Tour du lịch ‘Biệt động Sài Gòn’

An Hạ - 14:14, 09/07/2020

TheLEADERTour du lịch "Biệt động Sài Gòn" tại TP. HCM đang trở thành một tour hấp dẫn, thu hút khách du lịch đủ mọi lứa tuổi từ các cán bộ kháng chiến, cán bộ nghỉ hưu đến lớp thanh thiếu niên đã từng bị lôi cuốn bởi sách báo, phim ảnh về tổ chức độc đáo này.

Trong vòng 5 tiếng đồng hồ di chuyển trong nội thành Sài Gòn, trực tiếp đến những nơi ém quân, giấu vũ khí, trực tiếp xem các hình ảnh, hiện vật, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, du khách hình dung được một cách sinh động và đầy đủ về hoạt động của lực lượng biệt động Sài Gòn.

‘Biệt động Sài Gòn’ trở thành tour ‘hot’ của du lịch TP.HCM
Đại tá Trần Đức Thơ giới thiệu về lực lượng Biệt động Sài Gòn với khách du lịch tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định.

Theo chân hướng dẫn viên của Công ty Du lịch Lữ hành Fiditour, doanh nghiệp đã tốn nhiều công sức đầu tư cho tour Biệt động Sài Gòn, chúng tôi đến Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định tại số 145 Trần Quang Khải, Phường Tân Định, Quận 1. Tại đây, Đại tá Trần Đức Thơ (hay được gọi là Mười Thơ), chủ nhiệm CLB Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã giới thiệu về lịch sử và đặc điểm của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Khác với đặc công là lực lượng của các chiến sĩ chính quy, được rèn luyện kỹ năng thâm nhập, chiến đấu ở trên nhiều địa hình, Biệt động Sài Gòn là lực lượng có cách hoạt động rất cá biệt và độc đáo, trong toàn miền Nam chỉ có ở Sài Gòn. Tập hợp rất nhiều thành phần như chiến sĩ du kích, nhà kinh doanh, tiểu thương, học sinh và cả các em bé…thành một đơn vị bí mật nghiên cứu địch tình, vận chuyển vũ khí, khảo sát địa bàn và tổ chức chiến đấu.

Mục tiêu của biệt động thành là điều tra, thâm nhập vào các cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà và đánh nhanh rút gọn. Cụ thể như trong Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động tập kích vào Dinh Độc Lập, Tổng nha Cảnh sát, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đài Phát thanh Việt Nam Cộng Hoà.

‘Biệt động Sài Gòn’ trở thành tour ‘hot’ của du lịch TP.HCM 1
Một số hình ảnh của lãnh đạo các đơn vị biệt động và các hiện vật của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định trưng bày nhiều hiện vật đã được sử dụng trong hoạt động giao thông liên lạc, nghi trang thâm nhập vào các cơ quan công quyền Việt Nam Cộng Hoà của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Đến Bảo tàng, du khách có dịp đi thang máy cổ thời Pháp, xem phim tư liệu về lực lượng Biệt động Sài Gòn, trải nghiệm trong những căn phòng với nội thất và các vật dụng còn lưu giữ từ những năm 60 của thế kỷ trước.

‘Biệt động Sài Gòn’ trở thành tour ‘hot’ của du lịch TP.HCM 2
Quán cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, từng là căn cứ hoạt động, nơi lưu giữ hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn.

Đây là quán cơm tấm Đại Hàn (lực lượng quân đội Nam Triều Tiên tham chiến tại Việt Nam) tại số 113A Đặng Dung, Quận 1. Sở dĩ quán cơm có tên Đạị Hàn vì phía trước quán từng là cư xá của lính Đại Hàn, bên phải quán là biệt thự của Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn I và Quân khu I chế độ cũ.

Không ai ngờ một khu vực trọng yếu như vậy lại là địa điểm gặp gỡ, trao đổi tài liệu, thông tin của các thành viên lực lượng biệt động thành mà không bị phát hiện. Nơi nguy hiểm nhất lại là nơi an toàn nhất!

‘Biệt động Sài Gòn’ trở thành tour ‘hot’ của du lịch TP.HCM 3
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hầm chứa vũ khí bí mật của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Ảnh tư liệu

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng đến thăm Di tích Lịch sử quốc gia tại địa chỉ 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5, Quận 3 (trước năm 1975 gọi là đường Trần Quý Cáp), nơi cất giấu vũ khí bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Ông Trần Văn Lai (còn có bí danh Mai Hồng Quế), một sĩ quan biệt động hoạt động ở Sài Gòn dưới vỏ bọc của nhà thầu trang trí nội thất đã mua liền 3 căn nhà của người Hoa ở khu vực này để ém quân và cất giấu vũ khí từ căn cứ đưa ra. Đây cũng là nơi xuất phát của Đội 5 Biệt động Sài Gòn tấn công vào Dinh Độc Lập, đầu não của chế độ cũ vào rạng sáng ngày mồng 2 Tết Mậu Thân 1968.

‘Biệt động Sài Gòn’ trở thành tour ‘hot’ của du lịch TP.HCM 4
Vũ khí bí mật được che giấu khéo léo giữa hai tấm gỗ.

Để đưa vũ khí từ chiến khu vào nội thành Sài Gòn, lực lượng biệt động thành đã thực hiện nhiều cách ngụy trang như để vũ khí, chất nổ phía dưới các xe chở trái cây, xe chở gạch đá hoặc giả dạng tiểu thương, học sinh bỏ trong gánh hàng, xách tay… Nhưng có một kiểu che giấu vũ khí khá độc đáo là khoét hai tấm gỗ, đưa vũ khí vào trong, nhìn bề ngoài giống như tấm phản. Đây là một “sáng kiến” của ông Trần Văn Lai vì ông là nhà thầu xây dựng.

‘Biệt động Sài Gòn’ trở thành tour ‘hot’ của du lịch TP.HCM 5
Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968.

Đây là một trong những căn hầm chứa vũ khí và chất nổ tại căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5, Quận 3. Để hình thành các căn hầm này, gia đình ông Trần Văn Lai phải đào hầm dưới nền nhà trong nhiều năm, từ năm 1962-1968 và đất đào lên phải vận chuyển ra ngoài rất khéo léo để không bị các nhà xung quanh phát hiện.

‘Biệt động Sài Gòn’ trở thành tour ‘hot’ của du lịch TP.HCM 6
Một trong những chiếc xe chở vũ khí tấn công Dinh Độc Lập vào Tết Mậu Thân 1968.

‘Biệt động Sài Gòn’ trở thành tour ‘hot’ của du lịch TP.HCM 7
Bà Đặng Thị Thiệp, vợ của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai và bà Vũ Minh Nghĩa, chiến sĩ biệt động (thứ hai từ trái sang) đã kể lại cho khách tham quan nghe những câu chuyện hoạt động mưu trí, dũng cảm của lực lượng biệt động mà họ đã từng tham gia trực tiếp.

Kết thúc chuyến tham quan, du khách đến mặc niệm tại bia tưởng niệm lực lượng Biệt động Sài Gòn tại cổng phụ Dinh Độc Lập trên đường Nguyễn Du, nơi 8 chiến sĩ biệt động đã hi sinh khi tấn công vào đây.

‘Biệt động Sài Gòn’ trở thành tour ‘hot’ của du lịch TP.HCM 8
Các du khách đến mặc niệm tại bia tưởng niệm lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Chương trình tour ‘Biệt động Sài Gòn’ tạo sự mới mẻ về điểm tham quan, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước một góc văn hoá và truyền thống kháng chiến sống động của Sài Gòn - TP.HCM. Ông Trần Vũ Bình, con trai của sĩ quan biệt động Trần Văn Lai, đã góp rất nhiều công sức trong việc sưu tập tài liệu, hiện vật, tổ chức các điểm đến có giá trị lịch sử để hình thành tour du lịch này.