Analytic
Ba phẩm chất nổi bật của nhà quản trị doanh nghiệp

Năm 2024 là năm bản lề với không ít sự thách thức nhưng cũng hứa hẹn những cơ hội cho doanh nghiệp, nếu các nhà lãnh đạo có những bước đi thay đổi, nắm bắt công nghệ tạo ra giá trị tốt hơn đến khách hàng và thị trường. Có 3 vấn đề lớn doanh nghiệp sẽ đối mặt trong bức tranh tổng thể về kinh doanh và quản trị.

Thứ nhất, sự thay đổi trong hành vi khách hàng do sự phát triển về công nghệ, nền tảng mạng xã hội. Theo PwC, 57% người tiêu dùng thế hệ Gen Z và 58% thế hệ Millennials có xu hướng tăng cường mua sắm trực tuyến nhiều hơn nữa. Xu thế này khiến các doanh nghiệp đứng trước bài toán tối ưu trải nghiệm của khách hàng trên nền tảng trực tuyến.

Thứ hai, năm 2024 hứa hẹn bùng nổ công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Điều này đặt ra thách thức cho doanh nghiệp trong việc thay đổi mô hình kinh doanh, gắn với xu thế công nghệ, để tạo ra giá trị vượt trội hơn. Trong kỷ nguyên số hóa, doanh nghiệp không thể đứng ngoài xu thế này mà cạnh tranh nhau về sự đổi mới, khả năng thích ứng công nghệ. Vấn đề đặt ra với các lãnh đạo là nhìn nhận hoạt động kinh doanh và xác định lĩnh vực hoạt động có thể ứng dụng công nghệ gia tăng giá trị.

Thứ ba, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với thách thức trong việc thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài. Lực lượng lao động hiện nay có nhu cầu về tinh thần và những mong muốn khác biệt so với trước đó.

Theo Linkedin, nhân viên Gen Z sẵn sàng chấp nhận giảm 5% lương để làm việc ở môi trường mang lại cơ hội phát triển nghề nghiệp. Vấn đề tài chính không còn là yếu tố quyết định, họ muốn được đào tạo phát triển, được lắng nghe và được tạo không gian để đổi mới sáng tạo. Điều này đang tạo ra những khoảng trống giữa nhân lực với tổ chức, khi công ty vẫn đang duy trì cách thức quản trị theo hướng kiểm soát và khai thác nhân lực. Đứng trước những thách thức đó, phẩm chất của các nhà lãnh đạo cần thể hiện rõ nét đặc biệt là ba phẩm chất nổi bật có thể nhận ra.

Thứ nhất, nhà lãnh đạo sẵn sàng đón nhận thách thức, dám thay đổi. Trong bối cảnh kinh doanh biến động, khả năng thích ứng, nắm bắt cơ hội là yếu tố then chốt. Nếu doanh nghiệp thay đổi chậm hơn đối thủ, đồng nghĩa với việc mất vị thế cạnh tranh trên thị trường và mất đi cơ hội khách hàng.

Có thể thấy trong sản xuất, thế giới ứng dụng công nghệ trong quản lý dữ liệu dự đoán nhu cầu đơn hàng, mạng lưới thông tin nội bộ, doanh nghiệp hiện tại vẫn chỉ quản lý dựa trên kinh nghiệm, giao tiếp trực tiếp tại phân xưởng, sẽ gặp khó trong cạnh tranh. Để làm được điều này, các nhà lãnh đạo phải là người quyết liệt không chấp nhận đi theo lối mòn, tự đặt ra những câu hỏi để cải tiến hoạt động.

Thứ hai, nhà lãnh đạo đề cao sự xuất sắc, tính thích ứng đội ngũ dựa trên văn hóa học hỏi. Công việc ngày càng thách thức và công nghệ mới liên tục phát triển. Nếu tập trung vào tạo ra sức ép nhân sự để đạt được KPI sẽ nhanh chóng làm kiệt quệ về tinh thần và động lực của đội ngũ.

Tư duy khai thác nhân lực đã không còn phù hợp, thay vào đó là sự đầu tư vào đội ngũ, đề cao tính tri thức và sự học hỏi. Xây dựng được môi trường làm việc hấp dẫn, thân thiện với nhân viên. nuôi dưỡng cảm xúc tích cực và động lực học hỏi của đội ngũ.

Thứ ba, nhà lãnh đạo cần có năng lực thấu cảm, nhưng đồng thời vẫn kiên cường trước các thách thức. Thấu cảm đề cập đến khả năng lắng nghe, thấu hiểu những vấn đề, mong muốn và cảm xúc của đội ngũ. Điều này thể hiện sự trưởng thành trong nhân cách và năng lực của người lãnh đạo, gắn với trí thông minh cảm xúc EQ.

Thấu cảm nhưng không đa cảm, đặt tổ chức lên trên hết, nâng cao sức chịu đựng của bản thân trước những vấn đề xảy đến. Khi người lãnh đạo có sự bình tĩnh, kiên định với mục tiêu phát triển trước những khó khăn mới có thể truyền động lực, truyền niềm tin đến đội ngũ của mình.

Doanh nghiệp cần tập trung nuôi dưỡng đội ngũ nhân lực trẻ và quyết liệt trong đổi mới sáng tạo nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức.

Doanh nhân cần có tinh thần phụng sự 1