Analytic

[Longform] Toàn cảnh kinh tế Việt Nam quý I/2023

Tổng sản phẩm trong nước (GDP)

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê. Nếu so với 12 năm qua, mức này chỉ cao hơn tốc độ tăng của quý I/2020 – thời điểm Covid-19 bùng phát.

Đồng thời, con số 3,32% cũng thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó của nhiều chuyên gia, công ty chứng khoán và các tổ chức quốc tế (xoay quanh 4,8 - 5,6%). Đơn cử như HSBC dự báo 5%; công ty VNDirect Research là tích cực nhất với 5,6%.

Toàn cảnh quý I

Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế năm nay, khu vực dịch vụ đóng góp chủ yếu với 95,9%; còn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản góp nhẹ 8,85%. Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng làm giảm GDP 4,76% (năm 2022, khu vực này đóng góp 38,2%, riêng quý I/2022 đóng góp 51,08%).

Ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng trưởng nhanh nhất so với cùng kỳ năm trước là ngành lâm nghiệp với 3,66%; ngành thủy sản theo sau với 2,68%; còn ngành nông nghiệp tăng trưởng 2,43% so với cùng kỳ năm trước.

Ở khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng trưởng âm 0,82%, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ giai đoạn 2011 – 2023. Còn ngành xây dựng tăng 1,95%, chỉ cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2011 và 2012 trong giai đoạn 12 năm vừa qua.

Khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022, Tổng cục Thống kê nhận định.

Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng cao nhất khu vực với 26%); bán buôn và bán lẻ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; vận tải, kho bãi; ngành thông tin và truyền thông.

Toàn cảnh quý I 1

Về tổng sản phẩm từng tỉnh, thành phố trong quý I năm nay, 58 địa phương có GRDP tăng và 5 địa phương giảm. Trong đó, một số địa phương có tốc độ tăng GRDP ở mức cao gồm Hậu Giang (12,7%); Bình Thuận (9,86%); Hải Phòng (9,65%); Khánh Hòa (9,07%); Cà Mau (9,05%).

Ở chiều ngược lại một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm có tốc độ tăng GRDP ở mức thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm: Bình Dương, TP.HCM, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Bắc Ninh.

Dự báo tăng trưởng cả năm 2023

Năm 2023, đa số chuyên gia và tổ chức quốc tế đều dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt nhiều khó khăn, thách thức từ cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài.

Đơn cử như báo cáo vào giữa tháng 3 của Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức quốc tế này đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 6,3% (mức cũ là 6,7%), bằng dự báo của ADB. Con số mới nhất của IMF là 6,2%. Dự báo của HSBC kém tích cực nhất khi đưa ra con số 5,8%, tuy nhiên ngân hàng này cho rằng, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng đứng đầu khu vực ASEAN-6.

Theo WB, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam năm nay vẫn tích cực, nhưng khó khăn trong và ngoài nước đòi hỏi các cấp có thẩm quyền tăng cường phối hợp và ứng phó chính sách, như tăng trưởng của khu vực dịch vụ sẽ chững lại do hiệu ứng xuất phát điểm thấp sau Covid-19 yếu đi; nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng do lạm phát dự kiến cao hơn; tốc độ tăng xuất khẩu chậm lại…

Trong báo cáo ‘Kinh tế Việt Nam năm 2022, triển vọng năm 2023’ công bố đầu năm nay, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023.

Cụ thể, kịch bản thứ nhất, tăng trưởng GDP đạt 6,47%; lạm phát bình quân 4,08%; tăng trưởng xuất khẩu 7,21% và cán cân thương mại là 5,64 tỷ USD.

Kịch bản thứ hai tích cực hơn khi tăng trưởng GDP tăng 6,83%; lạm phát 3,69%; tăng trưởng xuất khẩu 8,43% và cán cân thương mại là 8,15 tỷ USD. Các mức tăng trưởng này khá cao so với mức dự báo tăng trưởng bình quân của thế giới là 2,2% mà báo cáo đưa ra.

Theo Ngân hàng Thế giới, rủi ro trong năm nay về cơ bản là cân bằng. Trước mắt, Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro tăng cao liên quan đến những trở ngại bên ngoài và nguy cơ dễ tổn thương trong nước.

Áp lực lạm phát kéo dài và viễn cảnh chính sách tiền tệ còn bị thắt chặt hơn nữa, nhất là ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác có thể gây ra biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu và cản trở tăng trưởng kinh tế thậm chí còn hơn nữa vào thời điểm suy giảm vốn đã xảy ra. Quá trình phục hồi không đồng đều hoặc không đầy đủ ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng hơn đến tăng trưởng và diễn biến thương mại ở Việt Nam.

Ngoài ra, rủi ro phi toàn cầu hóa vẫn đang lơ lửng trước mắt, khi xung đột và căng thẳng địa chính trị gia tăng làm dấy lên bất định về hướng đi của tăng trưởng và thương mại toàn cầu trong tương lai, ảnh hưởng đáng kể đến các nền kinh tế mở quy mô nhỏ như Việt Nam.

Nhìn từ trong nước, lạm phát cao và rủi ro tài chính gia tăng, dẫn đến áp lực mất ổn định về chi phí sản xuất và lương danh nghĩa. Lạm phát cao hơn và kéo dài hơn có xu hướng làm giảm động lực tiêu dùng trong nước do giá cả các mặt hàng cao hơn, đồng thời giảm động lực đầu tư trong nước do bất định về tình hình kinh tế gia tăng.

Những yếu kém trong cơ chế chính sách và giám sát khu vực tài chính cùng những yếu kém trên bảng cân đối tài sản của khu vực ngân hàng, doanh nghiệp và hộ gia đình có thể làm tăng thêm rủi ro, qua đó ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và người tiêu dùng trong nước.

Nhìn theo hướng tích cực, viễn cảnh tăng trưởng được cải thiện ở Trung Quốc, Mỹ hoặc EU và nhu cầu toàn cầu cao hơn dự kiến có thể giúp xuất khẩu và qua đó là tăng trưởng tăng cao hơn so với dự báo cơ sở, theo Ngân hàng Thế giới.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, trong đó sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm, sản lượng một số loại sản phẩm chăn nuôi chủ yếu tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước; nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, Tổng cục Thống kê nhận định.

Nông nghiệp

Toàn cảnh quý I 2

Vụ lúa đông xuân (thường gieo cấp từ cuối tháng 10 và thu hoạch vào tháng 4 năm sau) là vụ lúa chính trong năm, chiếm hơn 40% diện tích gieo trồng lúa cả năm, năng suất cao nhất trong các mùa vụ và sản lượng đạt từ 45-47% tổng sản lượng lúa sản xuất trong năm.

Tính đến trung tuần tháng 3 năm nay, diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp như xây dựng cụm công nghiệp hoặc xây dựng đường cao tốc, chuyển sang trồng hoa màu và cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao hơn hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Một số địa phương có diện tích giảm nhiều gồm Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang.

Tuy nhiên, với vụ lúa mùa, đến giữa tháng 3, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn tất công tác thu hoạch lúa vụ mùa 2022 - 2023. Diện tích gieo trồng lúa mùa của toàn vùng tăng nhẹ 3,9% so với vụ mùa năm trước. Năm nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tập trung vào gieo trồng lúa chất lượng cao canh tác theo hình thức hữu cơ như hệ thống canh tác tôm - lúa với các giống lúa thơm như ST24, ST25, BLR 413, đài thơm 8, giống 1 bụi đỏ, giống RVT và OM2517...

Sản lượng của vụ lúa mùa toàn vùng ĐBSCL năm nay tăng 3,7%, tương ứng 32,8 nghìn tấn. Tốc độ tăng gần bằng với tỷ lệ diện tích gieo cấy tăng. Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sản lượng gạo xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng ĐBSCL, các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa.

Triển vọng xuất khẩu gạo trong năm nay được nhận định là tích cực, khi giá gạo duy trì ở mức cao. Trong quý I năm nay, sản lượng xuất khẩu gạo đạt 1,79 triệu tấn (tương đương 952 triệu USD), giảm 19,3% về số lượng nhưng giá trị thu về cao hơn 30% nhờ giá gạo Việt liên tục tăng.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm ước đạt 531 USD một tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trước đó, giá gạo bình quân tháng 1 - 2 lần lượt là 519,3 USD và 528,5 USD một tấn.

Do đó, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn trong bối cảnh thiếu lương thực ở nhiều nơi trên thế giới, chính sách thắt chặt xuất khẩu lương thực của một số nước. Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), nhiều quốc gia có nguy cơ khô hạn trong nửa cuối năm. Để đảm bảo an ninh lương thực, nhiều nước đang tăng cường thu mua gạo dự trữ.

Ấn Độ (Có thị phần gần 27% thương mại gạo toàn cầu) năm trước đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng.

Bên cạnh đó là sự phục hồi của thị trường Trung Quốc khi 2 tháng đầu năm nay xuất khẩu gạo sang thị trường này tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm trước.

Tại hội nghị về xuất khẩu gạo vào cuối tháng 2, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dự báo giá gạo sẽ vẫn ở mức cao trong quý II. Các doanh nghiệp gạo vẫn được hưởng lợi trong thời gian tới. Đơn hàng nhập khẩu của các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, châu Phi vẫn tăng đột biến.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,5-7 triệu tấn, trong đó có khoảng 3 triệu tấn gạo chất lượng cao.

Lâm nghiệp

Sau thời gian tăng trưởng đột phá, trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm nông, lâm, thủy sản, mang về hàng chục tỷ USD mỗi năm, tuy nhiên, bắt đầu từ năm ngoái, ngành gỗ đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Toàn cảnh quý I 3

Trong giai đoạn 2017 - 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ liên tục ‘bùng nổ’, với tốc độ tăng trung bình mỗi năm hơn 16,3%. Tuy nhiên, đến năm 2022, đà tăng đã giảm mạnh, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16 tỷ USD, tăng 8,1%, theo Tổng cục Hải quan.

Theo phản ánh của các chủ tịch hiệp hội gỗ, từ cuối năm 2022 đến nay, doanh nghiệp gỗ Việt đang đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng. Trao đổi với TTXVN mới đây, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, Giám đốc Công ty Gỗ Lâm Việt cho biết đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường quan trọng theo đà giảm từ những tháng cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, tới nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Đơn hàng hiện chỉ đủ để nhà máy hoạt động khoảng 50% công suất. Đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp trong ngành gỗ nhiều tháng qua. Điều này cũng được thể hiện qua việc giảm sâu của kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước với 28,3%, theo Tổng cục Thống kê.

Tuy nhiên, ông Liên vẫn tin rằng, dù lạm phát tăng cao nhưng nhu cầu tiêu thụ nội thất của thị trường quốc tế vẫn lớn trong khi Việt Nam mới chỉ chiếm được thị phần nhỏ. Do đó, cơ hội phát triển của ngành vẫn lớn, nếu công tác tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường được tổ chức tốt.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều bởi căng thẳng địa chính trị trên thế giới và sự phục hồi tăng trưởng của các nền kinh tế, đặc biệt là những thị trường chính về xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Theo dự báo năm 2023, kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro. Tăng trưởng kinh tế của các quốc gia sẽ có nhiều tác động đến xuất khẩu của ngành gỗ, nhất là thị trường Mỹ có thị phần chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt.

Lạm phát gia tăng tại các thị trường chính khiến cho người dân ở đây có xu hướng duy trì việc thắt chặt chi tiêu. Khi đó nhu cầu đối với các mặt hàng không thiết yếu như sản phẩm gỗ sẽ giảm, đồng nghĩa việc ký kết và thực hiện đơn hàng của các doanh nghiệp cũng bị tác động trực tiếp.

Các tháng cuối năm 2022 bình quân đạt khoảng 1,2 tỷ USD/tháng. Theo dự báo, xuất khẩu lâm sản sẽ duy trì tình trạng này đến hết quý 2/2023. Bộ kỳ vọng thị trường sẽ khôi phục trở lại vào những tháng cuối năm và ngành sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 khoảng 17 tỷ USD.

Thủy sản

Sản lượng thủy sản tăng nhẹ trong quý I năm nay với thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu thủy sản lại giảm mạnh 29% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự như mặt hàng gỗ, nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn của thủy sản Việt giảm mạnh.

Toàn cảnh quý I 4

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản sang Mỹ có chiều hướng sụt giảm từ quý cuối năm 2022 và tiếp đà giảm sâu trong quý I năm nay. Nguyên nhân do lạm phát tại nước này tăng cao, người dân phải thắt chặt chi tiêu trong giai đoạn này. Đến nay, Mỹ chỉ còn chiếm 14,5% tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhưng vẫn giữ vị trí thị trường nhập khẩu số 1.

Ngoài thị trường Mỹ, trong kịch bản xuất khẩu thủy sản Việt năm 2023, Trung Quốc được coi là động lực thúc đẩy sau khi nước này dỡ bỏ hoàn toàn chính sách zero Covid.

Tuy nhiên, Trung Quốc như một miếng bánh lớn đang bị chia sẻ bởi nhiều nước xuất khẩu, tạo ra sức ép cạnh tranh quá lớn. Đối với Việt Nam, có hai đối thủ lớn nhất là Ecuador và Ấn Độ, đang chiếm thị phần chi phối với hơn 60% nhập khẩu tôm của Trung Quốc. Thế mạnh của 2 nước này là sản phẩm tôm đông lạnh, cỡ nhỏ, giá rẻ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện đang triển khai nhiều chính sách mới để đưa hoạt động nhập khẩu vào nề nếp, nhất là nâng cao các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc bắt đầu khởi sắc từ tháng 2 nhưng những rào cản hiện hữu là thủy sản tươi sống của Việt Nam chưa được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Nhiều doanh nghiệp đang gặp vướng mắc ngay từ khâu đăng ký trên hệ thống thương mại một cửa của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Bước sang năm 2023, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, để giữ đà tăng trưởng, chiến lược ngành thủy sản sẽ chuyển dần từ khai thác, đánh bắt sang nuôi trồng, chế biến sâu để duy trì đà tăng trưởng bền vững.

"Phát triển thủy sản bền vững là căn cốt nhất, đồng thời làm tốt bảo tồn, chế biến theo công nghệ cao, thêm giá trị gia tăng gắn với xúc tiến thị trường, đi theo chuỗi khép kín, thì chúng ta sẽ có sự phát triển bền vững, khẳng định đạt được mục tiêu chiến lược đề ra", đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết

Theo bộ, chiến lược nuôi trồng thủy sản từ nay tới năm 2030 là 7 triệu tấn/năm, năm nay đã đạt trên 4,7 triệu tấn, tăng gần 7,2% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, số lượng khai thác chỉ có 2,8 triệu tấn, tương đương giảm 2,1%.

Sản xuất công nghiệp

Sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm khiến cho giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I năm 2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là quý I đầu tiên ghi nhận sự suy giảm của ngành công nghiệp trong giai đoạn 2011 – 2023.

Toàn cảnh quý I 5

Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý đầu năm nay ước tính giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2022 tăng 6,8%). Và nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.

Không chỉ sản xuất sụt giảm, mà chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp cũng giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này dẫn tới tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2023 tăng 4,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 17,7%).

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I đầu năm nay là 81,1%, trong khi bình quân quý I năm 2022 là 79,9%.

Điều này cho thấy, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng không nhỏ.

Tại địa phương, IIP quý I chỉ tăng ở 48 địa phương và giảm ở 15 địa phương trên cả nước.

Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Đơn cử như Cao Bằng tăng 26,8%; Tuyên Quang tăng 22,6%; Hải Phòng tăng 14,8%; Quảng Ninh tăng 13,6%; Hải Dương tăng 12,5%; Nam Định tăng 12,3…

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm, như Quảng Nam giảm 34,3%; Bắc Ninh giảm 18,8%; Vĩnh Long giảm 16,5%; Sóc Trăng giảm 15,6%; Vĩnh Phúc giảm 8,1%...

Tuy nhiên, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 2/2023 được S&P Global công bố mới đây cho thấy ngành công nghiệp đang có dấu hiệu lấy lại đà tăng trưởng khi đạt 51 điểm, sau thời kỳ suy giảm kéo dài ba tháng trước đó. Các điều kiện kinh doanh đã cải thiện nhẹ.

Báo cáo của S&P Global chỉ ra có 3 điểm nhấn nổi bật gồm sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tăng trở lại; thời gian giao hàng của nhà cung cấp được rút ngắn tháng thứ hai liên tiếp; chi phí tăng đạt mức cao của tám tháng. Nhân tố chính dẫn đến cải thiện sức khỏe ngành sản xuất là sự cải thiện của nhu cầu thị trường.

Đăng ký doanh nghiệp

Hoạt động khởi sự kinh doanh trong quý I năm nay không mấy khả quan khi số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Toàn cảnh quý I 6

Theo Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư), nguyên nhân là do những ảnh hưởng bởi lạm phát và tình hình khủng hoảng kinh tế, chính trị biến động phức tạp, thảm họa thiên nhiên trên thế giới đã tạo ra những tác động không nhỏ cho nền kinh tế nước ta nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.

Kinh tế trong nước gặp khó khăn, đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp. Một số nhóm ngành nghề có sự sụt giảm cả về số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký mới.

Toàn cảnh quý I 7

Trong đó, đáng chú ý là các ngành gồm kinh doanh bất động sản (giảm 63,2% về số doanh nghiệp gia nhập thị trường và giảm 60,5% về số vốn đăng ký); khai khoáng (giảm 21,2% số doanh nghiệp và giảm 48% về số vốn đăng ký); vận tải kho bãi (giảm 16,5% về số doanh nghiệp và 80,4% số vốn); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 14,5% về số doanh nghiệp gia nhập thị trường và giảm 66,6% về số vốn đăng ký)...

Đây đều là những lĩnh vực thường có các doanh nghiệp với quy mô vốn đăng ký lớn, có ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

Toàn cảnh quý I 8

Sự sụt giảm mạnh về số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong quý I đầu năm nay (giảm lần lượt 34% và 32,8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có đến 12/17 lĩnh vực có số vốn đăng ký giảm) cho thấy các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kế về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong quý I/2023, có 24,3% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý trước đó; 37,2% doanh nghiệp cho rằng ổng định và 38,5% doanh nghiệp gặp khó.

So với khảo sát vào quý IV/2022, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó đã cao hơn gần 5%.

Toàn cảnh quý I 9

Dự kiến quý II/2023, 44,1% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 35,3% doanh nghiệp ổn định và 20,6% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Con số này cho thấy niềm tin kinh doanh trong quý tới đang tăng cao khi cuộc khảo sát trước chỉ có 31,5% doanh nghiệp đánh giá tích cực.

Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 80,2% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2023 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2022; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là 78,2% và 76,4%.

Về khối lượng sản xuất, trong quý II/2023, 43% doanh nghiệp dự báo sẽ tăng, 20% sẽ giảm và 37% ổn định. Về đơn đặt hàng, 41,2% doanh nghiệp dự kiến tăng so với quý I; 20,5% giảm và 38,2% ổn định. Về đơn đặt hàng xuất khẩu, 33,5% doanh nghiệp dự kiến tăng; 23,4% giảm; 43% ổn định.

Hoạt động dịch vụ

Hoạt động dịch vụ đang đóng góp tới 96% tăng trưởng GDP trong quý I năm nay. Con số này cho thấy khu vực dịch vụ đang là trụ cột của nền kinh tế.

Cụ thể, hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng quý I năm 2023 tiếp tục ‘bùng nổ’ khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đóng góp tích cực của ngành du lịch khi doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 28,4% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 119,8%.

Toàn cảnh quý I 10

Theo Tổng cục Thống kê, kết quả này phản ánh hiệu quả của chính sách mở cửa từ ngày 15/3/2022 sau đại dịch Covid-19 cũng như việc thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới và kích cầu nội địa trong thời gian qua.

Toàn cảnh quý I 11

Doanh thu du lịch lữ hành quý I năm nay ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất trong các hoạt động thương mại và dịch vụ, do trước do các hoạt động văn hóa, du lịch những tháng đầu năm diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương trong khi cùng kỳ năm trước không tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đáng chú ý, một số địa phương ghi nhận mức tăng trưởng khủng như Đà Nẵng gấp 4,9 lần; Hà Nội gấp 2,7 lần; Hải Phòng gấp 2,5 lần; Kiên Giang gấp 2,2 lần; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 84,5%; Quảng Ninh tăng 59,4%; Cần Thơ tăng 15,7%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ghi nhận mức tăng trưởng thứ 2. Nổi bật nhất ở một số địa phương như Đà Nẵng tăng 73,5%. Quảng Ninh tăng 43,1%; Cần Thơ tăng 42,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 37,2%; Thái Bình tăng 36%; Đồng Nai tăng 23,6%; Hải Phòng tăng 14,4%; Hà Nội tăng 12,5%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm tới gần 79% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, khi năm nay ghi nhận tăng trưởng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ghi nhận mức tăng 2 con số ở các địa phương gồm Đà Nẵng tăng 17,6%; Hải Phòng tăng 14%; Đồng Nai tăng 13,9%; Quảng Ninh tăng 12,5%; Hà Nội tăng 12,2%; Bình Dương tăng 10,8%.

Toàn cảnh quý I 12

Ngành du lịch đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục bùng nổ hơn nữa trong thời gian tới, khi Trung Quốc chính thức mở du lịch với Việt Nam (chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn trước dịch) kỳ vọng tạo bước đột phá mới. Đặc biệt sau đại dịch, du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lượng khách du lịch quốc tế chưa được như mong muốn và mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới cho rằng mặc dù lĩnh vực tiếp tục phục hồi nhờ du khách Trung Quốc dần quay lại, nhưng tăng trưởng của khu vực dịch vụ sẽ chững lại do hiệu ứng xuất phát điểm thấp sau COVID-19 yếu đi. Nhu cầu trong nước dự kiến bị ảnh hưởng do lạm phát dự kiến cao hơn (bình quân 4,5%) trong năm 2023.

Hoạt động đầu tư

Theo Ngân hàng Thế giới, mức cam kết FDI trên toàn thế giới đều giảm kể từ năm 2022 đến nay do cuộc xung đột Nga - Ukraine và những yếu tố bất định trên toàn cầu.

Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, tình hình thu hút vốn FDI của Việt Nam tiếp tục ‘ảm đạm’ trong quý I năm nay khi thiếu vắng các dự án quy mô lớn.

Mặc dù số vốn đăng ký mới giảm, nhưng số dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tăng tăng tới 62% so với cùng kỳ.

Điều đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam trong việc đưa ra các quyết định đầu tư mới. Cùng với đó, đây cũng là dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Trao đổi với báo chí mới đây, Trưởng đại diện văn phòng Jetro tại Hà Nội, ông Nakajima Takeo cho biết thời gian tới, xu hướng đầu tư từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản sẽ gia tăng. Tuy vốn đầu tư không lớn, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn cầu, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản, vẫn sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến, nắm giữ thị phần không nhỏ. Do vậy, Việt Nam vẫn nên quan tâm và có chính sách ưu đãi thỏa đáng để thu hút các doanh nghiệp này, nhằm cải thiện ngành công nghiệp trong nước.

Chuyên gia HSBC cho biết bước sang năm 2023, quan sát cho thấy một số công ty đa quốc gia toàn cầu ở châu Á đã thể hiện quan tâm đến Việt Nam, tham gia vào nhiều lĩnh vực như bán lẻ, chất bán dẫn, điện tử, linh kiện di động, nhựa, năng lượng tái tạo, logistics… Các doanh nghiệp này đang tìm cách mở rộng hoặc đầu tư mới vào Việt Nam.

Theo HSBC, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn FDI trong năm 2023, phần nào bù đắp cho những khó khăn trong thương mại hiện tại. Không chỉ những "ông lớn" trong ngành công nghệ truyền thống như Samsung và LG tiếp tục kế hoạch mở rộng mà cả những nhà đầu tư mới như Apple cũng đã thêm dây chuyền sản xuất ở Việt Nam trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Toàn cảnh quý I 13

Trong bối cảnh vốn FDI vào Việt Nam suy giảm, nhiều chuyên gia cho rằng đầu tư nhà nước cần được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công hiện còn chậm.

Giải ngân vốn đầu tư công hai tháng đầu năm nay đạt hơn 49,25 nghìn tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm trước 2%. 90% bộ, cơ quan trung ương và 30% địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 5%, trong đó 44 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân; 26 bộ, cơ quan trung ương và 50 địa phương chưa phân bổ hết vốn đầu tư công.

Trong khi đó, kế hoạch vốn Quốc hội giao năm nay trên 711,7 nghìn tỷ đồng và Thủ tướng yêu cầu phải giải ngân trên 95% số này. Điều này cho thấy áp lực giải ngân vốn đầu công trong các tháng tới là rất lớn.

Trước tình trạng này, Chính phủ đã lập 5 tổ công tác tháo gỡ giải ngân vốn đầu tư công trong tháng này.

Đồng thời, ngày 23/3, Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị 08 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và phục hồi kinh tế xã hội.

Xuất nhập khẩu hàng hóa

Toàn cảnh quý I 14

Theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý I năm nay giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý I đầu tiên trong giai đoạn 2011 – 2023 ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước đó.

Toàn cảnh quý I 15

Về xuất khẩu, năm nay có 14 mặt hàng đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm gần 77% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD gồm điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt may.

Xét về tốc độ, mặt hàng gạo có kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh nhất so với cùng kỳ năm trước với 30,2%. Tiếp sau là dầu thô; giấy và các sản phẩm từ giấy; hạt điều lần lượt tăng 17%; 14,4% và 10,8%.

Toàn cảnh quý I 16

Về nhập khẩu, từ đầu năm đến nay có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 75% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 2 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD gồm điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.

Xét về tốc độ tăng trưởng, mặt hàng khí đốt hóa lỏng đứng đầu khi kim ngạch nhập khẩu tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo sau là dầu thô, phế liệu sắt thép, thủy sản, ngô.

Theo Ngân hàng Thế giới, trong nửa đầu năm 2023, tốc độ tăng xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến sẽ chậm lại do nhu cầu tại Mỹ và khu vực đồng Euro yếu đi, trong khi lộ trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn nhiều bất định.

Mặc dù vậy, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi từ nửa cuối năm, qua đó đem lại tác động tích cực cho xuất khẩu. Tăng trưởng dự kiến đạt 6,5% từ năm 2024 trở đi nhờ xuất khẩu khởi sắc hơn khi cả ba thị trường chính của Việt Nam (Mỹ, khu vực đồng euro và Trung Quốc) đều được phục hồi.

Toàn cảnh quý I 17

Lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,23% so với tháng trước chủ yếu do nguồn cung dồi dào giúp giá thực phẩm giảm; cùng với giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới.

Trong mức tăng này, 5 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 6 nhóm giảm.

Toàn cảnh quý I 18

Nhóm giáo dục có mức giảm nhiều nhất với 1,71% (tác động làm CPI chung giảm 0,11 điểm phần trăm), trong đó dịch vụ giáo dục giảm 1,95% do ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,58% (tác động làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm). Trong đó, chỉ số giá lương thực tăng 0,28% (tác động tăng 0,01 điểm phần trăm); thực phẩm giảm 1% (tác động giảm 0,21 điểm phần trăm), đáng chú ý giá thịt lợn giảm 2,6% so với tháng trước; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,11% (tác động tăng 0,01 điểm phần trăm).

Các các nhóm khác đều giảm không quá 0,05%.

Ngược lại, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,36% chủ yếu do giá thuê nhà, vật liệu bảo dưỡng nhà ở; điện sinh hoạt và nước sinh hoạt tăng. Tuy nhiên, giá dầu hỏa, giá gas lại giảm mạnh lần lượt 7,5% và 3,3%.

CPI bình quân quý I năm nay tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu gồm giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 7,2%; giá các mặt hàng thực phẩm tăng 4,4%; học phí giáo dục tăng 10%; chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,9%; giá điện sinh hoạt tăng 2,71% (chủ yếu do nhu cầu sử dụng điện dịp Tết Nguyên đán tăng); giá gạo trong nước tăng 2,24%.

Trong khi đó, một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI đầu năm nay như giá xăng dầu trong nước giảm 11,09%; Giá gas trong nước giảm 1,81% theo giá thế giới; chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,26% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

Toàn cảnh quý I 19

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới dự báo lạm phát CPI bình quân sẽ rơi vào khoảng 4,5% trong năm 2023. Con số dự kiến này dựa trên giả định là lạm phát trong nửa đầu năm sẽ bị ảnh hưởng do cú sốc giá nhiên liệu hồi tháng 03/2022 vẫn chưa hết hẳn dư chấn và việc dừng chính sách giảm 2% thuế suất GTGT trong gói hỗ trợ kinh tế năm 2021.

Đến nửa cuối năm 2023, giá điện dự kiến được nâng lên và đợt tăng lương công chức sẽ gây ảnh hưởng đến lạm phát. CPI dự kiến giảm còn 3,5% trong năm 2024 và 3,0% trong năm 2025, quay về các mức trước đại dịch, theo Ngân hàng Thế giới.

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 được tổ chức cuối năm ngoái, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, dự báo CPI bình quân năm 2023 sẽ ở mức 4 - 4,5% do có độ trễ vì nhập khẩu nhiều, lượng cung tiền lớn hơn theo thời vụ cuối năm 2022; và năm tới cũng là thời điểm phải chấp nhận tăng một số mặt hàng do nhà nước quản lý (lương cơ bản, giá điện, y tế, giáo dục...).

Lao động, việc làm

Toàn cảnh quý I 20

Sự sụt giảm của chỉ số ngành công nghiệp trong quý I năm nay đã cho thấy doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, đây cũng là khu vực sử dụng nhiều lao động nhất. Điều này dẫn tới sự biến động mạnh trên thị trường lao động. Trước tình trạng thiếu đơn hàng, khó khăn dòng vốn, nhiều doanh nghiệp thời gian qua đã không thể duy trì được lực lượng lao động, thời gian làm việc, tăng cao của người lao động.

Trao đổi với báo chí trong tháng này, lãnh đạo Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 3.000 lao động mất việc làm do doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng. Tình trạng giảm giờ làm, cắt giảm lao động chủ yếu rơi vào ngành sản xuất gỗ, da giày và các doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng hình thức chỉ làm đủ 48 giờ/tuần và không còn tăng ca như trước. Tại nhiều công ty, công nhân chỉ đi làm 4-5 ngày/tuần.

Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) với hơn 100 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố mới đây cho thấy, nhiều đơn vị đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn. HUBA đánh giá đây là điều bất thường so với các năm trước. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% của quý II/2022 xuống còn 65% của quý này.

Những năm trước, thị trường lao động đầu năm thường có biến động lớn ở hầu hết phân khúc vì nhiều người sẵn sàng nghỉ việc để tìm đến nơi có thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay công nhân lâu năm hoặc đang có chỗ làm cố định sẽ ưu tiên duy trì thu nhập hơn là nhảy việc, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cho biết.

Ngọc Anh thực hiện