Bài học quản trị từ xung đột thượng tầng ở Xây dựng Hoà Bình

Hứa Phương - 16:51, 13/07/2023

TheLEADERChủ quan trong việc bố trí nhiều thành viên hội đồng quản trị mà không quan tâm họ đứng về phe nào nên khi có xung đột lợi ích, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình - ông Lê Viết Hải đã rất vất vả lấy lại quyền kiểm soát.

Bài học quản trị từ xung đột thượng tầng ở Xây dựng Hoà Bình
Diện mạo mới của hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình sau một thời gian xung đột

Giọng nói nhỏ nhẹ, lại có sở thích đàn hát trong những sự kiện trọng đại của công ty, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, luôn theo đuổi văn hoá doanh nghiệp “giàu tính nhân văn, đặc trưng và đậm chất hoà bình”.

Nhưng hai năm trở lại đây, nhà sáng lập một trong những công ty xây dựng lớn ở Việt Nam lại đối mặt với thời kỳ sóng gió chưa từng có.

Hai năm qua là “thời kỳ khó khăn nhất của Hoà Bình trong suốt hành trình hơn 3,5 thập kỷ” như ông Hải thừa nhận trong báo cáo thường niên phát hành mới đây. Khó khăn là vì, những biến cố như đại dịch Covid-19, những vướng mắc trong thủ tục cấp phép xây dựng dự án nhà ở đô thị và cuộc chiến tranh Nga – Ucraina đã giáng một đòn mạnh mẽ vào các công ty xây dựng, trong đó có Hoà Bình, tình cảnh mà ông Hải mô tả thêm rằng sự biến động về giá vật tư và nhân công một lần nữa “đã tạo thêm cơn sóng dữ cuốn đi phận lợi nhuận còn lại cực kỳ nhỏ nhoi của các nhà thầu”.

Không những không có lợi nhuận, mà lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của tập đoàn, Hoà Bình công khai con số lỗ kỷ lục hơn 2.572 tỷ đồng năm 2022, trong đó, riêng phần trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu lên đến 2.059 tỷ đồng.

Có được hợp đồng xây dựng mới trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nhà thầu diễn ra khốc liệt, đã khó khăn, những người lãnh đạo như ông Hải lại càng “đau đầu” hơn với việc đòi nợ, và thực tế, do tình thế chẳng đặng đừng, Hoà Bình đã phải đưa 10 vụ kiện ra xét xử để tìm cách thu hồi nợ.

“Đau đầu” không kém là việc tập đoàn không công bố kịp báo cáo tài chính kiểm toán theo quy định, khiến cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, khiến lần đầu tiên, một người được cho là có tính cách hiền lành và nhỏ nhẹ như ông Hải cũng phải dùng những từ ngữ nặng nề về những “lời vu khống trong nhiều thư nặc danh của những kẻ tiểu nhân độc ác đã ném đá giấu tay” chĩa mũi dùi vào cá nhân ông.

Nhưng có lẽ, sự việc khiến ông “đau đầu” hơn cả, và cũng có thể không bao giờ ngờ tới, là xung đột trong nội bộ hội đồng quản trị công ty mà chính ông cũng thừa nhận trách nhiệm của người giữ vị trí cao nhất trong tập đoàn khi đã để xảy ra một số sự việc rất đáng tiếc ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ban lãnh đạo và thương hiệu Hòa Bình.

Cuộc chuyển giao không êm thấm

Từ cuối năm ngoái, nội bộ hội đồng quản trị (HĐQT) tập đoàn đã bất ngờ xảy ra mâu thuẫn giữa một bên là nhóm bốn thành viên do ông Lê Viết Hải đứng đầu và “nhóm đối lập" cũng gồm bốn thành viên, trong đó có ông Nguyễn Công Phú – một người có thâm niên trong ngành xây dựng.

Mâu thuẫn bắt nguồn từ việc ông Hải từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và việc từ nhiệm này được lý giải nhằm “dọn đường” cho con trai ông là Lê Viết Hiếu lên giữ chức tổng giám đốc để phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp.

Song song với việc ông Hải từ nhiệm, tập đoàn Hoà Bình sẽ bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú, thành viên HĐQT độc lập làm Chủ tịch HĐQT. Đồng thời, tập đoàn sẽ thành lập hội đồng sáng lập do ông Hải làm chủ tịch. Đây là cơ quan tham mưu, tư vấn và phản biện cho HĐQT và ban điều hành về chiến lược kinh doanh cùng các quyết sách quan trọng.

Việc thay đổi lãnh đạo cấp cao đã được hợp thức bằng hai nghị quyết 50, 51 của HĐQT vào ngày 14/12 và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Tưởng chừng việc chuyển giao quyền diễn ra êm xuôi, thậm chí thời điểm đó từng có ý kiến nhận định đây có thể là hình mẫu cho việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo trong các doanh nghiệp gia đình. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa hai nhóm dần lộ diện khi ngày khi một ngày trước khi nghị quyết 50, 51 có hiệu lực, HĐQT bất ngờ công bố nghị quyết 53 về việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm Chủ tịch HĐQT của ông Hải; hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ đối với ông Nguyễn Công Phú.

Trước diễn biến bất ngờ này, hai thành viên của “nhóm đối lập” là ông Nguyễn Công Phú, Dương Văn Hùng đã cung cấp những thông tin nội bộ về tình hình tài chính, cấu trúc quản trị của tập đoàn thông qua buổi gặp mặt một số cơ quan truyền thông.

Từ đây, bắt đầu xuất hiện các thông tin bất lợi cho ông Hải cũng như tập đoàn, như việc tập đoàn bơm gần 1.000 tỷ đồng cho các công ty con một cách dễ dàng và dòng tiền chưa thấy trở về công ty mẹ. Hoặc tháng 10/2022, dòng tiền khả dụng của công ty chỉ còn 23 tỷ đồng dẫn đến nợ lương nhân viên, nhà thầu phụ. Ngoài ra, kế toán trưởng, thủ quỹ cũng đều là những người thân, người nhà của ông Hải, dẫn đến những nghi ngờ về dòng tiền không minh bạch.

Trước những thông tin được coi là bất lợi được đưa ra, phía ông Hải phát đi thông cáo báo chí cáo buộc ông Phú, ông Hùng có hành vi vi phạm pháp luật khi cung cấp thông tin và phát tán tài liệu cùng việc việc cố tình diễn giải sai lệch với bản chất, bóp méo, xuyên tạc, thậm chí nói ngược với sự thật nhằm động cơ bôi nhọ danh dự, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín lãnh đạo và danh tiếng tập đoàn cũng như quyền lợi của các cổ đông.

Thậm chí, phía ông Hải còn lo ngại động cơ thật sự của các thành viên “đối lập” là giành quyền kiểm soát công ty để dễ bề thao túng với mục đích trục lợi cá nhân và không loại trừ động cơ là tạo điều kiện cho các thế lực bên ngoài thâu tóm tập đoàn.

Trước đó, ở một công ty xây dựng khác là Coteccons cũng đã diễn ra xung đột giữa nhóm cổ đông lớn và người sáng lập Nguyễn Bá Dương, và cuối cùng ông Dương đã phải từ bỏ vị trí lãnh đạo ở Coteccons chuyển sang công ty khác và nhường quyền điều hành cho nhóm cổ đông lớn.

Khi xung đột giữa hai nhóm thành viên HĐQT vào giai đoạn gay cấn thì Trung tâm Trọng tài quốc tế chi nhánh TP.HCM thông báo về việc nhận được đơn của ông Huỳnh Bảo Ngọc kiện Tập đoàn Hoà Bình. Với tư cách là cổ đông, ông Ngọc kiện, yêu cầu tuyên bố hủy bỏ các nghị quyết 50, 51 và 53. Căn cứ vào đơn khởi kiện của ông Ngọc, Hội đồng trọng tài đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoãn ba nghị quyết 50, 51 và 53.

Đồng thời, căn cứ theo yêu cầu từ Hội đồng Trọng tài, Cục Thi hành án dân sự đã quyết định tạm dừng thi hành các nghị quyết 50, 51 và 53 cho đến khi vụ việc được quyết định hay phát quyết của Hội đồng Trọng tài.

Như vậy, đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết có hiệu lực của Hội đồng Trọng tài, ông Hải tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật của tập đoàn.

Xung đột giữa hai nhóm đã dần ngã ngũ vào tháng 2/2023 khi ông Nguyễn Công Phú có đơn từ nhiệm thành viên HĐQT tập đoàn Hoà Bình và đến đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 tổ chức mới đây, các thành viên “đối lập” đã bị miễn nhiệm.

Bài học cho nhà lãnh đạo

Mâu thuẫn thượng tầng kết hợp với tình hình kinh tế khó khăn đã kéo tập đoàn tụt lại phía sau, đến trong thông điệp gửi cổ đông, ông Hải thừa nhận phải “lùi lại một bước” để tái cấu trúc.

Tại đại hội cổ đông vừa diễn ra, ông Hải cũng thừa nhận những lùm xùm trong vấn đề nhân sự cấp cao thời gian qua xuất phát từ cách quản lý của ông. Ông cho rằng bản thân luôn hành động vì lợi ích cổ đông, trong đó có việc sẵn sàng đưa những người có năng lực, trình độ, cùng tầm nhìn, cùng hoài bão về tập đoàn để thực hiện mục tiêu chiến lược là đưa tập đoàn ra thị trường quốc tế.

Do đó, ông đã xây dựng cơ cấu HĐQT gồm 8 thành viên, trong đó có 4 thành viên HĐQT độc lập, tương ứng 50%. Đồng thời, ông không quan tâm đến tỷ lệ cổ phiếu các thành viên HĐQT sở hữu và họ đứng về phe nào.

“Chính vì thế nên khi có xung đột lợi ích, kéo bè kéo cánh trong công ty, tôi đã không thể kiểm soát được. Để kiểm soát thượng tầng tốt hơn, cần gắn vốn đầu tư từ thành viên HĐQT vào lợi ích của công ty và cơ cấu thành viên HĐQT cũng cần thay đổi. Đây là bài học tôi rút ra được”, ông Hải trần tình.

Cũng theo ông Hải, trong thời gian công ty gặp khó khăn còn có một số nhân sự cấp cao lâu năm của tập đoàn nghỉ việc. Nguyên nhân là do một số nhân sự nhận thấy công việc ít, không giúp ích nhiều cho công ty nên đã tự nguyện nghỉ. Số khác gặp áp lực công việc khi nhà thầu phụ không hài lòng do tập đoàn thiếu hụt về tài chính nên đã xin thôi việc.

Tập đoàn đã có sự “thay máu” các thành viên HĐQT khi miễn nhiệm 5/8 thành viên. Cơ cấu thành viên HĐQT cũng thay đổi khi giảm từ 8 người xuống còn 6 người, trong đó có 2 thành viên độc lập và 2 thành viên không tham gia điều hành.

Đồng thời, tập đoàn cũng bổ sung 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 – 2024, gồm ông Lê Văn Nam, bà Nguyễn Thị Lượt và bà Vũ Thị Hoà. Theo đó, HĐQT hiện nay gồm 6 thành viên là ông Lê Viết Hải, Lê Văn Nam, Lê Viết Hiếu, Nguyễn Tường Bảo, Nguyễn Thị Lượt và bà Vũ Thị Hoà.

Trong đó, ông Hải giữ chức Chủ tịch HĐQT; ông Nam là Tổng giám đốc, ông Hiếu là Phó chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực; ông Bảo là thành viên độc lập, chủ tịch uỷ ban kiểm toán; bà Lượt là thành viên và bà Hoà là thành viên độc lập.

Đáng chú ý, trong cơ cấu thành viên HĐQT có 5 thành viên là người thân hoặc do ông Hải đề cử, chỉ duy nhất thành viên độc lập là bà Hoà là do nhóm cổ đông chiếm hơn 5% cổ phần đề cử.

Tập đoàn cũng tiến hành triển khai kế hoạch tái cấu trúc toàn diện, trong đó sẽ tái cấu trúc về tài chính, quản trị, nguồn nhân lực, sản phẩm và thị trường, hệ thống quản lý và hệ thống các công ty thành viên và công ty liên kết.

Ông Hải tin rằng, “với kế hoạch tái cấu trúc này, Hòa Bình lại sẽ hồi phục với một hệ sinh thái tốt nhất, một mô hình kinh doanh phù hợp luôn thích ứng với môi trường để làm nên một doanh nghiệp trường tồn.”