Doanh nghiệp nước ngoài không vội quay trở lại Trung Quốc

Hoàng An - 19:53, 19/03/2023

TheLEADERMặc dù chiến dịch zero-COVID đã kết thúc và nền kinh tế Trung Quốc đang thức dậy, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang có những phản ứng rất trái ngược.

Doanh nghiệp nước ngoài không vội quay trở lại Trung Quốc
Nhà máy sản xuất iPhone ở Trịnh Châu, Trung Quốc (Ảnh: Fukutaro Yamashita / The Yomiuri Shimbun)

Đối với các công ty nước ngoài tại Trung Quốc, năm 2022 là một năm khó khăn. Chính sách zero-COVID của Bắc Kinh đã gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng. Thêm vào đó, Hoa Kỳ cũng liên tục áp đặt các lệnh cấm xuất khẩu chất bán dẫn công nghệ cao và trợ cấp hoạt động sản xuất trong nước nhằm hạn chế các hoạt động liên quan đến Trung Quốc.

Kể từ tháng 10/2022 đến nay, Trung Quốc đã liên tục đưa ra những chính sách và cam kết mở rộng, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường. Và mặc dù đã mở cửa trở lại vào đầu năm nay, một số doanh nghiệp nước ngoài vẫn không vội trở lại Trung Quốc ngay, trong khi một số doanh nghiệp lại quyết định mở rộng hoạt động tại nước này.

Các doanh nghiệp phản ứng trái chiều

Tháng 10/2022, BMW tuyên bố sẽ chuyển dây chuyền sản xuất một số mẫu Mini chạy điện từ Anh sang Trung Quốc. Đến tháng 12 năm ngoái, Honda đã ký hợp đồng 7 năm với công ty pin Contemporary Amperex Technology (CATL) của Trung Quốc để đảm bảo nguồn cung cho một trong những liên doanh của họ ở đại lục. Tương tự, Starbucks cũng xác nhận kế hoạch mở thêm 3.000 cửa hàng và tuyển thêm 35.000 nhân viên tại Trung Quốc vào năm 2025.

Trong khi đó, Foxconn Technology Group đã lên kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ và Việt Nam. Honda Motor được cho là đang tìm cách sản xuất ô tô và xe máy với càng ít bộ phận từ Trung Quốc càng tốt. Trong ngành hàng thời trang, nhà bán lẻ quần áo Gap của Mỹ cho biết họ sẽ bán bớt các hoạt động tại Trung Quốc....

Bốn cách tiếp cận thị trường Trung Quốc của các doanh nghiệp nước ngoài

Theo ông Andrew Cainey, chuyên viên cấp cao của Viện Royal United Services, tổ chức tư vấn quốc phòng và an ninh có trụ sở tại London, trong suốt hai thập kỷ vừa qua, các công ty đa quốc gia có bốn chiến lược tiếp cận chính khi tham gia thị trường Trung Quốc: Thứ nhất, địa phương hóa hoạt động của mình để phục vụ thị trường Trung Quốc. Thứ hai, tiếp tục coi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu. Thứ ba, coi Trung Quốc là thị trường cung ứng hàng hóa quan trọng. Cuối cùng, một số doanh nghiệp đơn giản cho rằng thị trường Trung Quốc không dành cho họ.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã theo đuổi một số hoặc thậm chí tất cả các chiến lược này cùng lúc với những bộ phận kinh doanh khác nhau.

Điển hình, công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) - nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất trên thế giới - đang theo đuổi cả bốn chiến lược này, khi vừa hoạt động sản xuất tại Trung Quốc để phục vụ thị trường này, đồng thời xuất khẩu những loại chip khác từ Đài Loan sang và sản xuất những loại chip tiên tiến nhất ở bên ngoài đại lục vì lý do pháp lý và chính trị.

Tuy vậy, với sự khác biệt ngày càng lớn giữa Trung Quốc và phương Tây trong thời gian vừa qua, cả bốn cách tiếp cận kinh doanh trên đều đang thay đổi.

Chiến lược nội địa hóa và những rào cản với doanh nghiệp xuất khẩu

Tại Trung Quốc, các công ty đa quốc gia đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc thay đổi chiến lược kinh doanh sao cho phù hợp với những thay đổi về pháp luật ở nước sở tại và tình hình chính trị trên thế giới.

Theo ông Andrew Cainey, đứng trước những thay đổi này, các doanh nghiệp cần phải chủ động hơn nữa. Trong đó, chiến lược nội địa hóa là điều vô cùng quan trọng.

Với những doanh nghiệp phù hợp và hiểu đúng bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội của Trung Quốc, đây là thị trường rất có tiềm năng. Đó chính là lí do khiến cho Starbucks lên kế hoạch mở rộng tại Trung Quốc; công ty năng lượng tái tạo BASF của Đức quyết định đầu tư tới 10 tỷ đô la vào một tổ hợp hóa chất mới ở thành phố cảng phía nam Trạm Giang; và Tập đoàn Volkswagen của Đức đang tìm cách củng cố vị thế đang chững lại của mình tại quốc gia này.

Tương tự, tại Trung Quốc, một số lĩnh vực khác cũng rất thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình, trong lĩnh vực xe điện, nhà sản xuất ô tô Mini đã lên kế hoạch mở rộng sản xuất tại Trung Quốc bởi kỹ thuật sản xuất cao và thị trường tiêu thụ ưa thích phương tiện năng lượng sạch tại nước này.

Trong lĩnh vực tài chính tại Trung Quốc, việc bãi bỏ một số quy định đang mở ra những cơ hội mới. Trước đây, công ty quản lý đầu tư Fidelity International đã từ chối tham gia vào thị trường quỹ tương hỗ của Trung Quốc thông qua hình thức liên doanh. Tuy nhiên, giờ đây, khi Trung Quốc đã loại bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài, Fidelity đang tự mình tham gia vào thị trường này. Các ngân hàng Goldman Sachs, JPMorgan Chase và Schroder cũng đang mở rộng tại Trung Quốc.

Trong khi đó, cơ hội và khả năng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc đang bị thu hẹp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như thiết bị và công nghệ vốn.

Điển hình, vào tháng 7 năm ngoái, nhà sản xuất ô tô Stellantis đã quyết định đóng cửa một công ty liên doanh lớn tại Trung Quốc, đồng thời giảm công suất của liên doanh còn lại. Từng là doanh nghiệp xe hơi bán chạy nhất tại Trung Quốc với dòng xe Jeep, năm 2022, nhà sản xuất ô tô Stellantis chỉ bán được chưa đến 2000 xe do những rào cản thuế quan và luật khác, cũng như sự trỗi dậy của ngành công nghiệp sản xuất xe điện Trung Quốc.

Tương tự, Foxconn đã lên kế hoạch chuyển một số dây chuyền sản xuất Apple ra khỏi Trung Quốc nhằm giảm chi phí kinh doanh và đa dạng hóa sản xuất tại các khu vực địa lý một cách hợp lý. Foxconn cho biết, trong tương lai, hoạt động sản xuất của Apple tại Trung Quốc sẽ chủ yếu phục vụ thị trường tiêu thụ nội địa như một biện pháp phòng ngừa rủi ro địa chính trị thay vì là cơ sở sản xuất phục vụ chung cho thị trường thế giới. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ còn mất rất nhiều thời gian để thực hiện được.

Các doanh nghiệp nước ngoài đang dần thích nghi với sự thay đổi về chính sách của thị trường Trung Quốc. Đối với một số doanh nghiệp, điều này có nghĩa là giảm hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi một số doanh nghiệp sẽ mở rộng thêm. Và đối với nhiều doanh nghiệp, Trung Quốc với họ là "tất cả những điều trên."