- Kiều Mai thực hiện -
Việt Nam đang cho thấy những chuyển động tích cực và hành động cụ thể, từ cả khu vực công lẫn khu vực tư nhân và người tiêu dùng trong hành trình giảm thiểu rác thải nhựa, biến rác thải nhựa thành nguồn tài nguyên vô giá.
***
Nâng cao ý thức tái chế ở người tiêu dùng
Cứ 4 – 5 giờ chiều ở con ngõ nhỏ tại Lĩnh Nam, Hà Nội, tiếng cười nói, tiếng gọi nhau í ới hòa cùng tiếng kẻng báo đổ rác lại rộn ràng. Dù mới chỉ qua một ngày, nhưng gia đình nào cũng mang ra những bọc rác lớn.
Khác với nhiều hộ trong khu, gia đình bà Lan lần nào cũng có ít nhất hai túi rác, với hai loại màu túi bóng khác nhau. Nhưng không phải bởi số lượng rác nhiều, mà là bởi mỗi túi sẽ đựng một loại khác nhau – rác hữu cơ và rác tái chế.
Túi rác hữu cơ sẽ được để chung vào thùng xe rác, còn túi rác tái chế sẽ được đơn vị thu gom treo riêng, gom lại rồi bán cho cửa hàng đồng nát.
Theo bà Lan, việc phân loại như trên không hề mất thời gian, chỉ cần thêm 1 – 2 bước ngay sau khi sử dụng sản phẩm, khi nấu ăn, so với cách làm thông thường là vứt chung vào một túi.
Bà đã vận động một số hộ gia đình hàng xóm thực hiện phân loại rác, với suy nghĩ đơn giản rằng vừa tốt cho môi trường, vừa giúp nhân viên vệ sinh có thêm chút thu nhập. Tuy nhiên, không phải ai cũng thấy rằng cách làm của bà hợp lý và có ích.
Nhiều người cho rằng ngay cả khi phân loại từ gia đình, rác thải sau khi được thu gom cũng bị để chung vào một thùng chở rác. Các xe chở rác đều là xe một thùng, không có chỗ phân loại, thậm chí nếu treo xung quanh cũng chỉ được thêm vài túi. Chính điều này đã khiến nhiều người ngần ngại, tiếc công phân loại.
Từ ngày 25/8/2022, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực. Theo đó, người dân có thể bị phạt tiền tới 1 triệu đồng nếu không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Tuy nhiên, các ý kiến đều cho rằng quy định trên cần lộ trình để thực hiện, khi các quy định hiện chưa rõ ràng, thiếu hướng dẫn cụ thể phân loại chất thải rắn sinh hoạt, và trước mắt cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân.
Trên thực tế, những năm gần đây, một điều tích cực là các hoạt động truyền thông, giảng dạy về phân loại rác tại Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ, tiếp cận đến nhiều đối tượng, độ tuổi khác nhau.
Đơn cử, Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã phối hợp triển khai chương trình nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải, nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững.
Theo đó, chương trình triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho đối tượng là hộ gia đình, trường học, các điểm thu mua phế liệu và được chia sẻ trên phương tiện thông tin đại chúng, có sự phối hợp của các công ty môi trường tại 5 thành phố lớn bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Không chỉ vậy, hướng tới thực hiện hóa mục tiêu thay đổi nhận thức, thái độ và cách ứng xử của người tiêu dùng, PRO Việt Nam còn tài trợ phát hành sách hướng dẫn phân loại tái chế “Cùng học về 3R” do Bộ Môi trường Nhật Bản biên soạn.
Cuốn sách cung cấp những thông tin hữu ích và cơ bản nhất về rác thải, bao gồm bao bì nhựa, chai lọ thủy tinh, rác thải điện tử, bao bì giấy và các chất thải hữu cơ. Đồng thời, hướng dẫn những phương pháp cụ thể giúp mọi người tiếp cận và ứng dụng nguyên tắc 3R trong sinh hoạt hàng ngày.
Với phiên bản sách dành cho trẻ em, các bạn nhỏ cũng có thể tham gia vào quá trình tái chế thông qua những hành động đơn giản như chia sẻ quần áo, đồng phục cũ với anh chị em, giữ lại hộp kẹo, chai nước để tái sử dụng…
***
Rác thải nhựa – nguồn tài nguyên mới
Với Việt Nam, mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa, trong đó thúc đẩy tái chế rác thải nhựa, sẽ giúp giải quyết vấn đề lãng phí tài nguyên, cũng như nạn ô nhiếm môi trường đang ngày càng trầm trọng.
Theo báo cáo từ World Bank (Ngân hàng Thế giới) tháng 9/2021, nhựa được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm bao bì, hàng tiêu dùng, điện tử, ô tô, hàng không, dệt may, và nông nghiệp.
Năm 2019, ngành nhựa Việt Nam sản xuất 8,89 triệu tấn sản phẩm, và có đóng góp ước tính 17,5 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia, hay tương đương với 6,7% GDP.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ nhựa ngày càng nhiều cùng với quản lý chất thải kém đang gây ô nhiễm rõ rệt tại các thành phố, cũng như khu vực biển, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học và môi trường sống tự nhiên, góp phần vào biến đổi khí hậu.
Những tác động đặc biệt nghiêm trọng đối với Việt Nam bởi quốc gia này sở hữu bờ biển dài, và phụ thuộc lớn vào các ngành kinh tế chủ chốt như du lịch và thủy sản.
Báo cáo từ Nhóm Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng chỉ có 1/3 của 3,9 triệu tấn các loại nhựa sử dụng phổ biến được thải ra hàng năm tại Việt Nam được thu hồi và tái chế. Ước tính rằng nền kinh tế đã lãng phí 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 tỷ đến 2,9 tỷ USD mỗi năm.
Ở góc độ tái chế, Chủ tịch Công ty VietCycle Hoàng Đức Vượng cho rằng nếu Việt Nam có thể thu gom, tái chế lượng nhựa, kết hợp với phân loại rác thải tại nguồn, thì có thể tiết kiệm khoảng 3 – 4 tỷ USD mỗi năm, tương đương với mức giá trị xuất khẩu gạo.
Một tín hiệu đáng mừng là Việt Nam hiện đang chuyển dần từ việc nâng cao nhận thức về vấn đề rác thải nhựa, sang xác định các giải pháp bằng cách phát triển các kế hoạch hành động, và đặt ra các mục tiêu tái chế đầy tham vọng, theo bà Carolyn Turk – Giám đốc World Bank tại Việt Nam và Kyle Kelhofer – Giám đốc phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào của IFC.
***
Công – tư vào cuộc giảm rác thải nhựa
Thời gian qua, Việt Nam đã cho thấy nhiều cam kết và hành động trong việc giải quyết các thách thức về ô nhiễm chất thải rắn và chất thải nhựa.
Thông qua Tuyên bố Bangkok năm 2019 về chống lại rác thải nhựa đại dương, các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam, cam kết giảm mức độ ô nhiễm nhựa đại dương hiện đang ở mức cao. Các thành viên ASEAN cũng nhấn mạnh nguyện vọng chung là bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương và vùng biển cũng như các nguồn tài nguyên biển.
Thông qua Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn đã được sửa đổi, Việt Nam cam kết thu gom, vận chuyển và xử lý 100% rác thải phi hộ gia đình vào năm 2025, và 85% rác thải sinh hoạt đô thị vào năm 2025.
Chiến lược này cũng ưu tiên phát triển các cơ sở xử lý quy mô lớn sử dụng công nghệ hiện đại, tập trung chủ yếu vào việc tái chế và nâng cấp các bãi chôn lấp để ngăn ngừa các tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe.
Nếu Việt Nam có thể thu gom, tái chế lượng nhựa, kết hợp với phân loại rác thải tại nguồn, thì có thể tiết kiệm khoảng 3 – 4 tỷ USD mỗi năm, tương đương với mức giá trị xuất khẩu gạo.
Chủ tịch Công ty VietCycle Hoàng Đức Vượng
Vào tháng 10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/T về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết đặt ra các mục tiêu gồm “ngăn ngừa, kiểm soát và giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường biển”, và “trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.
Vào cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Kế hoạch này đặt mục tiêu cắt giảm 50% chất thải nhựa đại dương vào năm 2025, và 75% vào năm 2030, cũng như loại bỏ nhựa sử dụng một lần khỏi các điểm du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển vào năm 2030.
Để triển khai thực hiện, Bộ Tài nguyên và môi trường đặt mục tiêu nâng cao hiểu biết của cán bộ về các vấn đề liên quan đến chất thải nhựa, hỗ trợ công tác hoạch định chính sách quản lý nhựa.
Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, đã đưa ra chính sách “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, yêu cầu phân loại chất thải, và đáng chú ý là tạo cơ sở pháp lý cho các chương trình về trách nhiệm mở rộng của người sản xuất (EPR).
EPR là một cách tiếp cận chính sách môi trường, trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng đến giai đoạn trở thành rác thải, góp phần giảm chi phí quản lý các sản phẩm tới cuối vòng đời bằng cách giảm việc thải bỏ và tăng tái chế.
EPR được kỳ vọng mang lại các cơ hội kinh tế và cơ hội để chia sẻ gánh nặng tài chính trong công tác quản lý rác thải rắn tại Việt Nam, bao gồm chất thải bao bì nhựa không được thu gom, tái chế đang rò rỉ thành rác thải biển.
Trước đó, mô hình EPR đã được thực hiện tại Việt Nam, nhưng dưới hình thức tự nguyện, và chưa thực sự hiệu quả và thực chất, khi các công ty được coi là hoàn thành trách nhiệm thu hồi sản phẩm thải bỏ khi thiết lập các điểm thu hồi và công bố điều kiện để thu hồi.
Có hai nhóm đối tượng phải thực hiện trách nhiệm mở rộng, bao gồm tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì (thực hiện trách nhiệm tái chế), và nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì.
Để thực hiện EPR theo quy định mới, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có trách nhiệm báo cáo thông tin dự kiến về số lượng, khối lượng, chủng loại của từng sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu vào năm sau, để có cơ sở thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Có thể lựa chọn ba hình thức tự thực hiện, bao gồm thuê hoặc ủy quyền thực hiện. Trong trường hợp không tự thực hiện tái chế, thì lựa chọn kê khai, nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.
Bên cạnh việc ban hành nhiều chính sách từ khu vực công, khu vực tư nhân tại Việt Nam đã cho thấy sự sẵn sàng thúc đẩy những đổi mới trong tài trợ dự án, thiết kế bao bì, mô hình kinh doanh mới cũng như thực hiện các công nghệ tái chế tiên tiến.
Đơn cử, giữa năm 2019, 9 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì đã bắt tay cùng thành lập PRO Việt Nam, với mong muốn thông qua việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn.
PRO Việt Nam sẽ hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tỷ lệ bao bì thải ra môi trường.
Liên minh này sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động trên các lĩnh vực gồm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có.
Dưới góc độ một doanh nghiệp thành viên của PRO Việt Nam tiên phong trong phong trào “Nói không với rác thải nhựa”, Nestlé hướng tới mục tiêu không bao bì nào của Nestlé, kể cả bao bì nhựa, bị chôn lấp hoặc trở thành rác thải.
Doanh nghiệp này đã cho ra mắt chai thủy linh LaVie và chuyển đổi toàn bộ ống hút nhựa sang ống hút giấy.
Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), thành viên của PRO Việt Nam, đã dừng sử dụng ống hút nhựa từ tháng 4/2019 tại hơn 600 điểm bán trên toàn quốc; thay màn co, túi nilong gói thực phẩm tự hủy bằng lá chuối tươi.
Những hành động này đánh dấu Saigon Co.op là hệ thống bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam quyết định không bán ống hút nhựa, mở màn cho chiến dịch bảo vệ môi trường mới thông qua hành vi tiêu dùng trên kênh bán lẻ hiện đại.
Một số thành viên khác của PRO Việt Nam cũng đã sử dụng chai nhựa trong suốt thay thế cho chai nhựa màu, để vỏ chai có thể dễ dàng tái chế sau khi sử dụng.
Không chỉ tiên phong làm sữa tươi sạch và nông nghiệp hữu cơ, Tập đoàn TH – thành viên sáng lập PRO Việt Nam – đã ứng dụng những giải pháp tiêu dùng thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu sinh học có thể tái tạo, giảm thiểu rác thải nhựa ở mức tối đa.
Đơn cử, TH đã dừng sử dụng túi nilong tại hệ thống cửa hàng TH true mart, thay thế bằng túi nhựa sinh học từ giữa năm 2018; chấm dứt sử dụng thìa sữa chua bằng nhựa, thay bằng thìa sinh học.
Không chỉ vậy, TH còn từng thực hiện chương trình thu gom vỏ hộp sữa để tái chế, tặng khách hàng túi vải canvas khi mang các vỏ hộp tới cửa hàng. Những túi vải này còn có thể tái sử dụng nhiều lần, giảm thiểu sử dụng túi nilong.
Không chỉ trong ngành tiêu dùng, các doanh nghiệp ngành khách sạn cũng thúc đẩy hạn chế đồ nhựa sử dụng một lần, đơn cử như các khách sạn thành viên của Meliá Hotels International, đã tiến tới loại bỏ hoàn toàn một số sản phẩm như ống hút nhựa, chuyển sang sử dụng các loại ống hút làm từ chất liệu hoàn toàn tự nhiên.
Kể từ năm 2019, Meliá Ba Vì đã loại bỏ tất cả các đồ dùng bằng nhựa sử dụng một lần, và thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Vào cuối năm nay, khu nghỉ dưỡng dự kiến sẽ loại bỏ hoàn toàn bao bì đóng gói và vận chuyển bằng nhựa sử dụng một lần, và tiếp tục loại bỏ chai nhựa để thay thế bằng chai nước thủy tinh tái sử dụng.
Meliá Hà Nội cũng sẽ thay thế toàn bộ chai nhựa bằng chai thủy tinh vào cuối năm nay.