Tạm biệt 2017 - Năm của những lời xin lỗi

Thiện Nhân - 13:24, 31/12/2017

TheLEADERThế giới sắp bước qua năm 2017 với hàng loạt sự kiện đáng chú ý trên tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, chưa có năm nào, thế giới lại chứng kiến nhiều lời xin lỗi như năm 2017. Lời xin lỗi đến từ các chính trị gia, các công ty và tập đoàn khổng lồ, và từ các cá nhân ở mọi ngành nghề. 

TheLEADER xin điểm lại một số ‘lời xin lỗi đáng chú ý’ của một năm 2017 đầy thăng trầm. Và hy vọng cho một năm 2018 với ít hơn những lời xin lỗi. 

Lời xin lỗi từ các chính phủ

1. Bức ảnh 'kích hoạt' trận chiến không hồi kết giữa Donald Trump và giới truyền thông

Tháng 1/2017, đại diện công viên quốc gia National Park đã đưa ra lời xin lỗi sau khi đăng tải bức ảnh của hãng tin Reuters so sánh giữa số lượng người đến tham dự buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump và buổi lễ tương tự vào năm 2009 của cựu tổng thống Barack Obama.

Tạm biệt 2017 - Năm của những lời xin lỗi

"Chúng tôi lấy làm tiếc về hai dòng tweet đăng trên tài khoản của mình hôm qua", CBS News dẫn lại Twitter của NPS (National Park Service) cho biết. Theo Tom Crosson, người phát ngôn của NPS, hai dòng tweet đăng lại trên tài khoản chính hôm 20/1 trái với cách tiếp cận của cơ quan này trong việc kết nối với công chúng.

2. Nước mắt Thủ tướng

Thủ tướng Trudeau đã bật khóc và xin lỗi cộng đồng người đồng tính vì sự bất công và phân biệt đối xử mà cộng đồng này đã phải chịu đựng tại Canada trong quá khứ.

Tạm biệt 2017 - Năm của những lời xin lỗi 1
"Thay mặt cho chính phủ, quốc hội và nhân dân Canada: Chúng tôi đã sai lầm. Chúng tôi xin lỗi", Thủ tướng Trudeau bật khóc khi phát biểu trước quốc hội Canada hôm 28/11. Ảnh: Reuters

Trong quá khứ, quan hệ đồng tính bị coi là tội phạm hình sự tại Canada. Nhiều người bị kết án tù vì có quan hệ này. Canada phi hình sự hóa đồng tính năm 1969, tuy nhiên, phân biệt đối xử vẫn tồn tại trong một thời gian dài.

3. Khủng hoảng chính trị ở Tây Ban Nha

Ngày 6/10, giới chức Tây Ban Nha xin lỗi vì việc trấn áp mạnh tay trong cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của Catalonia.

Tạm biệt 2017 - Năm của những lời xin lỗi 2
Ảnh: Reuters

Đây là động thái nhằm tháo gỡ căng thẳng chính trị nghiêm trọng nhất trong 4 thập niên qua của quốc gia châu Âu này.

Lời xin lỗi từ các công ty

1. Pepsi nhận chỉ trích vì chiến dịch quảng cáo phân biệt chủng tộc

Tháng 4, hãng đồ uống nổi tiếng Pepsi phải đưa ra lời xin lỗi tới công chúng và đặc biệt là cộng đồng người da màu sau khi bị chỉ trích vì đoạn quảng cáo mà hãng này lấy cảm hứng từ cuộc biểu tình của người tham gia phong trào “Black Lives Matter" (Người da màu đáng được sống) với mục đích chống lại sự bất bình đẳng và hành vi bạo lực của cảnh sát đối với người Mỹ gốc Phi là rất phi thực tế, cho thấy sự ngây thơ của ê kíp trước hiện thực trần trụi.

Tạm biệt 2017 - Năm của những lời xin lỗi 3

Trong đó, bức ảnh nữ diễn viên chính Kendall Jenner đưa lon Pepsi cho cảnh sát chống biểu tình (trái) được so sánh với "bức ảnh biểu tượng" (phải) của phong trào Black Lives Matter do Reuters chụp được hồi tháng 7 năm ngoái. 

Người phụ nữ da màu đứng biểu tình ôn hòa trong khi hai sĩ quan cảnh sát trong trang phục chống bạo động đang sẵn sàng chuẩn bị bắt cô tại thành phố Baton Rouge, Louisianaa, Mỹ, khác hẳn với hình ảnh cô siêu mẫu nổi tiếng tươi cười với viên cảnh sát.

2. United Airlines và lời xin lỗi về dịch vụ tệ hại

Hãng hàng không lớn thứ hai thế giới, United Airlines đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi  hành xử thô bạo đối với hành khách. Hãng này sau đó đã lâm vào một cuộc khủng hoảng truyền thông nghiêm trọng, gây tổn thất lớn cho toàn tập đoàn.

Tạm biệt 2017 - Năm của những lời xin lỗi 4
Bác sĩ gốc Việt bị nhân viên United Airlines lôi khỏi máy bay một cách thô bạo

3. Uber và chuỗi bê bối không hồi kết

Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 2, khi cựu kỹ sư của Uber – cô Susan Fowler cáo buộc cô bị cấp trên quấy rối và phân biệt đối xử tại Công ty. Sau đó, Alphabet - công ty mẹ của Google - kiện Uber ăn cắp bí mật thương mại về xe tự lái.

Cùng với đó, những hành xử thô lỗ và cách giải quyết bê bối không hợp lý của cựu CEO Uber cũng vấp phải sự phản ứng dữ dội của công chúng, khiến Uber phải lên tiếng xin lỗi.

Tạm biệt 2017 - Năm của những lời xin lỗi 5
Ảnh: Forbes

Từ đó, hàng loạt lãnh đạo cấp cao của họ đã nghỉ việc hoặc bị sa thải chỉ trong vài tháng. Uber cũng phải điều tra về văn hóa công ty và đánh giá lại vai trò của Kalanick trong Uber và thành lập một hội đồng giám sát độc lập.

Cách quản lý và xây dựng văn hóa doanh nghiệp tệ hại của ông Kalanick đã phủ bóng đen lên hoạt động kinh doanh của Uber.

Lời xin lỗi từ các cá nhân

1. Cựu lãnh đạo Uber nóng tính 

Tạm biệt 2017 - Năm của những lời xin lỗi 6
Ảnh: The Guardian

"Chắc giờ mọi người đã xem đoạn video tôi nói chuyện với một tài xế Uber một cách thiếu tôn trọng rồi. Tôi thực sự xấu hổ về sự nóng nảy này. Công việc của tôi là dẫn dắt các bạn và khiến tất cả chúng ta cảm thấy tự hào về mình. Việc xảy ra vừa qua không thể hiện được điều đó...

"Tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành tới Fawzi, cũng như tất cả các tài xế, cộng đồng và nhóm làm việc của Uber".

Đó là email xin lỗi của cựu CEO Uber Travis Kalanick sau khi camera hành trình ghi lại cuộc cãi vã này lửa của ông với một tài xế Uber về cước phí của chính dịch vụ Uber Black của hãng này.

2. Mark Zuckerberg xin lỗi vì Facebook gây chia rẽ 

Theo tờ Telegraph, CEO Facebook Mark Zuckerberge đã công khai xin lỗi trên Facebook về những ảnh hưởng mà mạng xã hội này gây ra trong thời gian qua.

"Cho những ai đã bị tôi làm tổn thương trong năm qua, tôi mong được tha thứ và sẽ cố gắng làm tốt hơn. Cho cách mà Facebook đang dần chia rẽ mọi người thay vì đem chúng ta lại gần nhau, tôi mong được tha lỗi và sẽ làm tốt hơn nữa. Chúng ta sẽ cùng nhau tốt hơn trong năm tới", CEO Facebook chia sẻ. 

Tạm biệt 2017 - Năm của những lời xin lỗi 7
Ảnh: Getty Images

Thời gian qua Facebook vướng phải nhiều tranh cãi liên quan tới vấn đề chính trị ở Mỹ, đặc biệt là kết quả bầu cử năm 2016. Bên cạnh đó, Facebook còn bị chỉ trích nặng nề về việc không kiểm soát các quảng cáo trực tuyến. Các tài khoản mạng từ Nga đã mua hàng nghìn quảng cáo để lan truyền các thông điệp nhằm chia rẽ chính trị trong cuộc bầu cử Mỹ.

3. Sự trỗi dậy của những giá trị bị lu mờ

Trong năm qua, thế giới đã chứng kiến hàng nghìn lời cáo buộc cũng như xin lỗi từ những nạn nhân và những kẻ 'coi thường' những giá trị về chủng tộc và bình đẳng giới.

Phong trào 'phá vỡ sự im lặng'- với từ khóa biểu tượng #metoo - 'tôi cũng vậy' - nhằm lên tiếng và vạch trần nạn hành hung và quấy rối tình dục - đã được hưởng ứng trên toàn thế giới sau khi một loạt nữ diễn viên như Ashley Judd, Angelina Jolie, Gwyneth Paltrow, Rose McGowan cáo buộc nhà sản xuất nổi tiếng kinh đô Hollywood Harvey Weinstein đã có hành vi quấy rối họ. 

Tạm biệt 2017 - Năm của những lời xin lỗi 8
Trang bìa tạp chí TIME số cuối cùng của năm vinh danh "Những người phá vỡ sự im lặng". Ảnh: TIME

Dù vẫn có một bộ phận phủ nhận và không dám đối diện với sự chỉ trích của dư luận, đặc biệt là những nhân vật có địa vị cao, nhưng những lời xin lỗi từ phía những kẻ bị cáo buộc đã giúp thức tỉnh những kẻ có hành vi tương tự khác và giúp nỗi đau của những người bị hại phần nào được nguôi ngoai.

Năm 2018 và cả những năm sau đó, thế giới rất cần những tiếng nói dũng cảm và sự đồng lòng của cộng đồng để vạch trần những bóng đen làm lu mờ những giá trị nhân văn tốt đẹp của nhân loại, và nâng cao nhận thức của mỗi người trong chúng ta về việc phải bảo vệ những giá trị đó. Để thay vì lời xin lỗi, thế giới về sau sẽ được nghe nhiều hơn những lời cảm ơn.