Thu cả Tây Bắc trong một Tủa Chùa

Khánh Vân - 08:58, 13/05/2021

TheLEADERĐịa danh Tủa Chùa hoàn toàn lạ lẫm khi chúng tôi xách ba lô lên đường chỉ vì nghe nói “có một nơi ở Điện Biên mà mọi nét hùng vĩ và vẻ đẹp của Tây Bắc như thu cả về đó”.

Ruộng bậc thang, cao nguyên đá, đồi chè shan tuyết, chợ phiên, ẩm thực đặc trưng vùng cao, đa số thành viên trong đoàn đều đã trải nghiệm ở các tỉnh vùng Tây Bắc. Tính hiếu kỳ đã mang lại cho chúng tôi một chuyến khám phá Tủa Chùa thật đáng công vượt đường xa, đèo cao để đến.

Không thể ngủ bởi chợ phiên

Đáng lý nên nghỉ ngơi sau một ngày đường vượt gần 500km từ Hà Nội tới Tủa Chùa, nhưng bắt gặp sự nhộn nhịp lạ thường ở một chợ thị trấn vùng cao vào buổi tối, cả đoàn từ nữ đến nam đều cất vội hành lý, đi xem chuyện gì ở chợ.

Thu cả Tây Bắc trong một Tủa Chùa
Chợ phiên Tủa Chùa đông vui thu hút khách du lịch

Hóa ra chợ Tủa Chùa đang họp chợ phiên hằng tuần. Được đi chợ phiên vùng cao Tây Bắc hay Đông Bắc luôn là mong muốn của tất cả du khách từ miền xuôi lên, nên gặp chợ phiên thì y như rằng quên hết mọi thứ để sà vào đó.

Không như những chợ phiên ở Tây Bắc thường chỉ họp vào một ngày là tan, chợ phiên ở thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa họp chợ từ tối thứ bảy đến tận chiều chủ nhật.

Người dân cho biết trước đây chợ phiên chỉ họp vào sáng chủ nhật ở phía sau nhà lồng, bà con dân tộc Mông, Thái, Dao xuống chợ bán gà vịt, lợn cắp nách, nông sản tự trồng, thảo dược khai thác ở rừng… rồi mua quần áo, nông cụ, đồ dùng gia đình.

Những người mua bán lan rừng, sâm rừng, nông sản đặc biệt của vùng cao như gừng củ nhỏ, nghệ đen, thảo quả, các loại thảo dược… từ các nơi tự nhiên tập trung về Tủa Chùa săn hàng của người dân địa phương khai thác hoặc có trồng ở nhà rồi mang đi bán. Họ hẹn hò mua bán vào tối thứ Bảy tại chợ Tủa Chùa. 

Bà con thấy xuống chợ bán hàng vào tối thứ Bảy rồi ở lại đi chợ phiên sáng chủ nhật luôn cũng tiện. Thế là chợ Tủa Chùa có thêm buổi chợ phiên đêm thứ Bảy khoảng hơn ba năm nay.

Thu cả Tây Bắc trong một Tủa Chùa 1
Khách du lịch cùng nhau ngồi ăn bánh rán với bà con dân tộc

Chúng tôi bị cuốn hút bởi những thứ hàng mà dưới xuôi không dễ kiếm, nhưng để thật sự nhìn ngắm chợ phiên đầy sắc màu, đúng bản sắc của vùng cao Tây Bắc, sáng chủ nhật, chúng tôi lại đến chợ từ 5 giờ sáng.

Chợ phiên thật là ngày hội của đồng bào dân tộc. Chợ phiên buổi sáng chủ nhật còn nhiều hàng hóa gấp mấy lần tối thứ Bảy. Người đi chợ không chỉ mua sắm mà còn tụ nhau ăn uống rất vui. 

Chúng tôi cũng tranh thủ mua vài món hay, lạ như mật ong rừng, rượu Mông Pê (rượu ngô của người Mông), lan rừng, sâm xuyên đá… rồi cùng nhau ngồi ăn bánh rán, uống rượu với bà con dân tộc để có cảm nhận đi chợ phiên trọn vẹn.

Những cánh đồng như tranh

Lấy được những hình ảnh đẹp của chợ phiên cho thỏa, chúng tôi mới bắt đầu lịch trình khám phá Tủa Chùa. Từ trung tâm thị trấn Tủa Chùa, mới đi khoảng 5km, ai nấy đã phải trầm trồ với màu trắng hoa trẩu phủ dày những thung lũng, sườn đồi, nổi bật những vạt rừng xanh dọc theo đường.

Thu cả Tây Bắc trong một Tủa Chùa 2
Cây trẩu nở hoa khắp những cung đường

Các bạn ở Điện Biên cho biết vào đầu mùa hè, cây trẩu nở hoa khắp những cung đường miền núi Tây Bắc. Hoa có cái tên rất mộc mạc, màu đơn sơ nhưng vì hoa nở từng chùm trắng muốt trên nền xanh của lá nên hoa trẩu làm sáng bừng những thung lũng, sườn đồi.

Thu cả Tây Bắc trong một Tủa Chùa 3
Cánh đồng rộng lớn trong thung lũng

Chưa kịp ngắm hết hoa trẩu, chúng tôi phải thả mắt nhìn những thửa ruộng bậc thang kéo dài từ xã Sính Phình tới xã Tả Phìn, có chỗ ruộng như những nấc thang từ đất làng lên tới đỉnh đồi, có chỗ ruộng xếp bậc thoai thoải trong thung lũng, chỗ khác ruộng lại được tạo hình xoắn ốc.

Thu cả Tây Bắc trong một Tủa Chùa 4
Cánh đồng xanh mướt trong bản làng

Ruộng bậc thang đẹp nổi tiếng ở xã Sính Phình là cánh đồng Tà Là Cáo và cánh đồng Đề Dê Hu. Còn ở xã Tả Phìn có cánh đồng Chiếu Tính là một trong những khu ruộng bậc thang rộng lớn, phì nhiêu nhất của huyện Tủa Chùa. Trên cánh đồng Chiếu Tính có một “chú ba ba khổng lồ”, đó là hình dáng độc đáo mà bà con dân tộc Mông khi làm ruộng bậc thang đã tạo tác nên.

Thu cả Tây Bắc trong một Tủa Chùa 5
Hình ảnh chú ba ba khổng lồ trên cánh đồng Chiếu Tính

Quá ngưỡng mộ thành quả lao động này, chúng tôi liền đề nghị với cán bộ huyện đi cùng: “Các anh hãy giúp chúng tôi cảm ơn bà con dân tộc Mông đã cho chúng tôi được ngắm một tuyệt tác. Thật lòng mong huyện hỗ trợ bà con duy trì hình ảnh “chú ba ba khổng lồ” trên cánh đồng Chiếu Tính như biểu tượng giới thiệu vẻ đẹp ruộng bậc thang của Tủa Chùa”.

Ngút ngàn cao nguyên đá

Không chỉ có ruộng bậc thang, Tủa Chùa còn níu chân chúng tôi khá lâu cả lượt đi lẫn lượt về bởi cao nguyên đá tai mèo ngút tầm mắt, kéo dài từ xã Tả Phìn, sang xã Tả Sìn Thàng, lên tận xã Sín Chải, đẹp không kém cao nguyên đá Đồng Văn ở Hà Giang. Cao nguyên đá cổ nhất, hoành tráng nhất ở Tả Phìn, dài khoảng 4 km theo trục đường liên xã (cách thị trấn Tủa Chùa khoảng 30 km), đi sâu dần vào bản làng khắp xã.

Thu cả Tây Bắc trong một Tủa Chùa 6
Cao nguyên đá tai mèo ngút tầm mắt

Thật thú vị khi thưởng ngoạn bãi đá Tả Phìn với nhiều phiến đá tai mèo to lớn xếp chồng nghiêng vào nhau, tầng tầng lớp lớp tạo nên nhiều hình dáng độc đáo. 

Những dãy núi đồi cứ sản sinh biết bao phiến đá tai mèo mỗi ngày, chúng đua nhau mọc từ thung lũng lên đỉnh đồi, hướng tua tủa lên trời như bảo vệ sự yên bình cho bản làng. 

Màu đá xám xịt nhưng cao nguyên đá không hề cằn cỗi bởi trong lòng đá, người dân vẫn trồng được hoa màu, hoa dại cũng mọc lên giữa khe đá làm nên những điểm nhấn lãng mạn.

Thu cả Tây Bắc trong một Tủa Chùa 7
Cao nguyên đá cổ hoành tráng nhất ở Tả Phìn, dài khoảng 4km

Nằm trong cao nguyên đá Tả Phìn, di tích “thành Vàng Lồng” là một công trình cổ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa của dân tộc Mông vùng núi Tây Bắc, đã được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật của tỉnh Điện Biên.

Theo lời kể của một số cụ già sống trong xã thì thành Vàng Lồng tại bản Tả Phìn 1 là do ông Vàng Chống Cáng, một người Mông giàu có xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVIII để bảo vệ ngôi nhà và tài sản của gia đình mình.

Thu cả Tây Bắc trong một Tủa Chùa 8
Bãi đá với nhiều phiến đá tai mèo to lớn xếp lớp lớp

Thành tròn có chu vi khoảng 440m, tường thành uốn lượn theo địa hình đồi núi. Vật liệu xây thành là đá, ghè, đẽo thủ công, ghép đá xếp chồng lên nhau, cao trung bình 2m, mặt thành phẳng rộng 1m, không những người mà ngựa cũng có thể đi lại được. 

Trải qua thời gian, dưới tác động của tự nhiên và con người, thành Vàng Lồng chỉ còn bờ thành phía Tây dài 110m và bờ thành phía Đông dài 90m, chiều cao có đoạn chỉ còn 1m.

Thu cả Tây Bắc trong một Tủa Chùa 9
Hoa dại mọc lên giữa khe đá làm nên điểm nhấn lãng mạn

Đánh giá thành Vàng Lồng là thành cổ, có quy mô lớn, cấu trúc độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Mông tỉnh Điện Biên, đang đứng trước nguy cơ xuống cấp ngày càng nghiêm trọng, huyện Tủa Chùa đã khoanh vùng bảo vệ, xây dựng phương án trùng tu, tôn tạo để gìn giữ di tích.

Thu cả Tây Bắc trong một Tủa Chùa 10
Di tích kiến trúc nghệ thuật Thành Vàng Lồng

Ước được nghỉ dưỡng trên đồi chè cổ thụ

Đang ở Tả Phìn có hơi nóng bởi thời tiết đầu hè, thế mà lên tới xã Sín Chải không khí dịu hẳn. Một đồi chè cổ thụ bao quanh cụm 4 - 5 ngôi nhà sàn, ánh nắng luồn qua những tán chè làm cho phong cảnh xóm nhỏ tận cùng con đường làng của thôn Hấu Chua đẹp lạ lùng.

Anh Đặng Tiến Công, Phó phòng văn hóa và thông tin huyện Tủa Chùa giới thiệu một cách tự hào: “Huyện có hơn 9.000 cây chè shan tuyết, đặc biệt có 4.000 cây chè cổ thụ, nhiều nhất là ở xã Sín Chải, còn lại ở các xã Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng”.

Thu cả Tây Bắc trong một Tủa Chùa 11
Khách du lịch tham quan đồi chè cổ thụ của ông Hạng A Chư

Ông Hạng A Chư, người đang chăm sóc đồi chè shan tuyết cổ thụ 500 cây vui vẻ tiếp chuyện những vị khách phương xa đến: “Đồi chè này tổ tiên của cụ cố đã trồng rồi để lại cho cụ cố tiếp tục chăm sóc, cụ cố để lại cho ông nội, rồi ông nội để lại cho bố, đến bố để lại cho A Chư. 

Tôi nay đã 60 tuổi, đồi chè này đã mấy trăm năm. Nhiều cây chè to cao, có cây phải 2 - 3 người ôm mới xuể. Hồi đó nhiều bà con bỏ đi nơi khác làm nương rẫy, không ai chăm sóc những cây chè, tiếc lắm. Giờ đã biết trồng cây chè này là cuộc sống khá lên, nên một số bà con trở về chăm sóc lại cây chè. Gia đình tôi quyết tâm giữ đồi chè này để lại cho con cháu”.

Thu cả Tây Bắc trong một Tủa Chùa 12
Nhiều cây chè to cao, có cây phải 2 – 3 người ôm mới xuể

Cách ông Hạng A Chư chăm sóc đồi chè là giữ đất sạch để chè phát triển tự nhiên, không bón phân hóa học, vào mùa khô thì không cắt cành. Hái chè mỗi năm 3 đợt: tháng 3, tháng 6 và tháng 9 âm lịch. Sau khi thu hoạch, vào tháng 10, ông mới tỉa cành, tạo tán. Trên cây chè có những quả chè, tháng 11, ông coi những quả nào tốt thì hái về làm giống, ươm thành cây chè mới. 

Ông cho biết một cân lá chè tươi bán để xuất khẩu là 100.000 đồng. Nhà ông có tự sao chè để bán. Không dễ được dịp đến tận gốc mua chè sạch, mấy khách du lịch chia nhau hết cả bao búp chè shan tuyết cổ thụ đã sao.

Chúng tôi ước gì nhà ông Hạng A Chư trở thành một homestay thì chắc chắn đồi chè này sẽ là nơi nghỉ dưỡng thú vị cho du khách muốn tận hưởng khí hậu trong lành, ngắm cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ với đồi chè shan tuyết cổ thụ quý hiếm vươn mình giữa ngút ngàn mây núi, rồi sáng sáng, chiều chiều thưởng thức từng ngụm chè nóng và cảm nhận những tinh túy của đất trời tụ lại trong hương vị chè trên vùng cao nguyên Tây Bắc này.