Trăn trở với 'mỏ vàng' du lịch nông nghiệp

Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt Tours - 16:45, 16/02/2023

TheLEADERDu lịch nông nghiệp (bao gồm cả nông thôn) lâu nay chưa có trong chương trình giảng dạy của các trường đại học, thậm chí không có cả chuyên đề lẫn ngoại khóa. Sau đại dịch Covid - 19, du lịch nông nghiệp được quan tâm, trở thành xu thế tất yếu toàn cầu.

Thực tế, du lịch nông nghiệp, gắn với làng nghề và các trải nghiệm đã góp mặt từ rất lâu, cụ thể là loại hình du lịch cộng đồng. Được cả nhà nước lẫn NGO (tổ chức phi chính phủ) hỗ trợ nhưng không thành công bởi cách làm nặng về ban phát, làm để báo cáo, tuyên truyền, thiếu liên kết. 

Nhiều nơi, người dân tự phát, mày mò tìm lối đi và đã xuất hiện những mô hình hiệu quả, ấn tượng với nhiều bài học lý thú, sáng tạo từ nông dân. Mới hay, sự sáng tạo không tùy thuộc học vấn.

Do tự phát, làm kiểu phong trào nên khó tránh khỏi thất bại. Từ việc cung không dựa vào cầu, thiếu sản phẩm đặc trưng đến mối quan hệ với các doanh nghiệp lữ hành. 

Tới cuối năm 2021, du lịch nông nghiệp chủ yếu là du lịch cộng đồng của các hộ gia đình làm du lịch cá thể, lẫn liên kết lập hợp tác xã, bản làng du lịch. Cần kíp có bộ quy chuẩn về du lịch nông nghiệp, từ hình thái đầu tư, loại hình lưu trú, điểm đến…để người dân chọn lựa.

Năm 2006, tôi đưa khách đến bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) và ngỡ ngàng bởi mô hình homestay lúc đó. Bản đẹp như tranh, chân quê, tinh tế; chưa tới 10 hộ tham gia. 2016, trở lại bản Lác, tôi sững người vì sự xô bồ. Cả trăm homestay chen chúc, hàng chục xe điện giành giật khách, hàng lưu niệm Trung Quốc tràn ngập… Nhà nào cũng có dàn âm thanh khủng, dịch vụ xuống cấp, không gian văn hóa biến dạng.

Trong khi các mô hình mới, được cách tân, bám sát nhu cầu của khách, vẫn giữ bản sắc nên bản Lác tụt hậu; trở thành điển hình thất bại; cảnh báo các nơi mon men làm du lịch cộng đồng nông nghiệp.

Bản làng du lịch cộng đồng nông nghiệp

Bản Sin Suối Hồ (người H’Mông), xã Sin Suối Hồ, Phong Thổ, Lai Châu, cách quốc lộ 4D 30km và biên giới Việt – Trung hơn 2km, chỉ xe 29 chỗ vào được. Bản hiện có 150 chỗ ngủ, bằng 1/5 dân số. Người dân cực kỳ sáng tạo, từ việc xếp đá làm đường, làm homestay, nhà ăn cho đến trang trí bản, tạo việc làm bằng nghề trồng địa lan, thiết kế các hoạt động… Mọi kiến trúc được bảo tồn, phát huy tối đa văn hóa bản địa; sạch đẹp, thuần khiết. Là trọng điểm ma túy, tệ nạn; bản mất 10 năm để xóa sổ (1995 – 2005), 5 năm phục hồi các giá trị văn hóa (2005 - 2010), 5 năm chuẩn bị hạ tầng (2010 – 2015) và hoạt động du lịch từ 2016. Năm 2019, bản đón gần 20.000 lượt khách. Năm 2020 được vinh danh là làng du lịch cộng đồng tiêu biểu cả nước.

Những điểm sáng của du lịch nông nghiệp
Thác Trái Tim ở bản Sin Suối Hồ, Lai Châu

Bản Thái Hải (người Tày) hay làng Du lịch Sinh thái xóm Cường, xã Thịnh Đức, Thái Nguyên. Hơn 200 dân bản luôn tự hào vì “sống chung bản, làm chung việc, ăn chung nhà, xài chung tiền”. Mọi người đùm bọc, thương yêu, chăm sóc nhau như đại gia đình. Bản tự cung tự cấp thực phẩm thuận thiên, có trường mầm non và tiểu học nội trú miễn phí. Ngoài bảo tồn văn hóa, bản tập trung khôi phục các bài thuốc cổ truyền và dưỡng thực chữa bệnh của người Tày. Được cấp phép hoạt động từ 2014; hiện có 280 chỗ ngủ, chưa kể camping, nhà hàng 500 chỗ. Năm 2019, đón hơn 25.000 lượt khách. Năm 2022 được vinh danh Top 32 “Bản du lịch cộng đồng tốt nhất thế giới”.

Cụm du lịch cộng đồng Mai Hịch (người Thái), xóm Hịch 2, xã Mai Hịch, Mai Châu, Hòa Bình. Sin Suối Hồ và Thái Hải, người dân tự phát làm du lịch, tư vấn chỉ góp ý thêm. Mai Hịch được NGO tài trợ tư vấn, cầm tay chỉ việc. Homestay Minh Thơ, tiên phong, cải tạo nhà sàn cấp 4 và chuồng trâu bỏ hoang, đầu tư chưa đến 400 triệu, hoạt động từ 2013, hiện được nâng cấp, có một số phòng riêng, hồ bơi sinh thái (cải tạo ao cá). Cụm thể hiện tính cộng đồng trong mọi hoạt động; hiện có 8 homestay, 170 chỗ ngủ và 4 đội văn nghệ, đặc biệt là sản phẩm đi bè tre trên suối Xia. Năm 2019, cụm đón trên 20.000 lượt khách, chưa kể khách tham quan, ăn trưa.

Những điểm sáng của du lịch nông nghiệp 1
Một góc cụm du lịch cộng đồng Mai Hịch, Mai Châu, Hòa Bình
Những điểm sáng của du lịch nông nghiệp 2
Đi bè tre ở suối Xia (Homestay Minh Thơ, Hòa Bình)

Hộ nông dân làm giàu nhờ du lịch

Hiện có khá nhiều hộ nông dân thoát nghèo và làm giàu chính đáng bằng du lịch.

Homestay A Chu (dân tộc H’Mông) xã Hua Tạt, Vân Hồ, Sơn La). Tư vấn hỗ trợ thiết kế nâng nhà sàn, huy động vốn gia đình và cả vay nóng chưa tới trăm triệu xây dựng homestay khang trang với 25 chỗ ngủ, hoạt động từ cuối 2016. Nay có thêm 9 bungalow và liên kết với một số hộ khác về lưu trú. Năm 2019, đón hơn 20.000 lượt khách; được vinh danh là điển hình cả nước năm 2018 và đề nghị nhân rộng.

Những điểm sáng của du lịch nông nghiệp 3
Welcome Drink ở Homestay A Chu (Sơn la)

Homestay Út Trinh, xã Hòa Ninh, Long Hồ, Vĩnh Long. Xuất thân là Hướng dẫn viên tuyến điểm, làm homestay từ năm 2009 với nhà cổ 5 phòng nghỉ, giá phòng tương đương 4 sao. Hiện có 5 nhà cổ 43 phòng nghỉ; đội tàu chuyên nghiệp gồm 29 chiếc, từ 14 - 49 chỗ ngồi với các tour trải nghiệm khép kín như một công ty du lịch. Giá trị tài sản hàng chục tỷ đồng.

Homestay Hoa Ếch. Vốn là người trồng hoa, nuôi ếch trong làng hoa kiểng Sa Đéc, Đồng Tháp. Được nhà nước hỗ trợ tư vấn và vay ưu đãi, xây dựng homestay Hoa Ếch và khai trương đầu năm 2018. Hiện nay Hoa Ếch có 24 chỗ ngủ với 7 phòng riêng (có thể ngủ ghép được 40 người) và nhà hàng bờ sông 250 chỗ. Năm 2020 dù dịch bệnh, Hoa Ếch vẫn nộp thuế 80.000.000 đồng, gấp 40 lần khi trồng hoa và nuôi ếch.

Việt Nam có nhiều điểm du lịch nông nghiệp theo mùa và quanh năm.

Làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP. Hội An, Quảng Nam. Làng hơn trăm tuổi, rộng 18ha, gần 200 hộ, cung cấp mỗi năm gần 1.000 tấn rau tự nhiên đủ loại, trồng thuận thiên. Mọi người đều niềm nở, thân thiện, xem khách như người nhà. Khách có thể vào tham quan trải nghiệm bất cứ vườn nào, dù không có mặt chủ. Đặc biệt đường quốc lộ có lối đi riêng cho xe đạp duy nhất tại Việt Nam. Đây là mô hình "Điểm du lịch nông nghiệp bền vững".

Những điểm sáng của du lịch nông nghiệp 4
Đạp xe về Làng rau Trà Quế

 Các điểm triển vọng

Các vườn nho Phước Thể, Tuy Phong, Bình Thuận. Từ 2018, các chủ vườn ở Phước Thể lập tổ hợp tác, phân công từng nhà vườn để quanh năm nho đều ra trái, đón khách. Về quy mô và dịch vụ, chưa thể bằng vườn nho Ba Mọi (Ninh Thuận) nhưng nhờ tính cộng đồng và sát đường quốc lộ 1 nên lượng khách ghé đông hơn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên cần cải thiện thêm dịch vụ và chất lượng sản phẩm.

Đồi chè (trà) xã Thanh An, Thanh Chương, Nghệ An. Dù không phải là thủ phủ chè như Thái Nguyên hay Bảo Lộc (Lâm Đồng) nhưng nhờ địa hình với các đảo chè bậc thang giữa mênh mông nước biếc, đọ sắc xanh giữa trời, nước và cây. Hạn chế là cách xa thành phố Vinh 70km, chưa có lưu trú và các dịch vụ tương xứng.

Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, cách TP. Cần Thơ 6km; diện tích gần 75ha và 79 hộ dân, nhà nào cũng có vườn cây ăn trái và ao nuôi thủy sản. Cồn Sơn mùa nào trái đó. Khách có thể cho cá ăn, chơi với cá; đặc biệt là xem cá lóc bay. Hơi tiếc là chưa có lưu trú. Nếu giải quyết được xung đột âm ỉ giữa các hộ dân với địa phương và quản lý ngành, du lịch Cồn Sơn sẽ là điểm sáng của Nam bộ.

Cồn Chim, xã Hòa Minh, Châu Thành, cách TP. Trà Vinh 10km. Xóm rộng 60ha và 220 dân, sống thuận thiên theo mùa, làm ruộng, nuôi và đánh bắt thủy sản. Mọi thứ chân quê như tính cách đặc trưng Nam bộ, thích nhất là đạp xe, đi bộ quanh xóm, trò chơi dân gian, thưởng thức món ngon đồng quê. Tiếc là dịch vụ lưu trú chưa chuẩn. Đang tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ môi trường lẫn cảnh quan vì sang nhượng đất.

Xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận; ngay quốc lộ 55, cách Bảo Lộc 30km; trọng điểm sầu riêng, bơ, cà phê, mít, macca… Độ cao 750, khí hậu mát mẻ, có “Nhị hồ và Tam thác” là Hàm Thuận (2.400ha), hồ Đa Mi (625ha); thác Sương Mù (cao gần 100m), thác 9 tầng, thác Mây Bay. Chùa Quan Âm ở độ cao 864m (các tên gọi khác là chùa Thiên Mai, Ngàn Thông, Ngàn Sao…)..Linh địa thánh Antôn với tượng cẩm thạch trắng nguyên khối, cao 17m và những bộ bàn ghế “gốc cây ngậm đá”. Homestay Đa Mi UFO bằng tre, 2 tầng, là công trình lưu trú độc đáo nhất ở Việt Nam hiện nay.

Những điểm sáng của du lịch nông nghiệp 5
Một góc hồ Hàm Thuận ở xã Đa Mi, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận
Những điểm sáng của du lịch nông nghiệp 6
Gardenstay UFO Đa Mi
Những điểm sáng của du lịch nông nghiệp 7
Một góc nhỏ Đa Mi

Nét chung các mô hình là thuận thiên với 4 không – “không hóa chất độc hại” – “không tận diệt sản vật” – “không karaoke” – “không tệ nạn” (ma túy, mại dâm, rượu chè, cờ bạc).

Những mô hình sáng tạo nhất là của nông dân, chuyên gia chỉ góp ý thêm về nghiệp vụ. Thực tế đã khẳng định, ai cũng có thể làm du lịch, từ tiểu học đến đại học, kể cả người mù chữ. Về lý thuyết, quan hệ “Chính quyền – Hộ dân và Doanh nghiệp – Nhà tư vấn” là mô hình tam giác đều, có tác động thúc đẩy và hỗ trợ lẫn nhau. Thực tế các điển hình, hộ dân và doanh nghiệp là nhân tố quyết định hiệu quả.

Những điểm sáng của du lịch nông nghiệp 8
Múc nước bằng gáo tre ngà ở giếng làng

Chỉ sắp xếp lại một chút, các vườn nho Hồng Ngự, vườn chà là Sa Đéc (Đồng Tháp) trở thành điểm check in thú vị của du khách. Từ lâu làng hoa kiểng Sa Đéc, vườn hồng Lai Vung (Đồng Tháp), vườn nho Ninh Thuận, vườn chôm chôm và sầu riêng Bến Tre, vườn dâu đỏ Phú Yên, vườn cam Cao Phong (Hòa Bình), vườn vải Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương)… đã trở thành điểm hẹn của du khách gần xa.

Quy mô hơn là cánh đồng bạt ngàn hoa hướng dương (Nghệ An), tam giác mạch (Hà Giang), ruộng bậc thang (Y Tý và Tây Bắc). TP. Pleiku (Gia Lai) có vườn rau sạch khép kín trong khu du lịch Nhà Tôi rất hay. Huyện Tiên Phước (Quảng Nam) có trường gia lũy, hệ thống hàng rào và lối vào nhà bằng đá xếp, như mê cung. Rất nhiều đoạn đường nông thôn mới các tỉnh đẹp hơn tranh. Nhiều danh thắng địa phương còn hoang sơ, chỉ cần vài điểm nhấn check in sáng tạo là có thể làm du lịch.

Vài đề nghị chủ quan

Cùng với xu thế lên ngôi của du lịch nông nghiệp sau đại dịch, tôi mạo muội đề xuất: 

Thứ nhất, thành lập bộ phận chỉ đạo phối hợp giữa Văn phòng Điều phối nông thôn mới và Cục Du lịch Quốc gia để phát triển du lịch nông nghiệp bền vững; bảo tồn kiến trúc, làng nghề, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế đô thị hóa kệch cỡm. Hình thành bộ phận truyền thông để quảng bá du lịch nông nghiệp tốt hơn. Thống nhất quy chuẩn du lịch xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ người dân cụ thể.

Thứ hai, định kỳ tổ chức các cuộc thi “Làng, bản du lịch cộng đồng hiệu quả nhất”; “Homestay – Gardenstay - Villagestay sáng tạo nhất”; “Đường làng đẹp nhất”; “Vườn nhà xinh nhất”; “Điểm check in độc đáo nhất”… tạo hiệu ứng và kích cầu du lịch.

Thứ ba, hỗ trợ thực tế. Thay vì cho vài chục triệu, tặng máy lạnh, nhà vệ sinh thì tặng lãi suất hoặc cho vay ưu đãi. Đoạn tuyệt làm du lịch kiểu phong trào hoặc “Gắp đồ ăn cho khách”. Lựa chọn các nhà tư vấn thực tiễn, có mô hình hiệu quả, dám đồng hành và bảo hành dự án. Thí điểm rồi từng bước mở rộng.

Cuối cùng, quy hoạch phát triển từng vùng, tránh kiểu làm du lịch “sinh sản vô tính”, lạm dụng thuật ngữ, đua nhau làm homestay, farmstay; cung vượt quá cầu. Cần thống nhất thuật ngữ. Các homestay (ở chung với dân) phù hợp với đô thị. Nông thôn phổ biến là Gardenstay (lưu trú giữa vườn) hoặc Villagestay (lưu trú giữa bản làng). Nếu có trang trại mới làm Farmstay.

Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã góp phần thay đổi diện mạo bản làng. Từ tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, nộp ngân sách đến đẩy lùi các tệ nạn, xây dựng nông thôn mới. Những việc này không quá khó, nếu biết cách làm.