Chứng khoán ngày 7/8: Điểm tựa từ ngân hàng không đủ để VN-Index đảo chiều

Minh Nhật - 21:47, 07/08/2018

TheLEADERMột số cổ phiếu ngân hàng đã thu hút sự chú ý hôm nay gồm VCB, BID, CTG với mức tăng giá khá ổn định trong phiên, tạo điểm tựa chính cho chỉ số VN-Index. Tuy nhiên, vẫn không đủ khi các 'ông lớn' khác lại giảm sâu.

HOSE - Nhóm ngân hàng 'bất lực' 

Đây là phiên thứ 5 liên tiếp VN-Index quanh quẫn quanh ngưỡng kháng cự 960 điểm mà chưa có sự bứt phá thực sự về mặt điểm số. Mốc tròn điểm tiếp theo 970 đang còn quá xa khi lực nâng đỡ không có sự chắc chắn. Biên độ dao động các phiên gần đây đang dần trở nên hẹp lại. Theo CTCK SHS, dòng tiền cũng đang yếu dần đi sau hai tuần liên tiếp gia tăng khá tốt nhờ chất xúc tác là kết quả kinh doanh quý II được công bố.

Thêm nữa, CTCK Tân Việt – TVSI cho rằng trên biểu đồ ngày, VN-Index vẫn đang trong nhịp hồi phục ngắn hạn, mặc dù vậy những cây nến nhỏ hình thành liên tiếp thể hiện sự lưỡng lự của dòng tiền, bên cạnh đó đà tăng không có sự lan tỏa mà chủ yếu nhờ sự nâng đỡ của nhóm vốn hóa lớn khiến cho rủi ro ngắn hạn đang có sự gia tăng.

Kịch bản trở lại xu hướng giảm giá cần được tính đến khi mà đây vẫn chỉ được coi là nhịp hồi phục kỹ thuật. Tỷ lệ margin đã suy giảm những vẫn đang ở mức cao là rủi ro cần được lưu ý ở hiện tại.

Bước vào phiên giao dịch hôm nay, chỉ số VN-Index mở cửa trong sắc đỏ khi phần nhiều mã có vốn hóa lớn phải chịu áp lực bán mạnh từ sớm. Chưa hết 15 phút khớp lệnh liên tục đầu, VN-Index đã lao dốc xuống đáy thấp nhất trong ngày tại 953,71 điểm, giảm 7 điểm so với tham chiếu (-0,68%).

Tại đáy này, dòng tiền nhập cuộc, sắc xanh dần trở lại trên bảng điện tử, một số mã lớn giảm sâu trước đó có sự cải thiện đáng kể trên biểu đồ giá. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng tạo thành điểm tựa lớn nhất trên thị trường từ sớm với điểm nhấn VCB khi tăng vọt lên hơn 4%, theo sau là BID và CTG với mức tăng giá trên 2%. Ngoại trừ, TCB giằng co mạnh quanh mốc tham chiếu.

Chỉ số VN-Index được kéo lên trên mức tham chiếu và duy trì được 25 phút ngắn ngủi. Đây cũng là thời gian duy nhất trong ngày chỉ số này mang sắc xanh, đạt mức cao nhất trong ngày tại 962,02 điểm, tăng 0,19%.

Tuy nhiên, sau đó, áp lực chốt lời trở lại khiến các mã như VNM, VIC, VHM, GAS nới rộng đà giảm, cùng sắc đỏ nhập cuộc của SAB, thêm nữa các cổ phiếu ngân hàng cũng bị hãm đà tăng. VN-Index lao dốc trở lại và tạm nghỉ trưa tại 955,31 điểm, giảm 5 điểm so với tham chiếu (-0,51%). Cùng với đó, số mã giảm giá đã lấn áp trên bảng điện tử.

Trong top 10 mã có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn sáng nay, các mã mang sắc đỏ chiếm số đông gồm VNM giảm 3,5%; SAB giảm 2,3%; GAS giảm 1,2%; VIC giảm 1%; VHM giảm 1%; TCB giảm 0,2%. Các cổ phiếu tăng giá còn lại gồm VCB vẫn tăng khá 3,2%; CTG tăng 1,3%; BID tăng 0,9%; MSN tăng 1%.

Về nhóm ngân hàng, ngoại trừ các mã kể trên, mã tăng giá còn MBB tăng 0,2%; HDB tăng 2,1%; STB tăng 0,4%; TPB tăng 0,4%. Mã giảm có thêm EIB với 0,4%. TPB bị kéo xuống giá tham chiếu.

Đến chiều, dòng tiền đột ngột cẩn trọng, lực cầu trở nên hiếm hoi. Điều này khiến tình trạng khớp lệnh khá dè dặt. Trong khi đó, áp lực chốt lời vẫn đang tiếp tục lấn áp thị trường, các mã có ảnh hưởng lớn đến chỉ số chính gần như không có sự cải thiện về giá. VN-Index vài lần đi lên nhẹ đều dựa vào lực kéo của một số cổ phiếu ngân hàng lớn do vẫn còn duy trì được sắc xanh và thu hút dòng tiền khá.

Tuy nhiên, về gần cuối phiên, điểm tựa lớn nhất này cũng đang suy yếu dần, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 956,79 điểm, giảm 3,44 điểm (-0,36%).

Chứng khoán ngày 7/8: Điểm tựa từ ngân hàng không đủ để VN-Index đảo chiều

Khối lượng giao dịch giảm mạnh 29% so với phiên trước, đạt 162 triệu đơn vị, tương ứng với 4,86 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Chốt phiên có 118 mã tăng giá, 166 mã giảm giá và 56 mã đứng giá. Trong đó có 7 mã tăng trần và 10 mã giảm sàn.

VNM (-4,32%), GAS (-2,19%), VHM (-1,38%) và VIC (-1,08%) là 4 mã tạo gánh nặng lớn nhất cho chỉ số VN-Index hôm nay khi việc cướp tới 7 điểm.

Ở phía ngược lại, lực nâng đỡ lớn nhất đến từ VCB (+4,24%) và MSN (+2,98%) khi đóng góp lần lượt 2,98 điểm và 1 điểm ảnh hưởng.

Theo sau VCB còn có BID tăng 2,24%; CTG tăng 0,88%; HDB tăng 0,98%; TPB tăng 0,63%. Phần còn lại của nhóm ngân hàng giảm nhẹ về giá gồm TCB giảm 0,18%; MBB giảm 0,22%; EIB giảm 1,41%. VPB và STB dừng ở giá tham chiếu.

Về khối lượng giao dịch, mã FLC (-2,66%) với 13,5 triệu đơn vị dẫn đầu sàn HOSE. Tiếp theo là HAG (-5,67%) với 7,2 triệu đơn vị và VCB (+4,24%) đạt 5,5 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, sàn HOSE đã chuyển sang tỷ đồng. Cụ thể, VIC dẫn đầu sàn về thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài với 7,2 triệu đơn vị được giao dịch. Theo sau là HPG, VCB, MSN.

Ngược lại, mã chứng khoán bị khối ngoại xả mạnh nhất là VIC với 7,6 triệu đơn vị. Theo sau là HPG, VNM, VCB.

Trong phiên giao dịch hôm nay, 3 mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày gồm TVS (CTCP Chứng khoán Thiên Việt) tăng 14,7 lần; HTT (CTCP Thương mại Hà Tây) tăng 4,5 lần, AST (CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco) tăng 4,2 lần.

HNX - Giữ sắc xanh

Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, áp lực bán cũng gia tăng từ sớm lên các cổ phiếu chi phối khiến HNX-Index mở cửa trong sắc đỏ. Tuy nhiên, gần đến 10h, lực nâng đỡ trở lại khi ACB tích cực đi lên trên biểu đồ giá giúp chỉ số chính vọt lên trên mốc tham chiếu và duy trì cho đến chiều.

Trong bối cảnh áp lực bán vẫn còn mạnh, sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo trên bảng điện tử. HNX-Index vẫn chỉ trông chờ vào ACB và một số cổ phiếu hỗ trợ như SHS, PVI, TV2. Mặc dù không có sự tăng mạnh về điểm số, chỉ số này đã có phiên thành công hơn so với sàn HOSE khi đóng cửa tại 105,71 điểm, tăng 0,12 điểm (+0,11%).

Chứng khoán ngày 7/8: Điểm tựa từ ngân hàng không đủ để VN-Index đảo chiều 1

Khối lượng giao dịch giảm 3% so với phiên trước, đạt 36,2 triệu đơn vị, tương ứng với 0,48 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Chốt phiên có 69 mã tăng giá, 79 mã giảm giá và 54 mã đứng giá.

ACB (+0,85%) là mã chứng khoán đóng góp lớn nhất cho HNX-Index hôm nay với 0,18 điểm ảnh hưởng.

Cả phiên có 18 mã tăng giá kịch trần, 10 mã chạm sàn.

Về khối lượng giao dịch, PVS (-2,13%) dẫn đầu sàn khi đạt 6,8 triệu đơn vị. ACB (+0,85%) theo sau với 3,34 triệu đơn vị, SHB (0%) đạt 2,6 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, PVS là mã được khối ngoại mua vào nhiều nhất với 673 nghìn đơn vị. Ngược lại, khối ngoại xả mạnh nhất là PVS với 572,4 nghìn đơn vị.

Sàn HNX hôm nay, duy nhất mã SPP có khối lượng giao dịch đột biến hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày trước đó.