi giá trị.

Mặt khác, các công nghệ, cách thức hoạt động được doanh nghiệp FDI lựa chọn áp dụng tại Việt Nam cũng chủ yếu hướng tới việc làm sao cho không cần cải thiện năng suất lao động mà chỉ cần mở rộng quy mô nhân công giá rẻ. Điều này khiến cho chất lượng lao động khu vực FDI không có sự tiến bộ, chủ yếu vẫn là lao động tay chân không qua đào tạo, thực hiện những quy trình rập khuôn lặp đi lặp lại. Tỷ trọng lao động chưa qua tay nghề trong nền kinh tế cũng có xu hướng tăng lên.

Theo ông Thành, hiện tượng này là “điều bất thường”, thể hiện ra sự thất bại của chính sách thu hút vốn FDI khi không thể định hướng khu vực này theo hướng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao hơn. Các doanh nghiệp FDI cũng mặc nhiên coi Việt Nam là thị trường tiềm năng nhờ vào lao động rẻ, đáp ứng hiệu quả các công việc giản đơn.

“Thất bại của chính sách và thái độ của doanh nghiệp FDI là hai mặt của vấn đề năng suất lao động thấp”, TS. Thành nhận xét.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra cảnh báo, nếu tình trạng trên không được cải thiện, khi giá nhân công ngày càng tăng, các doanh nghiệp FDI sẽ không nâng cấp, thay đổi chiến lược mà lựa chọn rời khỏi Việt Nam. Đây là tình huống “bẫy thu nhập trung bình” điển hình, ảnh hưởng nặng nề tới khát vọng phát triển đất nước.

Bình luận về hiện trạng trên, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Bộ Công thương nhận xét, Việt Nam chủ yếu vẫn đang thu hút FDI dựa vào những ưu đãi trước đầu tư về đất đai, thuế, phí… mặc dù xu hướng chung của thế giới đang chuyển sang các ưu đãi sau đầu tư, tức là những ưu đãi dựa trên kết quả hoạt động, sản xuất kinh doanh.

Điều này dẫn đến hiện trạng các doanh nghiệp FDI chỉ muốn tận dụng lợi thế, ưu đãi mà không có ý thức thay đổi chiến lược, nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất cho người lao động.

Theo bà Thủy, chiến lược thu hút FDI mới cần phải có sự thay đổi về tư duy, đặc biệt là vấn đề về ưu đãi để tạo động lực và trách nhiệm cho doanh nghiệp. Mặt khác, cải thiện trình độ doanh nghiệp nội để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của khu vực FDI cũng là cách để các nhà đầu tư nước ngoài không dễ dàng rời bỏ thị trường khi giá nhân công tăng lên, thay vào đó là những chiến lược nâng cao năng suất lao động.