Analytic

Biến động thị trường nhân lực thời khủng hoảng

“Quản trị nhân sự thời khủng hoảng” là chủ đề của chương trình Bàn tròn Lãnh đạo kinh doanh (LEADER TALK) do Tạp chí TheLEADER tổ chức ngày 9/4 vừa qua. Đây là cuộc trò chuyện và tranh luận thú vị giữa một lãnh đạo doanh nghiệp chuyên về thị trường việc làm và một chuyên gia tư vấn, giảng dạy về nguồn nhân lực.

Diễn giả thứ nhất là ông Trần Trung Hiếu, đồng sáng lập kiêm CEO Công ty CP TopCV Việt Nam (đơn vị sở hữu và vận hành trang việc làm và nguồn nhân lực uy tín http://topcv.vn ). Với những đổi mới sáng tạo và đóng góp của mình, ông đã được Forbes Under 30 vinh danh vào năm 2022.

Diễn giả thứ hai là ông Vũ Việt Dũng, Chủ tịch KeyPerson, cố vấn cao cấp và giảng viên quản trị nguồn nhân lực Trường đại học Đại Nam, tác giả tập sách “Nhân sự là chuyện nhỏ!?”. Đồng thời, ông Dũng cũng là một trong những thành viên của Hội đồng thẩm định và tư vấn của chương trình “Whose chance?” (“Cơ hội cho ai?”) mùa 4 trên VTV3 năm 2022.

Bạn đọc đón xem toàn bộ nội dung chương trình LEADER TALK này trên chuyên mục TheLEADER TV (Video).

Những đứt gãy trên thị trường nhân sự

Đánh giá tổng quan, ông Vũ Việt Dũng và ông Trần Trung Hiếu cho rằng trong thời gian qua, nền kinh tế thế giới và trong nước đều đã trải qua những biến động mạnh và diễn tiến của nó vẫn còn là một ẩn số trong tương lai.

Cụ thể, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn chưa đi đến hồi kết; chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn căng thẳng; lạm phát cao diễn ra ở nhiều nơi khiến cho ngân hàng nhiều quốc gia liên tục tăng lãi suất…

Biến động thị trường nhân lực thời khủng hoảng

Trong khi đó, tại Việt Nam quý I/2023, tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế trong nước chỉ đạt 3%. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh, thị trường năng động và có quy mô kinh tế lớn nhất Việt Nam chỉ tăng trưởng 0,7%. Đây là tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp chưa từng có kể từ sau đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, sức mua của các thị trường nước ngoài đối với những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm đi đáng kể, trong đó có thể kể đến những mặt hàng như đồ điện tử, dệt may, gỗ…

Trước đây châu Âu là một thị trường chi tiêu rất nhiều tiền cho những sản phẩm bằng gỗ, với thời gian thay thế ngắn, khiến đây trở thành một thị trường hấp dẫn đối với ngành gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, người dân châu Âu đã cắt giảm lớn chi tiêu ngành gỗ, tác động trực tiếp đến thị trường gỗ Việt.

Trong ngành may mặc, do tình trạng thiếu hụt đơn hàng từ các quốc gia như Mỹ, Nhật, châu Âu, nhiều doanh nghiệp ở các thành phố công nghiệp như Bình Dương, và các tỉnh phía Nam đã cắt giảm lượng lớn nhân sự. Trong đó có những doanh nghiệp có đến 60.000 – 70.000 lao động.

Trong ngành điện tử, Apple lần đầu tiên giảm giá bán hàng hóa của mình. Tại Việt Nam, thay vì cạnh tranh bằng vị trí hoặc dịch vụ chăm sóc khách hàng như trước đây, các hãng bán lẻ điện tử đã cạnh tranh bằng giá. Điều này chứng minh rằng sức mua của người dân đã giảm rất nhiều.

Báo cáo của Tổng cục thống kê cho thấy, trong quý I vừa qua có 58.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại kinh doanh, nhưng lại có đến hơn 60.000 doanh nghiệp, điều đó có nghĩa là có đến gần 3.000 doanh nghiệp phải dừng hoạt động trong quý vừa qua.

Với số lượng doanh nghiệp giảm đi như vậy, rất nhiều nhân sự sẽ mất việc làm, ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động. Trong đó, những doanh nghiệp được xem là mang lại giá trị bền vững cho nền kinh tế như các doanh nghiệp sản xuất cũng đang bị ảnh hưởng rất lớn. Khi tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giảm, doanh nghiệp sẽ phải thắt lưng buộc bụng hoặc cắt giảm lao động.

Tăng về chất, giảm về lượng

Mặc dù thị trường tuyển dụng đang gặp nhiều khó khăn, ông Trần Trung Hiếu cho biết đánh giá sơ bộ từ báo cáo tuyển dụng của TopCV cho thấy năm nay nhu cầu tuyển dụng trên thị trường lao động Việt Nam vẫn cao.

Chuyển động nhân sự đáng chú ý thời khủng hoảng 1

Trong đó, ngay cả những doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh danh chưa tốt vẫn đang cố gắng tuyển dụng nhân sự chất lượng để cải thiện tình hình.

“Trong khủng hoảng, thay vì bất động, các doanh nghiệp quay về xây dựng nguồn nhân sự chất lượng để giữ vững doanh thu, đồng thời chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.” ông Hiếu nhận định.

Theo ông Hiếu, đây là một điều đáng mừng cho nền kinh tế, bởi nếu các doanh nghiệp không tuyển dụng, cả nền kinh tế sẽ đứng im. Điều này đồng nghĩa với việc ứng viên không có cơ hội tìm việc làm và nhân sự giữa các công ty không có sự luân chuyển. Giống như việc tiền tệ không được lưu thông, nguồn nhân lực bị nghẽn sẽ làm cho tình hình xấu đi, khiến khủng hoảng lan ra mạnh mẽ hơn.

Về phía người lao động, theo số liệu của TopCV trong ba tháng gần đây, số lượng nhân sự đi tìm việc, nộp hồ sơ rất cao, tăng gấp đôi so với thời kỳ cao điểm của năm ngoái.

Trong đó, tỷ lệ rải hồ sơ của nhân sự tăng lên nhiều so với trước đây. Ví dụ, thay vì nộp CV cho 5 công ty, giờ đây ứng viên phải nộp đến 10-15 công ty để tìm kiếm cơ hội việc làm. Thị trường lao động đã bắt đầu trở nên khốc liệt hơn. Chưa kể trong khi điều kiện khủng hoảng, doanh nghiệp cần những người có chuyên môn hóa sâu, có khả năng đa nhiệm nhiều hơn, để hỗ trợ doanh nghiệp làm được nhiều hơn, từ đó doanh nghiệp mới có thể tối ưu trong cái thời điểm của đại dịch, của suy thoái của nền kinh tế, chính trị.

Theo đánh giá của ông Hiếu, đây là thách thức lớn cho lực lượng sinh viên vừa ra trường, chưa có nhiều chuyên môn và trải nghiệm. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển nhanh như hiện tại, người lao động nên điều chỉnh sao cho thích ứng nhanh với cái mới, học hỏi nhiều hơn, không nên kén chọn mà nên tích lũy để có nền tảng tốt hơn thay vì chỉ tập trung vào những công việc ngắn hạn.

“Thị trường chắc chắn rằng lúc nào cũng cần những người phù hợp và có năng lực chuyên môn”, ông Hiếu khẳng định.

Nhóm ngành công nghệ thông tin lên ngôi

Trong đó, những ngành liên quan đến công nghệ thông tin là những ngành có nhu cầu tuyển dụng mạnh mẽ nhất, đặc biệt là những nhân sự cấp cao. Cụ thể, các doanh nghiệp đang tuyển dụng nhiều vị trí trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, phần mềm và hàng loạt các vị trí hỗ trợ, phát triển các sản phẩm trong công ty công nghệ. Đây không phải là nhu cầu của riêng Việt Nam mà của toàn thế giới.

Mặc dù đào tạo một lượng lớn sinh viên ngành công nghệ thông tin, nhưng tại Việt Nam, số lượng kỹ sư IT có năng lực đáp ứng được nhu cầu thị trường vẫn chưa cao. Trong thời gian qua, vì nhu cầu lớn, nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt đã trả mức lương rất cao để cạnh tranh, thay vì dựa vào năng lực thật sự của người lao động để đánh giá, dẫn đến lạm phát tiền lương của ngành IT.

Theo anh Trung Hiếu, mức lương ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam nên được điều chỉnh lại để phù hợp hơn với năng lực của người lao động, tránh trường hợp về sau, Việt Nam muốn phát triển về công nghệ nhưng lại không thể phát triển được bởi vì chi phí quá lớn, và cơ hội nhân sự lại rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Hiếu, trong lĩnh vực công nghệ, với sự thay đổi nhanh chóng mỗi ngày, người lao động cần phải hiểu rõ, sâu sắc về triết lý, tư duy thì mới có thể cập nhật và học hỏi những kiến thức mới một cách nhanh chóng hiệu quả, nếu không sẽ rất dễ tụt lại phía sau.

Đó là về phía người lao động, phía doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng người lao động phù hợp bởi thị trường vẫn chưa đáp ứng đủ nhân lực chất lượng cao, và những người lao động thực sự giỏi cũng có cho mình rất nhiều sự lựa chọn.

Chuyển động nhân sự đáng chú ý thời khủng hoảng 2

Ngoài lĩnh vực công nghệ thông tin, những nhóm ngành liên quan đến kinh doanh như bán hàng, marketing, nhân sự… và những ngành chuyên môn hóa cao vẫn tiếp tục là những ngành nghề mà các doanh nghiệp luôn luôn có nhu cầu tuyển dụng.

Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của ngành bất động sản chứng kiến sự sụt giảm mạnh bởi những biến động về trái phiếu của thị trường trong nước năm vừa rồi. Theo ông Trần Trung Hiếu, mặc dù gặp khó khăn, thị trường bất động sản sẽ hồi phục bởi về bản chất đây vẫn là một mũi nhọn của ngành kinh tế.

Ông Hiếu nhận định, sự phát triển vượt bậc của công nghệ đã khiến cho một số công việc đang đứng trược nguy cơ biến mất (những nghề có sự lặp đi lặp lại, không đòi hỏi khả năng sáng tạo); nhưng đồng thời nó cũng tạo ra cho người lao động những cơ hội nghề nghiệp mới (về công nghệ môi trường, y tế, vũ trụ…) trong tương lai.

“Đây là lúc ưu tiên đào tạo nhân lực và xây dựng văn hóa doanh nghiệp”

Trong chương trình, chủ đề văn hóa doanh nghiệp và đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp thời khủng hoảng cũng đã được hai diễn giả trao đổi và mổ xẻ từ thực tiễn.

Theo ông Vũ Việt Dũng, có một thực tế đáng buồn đó là: chi phí đào tạo là chi phí đầu tiên nhiều doanh nghiệp cắt giảm trong thời kỳ khủng hoảng.

Trên thực tế, trong khủng hoảng, khi không thể tăng trưởng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng, hiệu quả của đội ngũ bên trong. Và để làm được điều này, doanh nghiệp rất cần đẩy mạnh công tác đào tạo.

Xu hướng tuyển dụng nhân lực chất lượng cao trên nền tảng TopCV được ông Trần Trung Hiếu nêu trên là một bằng chứng chân thực thể hiện điều đó.

Vì vậy, ông Dũng cho rằng đây chính là lúc các doanh nghiệp càng phải chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp để tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của chính mình. Đào tạo nhân lực đúng hướng chính là hướng đến nâng tầm văn hóa doanh nghiệp.

Tuy vậy, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang bỏ tiền vào hoạt động đào tạo một cách ngắn hạn, rời rạc, chưa đi vào thực tiễn và chưa hiệu quả.

Để cải thiện tình trạng này, ông Dũng cho rằng doanh nghiệp và doanh nghiệp cần kết hợp, xây dựng mô hình đào tạo lý thuyết đi kèm với thực tiễn. Cơ sở đào tạo bên ngoài cũng cần đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình nâng cao năng lực của nhân viên.

Đây là quá trình thực chiến và lâu bền hơn, giúp doanh nghiệp thực sự thu về giá trị hữu ích cho nhân viên và cho công ty, thay vì chỉ sử dụng hoạt động đào tạo như một chiến lược truyền thông.

Đồng ý với ý kiến của ông Dũng, ông Hiếu cho rằng hoạt động đào tạo không phải chỉ đi vào lý thuyết suông. Thay vào đó, doanh nghiệp cần phải chú trọng xây dựng tiêu chuẩn và công cụ đánh giá sự chuyển hóa năng lực của nhân viên một cách cụ thể sau quá trình đào tạo.

Văn hóa doanh nghiệp: Ông chủ là người quyết định!

Đề cập đến vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp, ông Vũ Việt Dũng cho rằng văn hóa doanh nghiệp phải xuất phát từ chủ doanh nghiệp chứ không thể từ nhân viên nhân sự hay từ đội ngũ thuê ngoài.

Văn hóa doanh nghiệp thường hình thành từ những điều nhỏ nhất. Lấy ví dụ về việc một giám đốc doanh nghiệp đã ra lệnh cấm nhân viên sử dụng dép lê trong nhà để đi trong văn phòng, nhưng một thời gian sau lại bất ngờ nhận ra sự việc vẫn tiếp diễn và thậm chí hình thành một nét văn hóa trong công ty, ông Dũng cho biết điều này đến từ việc ra lệnh nhưng không kiểm tra, giám sát của chủ doanh nghiệp.

Chuyển động nhân sự đáng chú ý thời khủng hoảng 3

Lâu dần, nhân viên trong doanh nghiệp nhận ra rằng họ hoàn toàn có thể đi dép lê và không bị phạt. Những điều nho nhỏ này thường không ai bảo ai. Hôm nay một nhân viên quản lý đi, ngày mai bạn nhân viên cấp dưới sẽ đi. Và mọi việc cứ thế tiếp diễn.

“Bản thân việc triển khai văn hóa doanh nghiệp là “nhân bản ông chủ”. Nhân viên sẽ nhìn vào chủ doanh nghiệp. Nếu chủ doanh nghiệp quyết đoán, nhân viên sẽ quyết đoán. Chủ doanh nghiệp sáng tạo, nhân viên sẽ sáng tạo. Điều này diễn ra rất tự nhiên”, ông Dũng nhận định.

Vì vậy, khi doanh nghiệp còn nhỏ, còn ít người thì dễ làm hơn bởi chủ doanh nghiệp có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ một nhóm nhỏ, nhóm có giá trị cốt lõi và sau đó lan tỏa dần đến các nhóm xung quanh.

Đồng ý với ý kiến của ông Dũng, ông Hiếu nhận định rong trường hợp bản thân chủ doanh nghiệp còn nhiều vấn đề chưa được cải thiện, văn hóa doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Điều này có thể dẫn đến tình trạng “văn hóa doanh nghiệp độc hại”, gây ảnh hưởng đến năng suất của người lao động cũng như làm giảm tỷ lệ gắn bó của nhân viên với công ty.

Đón đầu xu hướng Gen Z

Theo ông Vũ Việt Dũng, trong thời đại Gen Z đang chuẩn bị trở thành nguồn nhân lực chính trong xã hội, doanh nghiệp càng phải chú trọng vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Gen Z rất khác với Gen X, Gen Y. Họ ít nhẫn nhịn hơn, họ sẵn sàng nghỉ việc hơn. Do đó, doanh nghiệp cần sử dụng văn hóa doanh nghiệp để điều chỉnh họ.

Văn hóa doanh nghiệp tích cực là nguồn năng lượng vô hạn giúp nhân viên yêu quý, gắn bó và muốn cống hiến cho công ty. Không giống như trước đây, doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng bằng lương, bằng chính sách tốt, hiện nay, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự bằng văn hóa doanh nghiệp.

Chuyển động nhân sự đáng chú ý thời khủng hoảng 4

Quan sát trên thực tế, ông Dũng nhận xét rằng tại Việt Nam, ngành bất động sản là một trong những ngành có văn hóa doanh nghiệp rất tốt, sát sao và hiệu quả. Chủ doanh nghiệp xuất hiện trong tất cả các buổi đào tạo, talkshow. Từ chủ doanh nghiệp, quản lý cấp cao đến nhân viên cấp dưới đều đồng hành và thống nhất với nhau trong hoạt động...

Trên thực tế, khi doanh nghiệp xảy ra những diễn biến xấu, chủ doanh nghiệp thậm chí còn nhận được sự đồng hành từ những nhân viên cấp thấp nhất (email, gửi sticker động viên, sẵn sàng chia sẻ cùng doanh nghiệp lúc khó khăn…).

“Văn hóa doanh nghiệp bắt đầu từ những thứ nhỏ như vậy đấy. Làm văn hóa doanh nghiệp không đắt đâu. Mà làm từ sớm thì lại càng rẻ. Khi doanh nghiệp càng lớn, lên đến hàng nghìn nhân viên mới bắt đầu làm thì rất khó. Nếu làm được văn hóa doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp sẽ nhận được sự đồng lòng rất lớn của nhân viên”, ông Dũng nhận định.

Mời bạn đọc xem nội dung chi tiết chương trình LEADER TALK này tại đây (phần 1 có tên Cơ hội và thách thức nhân sự hiện nay) và tại đây (phần 2 có tên Để giữ chán nhân sự).

Thực hiện: Hường Hoàng

Thiết kế: Diệu Thảo