Khởi nghiệp
Bình thường mới ở The Coffee House
Tân CEO The Coffee House - ông Lê Bá Nam Anh khẳng định, sẽ không có khái niệm "Too big to fail" trong lĩnh vực chuỗi F&B, nhất là ở giai đoạn dịch bệnh này.
Mong ông chia sẻ những khó khăn mà ngành F&B nói chung, thương hiệu The Coffee House (TCH) nói riêng trong làn sóng Covid-19 lần thứ 4 vừa qua?
CEO Lê Bá Nam Anh: Không chỉ chúng tôi mà toàn bộ ngành F&B phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. 9 tháng vừa qua, ngành F&B chỉ hoạt động được 3 tháng 1,3,4, sáu tháng còn lại hoạt động trong dịch với các mức độ kiểm soát khác nhau. Kể cả có chuẩn bị kỹ, hầu như sức phục hồi cũng sẽ chậm.
Với The Coffee House, trong đợt dịch lần 4 này, hầu hết các cửa hàng của chúng tôi buộc tạm đóng cửa để tuân thủ quy định chống dịch. Số lượng cửa hàng lớn, chi phí cố định rất cao. Ngoài chi phí cho mặt bằng, nhân viên, khoản chi cho nguyên vật liệu vẫn phải trả cho nhà cung cấp dù không sử dụng vì mọi thứ đã được đặt mua lên kế hoạch trước 2 quý. Nên việc mất cân đối dòng tiền là thử thách lớn cho cả hệ thống.
Thêm vào đó, 2 tháng cao điểm giãn cách hoàn toàn, tương tác đặt hàng trên app và website cũng đóng băng do không có cửa hàng mở để giao hàng, dẫn đến sự gắn kết với khách hàng giảm đi. Nhiều nhân sự tỉnh lẻ và nhân viên văn phòng làm việc từ xa cũng gặp những vấn đề trong việc kết nối tinh thần với tổ chức, giảm động lực và gắn kết.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi vẫn phải nỗ lực để tồn tại và vượt qua khó khăn. Quý 2, 3 cũng là thời điểm The Coffee House cho ra mắt các sản phẩm cà phê hòa tan, cà phê lon uống liền được bán tại các cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử.
Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã mở cửa trở lại hoạt động 40% số cửa hàng thuộc các tỉnh thành lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Phòng,… Nhưng tất cả các tỉnh thành phố của chúng tôi vẫn chưa hoạt động được như công suất trước dịch, do vẫn còn các hình thức giãn cách khác nhau.
Xác định là Covid-19 không ngày một ngày hai biến mất, dịch có thể trở lại nhiều lần với các biến chủng mới và diễn biến phức tạp hơn, The Coffee House luôn đặt mình trong cảnh sống chung với dịch, ít nhất đến hết Quý 1 năm 2022.
Đại dịch Covid-19 có làm chậm kế hoạch phát triển của The Coffee House? Phía công ty có điều chỉnh gì về mục tiêu, kì vọng kinh doanh trong năm nay?
CEO Lê Bá Nam Anh: Thực tế mà nói, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển của The Coffee House. Những kế hoạch về mở thêm cửa hàng, phát triển các sản phẩm mới theo kế hoạch sẽ được thực hiện từ tháng 6 thì hiện tại chúng tôi đã dời sang cuối năm 2021.
Kể cả các kế hoạch mở mới, chúng tôi cũng sẽ thực hiện cẩn trọng và chọn lọc hơn, không mạnh mẽ được như xưa. Vì ngân sách dành cho hoạt động đầu tư đã phải dùng để duy trì hệ thống trong giai đoạn không tạo doanh thu vừa rồi.
Ít nhất từ nay đến cuối năm, The Coffee House sẽ mở lại toàn bộ số cửa hàng trên toàn quốc và thực hiện các dự định chuyển đổi mô hình phù hợp với tình hình Covid-19.
Doanh thu sẽ không phải là mối quan tâm duy nhất của chúng tôi. Sự hoạt động liên tục, sức khỏe thể chất, tinh thần của nhân viên, cũng như năng lực thích ứng cho bình thường mới của đội ngũ là ưu tiên để TCH trở lại mạnh mẽ và tăng tốc nhanh hơn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng cần tạo lại mối tương tác với khách hàng, khi khách chưa đến được cửa hàng thì chúng tôi cần kết nối với họ qua các kênh trực tuyến, để khách không quên mình.
Nhìn về dài hạn, các chiến lược mở rộng, đưa cà phê Việt ra nước ngoài vẫn không thay đổi. Đó chính là ước muốn và khát vọng của đội ngũ The Coffee House nói chung và bản thân tôi nói riêng.
Ông có thể đưa ra những dự báo nào cho thị trường F&B Việt Nam trong 1 năm tới? Ông đánh giá ra sao về nhận định "Too big to fail" với các chuỗi F&B lớn như The Coffee House trong đại dịch Covid-19?
CEO Lê Bá Nam Anh: Nghiên cứu sự quay trở lại của ngành F&B tại các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu thì thấy có sự tăng trưởng so với năm 2019, đó là hy vọng cho tương lai. Tuy nhiên, với các nước phát triển và có tương quan kinh tế với Việt Nam như khu vực Đông Nam Á thì khá khó đoán, do chưa có nước nào hoàn toàn thoát khỏi đại dịch.
Nghiên cứu gần đây cho thấy tổng thu nhập hộ gia đình của Việt Nam giảm đến 66,9% sau đợt giãn cách toàn quốc này so với trước Covid-19 và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục diễn biến xấu đi trong tháng 8, giảm 10,5% so với tháng trước và 33,7% so với cùng kỳ năm trước (WorldBank, 2021).
Do đó, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục theo dõi diễn tiến mở cửa trở lại và hành vi người dùng của các nước lân cận để có sự tham chiếu phù hợp với tình hình nước ta.
Những mô hình giao hàng, bán mang đi, phục vụ tại nhà và văn phòng sẽ lên ngôi trong tình hình mới. Đi kèm với đó là sản phẩm, kênh bán và thiết kế chuỗi cung ứng phù hợp với mô hình mới này. Do đó, cần phải tư duy lại toàn bộ các cấu thành của mô hình kinh doanh để đáp ứng được sự dịch chuyển này.
Trải nghiệm khách hàng cũng bước sang một giai đoạn đặc biệt, khi chúng ta thực sự bước hẳn vào "nhà" của khách hàng để mang lại cho họ một trải nghiệm như ở quán. Các yếu tố về tính linh hoạt, tiện lợi, an toàn được đề cao.
Làm sao để chất lượng sản phẩm được duy trì, giúp khách hàng vẫn có trải nghiệm kết nối và tương tác lẫn nhau với ly cà phê, vẫn muốn "cà phê nhé" dù trên không gian mạng là những thách thức để chúng ta sáng tạo hơn nữa.
Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, chứng kiến sự sụp đổ của tên tuổi lớn như Bear Sterns, Lehman Brothers, thậm chí đến hãng bảo hiểm AIG cũng phải nhờ chính phủ hỗ trợ trong khủng hoảng tài chính, tôi không tin vào khái niệm "Too Big To fail".
Không có bất cứ ngoại lệ nào cho ngành F&B tại Việt Nam. Đặc biệt, các chuỗi càng lớn, càng dễ mất kiểm soát nếu thiếu tập trung và sự hỗ trợ đóng góp của nhiều bên đối tác như ngân hàng, chủ nhà, nhà cung cấp, nhân viên...
Hiện tại, The Coffee House đang hiểu rõ mình có những lợi thế và thách thức của mình, nên rất cần sự hỗ trợ và chung tay từ các đối tác để cùng vượt qua đại dịch. Chúng tôi cảm ơn sự hỗ trợ từ các đối tác của The Coffee House trong thời gian vừa rồi và hy vọng sẽ đáp trả lại được lòng tin cậy trong tương lai khi đại dịch đã qua.
Thời gian gần đây, việc một số chuỗi cafe tại Việt Nam thu hẹp quy mô, đóng cửa, sang nhượng mặt bằng, cắt giảm nhân sự có phải chỉ báo "tiêu cực" dành cho thị trường này?
CEO Lê Bá Nam Anh: Tôi hoàn toàn chia sẻ và đồng cảm với các quyết định của họ. Nhưng không nghĩ đây hoàn toàn là chỉ báo tiêu cực. Những ngày qua, vẫn có các tín hiệu tích cực từ cộng đồng đón nhận sự trở lại của các hàng quán thân thuộc.
Nếu chỉ đóng và nghỉ hoàn toàn, đó là tiêu cực, nhưng tôi nhìn nhận đây là một tín hiệu để ngành dịch chuyển. The Coffee House sẽ là một thương hiệu chọn dịch chuyển.
Mình cắt giảm những thứ kém hiệu quả, chưa phù hợp để dồn nguồn lực cho các đổi mới. Trong ngắn hạn, sẽ có nhiều đau thương, nhưng dài hạn, chúng ta sẽ có nguồn tăng trưởng mới cùng với sự trở lại của nguồn thu cũ. Như vậy chả hay hơn sao.
Đâu là những chiến lược giúp TCH "sinh tồn" trong giai đoạn này, thưa ông?
CEO Lê Bá Nam Anh: Phải nhìn lại thật rõ nguồn và lực của chính mình để sinh tồn. Trước dịch, tài sản của chúng tôi là chuỗi 180 cửa hàng, hơn 2.500 nhân viên, sự gắn bó yêu thương của hơn 1 triệu khách hàng với hàng triệu ly nước được phục vụ mỗi ngày.
Covid-19 biến lợi thế số lượng cửa hàng của chúng tôi thành 1 khoản nợ trong ngắn hạn, nhưng tài sản quan trọng nhất là khách hàng vẫn còn. Như vậy, bài toán mới của tôi khác biệt hoàn toàn với các CEO trước, là làm thế nào để tăng trưởng số lượng và giá trị của mỗi khách hàng chứ không còn là tăng số lượng cửa hàng trong thời gian ngắn.
Một số công ty ở nước ngoài có số lượng cửa hàng ít hơn The Coffee House, nhưng giá trị công ty đó lại rất cao vì sở hữu tập khách hàng chất lượng với những những sản phẩm phục vụ nhu cầu riêng.
Khách hàng hiện hữu của The Coffee House đã trưởng thành và đã có thể tạo ra nhiều giá trị và thu nhập hơn, đòi hỏi cũng cao hơn nên sản phẩm và dịch vụ phải phát triển cho phù hợp. The Coffee House đã triển khai bán Gói WorkfromHome (bán hàng theo đăng ký), phục vụ cafe theo thói quen: 4 ngày - 7 ngày - 15 ngày - 35 ngày cho khách, hoặc giao mỗi ngày 1 ly sữa đá với giá cực kỳ cạnh tranh.
Với nhóm khách hàng trẻ hơn, chúng tôi vẫn phải tiếp tục tìm kiếm các "công thức" mới để phù hợp với lối sống Gen Z như bản chất trẻ trung mà thương hiệu hướng tới. Khách hàng chính là cốt lõi tạo sự thúc đẩy để dịch chuyển sang những mô hình mới, tạo kênh bán mới, sản phẩm mới, làm tốt hơn chuỗi cung ứng hiện có để khi bình thường cũ quay trở lại thì công ty cũng đã có nguồn tăng trưởng mới.
Ở hướng ngược lại, chúng tôi vẫn tiếp tục đàm phán với chủ cho thuê mặt bằng nhằm hỗ trợ giá thuê, đề xuất ngân hàng giảm lãi suất, giãn nợ trong mùa dịch. Các cửa hàng hiện có sẽ phải thực hiện chuyển đổi mô hình, công năng để kiểm soát chi phí và phù hợp với các yêu cầu mới như ba tại chỗ, giao hàng online là chủ yếu.
Chúng tôi cũng đã tổ chức tiêm chủng cho nhân viên và có kế hoạch thay đổi một số quy trình vận hành và tiếp tục tận dụng lợi thế công nghệ để mang lại sự an toàn cho nhân viên và khách hàng.
Một số nghiên cứu gần đây cho biết hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi. Vậy làm sao để The Coffee giữ chân người dùng, thưa ông?
CEO Lê Bá Nam Anh: Khách hàng của chúng tôi vốn đã quen với những trải nghiệm số hoá cùng The Coffee House. Hiện tại, khách hàng có thể đặt mua cà phê và các loại đồ uống The Coffee House ở rất nhiều nền tảng: App The Coffee House, Website, Call Center, các trang thương mại điện tử, ứng dụng giao đồ ăn (Baemin, ShopeeFood) các app thanh toán, app giao hàng...
The Coffee House chọn đầu tư app và hệ thống giao nhận hàng riêng để thiết lập quan hệ với khách hàng của mình kể cả khi họ không đến cửa hàng. Do đó, khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi thấy được những thay đổi đáng kể trong hành vi và thái độ mua hàng của khách hàng.
Đặc biệt giai đoạn giãn cách hoàn toàn vừa qua, gần như khách hàng không thể đặt hàng qua app/website. Tuy nhiên, lượng tương tác, hỏi thăm trên các nền tảng social listening không giảm nhiều. Khách thường xuyên hỏi về việc trở lại, menu và cách thức giao nhận khác… để mua về nhà thưởng thức cho thấy việc mua hàng online, bán hàng qua mạng sẽ tăng trưởng mạnh là chắc chắn.
Sau khi mở cửa trở lại, chúng tôi thấy đã có nhiều tín hiệu tích cực như việc gom order về chung cư uống chung, đặt combo nhiều loại cho 1 lần giao, đặt gói subscription định kỳ, và giảm các đòi hỏi về thời gian giao hàng (nhờ thấu hiểu tình hình khó khăn của dịch bệnh)… nhưng các phản hồi không nhanh như đợt năm ngoái, vẫn còn quá sớm để có thể biết khách hàng có sẵn sàng cho việc trở lại cửa hàng hay không.
Về những dự định tương lai cho những sản phẩm dịch vụ cho khách hàng, chúng tôi luôn muốn tạo bất ngờ cho khách hàng của mình, nên… hãy đợi nhé.
Ông có cho rằng, sự thay đổi về hành vi tiêu dùng sẽ tạo ra một sự dịch chuyển về mô hình kinh doanh quán cafe, cũng như cách thức phục vụ, bán hàng trong thời gian tới?
CEO Lê Bá Nam Anh: Như đề cập, cuối năm 2021, chúng tôi sẽ xây dựng thêm mô hình cửa hàng mới sẽ chuyên phục vụ mua mang đi và giao tận nơi ở TP.HCM, đến gần các nơi sinh sống, làm việc, mua sắm của khách hàng.
Theo kế hoạch, năm 2022 mô hình này sẽ được nhân rộng hơn ở các tỉnh thành khác trên cả nước. Chưa biết trước mô hình sẽ thành công hay không, nhưng chúng tôi đã và đang thử nghiệm. Chúng tôi cũng chào đón các đối tác sẵn sàng hợp tác để mở rộng mô hình này, nhằm tạo ra trải nghiệm mới cho khách hàng tại Nhà cà phê.
Đó là câu chuyện của các chuỗi lớn, vậy còn các quán cà phê nhỏ lẻ - tương lai nào đang đón chờ họ? Liệu có còn "cửa sáng" cho mô hình quán cà phê truyền thống?
CEO Lê Bá Nam Anh: "Mình Cà phê nhé" không chỉ là câu cửa miệng mời đi uống cà phê mà là một nhu cầu gặp mặt, tương tác. Người Việt Nam mình đã có văn hóa cà phê từ rất lâu rồi, chỉ trải qua 1 đại dịch chưa thay đổi được hoàn toàn.
Theo Vicofa, tiêu thụ cà phê nội địa của người Việt vẫn còn thấp, chỉ khoảng 10% nên dư địa tăng trưởng của ngành vẫn còn rất cao.
Không những vậy, The Coffee House nghĩ rằng, một ly nước ngon thôi chưa đủ, để làm thỏa mãn khách hàng thì cần nhiều hơn thế: từ không gian, dịch vụ, trải nghiệm pha chế tại chỗ, hương thơm, hệ thống hỗ trợ và chăm sóc khách hàng…để giúp cho khách hàng có được trải nghiệm tương tác với nhau thoải mái nhất.
Với quán cà phê nhỏ lẻ, tôi nghĩ vẫn sẽ có nhiều cửa sáng vì nhu cầu của khách hàng rất đa dạng. Họ còn có lợi thế là quy mô nhỏ nên dễ thay đổi để thích nghi hơn chúng tôi.
Xin cảm ơn ông!
Chuỗi cà phê The Coffee Houses được định giá hơn 1.100 tỷ đồng
Startup Ninja Van chính thức thành kỳ lân mới
Tại Việt Nam, Ninja Van gia nhập thị trường từ đầu năm 2018, thông qua việc xuất hiện trên ứng dụng Grab với tính năng Grab Express, chủ yếu là giao hàng liên tỉnh.
Startup game blockchain huy động 1,7 triệu USD
Sau khi gây quỹ thành công, Heroverse được kỳ vọng nối tiếp những bước tiến của Axie Infinity trên thị trường NFT Game.
Startup camera thông minh nhận vốn nửa triệu USD
Pavana nghiên cứu phát triển và sản xuất các loại camera thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo cho xe hơi, xe buýt, nhà máy và khu đô thị. Công ty quy tụ đội ngũ kỹ sư R&D có nhiều năm kinh nghiệm làm việc cho các tên tuổi ở Việt Nam.
Gỡ rào cản cho các tài xế công nghệ
Để hoạt động cung ứng, giao hàng vận hành trở lại, vẫn còn đó những rào cản liên quan tới việc xét nghiệm và tiêm vaccine Covid-19 cho các tài xế công nghệ.
Sacombank chi 33 tỷ đồng tri ân khách hàng mừng sinh nhật 33 tuổi
Từ ngày 9 - 31/12/2024, Sacombank triển khai chương trình “Đón sinh nhật vàng – Trọn tháng tri ân” với tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 33 tỷ đồng nhằm thay lời cảm ơn đến tất cả các khách hàng đã tin tưởng, đồng hành nhân dịp kỷ niệm 33 năm thành lập ngân hàng (21/12/1991 – 21/12/2024).
Gỡ vướng 34 dự án ở TP.HCM
34 dự án trên địa bàn TP.HCM đã được địa phương phối hợp với Tổ công tác của Chính phủ tháo gỡ vướng mắc.
Vì một tương lai không tiền mặt tại Việt Nam
NextPay mong muốn giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thanh toán số, đồng thời thúc đẩy xu hướng không tiền mặt tại Việt Nam.
Đạm Phú Mỹ ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới PHUMY
Đạm Phú Mỹ vừa đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ bằng việc công bố bộ nhận diện thương hiệu mới mang tên PHUMY, thể hiện khát vọng phát triển bền vững.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng 8,4%
Ngành sản xuất công nghiệp tăng mạnh trở lại sau một năm khó khăn nhờ vào sự bứt phá của các ngành chế biến, chế tạo và năng lượng.
Quảng Ninh sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình
Quảng Ninh đang không chỉ chuẩn bị cho những con số tăng trưởng, mà còn hướng tới một mô hình phát triển cân bằng, bền vững và sáng tạo.
Khi những thành phố lớn đều 'tắc thở'
Không khí, thứ ta hít thở mỗi ngày, đang trở thành mối đe dọa thầm lặng, đặc biệt ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM.