Nhân dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua Sở Du lịch TP.HCM tổ chức cho du khách trong và ngoài nước đến thăm trụ sở Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân TP.HCM. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, qua 2 ngày đón tiếp được hơn 51 đoàn với trên 1.500 lượt khách tham quan.
Trong đó điều bất ngờ, thú vị cho các du khách chính là Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xuất hiện trò chuyện thân mật, vui vẻ cùng du khách, thể hiện lòng hiếu khách của "thành phố nghĩa tình". Cách làm du lịch rất mới, rất sáng tạo từ việc mở cửa đón du khách đến thăm quan trụ sở ủy ban thành phố. Qua đó, chúng ta nhìn thấy được tính cầu thị rất lớn từ người đứng đầu thành phố để mong đầu tàu cả nước phát triển kinh tế mạnh mẽ trở lại. Đặc biệt lĩnh vực du lịch có cú hích đột phá để thu hút khách với nhiều mô hình thăm quan mới lạ, độc đáo.
Năm 2022 ngành du lịch thành phố đã nỗ lực vượt bật khi đưa tổng doanh thu của ngành ước đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 171,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng trên 33,3% so với kế hoạch. Khách quốc tế đến thành phố ước đạt 3,5 triệu lượt, tăng 100% so cùng kỳ năm 2021, đạt 100% kế hoạch.
Năm 2023, TP.HCM đặt kế hoạch đón 5 triệu lượt khách quốc tế, hơn 35 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu vào khoảng 160.000 tỷ đồng.
Tính đến hết 4 tháng đầu năm 2023 TP.HCM đã thu hút gần 1,4 triệu khách quốc tế (tăng 1.106,7% so với cùng kỳ năm 2022) và gần 10,6 triệu khách du nội địa (tăng 54,7% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng doanh thu đạt hơn 51 ngàn tỷ đồng (tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2022). Điều đáng mừng nữa là dịp lễ 30/4 vừa qua khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí ước khoảng 950.000 lượt, tăng 126,2% so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 là 420.000 lượt). Chỉ riêng khách quốc tế đến thành phố ước khoảng 48.000 lượt tăng 263,6% so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 là 13.200 lượt).
Với những con số trên có thể thấy ngành du lịch thành phố đang tích cực, ráo riết hành động để thu hút ngày càng nhiều du khách. Tuy nhiên bên cạnh đó, ngành du lịch thành phố cũng đối mặt với không ít khó khăn. Đặc biệt là sau đại dịch Covid ngành du lịch chưa hồi phục trở lại, đáng lưu ý là vấn đề lưu trú dài ngày.
Hiến kế cho du lịch thành phố
Hiện nay khách du lịch đến thành phố thời hạn lưu trú ngắn, chủ yếu là điểm đến rồi trung chuyển đi thăm quan các nơi khác của khách quốc tế. Để giữ chân khách không gì khác hơn là thành phố phải tạo ra được tính đa dạng trong sản phẩm du lịch. Ví dụ, thành phố khai thác du lịch tuyến đường sông nhưng đến nay việc triển khai còn chậm và chưa đồng bộ. Theo kế hoạch đang cập nhật triển khai thực hiện quy hoạch nhiều bến cảng, bến thủy nội địa theo quy định, phục vụ phát triển quy hoạch vận tải hành khách, kết hợp du lịch đường thủy, lựa chọn các bến cần ưu tiên đầu tư phát triển du lịch bằng đường thủy.
Vì du lịch đặc thù là ngành kinh tế tổng hợp nên rất cần sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung từ người lãnh đạo cao nhất, để đồng bộ từ khâu hạ tầng đến hệ thống khách sạn, nhà hàng, nhà ga sân bay, bến xe, nhà ga tàu hỏa, tàu thủy... đặc biệt nữa là các bến cảng nước sâu đón các siêu du thuyền cập cảng đưa khách vào thăm thành phố. Hạ tầng giao thông chưa tương xứng với đô thị hơn 10 triệu dân, nên tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng rất lớn đến việc di chuyển của du khách đến các điểm tham quan và điểm ăn uống.
Việc đầu tư cho giao thông là định hướng lâu dài, nếu tháng 6 này Quốc hội thông qua cho TP.HCM cơ chế đầu tư giao thông theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) có nghĩa phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng, sẽ giải quyết được rất nhiều cho bài toán lưu thông, cũng như giãn dân trong khu trung tâm.
Lúc đó, du lịch thành phố sẽ hưởng lợi từ cấu trúc của một hệ thống giao thông hiện đại, di chuyển nhanh hơn với nhiều sự lựa chọn về phương tiện di chuyển như Metro, các tuyến tàu chạy trên không, chạy trong lòng đất,... Trước khi hệ thống giao thông hiện đại hình thành trong tương lai thì việc xây dựng các app điều tiết, thông tin tình trạng kẹt xe trong nội ô thành phố nên được đẩy mạnh hơn.
Du lịch nội thành với các điểm tham quan lịch sử cần được chú trọng, như thăm Bến Nhà Rồng, Dinh Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích,... Mới đây, cách làm rất mới chính là thăm trụ trở ủy ban nhân dân thành phố. Qua đó không chỉ giáo dục lòng tự hào dân tộc mà còn là điểm nhấn trong các tour tuyến nội thành thành phố. Du lịch mua sắm cũng nên nâng tầm với việc chỉnh trang các trung tâm thương mại, tạo các tuyến xe công cộng, xe bus mui trần như thành phố đang làm nhưng cần làm thêm là tổ chức thả được khách ở những trung tâm mua sắm lớn, trong đó có các chợ như biểu tượng thành phố đó là chợ Bến Thành.
Song song các tuyến phố hoạt động mạnh về đêm như đường Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão thì rất cần thêm nhiều tuyến phố ẩm thực kết hợp với bán hàng lưu niệm khác nữa. Hiện theo thống kê khách quốc tế chi tiêu 3 triệu/ngày, trong khi khách nội địa vào khoảng 1,6 triệu/ngày khi đến du lịch tại thành phố. Muốn nâng mức chi tiêu lên thì hoạt động mua sắm tại thành phố cần nhiều sản phẩm độc lạ hơn, nhằm hấp dẫn du khách.
Đẩy mạnh du lịch các huyện ngoại thành. Bên cạnh địa đạo Củ Chi thuộc huyện Củ Chi nổi tiếng thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước thì thành phố còn có một huyện Cần Giờ với Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 21/1/2000, với hệ động thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn, đã được công nhận là khu du lịch trọng điểm quốc gia, nhưng thời gian qua chưa được quảng bá rộng rãi và khai thác hết tiềm năng cho du lịch. Huyện Cần Giờ còn là nơi mở toang cánh cửa ra với biển của thành phố nếu giao thông được kết nối dễ dàng đến các quận trung tâm, khi cầu Cần Giờ nối với huyện Nhà Bè được khởi công (hiện nay muốn qua thăm quan du lịch Cần Giờ phải đi bằng phà nên rất bất tiện).
Đặc thù là thành phố năng động, với đầu mối trung tâm thương mại dịch vụ cả khu vực phía Nam, với nhiều văn phòng đại diện quốc tế. Thành phố nên đẩy mạnh hơn nữa du lịch kết hợp hội nghị, kết hợp du lịch cùng với xúc tiến đầu tư; vừa là động lực phát triển du lịch vừa là đầu mối giúp cho các doanh nghiệp từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Miền Đông Nam bộ kết nối được với các nhà đầu tư quốc tế.
Những năm gần đây việc di chuyển của các doanh nhân vừa đi đánh golf ở một quốc gia mới, vừa du lịch, bên cạnh đó tìm hiểu môi trường làm ăn đầu tư. Đặc biệt nhóm khách hàng đến từ Hàn Quốc (xứ sở rất yêu môn golf), các doanh nhân đến từ Nhật Bản, Châu Âu. Do đó, nếu ngành du lịch thành phố chú trọng hơn nữa vào nhóm khách hàng mục tiêu này để cùng các doanh nghiệp xúc tiến tổ chức tour tuyến riêng biệt chuyên nghiệp hơn thì nhóm khách hàng này mang lại nguồn thu không nhỏ cho thành phố. Đặc biệt chi tiêu của nhóm khách này rất cao.
Hầu hết khách quốc tế đến Việt Nam đều khen ẩm thực, trong đó TP.HCM nơi hội tụ của nền ẩm thực cả nước, kể cả ẩm thực quốc tế. Do vậy, xây dựng, chuẩn hóa thực đơn, bên cạnh kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như giá cả sẽ mang lại sự yên tâm thật sự cho du khách.
Đến nay, điều mong mỏi của các công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn rất cần gói tín dụng hỗ trợ riêng cho ngành du lịch sau cú tê liệt hoàn toàn trong gần 2 năm đại dịch; nhưng vấn đề này chưa được quan tâm, hỗ trợ đúng mức. Đặc biệt các công ty lữ hành thiếu vốn để vận hành lại doanh nghiệp. Thường những công ty này không có thêm tài sản thế chấp do đó không được cấp thêm vốn từ các tổ chức tín dụng.
Thiết nghĩ ngành du lịch thành phố cùng các ngân hàng trên địa bàn tính toán có chính sách riêng về tín dụng giúp các công ty của ngành có vốn vực dậy sau cơn bạo bệnh Covid. Lãi suất ưu đãi, cho vay dài hạn, đặc biệt cấp vốn tín chấp (ở mức vừa phải, nếu ngân hàng đánh giá, xếp hạng tín dụng ở từng doanh nghiệp du lịch có uy tín và phương án kinh doanh hiệu quả). Uỷ ban nhân dân thành phố cũng nên trích một phần nguồn thu từ du lịch hỗ trợ ngược lại cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn như hỗ trợ lãi suất, cấp kinh phí nhiều hơn để xúc tiến quảng bá cho du lịch đến các thị trường mới bên cạnh thị trường truyền thống.
Cuối cùng, muốn du khách lưu trú lâu, tiêu tiền nhiều thì mỗi một người từ lãnh đạo đến người dân phải chung tay. Nụ cười trên môi của mỗi công dân thành phố cũng là cách thể hiện tính hiếu khách, giữ thành phố sạch đẹp, không vứt rác bừa bãi, không chèo kéo khách, không chặt chém khách về giá cả, đặc biệt taxi, xích lô. Những việc tuy nhỏ nhưng không chung tay thì khách đến sẽ đi ngay và không bao giờ muốn quay lại.