Analytic

Khoảng trống của kinh tế tuần hoàn từ góc nhìn một nhà tư vấn

Có vẻ ngoài cá tính như một nghệ sĩ nhưng chị Kim Lê, Nhà sáng lập kiêm CEO Công ty CL2B (công ty tư vấn quản lý về kinh tế tuần hoàn đầu tiên tại Việt Nam), không bao giờ “tô vẽ” về những hoạt động của bản thân cũng như của doanh nghiệp. Và cũng hơi trái ngược với một tâm hồn yêu cây cỏ, thiên nhiên, khi nói về kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, chị Kim luôn dựa trên những lý giải thực tế và bằng chứng khoa học.

Có lẽ bởi vì vậy, những cuộc trò chuyện với nhà sáng lập CL2B luôn để lại một tư vị thật khác biệt, dù thực tiễn, khoa học nhưng không khô khan mà mang tính gợi mở cho nhiều suy ngẫm và chiêm nghiệm.

TheLEADER xin gửi tới quý độc giả một cuộc trò chuyện  thú vị với chị Kim Lê về kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững với doanh nghiệp

Cơ duyên nào đưa chị đến với kinh tế tuần hoàn?

Chị Kim Lê: Có nhiều người được lựa chọn sự nghiệp, chọn nghề nhưng cũng có những người, như tôi, là sự nghiệp tự tìm đến mình, hay như là nghề chọn người.

Sau khi trở về Việt Nam, tôi đã có một vài dự án liên quan đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, phải đến khi đảm nhiệm vị trí Quản lý phát triển bền vững và tuân thủ trong một nhà máy dệt nhuộm, hiểu sâu hơn về cách thức vận hành công nghiệp, tôi chợt nhận ra, nền kinh tế, nền công nghiệp của chúng ta đang thiếu bền vững như thế nào.

Nền kinh tế, xã hội phụ thuộc hoàn toàn vào tài nguyên thiên nhiên. Thế nhưng chúng ta lại sử dụng nguyên vật liệu thiếu hiệu quả ở trong mọi quá trình, từ khai thác, sản xuất đại trà cho đến tiêu dùng và thải bỏ.

Đó là một chuỗi phản ứng dây chuyền. Khai thác quá mức nguyên liệu thô, lạm dụng nhiên liệu hóa thạch làm đẩy nhanh biến đổi khí hậu, làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm tài nguyên. Hậu quả của kinh tế tuyến tính không chỉ thể hiện ở vấn đề môi trường mà còn cả những vấn đề xã hội. Có những nhóm yếu thế chịu tác động sớm và trực tiếp từ tình trạng ấy, dẫn đến sự bất bình đẳng sâu sắc.

Những tác động khủng khiếp từ lối tư duy tuyến tính ấy đã được giới khoa học thừa nhận vào những năm 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, giới doanh chủ vẫn cho rằng các hoạt động tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường là cản trở đối với phát triển kinh tế. Tư tưởng cho rằng tổn thất môi trường được chấp nhận như một tác dụng phụ của tăng trưởng kinh tế cũng rất phổ biến.

Mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cứ tiếp diễn như vậy, cho đến khi khái niệm kinh tế tuần hoàn xuất hiện. Kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận với hướng tiếp cận phát triển và tạo sự bền vững cho hệ thống kinh tế gắn với giảm thiểu, và dùng việc bảo vệ môi trường là yếu tố chính trong sự phát triển kinh tế, vì vậy, có kinh tế tuần hoàn, kinh tế và môi trường mới có thể “chung đôi”.

Khoảng trống của kinh tế tuần hoàn từ góc nhìn một nhà tư vấn

Như chị nói, vậy kinh tế tuần hoàn sẽ là lời giải cho bài toán đạt được sự phát triển bền vững, tức là đạt được lợi ích cả về kinh tế, môi trường và xã hội?

Chị Kim Lê: Kinh tế tuần hoàn giúp doanh nghiệp cũng như các quốc gia đạt được nhiều trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc (17 SDGs), ví dụ như mục tiêu số 6 về nước và vệ sinh cho tất cả mọi người, hay mục tiêu số 12 về sản xuất và tiêu thụ bền vững. Hệ thống kinh tế tuần hoàn giúp kinh tế được phát triển bền vững hơn do hạn chế phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, hạn chế xả thải ra môi trường cũng như khai thác tài nguyên quá mức.

Tuy nhiên, một điểm mạnh của kinh tế tuần hoàn là mô hình này đi sát với chuỗi giá trị của doanh nghiệp, từ đó nâng cao sự bền vững của doanh nghiệp thông qua giảm thiểu rủi ro từ việc thay đổi thị trường và tăng cường sức bền của chuỗi cung ứng. Lợi ích kinh tế của kinh tế tuần hoàn không phải là những thứ vô hình mà được đo lường rõ ràng thông qua tiết kiệm chi phí nhờ tránh lãng phí nguyên vật liệu cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất.

Chị đánh giá thế nào về sự chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?

Chị Kim Lê: Theo góc nhìn của tôi, các doanh nghiệp lớn thường có những bước chuyển đổi rất cụ thể để triển khai xuống từng chi nhánh và đưa ra phương án cho từng mảng hoạt động, vận hành.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này vẫn gặp nhiều khó khăn do chiến lược đưa ra chưa sát với thực tế vận hành của đối tác, nhà cung ứng cũng như khả năng cung ứng của doanh nghiệp tại địa phương.

Đơn cử như câu chuyện nhiều doanh nghiệp muốn chuyển đổi qua sử dụng nguyên vật liệu tái chế nhưng vật liệu này không có sẵn ở địa phương. Các nhà cung ứng cũng cần sự cam kết mạnh mẽ hơn từ phía thị trường để đầu tư vào tài chính và nhân lực để sản xuất vật liệu tái chế. Nếu chỉ có một khách hàng, cam kết thị trường đôi khi không đủ lớn và sự chuyển đổi có thể không đủ hấp dẫn đối với các đơn vị đầu cuối. Đây là bài toán khó đang “lặp đi lặp lại” trong nhiều trường hợp mà chúng tôi biết.

Về phía các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tôi nhìn thấy sự sôi nổi và nhiệt huyết khi tham gia vào quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn. Nhiều dự án khởi nghiệp mang định hướng kinh tế tuần hoàn cũng đã xuất hiện, làm sân chơi này trở nên ngày càng đa dạng, tạo tác động lan tỏa, hình thành hệ sinh thái bền vững cũng như hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi của những doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, sự khởi nghiệp hay chuyển đổi của các doanh nghiệp nhỏ dường như vẫn dựa trên hệ thống của kinh tế tuyến tính. Đó là doanh nhân nhìn ra cơ hội, nhu cầu thị trường từ kinh tế tuần hoàn nên quyết định tận dụng để tìm kiếm giá trị kinh tế. Nhiều trong số những doanh nhân này thiếu kiến thức về kinh tế tuần hoàn để thực hiện một cách bài bản, đặc biệt ở bước đưa những giá trị tuần hoàn đi sâu vào việc tạo ra tác động cho môi trường và xã hội.

Lấy ví dụ như những đơn vị tái chế vừa và nhỏ, trong suốt thời gian qua đã tạo ra giá trị kinh tế cũng như thúc đẩy vòng tuần hoàn nguyên vật liệu. Tuy nhiên, những đơn vị tái chế này lại gây ra một thực trạng nan giải là nước thải, khí thải không qua xử lý, môi trường làm việc độc hại. Nhiều doanh nghiệp lớn đang có nhu cầu cao về nguyên vật liệu tái chế nhưng đa số các đơn vị tái chế vừa và nhỏ không thể đáp ứng được nhu cầu này bởi không đáp ứng được điều kiện tuân thủ tiêu chuẩn về môi trường và xã hội.

Trên thực tế, chúng ta chưa ban hành được tiêu chuẩn cũng như khung thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, càng chưa có cơ chế hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn một cách toàn diện.

Có thể nói, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn mới chỉ ở bước đầu. Hiện tại, các cơ chế quản lý kinh tế tuần hoàn đang dần được hoàn thiện ở cấp độ quốc gia. Từ phía tư nhân, các bộ tiêu chuẩn, đặc biệt là tiêu chuẩn ISO về kinh tế tuần hoàn cũng đang được gấp rút hoàn thiện. Kỳ vọng rằng những điều này sẽ sớm tạo ra tác động để doanh nghiệp thực hành chuyển đổi một cách toàn diện và hiệu quả hơn.

Khoảng trống của kinh tế tuần hoàn từ góc nhìn một nhà tư vấn 1

Trong bối cảnh như vậy, điều gì thôi thúc chị bắt đầu tham gia vào quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn với một công ty tư vấn là CL2B?

Chị Kim Lê: Tôi nhìn ra những cơ hội. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận ra những giá trị mà kinh tế tuần hoàn đem lại cũng như trách nhiệm cần phải ứng dụng kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đưa kinh tế tuần hoàn vào hoạt động vận hành cũng như chiến lược phát triển của mình.

Đó chính là không gian cho các công ty tư vấn. Với kinh nghiệm làm việc với đa bên, có thể đưa những ứng dụng của kinh tế tuần hoàn ở các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau vào thử nghiệm, từ đó nâng cao hiệu quả vận hành. Tham gia vào sân chơi này, vai trò của CL2B là liên tục nghiên cứu và phát triển, thiết lập những mô hình kinh tế tuần hoàn đa bên, đa ngành hướng tới giảm thiểu thất thoát tài nguyên.

Thực tế, tại Việt Nam, không có nhiều đơn vị tư vấn trong lĩnh vực kinh tế môi trường, càng ít các đơn vị có năng lực giúp doanh nghiệp chuyển giao chiến lược từ cấp cao xuống hệ thống vận hành. CL2B có thể đưa ra dịch vụ giúp doanh nghiệp làm được điều đó.

Tập trung vào thế mạnh của kinh tế tuần hoàn, CL2B đi sâu vào vòng đời sản phẩm để “đồng thiết kế”, có nghĩa là thiết kế sản phẩm và chuỗi cung ứng khép kín với nguồn vật liệu đầu vào chính từ những gì thải bỏ ra của doanh nghiệp.

Sau 4 năm hoạt động, CL2B đã đạt được những gì?

Chị Kim Lê: CL2B là doanh nghiệp sinh ra vào thời Covid-19, đến khi “dậy thì” lại phải đối diện với khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đạt được nhiều cột mốc đáng nhớ.

Trong 4 năm vừa qua, CL2B thực hiện được hơn 30 nghiên cứu lớn nhỏ về kinh tế tuần hoàn, bao gồm phương thức tính toán, khung đánh giá, công nghệ và chuyển đổi số, dòng chảy nguyên vật liệu và khung pháp lý. Các nghiên cứu đã, đang và sẽ tiếp tục được tiến hành là tiền đề và nền tảng để CL2B hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng kinh tế tuần hoàn đem lại lợi ích, dựa trên cơ sở khoa học.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phát triển những dịch vụ đặc thù, bao gồm CEMA là việc đưa các khái niệm của kinh tế tuần hoàn vào vận hành và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp hay CEBM là chuỗi workshop để đào tạo và giúp đội ngũ quản lý cấp trung của công ty có thể hiểu và ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào kế hoạch chuyển đổi kinh tế tuần hoàn của công ty.

Trong suốt giai đoạn khó khăn, CL2B đã nhận được sự tin tưởng và đồng hành từ các khách hàng lớn, từ những tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP); Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH); Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), The Incubation network… cho đến những doanh nghiệp tiên phong trong kinh tế tuần hoàn như Heneiken, H&M, RKW, Schoollab; Gemalink…

Là một doanh nghiệp bền vững, thay vì nói đạt được những gì, có lẽ tôi thích nói hơn về những bài học nhận được. Ứng dụng một mô hình mới nhằm đạt được hiệu quả cả về kinh tế lẫn môi trường không phải là điều đơn giản, đặc biệt với một công ty tư vấn còn non trẻ. Vì vậy, cái đạt được nhiều nhất sau 4 năm là rất nhiều bài học thực tế từ việc triển khai những hệ thống và giải pháp mới hướng đến kinh tế tuần hoàn.

Cũng rất may mắn khi hầu như tất cả các khách hàng đến với CL2B đều có một tư duy, một tâm thế mở về việc kinh tế tuần hoàn, từ đó dám cùng với chúng tôi phát triển và ứng dụng những mô hình mới, đầy tham vọng và cũng không ít thách thức.

Từ những bài học ấy, theo chị, doanh nghiệp cần tiếp cận thế nào với mô hình kinh tế tuần hoàn để quá trình chuyển đổi diễn ra một cách hiệu quả?

Chị Kim Lê: Khi phát triển công cụ CEMA, chúng tôi nhận ra, kinh tế tuần hoàn có thể ứng dụng ở mọi khía cạnh, công đoạn trong vận hành doanh nghiệp. Ngoài việc chuyển đổi mô hình kinh doanh hay đưa ra sản phẩm mới thường tốn khá nhiều thời gian và nguồn lực, một số doanh nghiệp cũng áp dụng những giải pháp như giảm thiểu, tái sử dụng trong các công đoạn.

Khoảng trống của kinh tế tuần hoàn từ góc nhìn một nhà tư vấn 2

Để bắt đầu thực hiện chuyển đổi theo mô hình kinh tế tuần hoàn, điều đầu tiên là cần phải thấu hiểu kinh tế tuần hoàn, sau đó xây dựng chiến lược chuyển đổi một cách liên tục và có kế hoạch.

Doanh nghiệp có thể triển khai kinh tế tuần hoàn ở những hoạt động ngắn hạn như hạn chế thất thoát nguyên vật liệu trong sản xuất, thực hành “zero waste” (không rác), tận dụng rác thải thành nguyên liệu mới hoặc hoạt động dài hạn như chuyển đổi từ mô hình bán sang cho thuê, sửa chữa, đầu tư công nghệ… Tất cả các giải pháp này cần được đánh giá một cách cụ thể tác động về mặt tài chính, xã hội và môi trường.

Đảm bảo những quy trình này sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực cho bước chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đạt hiệu quả cao. Có một số trường hợp có những doanh nghiệp đưa ra giải pháp về kinh tế tuần hoàn nhưng mang tính bộc phát, có nhiều đóng góp ở một phương diện nhưng chưa thể tận dụng tối đa điểm mạnh để việc chuyển đổi gắn kết chặt chẽ hơn và tác động lan tỏa hơn đến chuỗi cung ứng đang có sẵn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có sự đồng nhất và thống nhất khi đưa ra quyết định chuyển đổi từ các phòng ban khác nhau. Sau khi có chiến lược thì cần nguồn tài chính liên tục để thực hiện chuyển đổi. Đây cũng là một điểm nghẽn, bởi theo quan sát của tôi, mỗi khi khủng hoảng xảy ra, ngân sách cho phát triển bền vững, cho nghiên cứu phát triển (R&D) sẽ bị các doanh nghiệp cắt đầu tiên, khiến cho quá trình chuyển đổi bị ngắt quãng, thậm chí là bị dừng hẳn.

Tất nhiên không thể đòi hỏi một doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực phải giữ nguyên ngân sách cho chuyển đổi nhưng duy trì một khoản ngân sách tối thiểu cho kinh tế tuần hoàn là điều cần thiết để doanh nghiệp bền vững hơn, có sức chống chịu tốt hơn với những bất ổn, khủng hoảng sau này.

Điều quan trọng nhất, doanh nghiệp và những nhà quản trị doanh nghiệp cần phải hiểu “vì sao mình cần chuyển đổi”. Thế nào là một doanh nghiệp bền vững? Theo tôi, đó là một doanh nghiệp thành công xây dựng được văn hóa bền vững, ở đó những vấn đề phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn đều được cân nhắc trong quá trình đưa ra mọi quyết định ở mọi khía cạnh vận hành của doanh nghiệp.

Khoảng trống của kinh tế tuần hoàn từ góc nhìn một nhà tư vấn 3

Xin chân thành cảm ơn chị!

Thực hiện: Phạm Sơn

Thiết kế: Diệu Thảo