Analytic

Mắc kẹt với hoạt động gia công, Việt Nam có thành ''hổ châu Á''?


Việc Apple sản xuất những thiết bị phức tạp hơn tại Việt Nam là một dấu ấn lớn đối với nền công nghiệp trong nước, nhưng liệu sự kiện này đã phản ánh hết được vị trí của ngành công nghiệp Việt Nam trên chuỗi giá trị toàn cầu?

Giá trị gia tăng không cao

Trong hơn một thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã thu hút được những thương hiệu công nghệ hàng đầu như Apple, Intel, Samsung và Xiaomi đến thiết lập chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, làm sao để doanh nghiệp Việt chen chân vào chuỗi cung ứng vẫn là một câu hỏi làm đau đầu các nhà quản lý.

Có thể thấy, Việt Nam là nền kinh tế có quy mô và trình độ phát triển lọt vào top 6 những nhà cung cấp của Apple. Từ năm 2018 đến 2020, số nhà máy cung cấp nguyên liệu cho Apple tại Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, từ 14 nhà máy lên 21 nhà máy. Tuy nhiên, không một nhà cung cấp nào trong số đó là nhà cung cấp nội địa, mà toàn là nhà cung cấp Đài Loan, Hàn Quốc... tại Việt Nam.

Mắc kẹt với hoạt động gia công, Việt Nam có nối gót những “nền kinh tế hổ”?
Việt Nam nằm trong top 6 quốc gia có số lượng nhà cung cấp lớn nhất của Apple (Ảnh: Apple)

Samsung Electronics cũng là một ví dụ điển hình. Sau 14 năm hoạt động tại Việt Nam, Việt Nam đã trở thành đất nước sản xuất điện thoại Samsung nhiều nhất trên thế giới, chiếm tới 60% tổng lượng điện thoại bán ra của tập đoàn này trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong số 25 nhà cung cấp hàng đầu của Samsung không có nhà cung cấp nào của Việt Nam!

Không một quốc gia nào ở châu Á có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu công nghệ nhanh như Việt Nam: tỷ trọng xuất khẩu của hàng công nghệ cao của Việt Nam đã tăng từ mức 13% vào năm 2010, lên đến mức 42% vào năm 2020. Tuy vậy, giá trị gia tăng mà Việt Nam thu được từ những mặt hàng xuất khẩu này đang còn rất thấp bởi nhiều vấn đề.

Mắc kẹt với hoạt động gia công, Việt Nam có nối gót những “nền kinh tế hổ”? 1
Tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong 10 năm qua (Ảnh: World Bank)

Theo Sách trắng do Bộ Công Thương công bố vào năm 2019, Việt Nam tụt hậu so với hầu hết các nước láng giềng châu Á về những tiêu chuẩn như hàm lượng giá trị gia tăng trong thương mại và giá trị gia tăng trong sản xuất, mức độ đóng góp của nền kinh tế trong nước vào thương mại. Đây là một điều rất đáng tiếc so với quy mô hiện tại của nền kinh tế Việt Nam.

Nhiều chông gai trên con đường thăng hạng

Việt Nam đang từng bước nối gót những "nền kinh tế hổ" của châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hồng Kông trong những thập niên 60-90 của thế kỷ trước.

Những nước này cũng xuất phát từ những ngành thâm dụng lao động (như khai khoáng, dệt may..) để chuyển sang những ngành thâm dụng vốn (tự động hóa, hoá chất, điện tử…) và cuối cùng là tập trung vào những ngành công nghệ thông tin (chất bán dẫn, tài chính…).

Việt Nam đang nắm trong tay nhiều lợi thế tương tự những quốc gia này: lực lượng lao động kỷ luật, chi phí thấp và chính sách nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu đi hai yếu tố quan trọng để theo đuổi lộ trình này, đó là kỹ năng và cơ sở hạ tầng.

Luôn tạo một nền kinh tế, chính trị ổn định, tích cực tham gia những hiệp định thương mại thế giới, tạo hành lang hàng hải để chào đón các nhà đầu tư, nhưng Việt Nam vẫn đang thiếu một tầng lớp những nhà quản lý như của Đài Loan, những “anh cả” dẫn dắt làng sản xuất nội địa như Hyundai Motor hay Acer của Hàn Quốc và đội ngũ lao động có tay nghề cao để đáp ứng nhu cầu của những doanh nghiệp này.

Hoạt động đào tạo, đem lại kĩ năng cho người lao động sẽ là giải pháp đường dài cho vấn đề. Tuy vậy, điều này cũng sẽ làm tăng cao mức lương của người lao động, góp phần khiến những công ty FDI dịch chuyển sang những quốc gia có nguồn lao động rẻ hơn.

Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi quy mô từ năm 2010 đến năm 2020, hầu hết dựa trên nguồn lao động giá rẻ. Đó là kết quả của một nền công nghiệp hóa ở mức độ thấp. Và nếu mãi ở trong tình trạng này, Việt Nam sẽ không thể tận dụng được lợi thế bùng nổ của tăng trưởng kinh tế.

Mắc kẹt với hoạt động gia công, Việt Nam có nối gót những “nền kinh tế hổ”? 2
GDP của Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010 - 2021 (Ảnh: World Bank)

Nói cách khác, nếu lương tăng, những doanh nghiệp FDI có khả năng sẽ rời khỏi Việt Nam mến khách để sang những nước láng giềng có nguồn lao động rẻ hơn như Lào, Campuchia. 

Thêm vào đó, ngành công nghiệp chuỗi cung ứng cũng chịu ảnh hưởng nhiều bởi tình hình chính trị, khiến cho hoạt động đầu tư cũng dễ trở nên mất ổn định: Các công ty Nhật Bản có thể sẽ bị thu hút bởi chính sách kêu gọi về lại quê hương chính phủ; hoặc một số công ty sẽ muốn "tiến gần" hơn đến những thị trường lớn bằng cách chuyển nhà máy sang khu vực Mỹ Latin hoặc châu Phi.

Mặc dù lực lượng lao động giá rẻ mang lại nhiều lợi thế, nhiều doanh nghiệp FDI lại khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên sáng tạo và định hướng ở Việt Nam. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, số lượng các nhà quản lý, chuyên gia và kỹ thuật viên của Việt Nam chỉ chiếm 10,7% toàn lực lượng lao động, thấp nhất trong sáu nền kinh tế lớn của Đông Nam Á.

Vấn đề lớn thứ hai mà những doanh nghiệp FDI luôn phải đối mặt đó là chi phí logistic ở Việt Nam luôn chiếm tỷ trọng rất cao. Theo báo cáo năm 2021 của công ty nghiên cứu kinh doanh Việt Nam Industry Research and Consultancy, chi phí vận tải chiếm đến 20% GDP nền kinh tế, cao gần gấp đôi so với mức trung bình của châu Á (12,9%) và toàn cầu (10,8%).

Trong đó, mặc dù tỉ lệ đường cao tốc của Việt Nam chỉ có độ phủ chưa đến 5%, chi phí vận tải của Việt Nam hầu hết vẫn là chi phí đường bộ. Tình trạng hư hỏng và tắc nghẽn giao thông vẫn diễn ra khắp nơi. Nhiều dự án lớn của Việt Nam như dự án đường cao tốc Bắc - Nam; dự án sân bay thứ hai và dự án cảng lớn nhất của Việt Nam quy hoạch cho Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.

So với khu vực, hoạt động xây dựng của Việt Nam cũng tương đối chậm trễ. Theo báo cáo kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2020, nhà đầu tư cần đến 166 ngày để xin giấy phép ở Việt Nam, trong khi đó thời gian giải quyết giấy tờ trung bình của châu Á là 132,3 ngày. Cùng với đó, gần đây, cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine và chính sách zero Covid của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng lớn đến nguồn cung của gỗ và thép của nước ta.

Kết hợp lại với nhau, tất cả những lí do này đã khiến cho tình trạng xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam càng trở nên đình trệ. Theo dự báo của Trung tâm hạ tầng toàn cầu, từ nay đến năm 2040, Việt Nam sẽ chi 503 tỷ đô la để hoàn thiện và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia, tuy nhiên chúng ta cần phải thực chi đến 605 tỷ đô la.

Liệu Việt Nam có nối gót những "nền kinh tế hổ"?

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất cố gắng chen chân vào chuỗi giá trị toàn cầu trong thế kỷ 21: Thái Lan, Indonesia và Malaysia cũng chưa thể trở thành những Hàn Quốc, Đài Loan thứ hai. Vậy, đâu là sự khác biệt?

Từ những năm 1960, Seoul và Đài Bắc đã có cách tiếp cận nền kinh tế toàn cầu một cách rất chiến lược. Họ xây dựng những chính sách công nghiệp cụ thể, đưa ra các rào cản thương mại, đào tạo lực lượng lao động và đưa những doanh nghiệp thành công nhất của họ trở thành những nhà xuất khẩu khổng lồ. Tuy nhiên, họ đã thực hiện điều đó ở một thời đại khác.

Ngày nay, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã có một số thành tựu tương tự với Hàn Quốc và Đài Loan trước đây. Nhưng không giống với Việt Nam, Hàn Quốc và Đài Loan không phải chịu sự cạnh tranh lớn từ công xưởng của thế kỷ 21 - Trung Quốc.

Mắc kẹt với hoạt động gia công, Việt Nam có nối gót những “nền kinh tế hổ”? 1
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau tại Hà Nội vào tháng 9 năm 2021. Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong cuộc chiến thăng hạng trong chuỗi giá trị toàn cầu (Ảnh: AP)

Chia sẻ với phóng viên của tờ Nikkei Asia, giáo sư Willy Shih, Trường Kinh doanh Harvard, cho rằng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc cả về quy mô lẫn chi phí vận chuyển thấp vào cuối những năm 1990, đầu những năm 2000 đã làm nên sự khác biệt.

Từ đây, đường đua của những quốc gia đang muốn thăng hạng trên chuỗi giá trị toàn cầu trở nên chông gai hơn rất nhiều, vì họ phải cạnh tranh với làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.

Theo chuyên gia kinh tế Phùng Tùng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, sân chơi toàn cầu hóa diễn ra trong những thập kỷ gần đây đã khiến cho các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng khó có thể sử dụng những chính sách bảo hộ tương tự để thúc đẩy hoạt động kinh doanh cho những “ông lớn” của mình trong nền công nghiệp nội địa.

Trước khi Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cắt giảm thuế quan, Đài Loan và Hàn Quốc đã trở thành những nền kinh tế tiên tiến trên thế giới. Trong khi đó, theo Tiến sĩ Xuân Nguyễn, chuyên gia kinh tế tại Đại học Deakin của Úc, từ năm 1980 đến nay, thuế nhập khẩu trên thế giới đã sụt giảm mạnh, từ mức 20% xuống còn 5% trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Chưa kể, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn. Cho đến nay, Việt Nam đã ký 15 hiệp định tự do thương mại (FTA), với nhiều chính sách, quy chế tạo điều kiện cho tự do thương mại khu vực và toàn cầu.

Ông Tùng cho biết, "Tình hình hiện tại thực sự khó khăn. Trước đây, mỗi quốc gia đều có thể sử dụng những chính sách như hàng rào thuế hoặc phi thuế quan để bảo vệ doanh nghiệp nội địa. Nhưng giờ đây, họ không thể làm được điều đó". Với số lượng những công ty đa quốc gia đông đảo hơn bao giờ hết, từ Tesla đến Toshiba, "một công ty mới sẽ rất khó tham gia vào thị trường."

Thêm vào đó, những tập đoàn đa quốc gia đang tận dụng cực hiệu quả lợi thế khi xuất thân từ những nước công nghiệp hóa từ nhiều thập kỷ trước: trang bị những máy móc thiết bị tân tiến bậc nhất và thực hiện sản xuất xuyên biên giới trên quy mô lớn. Như vậy, bức tranh toàn cầu hóa đã làm cho tình hình nền kinh tế thay đổi hoàn toàn kể từ năm 1980 đến nay.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, Việt Nam đang dần tiến bộ. Tại công ty Toyota Motor (một trong những nhà đầu tư nước ngoài có lợi nhuận cao nhất tại Việt Nam), hoạt động nội địa hóa đang bắt đầu nhen nhóm. Báo cáo phát triển bền vững năm 2021 của Toyota cho biết 6 trong số 46 nhà cung cấp của hãng tại thị trường này là các doanh nghiệp Việt Nam. Và vào tháng 7 này, Cao su Giải Phóng đã trở thành nhà cung cấp thứ 7 của hãng sau hai năm nỗ lực.

Mới đây, Samsung đang lên kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu và bắt đầu sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam. Cùng với đó, quyết định của Apple trong việc sản xuất những sản phẩm phức tạp hơn như Apple WatchMacbook tại Việt Nam là một trong những dấu hiệu đáng vui mừng của quá trình này.

Mắc kẹt với hoạt động gia công, Việt Nam có nối gót những “nền kinh tế hổ”? 4
Hoạt động triển khai lắp ráp Apple Watch và Macbook của Apple là một dấu ấn cho nền công nghiệp Việt Nam (Ảnh: Getty Image)

Còn theo bà Trinh Nguyễn, chuyên gia của Ngân hàng đầu tư Natixis, mặc dù so với Việt Nam, Malaysia có vị thế lớn hơn đối với mặt hàng điện tử và Thái Lan có lợi thế hơn đối với mặt hàng ô tô, những quốc gia này lại "gặp khó khăn do tình hình chính trị trong nước đầy biến động".

Trong tình hình đó, Việt Nam có cơ hội để vượt qua những nước láng giềng và vươn lên trong khu vực. Mặc dù dòng vốn đầu tư dồi dào là một lợi thế lớn trong ngắn hạn, nhưng sẽ trở thành gánh nặng trên đường dài. Thêm vào đó, tình trạng già hóa dân số, ô nhiễm môi trường và liên kết nội địa còn yếu cũng là những vấn đề cần chú ý của Việt Nam trong quá trình này.

Ngoài việc giải quyết những khó khăn đã nêu, các chuyên gia nhận định, Việt Nam cần có những chính sách và chiến lược cấp tiến và triệt để hơn, để vươn cao và xa hơn nữa trên chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Nikkei Asia

Hoàng Hường biên dịch