Analytic
Tập đoàn xây dựng Hoà Bình khôi phục vị thế
Tập đoàn xây dựng Hoà Bình khôi phục vị thế 1

Hoà Bình vừa trải qua bốn năm rất khó khăn kể từ đại dịch Covid-19 đến nỗi ông từng thừa nhận đó là “thời kỳ khó khăn nhất của công ty trong suốt hành trình hơn ba thập kỷ”. Là “thuyền trưởng” của Hoà Bình, ông cảm nhận thế nào về chặng đường đã qua?

Ông Lê Viết Hải: Hoà Bình được thành lập từ năm 1987, từ một văn phòng chỉ vỏn vẹn năm kỹ sư và 20 người thợ, chủ yếu nhận thiết kế và thi công công trình tư nhân cho một số Việt kiều. Đến năm 2000, Công ty CP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hoà Bình được thành lập với vốn điều lệ 11 tỷ đồng.

Năm 2006, Hoà Bình niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM với mã cổ phiếu HBC. Sau đó một năm, công ty được đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hoà Bình. Hiện nay vốn điều lệ của Hoà Bình đang ở mức gần 3.000 tỷ.

36 năm, thời gian đủ để một đứa trẻ sinh ra lớn lên và trưởng thành. 36 năm đó để đưa một công ty từ văn phòng nhỏ đến doanh nghiệp đại chúng, Hoà Bình đã phải trả qua không ít gian nan thử thách, cũng đã nhiều lần đứng trước sóng gió.

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, trong suốt 36 năm kể từ ngày thành lập, vừa qua là thời gian có những “cơn bão” tàn khốc nhất liên tục ập đến Hoà Bình cũng như trong đời doanh nhân của tôi.

Trước đây, Hoà Bình có khó khăn thì áp lực lên người lãnh đạo cũng chỉ là vài chục tới vài trăm nhân viên. Nhưng hiện nay, sau thành bại đó là cả hàng nghìn người lao động, hàng chục nghìn cổ đông.

Với trách nhiệm của người “thuyền trưởng”, tôi ngày đêm trăn trở làm sao để Hoà Bình trở lại, làm sao để người lao động của Hoà Bình ấm no hạnh phúc, làm sao để cổ đông có lãi, làm sao để trả hết nợ đến hạn cho ngân hàng, đối tác khi doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Khó khăn của Hoà Bình thực ra đã manh nha từ năm đến sáu năm trước, khi có nhiều biến cố bất lợi cho ngành xây dựng, đặc biệt là trong xây dựng nhà ở đô thị và du lịch – hai lĩnh vực chủ chốt của công ty.

Từ năm 2017, đã có rất ít dự án nhà ở đô thị được cấp phép xây dựng trong khi nguồn nhân lực của ngành vẫn cứ tăng liên tục. Thực trạng thiếu việc làm tạo nên mất cân đối cung cầu đã gây bất lợi rất lớn cho các nhà thầu và thị trường xây dựng trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết.

Bối cảnh chung là vậy nhưng Hoà Bình lại bắt đầu năm 2023 với một câu chuyện không mong muốn, đó là cuộc “nội chiến” trong HĐQT diễn ra vào ngày giáp Tết Nguyên đán. Khi đó, tôi vốn đã định lui về phía sau nhưng phải quay trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT để giữ “con thuyền Hoà Bình” khỏi tròng trành.

Ngoài ra, Hoà Bình còn phải đối mặt với những khó khăn lớn trong kinh doanh. Năm 2022, tập đoàn lỗ hợp nhất hơn 2.570 tỷ đồng, đây là khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp, một phần do phải trích lập dự phòng cho khoản phải thu khó đòi gần 1.700 tỷ đồng.

Khoản lỗ lớn này gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và tâm lý cổ đông, trở thành áp lực lớn cho ban lãnh đạo Hoà Bình trong việc điều hành hoạt động hoạt động kinh doanh năm 2023. Nhưng đến hôm nay, có thể nói, chúng tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.

Có những việc không được như ý mình, không phải do bản thân không nỗ lực, cũng không phải đi sai đường mà là vì hoàn cảnh không thuận lợi. Nhưng qua gian khó mới chứng minh được sức mạnh đoàn kết của cán bộ nhân viên tập đoàn, văn hoá doanh nghiệp tốt đẹp đã “ăn sâu” vào tâm khảm những con người Hoà Bình trong suốt 36 năm qua. Tôi tin rằng, đó chính là nền móng vững chắc để Hoà Bình vượt qua khi khó khăn bủa vây.

Tập đoàn xây dựng Hoà Bình khôi phục vị thế 2

Sau những biến cố đó, ông rút ra được bài học như thế nào?

Ông Lê Viết Hải: Năm 2023 là một năm cực kỳ khó khăn với nền kinh tế thế giới nói chung và ngành xây dựng, bất động sản tại Việt Nam nói riêng. Đây cũng là thời điểm khó khăn nhất của tập đoàn kể từ ngày thành lập khi những sóng gió, những “cơn bão” tàn khốc nhất liên tục ập tới Hòa Bình.

Khó khăn đó xuất phát từ biến động, sự cố khách quan của xã hội, những biến cố chưa từng xảy ra trên thế giới và ở Việt Nam nhưng không thể phủ nhận rằng những khó khăn đã xảy ra đó có lỗi chủ quan thuộc về cá nhân tôi và ban lãnh đạo tập đoàn. Sau đó, Hoà Bình rút ra được bốn bài học trọng yếu.

Thứ nhất, hệ thống quản trị rủi ro chưa hiệu quả và chưa được nghiêm chỉnh thực thi.

Thứ hai, hệ thống quản lý hồ sơ thanh quyết toán còn nhiều lỗ hổng, chưa đảm bảo việc thu hồi nợ nhanh chóng, đúng hạn và hiệu quả.

Thứ ba, tính tuân thủ về kỷ luật lao động còn lỏng lẻo chưa thực sự nghiêm minh.

Thứ tư, một số hiện tượng tiêu cực đã xảy ra khi công ty gặp nguy biến, thiếu hụt về các nguồn lực, đặc biệt về tài chính và nhân lực.

Tôi xin nói rõ hơn về vấn đề quản lý rủi ro. Hoà Bình cần có biện pháp phòng tránh mất kiểm soát công ty, đặc biệt về cơ cấu thành viên HĐQT; phòng ngừa và có giải pháp đối phó với tình trạng mất cân đối dòng tiền khi thị trường xảy ra những trường hợp bất khả kháng như đại dịch, thiên tai… để trong mọi trường hợp xấu nhất thì Hòa Bình đều có các điều kiện và biện pháp thích hợp đảm bảo hoạt động liên tục.

Những năm vừa rồi, có dự án thi công đến thời điểm thanh toán, nhà đầu tư không trả tiền nhưng Hoà Bình đã vay ngân hàng để thi công tiếp. Tôi vẫn thường nghĩ rằng Hoà Bình ngưng thi công thì thiệt hại rất lớn cho xã hội.

Những thiệt hại và lãng phí đó vô cùng to lớn và cũng dễ thấy: công trình không đưa vào khai thác phục vụ cho người mua nhà, không đóng góp cho sự phát triển kinh tế quốc gia; nhà đầu tư không thu được tiền của khách hàng sẽ càng khó thanh toán cho nhà thầu xây dựng, công nhân xây dựng cũng như các nhà sản xuất vật liệu xây dựng bị mất việc làm. 

Tập đoàn xây dựng Hoà Bình khôi phục vị thế 3

Tôi cho rằng hầu hết các chủ đầu tư không phải mất khả năng thanh toán mà chỉ tạm thời chưa thu xếp được nguồn tiền. Tuy nhiên nếu làm cách này chỉ có thể an toàn khi thị trường tương đối ổn định. Còn khi thị trường xảy ra những biến cố bất khả kháng thì mọi rủi ro đều đổ lên nhà thầu.

Do đó, sau những biến cố vừa trải qua Hoà Bình sẽ áp dụng chính sách là đến hạn chủ đầu tư không thanh toán thì sẽ ngưng thi công. Hoà Bình sẵn sàng chia sẻ khó khăn với chủ đầu tư, tuy nhiên, nếu cùng một lúc có hàng trăm dự án chậm thanh toán thì tập đoàn sẽ không cân đối được dòng tiền trong ngắn hạn. Chúng tôi phải nghiêm khắc rút ra những bài học, để đảm bảo ngăn ngừa rủi ro và có các giải pháp ứng phó hiệu quả với mọi biến cố cho tập đoàn trong tương lai.

Tập đoàn xây dựng Hoà Bình khôi phục vị thế 4

Giữa năm 2023, Hoà Bình có kế hoạch phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và bán Công ty TNHH Máy Xây dựng Matec. Tiến độ thực hiện những kế hoạch này đến nay như thế nào thưa ông?

Ông Lê Viết Hải: Có kế hoạch đang được Hoà Bình thực hiện, tuy nhiên có sự thay đổi về thời gian cũng như cách thức, có kế hoạch buộc phải tạm dừng.

Thứ nhất, về kế hoạch bán Công ty TNHH Máy xây dựng Matec, là công ty phụ trách quản lý máy móc thiết bị của Hoà Bình. Kế hoạch này hiện nay đã tạm dừng vì bên mua không thu xếp được tài chính, mặc dù trước đó đã chuyển một số tiền cho Hoà Bình.

Thứ hai, việc hoán đổi nợ thành cổ phiếu sẽ diễn ra chậm hơn so với dự kiến ban đầu mặc dù Hoà Bình đã ký hợp đồng hoán đổi nợ thành cổ phiếu do báo cáo tài chính năm 2022 chỉ có ghi tổng nợ phải trả mà không ghi cụ thể từng món nợ của các nhà thầu phụ, nhà cung cấp theo yêu cầu của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước.

Việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ này sẽ thực hiện căn cứ vào báo cáo tài chính của năm 2023 với đầy đủ thông tin chi tiết của từng món nợ, chứ không phải căn cứ vào báo cáo tài chính năm 2022 như hồ sơ xin phép đã nộp trước đây.

Thứ ba, việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho hai nhà đầu tư nước ngoài cũng đã không diễn ra suôn sẻ theo kế hoạch vì những nguyên nhân khác nhau.

Tuy nhiên, sau khi tính toán lại, Hoà Bình đã quyết định thành lập một liên doanh ở nước thứ ba với đối tác nước ngoài để xuất khẩu dịch vụ xây dựng. Còn với Primetech VN Development and Investment Joint Stock Company thì họ vẫn chưa thu xếp xong nguồn vốn nên chưa thực hiện được việc phát hành mặc dù với phương án mới này Hoà Bình vẫn có quyền phát hành.

Tập đoàn xây dựng Hoà Bình khôi phục vị thế 5

Nếu nhìn vào các công trình Hoà Bình xây dựng trong thời gian năm năm trở lại đây thì phân khúc bất động sản du lịch chiếm tỷ trọng rất lớn. Đây cũng là nguyên nhân khiến Hoà Bình lâm vào tình trạng khó khăn như vừa qua khi ngành du lịch thế giới, trong nước đồng thời bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tình trạng bất ổn chính trị. Vậy Hoà Bình có kế hoạch cơ cấu lại các phân khúc không?

Ông Lê Viết Hải: Hoà Bình khác với những công ty xây dựng khác vì chúng tôi thực hiện những dự án cao cấp cả về kỹ thuật và mỹ thuật phục vụ cho ngành du lịch nghỉ dưỡng, ngành chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Trong đó có những khách sạn 5 sao, 6 sao như Four Seasons, Grand Sheraton, JW Marriott, Movenpick…

Những công trình này chủ yếu phục vụ khách nước ngoài nhưng trong ba năm xảy ra dịch Covid -19, họ bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, trong ba năm 2020, 2021, 2022, nước ta chỉ còn thu hút được 20% khách du lịch quốc tế so với năm 2019. Do đó, tất cả những doanh nghiệp làm trong lĩnh vực bất động sản du lịch, đầu tư vào những dự án cao cấp đều bị ảnh hưởng nặng vì 2/3 doanh thu đến từ khách nước ngoài.

Các đối tác không có doanh thu, dự án xây dựng mới hoàn thành hoặc đang trong giai đoạn hoàn thành thì buộc phải ngừng thi công. Do đó, Hoà Bình không thu được tiền trong khi vẫn phải trả nợ đến hạn của ngân hàng và rất nhiều khoản phải chi khác. Đó là sự khác biệt của Hoà Bình so với công ty xây dựng khác.

Cơ cấu doanh thu của phân khúc bất động sản du lịch chiếm tỷ trọng quá lớn nên Hoà Bình đã lâm vào tình trạng khó khăn như thời gian qua. Những phân khúc khác như hạ tầng, công nghiệp dòng tiền vẫn rất tốt nhưng Hoà Bình chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

Do đó, hiện nay, Hoà Bình đang mở rộng đối với hai mảng công trình này. Cụ thể, đối với hạ tầng thì công ty 479 sẽ phụ trách và mở rộng. Còn Công ty TNHH Máy xây dựng Matec sẽ được chuyển đổi để phụ trách phân khúc xây dựng công nghiệp. Song song đó, Hoà Bình sẽ phát triển thị trường nước ngoài và châu Phi sẽ là thị trường chính, sau đó là châu Mỹ, châu Úc.

Có thể thấy, với thị trường trong nước Hoà Bình sẽ đi trên thế chân kiềng là dân dụng, hạ tầng và công nghiệp, song song với việc phát triển thị trường nước ngoài. 

Tập đoàn xây dựng Hoà Bình khôi phục vị thế 6
Tập đoàn xây dựng Hoà Bình khôi phục vị thế 7

Như ông vừa hé lộ, Hoà Bình sẽ thành lập liên doanh với đối tác ở nước thứ ba để thực hiện tham vọng “xuất khẩu dịch vụ xây dựng” theo nguyện vọng mà ông ấp ủ bấy lâu nay. Cụ thể, thương vụ hợp tác này như thế nào thưa ông?

Ông Lê Viết Hải: Theo The Business Research Company, thị trường xây dựng thế giới năm 2022 có giá trị lên đến 14.393 tỷ USD, dự báo năm 2032 con số ấy sẽ tăng lên đến 25.928 tỷ USD. Trong khi năm 2023, thị trường xây dựng ở Việt Nam chỉ chiếm 7,5% GDP (425 tỷ USD), tức khoảng 32 tỷ USD (theo báo cáo của Bộ Xây dựng), chỉ tương đương xấp xỉ 1/450 giá trị tổng sản lượng ngành xây dựng thế giới.

Chỉ cần chiếm 1% thị phần xây dựng thế giới sẽ giúp chúng ta tăng 4,5 lần quy mô ngành xây dựng Việt Nam và chiếm trên 30% GDP. Khi ấy, xây dựng sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Đó là mục tiêu tôi đã theo đuổi hơn 12 năm với nhiều gian nan chắc trở, nay mới có thể nói là bắt đầu có kết quả.

Trong năm qua, Hòa Bình và một đối tác chiến lược nước ngoài đã ký một thỏa thuận hợp tác lý tưởng mà cả hai bên đều rất hài lòng. Qua đó, Hòa Bình sẽ thực hiện hoài bão của mình là mang thương hiệu xây dựng Việt Nam ra nước ngoài.

Chúng tôi dự kiến mở một công ty liên doanh đặt trụ sở tại Singapore, vốn điều lệ ban đầu là 120 triệu USD, mỗi bên góp 60 triệu USD. Liên doanh này hướng đến thị trường quốc tế, thời gian đầu sẽ tập trung vào thị trường châu Phi.

Để có vốn góp vào liên doanh, phía đối tác đồng ý mua máy móc thiết bị của Hòa Bình với định giá tương đương 45 triệu USD. Trong đó, Hòa Bình thỏa thuận nhận 30 triệu USD tiền mặt, 15 triệu USD góp vào vốn thành lập công ty liên doanh.

Cùng với 20 triệu USD là 2% tiền công thiết kế cho dự 1 tỷ USD của đối tác cũng sẽ được Hoà Bình góp vào vốn của công ty liên doanh. Ngoài ra, giá trị thương hiệu Hòa Bình bao gồm kỹ thuật công nghệ thi công, hệ thống quản lý, chuỗi cung ứng… cũng được định giá, đưa vào góp vốn thành lập công ty liên doanh này.

Với phương thức trên, Hòa Bình có thêm một công ty thành viên quy mô tương đương gần 3.000 tỷ đồng, lớn hơn cả vốn điều lệ của Hòa Bình hiện nay là 2.740 tỷ đồng, trong đó Hòa Bình được nắm giữ 51% cổ phần. Đặc biệt, theo phương thức hợp tác này cổ phiếu của Hòa Bình không bị pha loãng.

Tôi tin rằng sự hợp tác này là hướng đi mới đầy triển vọng của Hòa Bình. Cũng theo thỏa thuận hợp tác, đối tác sẽ giao cho Hoà Bình làm tổng thầu, thiết kế và thi công các dự án do họ đầu tư với tổng giá trị đầu tư là 10 tỷ USD. Hoà Bình xác định thị trường nước ngoài mới là “miền đất hứa” và công ty liên doanh sẽ giúp Hoà Bình phát triển thị trường quốc tế.

Tập đoàn xây dựng Hoà Bình khôi phục vị thế 8

Hoà Bình bán máy móc thiết bị cho đối tác để góp vốn vào liên doanh. Vậy các dự án đang hoặc sắp xây dựng, Hoà Bình sẽ đi thuê máy móc hay thực hiện bằng cách nào?

Ông Lê Viết Hải: Không phải như vậy. Hoà Bình chỉ bán một nửa máy móc thiết bị. Hoà Bình đang sở hữu số lượng máy móc rất lớn, đủ để phục vụ cho 65 dự án thi công cùng lúc. Tuy nhiên, thời gian qua thị trường khó khăn nên Hoà Bình chỉ còn 21 dự án đang thi công, do đó số lượng máy móc dư thừa rất lớn.

Tại sao ông và đối tác lại chọn thị trường châu Phi mà không phải là những nơi khác như Canada, Hoa Kỳ thậm chí là Úc như Hoà Bình từng đề cập trước đây?

Ông Lê Viết Hải: Tôi đã có chuyến khảo sát tại thủ đô Nairobi (Kenya) với 14 công trình xây dựng, thì có đến 13 công trình không có cần cẩu, vận thăng, giàn giáo thép. Ít ai biết, chỉ có khoảng 10% công trình cao tầng đang xây dựng ở châu Phi có cẩu tháp, vận thăng, giàn giáo thép và áp dụng công nghệ xây dựng tương đối hiện đại, còn lại họ dùng những phương tiện thô sơ, rất lạc hậu.

Điều này vô hình trung trở thành lợi thế của Hòa Bình, bởi từ lâu chúng tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đô la cho máy móc, trang thiết bị và luôn đảm bảo duy trì được chất lượng hoạt động tốt sau khi đã khấu hao. Vì vậy, Hòa Bình được đối tác đánh giá rất cao khi sở hữu một lượng lớn máy móc xây dựng hiện đại.

Ngành xây dựng ở châu Phi mấy chục năm nay thiếu trầm trọng nguồn nhân lực được đào tạo để theo kịp sự phát triển của thế giới, thiếu chiến lược tích lũy vốn đầu tư máy móc thiết bị thi công, thiếu công nghệ kỹ thuật, thiếu hệ thống quản lý dự án xây dựng, thiếu cả hệ thống quản lý doanh nghiệp tiên tiến.

Hiện nay, Hòa Bình có lượng máy móc thiết bị thi công tồn kho rất lớn. Nếu lượng thiết bị này cùng con người Hoà Bình được đưa đến châu Phi sẽ giúp công nghiệp xây dựng ở châu Phi cải thiện mọi mặt bao gồm chất lượng, tiến độ, an toàn, chi phí thi công xây dựng.

Châu Phi hiện có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, được xem là thị trường xây dựng lớn nhất, tiềm năng nhất ở tất cả các châu lục trong những thập niên tới. Trước mắt, Hòa Bình sẽ tập trung vào phân khúc nhận thầu xây dựng các dự án nhà ở xã hội, sau đó tiến đến thi công các dự án cao cấp hơn.

Tập đoàn xây dựng Hoà Bình khôi phục vị thế 9

Được biết, Hoà Bình vừa trúng thầu dự án lớn ở Kenya. Ông có thể nói rõ hơn về dự án này?

Ông Lê Viết Hải: Đúng như vậy. Đây là thông tin rất vui đối với cán bộ, nhân viên và cổ đông của Hoà Bình nhân dịp tết cổ truyền của dân tộc. Đó là vào ngày 2/2/2024, Hòa Bình đã chính thức nhận được thư trúng thầu 5 dự án nhà ở xã hội của Bộ Nhà ở và phát triển đô thị Kenya.

Các dự án nhà ở xã hội trên được triển khai dành cho lực lượng cảnh sát, quân đội và sinh viên trường Đại học Kỹ thuật của Kenya. Năm dự án với tổng số 3.400 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 72 triệu USD. Đây là các dự án Hoà Bình đóng vai trò là tổng thầu, thiết kế và thi công.

Trước đó một ngày, Hòa Bình cũng đã nhận được thư mời vào vòng trong cho hai dự án nhà ở xã hội khác tại Kenya sau khi đã vượt qua vòng khảo sát về uy tín và năng lực của các nhà thầu thực hiện bởi Chính phủ Kenya để được mời tham gia gửi phương án thiết kế và thi công cho hai dự án trên.

Hai dự án dự kiến có 6.200 căn hộ với giá trị tương đương 91,6 triệu USD. Nếu trúng thầu thêm dự án này, tổng giá trị các hợp đồng xây dựng nhà ở xã hội tại Kenya sẽ lên đến 163,6 triệu USD.

Đầu Xuân mới, ông muốn gửi gắm điều gì đến cán bộ nhân viên, đối tác và cổ đông?

Ông Lê Viết Hải: Tôi muốn nói với anh em, dù sóng gió đã quét đi của chúng ta nhiều thứ nhưng cuối cùng con thuyền Hoà Bình vẫn an toàn ra khơi. Vượt qua được năm 2023 vừa rồi có thể xem là một kỳ tích.

Người ở lại là những người gồng gánh, làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, cùng công ty giải quyết, gỡ khó. Người ra đi vì hoàn cảnh không cho phép và cũng vì mong muốn giảm bớt gánh nặng cho Hoà Bình dù công ty không hề cho những nhân tố tích cực nghỉ do hết việc.

Còn với nhà thầu phụ, đơn vị cung cấp biết Hoà Bình gặp khó, không thể thanh toán đúng hạn nhưng họ vẫn cung cấp nguyên vật liệu, vẫn tiếp tục thi công. Nhờ có những người công nhân, nhà cung cấp, nhà thầu phụ như vậy, Hoà Bình mới vượt qua giai đoạn khó khăn nhất vừa rồi.

Tập đoàn xây dựng Hoà Bình khôi phục vị thế 10

Hiện tại có thể khẳng định, Hoà Bình đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Hoà Bình cũng đã ổn định bộ máy quản trị, đang khơi thông dòng tiền, đồng thời cơ cấu lại sản phẩm và thị trường. Hoà Bình đã trúng thầu dự án ở thị trường nước ngoài với giá trị lên đến 72 triệu USD.

Với kinh nghiệm trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, với những con người kiên cường còn gắn bó với Hoà Bình qua khó khăn, cùng dấu hiệu tốt lành đến ngay vào dịp Tết Nguyên đán, tôi tin rằng một chặng đường mới đã bắt đầu và Hoà Bình sẽ nhanh chóng khôi phục lại vị thế của mình.

Xin cảm ơn ông!

Nội dung: Hứa Phương

Thiết kế: Diệu Thảo - Ảnh: HBC

Xuất bản: 20/2/2024