Chiếc ví của Shark Bình và bước nhảy vọt của ngành fintech

Việt Hưng - 11:40, 26/08/2023

TheLEADERTrong tương lai, Shark Bình dự báo những ví điện tử phổ biến ngày nay sẽ dần bị thay thế bởi thế hệ ví thứ tư "tất cả trong một" đang bắt đầu được ứng dụng rộng rãi như Google Wallet hay Apple Wallet.

Giống như nhiều người Việt Nam, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Tập đoàn NextTech có chiếc ví đầu tiên từ những năm học cấp 3. "Đó là câu chuyện cách đây 25 năm, khi ấy chiếc ví chủ yếu là đựng tiền mặt và giấy tờ cá nhân", ông Bình nói.

10 năm sau, người Việt có thêm một chiếc ví thứ hai là ví điện tử hoạt động với giấy phép trung gian thanh toán. Ví điện tử vận hành như một ứng dụng trên điện thoại, có khả năng thanh toán, chuyển tiền, liên kết với các tài khoản ngân hàng, dịch vụ tài chính.

Tới thế hệ thứ ba, Chủ tịch NextTech tin rằng, đó là sự kết hợp giữa ví truyền thống và ví điện tử. Ngay cả khi xu hướng thanh toán không tiền mặt trở nên phổ biến, thì nhiều dịch vụ hiện nay vẫn cần tới thẻ cứng truyền thống.

Tuy nhiên, hình thức này trong tương lai được ông Bình dự báo sẽ dần biến mất, khi thế hệ ví thứ tư đang bắt đầu được ứng dụng rộng rãi, như Google Wallet hay Apple Wallet là ví dụ điển hình.

Về cơ bản, Google Wallet và Apple Wallet là ứng dụng cho phép người dùng thanh toán không chạm tích hợp các thẻ ngân hàng, cũng như hỗ trợ lưu trữ thông tin cá nhân như: vé máy bay, tàu, xe, thẻ khách hàng thân thiết, quà tặng...

"Hình dung về một chiếc ví điện tử thế hệ mới có thể lưu trữ tất cả những gì mà ví truyền thống có, nhưng tiện lợi hơn, an toàn hơn, và tiết kiệm nhiều nguồn lực trong xã hội", Chủ tịch NextTech nhấn mạnh.

Theo ông Bình, sự phát triển của các ví điện tử nói riêng, ngành fintech nói chung đi song hành với xu hướng thanh toán điện tử và chuyển đổi số, đặc biệt là tại Việt Nam.

"Còn nhớ cách đây khoảng 3 năm, tại một sự kiện của NextPay (công ty trực thuộc NextTech), chúng tôi phải liên lục kêu gọi doanh nghiệp, người dùng chuyển đổi số, thì tới nay hoạt động này đã thực sự đi vào đời sống người dân", Chủ tịch NextTech kể lại.

Chiếc ví của Shark Bình và bước nhảy vọt của ngành fintech
Ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Tập đoàn NextTech

Từ người bán xôi, phở trên phố, tới các bà chủ tiệm tạp hóa, bà bán rau đều đã chuyển đổi số. Thanh toán bát phở ăn sáng qua hình thức chuyển khoản ngân hàng, hay mua rau ngoài chợ bằng mã QR với nhiều người đã trở thành một thói quen tiện lợi.

Đồng tình với quan điểm này, bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết, 85% người tiêu dùng ưa chuộng hình thức thanh toán trực tuyến và thanh toán không tiếp xúc, theo khảo sát của Visa năm 2022.

Đối tượng đóng góp 45% GDP cả nước là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đều đang xem xét chuyển sang sử dụng dịch vụ tài chính thế hệ mới, cũng như các giải pháp thanh toán hiện đại. 

Bà Dung gọi đây là bước nhảy vọt của hình thức thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam nói chung, và ngành fintech nói riêng.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2023 so cùng kỳ, giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng 52,35% về số lượng; qua phương thức mã QR tăng tương ứng 151,14% về số lượng và 30,41% về giá trị; qua POS tăng tương ứng 30,35% và 27,27% về giá trị.

Đóng góp cho kỳ tích tăng trưởng trên là mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ và mã QR đã liên tục được mở rộng và phát triển trong những năm qua, nhờ sự tham gia tích cực của các fintech hợp tác cùng các ngân hàng thanh toán tại Việt Nam.

Nhìn vào sự phát triển của các fintech tại quốc gia lân cận như Trung Quốc, người đứng đầu NextTech cho rằng các fintech tại Việt Nam đang có lợi thế hơn.

"Thời điểm các fintech Trung Quốc bùng nổ thì các ngân hàng tại đây còn khá lạc hậu. Trong khi ở Việt Nam, các tổ chức tài chính, ngân hàng chuyển đổi số song hành với các fintech và tạo ra một lực đẩy rất mạnh", ông Bình nói.

Chẳng hạn, từ cách đây 5 năm, NextPay đã bắt tay cùng Visa mở rộng mạng lưới các đơn vị chấp nhận thẻ tại Việt Nam lên hơn 150.000 điểm, bao phủ tất cả các ngành nghề kinh doanh và địa bàn trên toàn quốc.

Trong mạng lưới này, hơn 70% số doanh nghiệp là vừa và nhỏ, siêu nhỏ, trong số đó gần 50% doanh nghiệp chưa từng chấp nhận thẻ trước đây.

Chiếc ví của Shark Bình và bước nhảy vọt của ngành fintech 1
NextPay từng có kế hoạch trở thành công ty đại chúng đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực fintech

Ông Bình cho rằng, những hợp tác như vậy sẽ giúp khách hàng và doanh nghiệp sớm tiếp cận được những phương thức thanh toán mới, đồng thời mở ra cơ hội cải thiện doanh thu và khắc phục khó khăn sau dịch bệnh Covid-19.

Liên quan tới xu hướng ví điện tử thế hệ mới, Visa và NextPay tiếp tục hợp tác toàn diện và đặt mục tiêu sẽ mở rộng thêm 100.000 điểm chấp nhận thanh toán mới trong 3 năm tới, thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ.

NextPay dự kiến đưa ra thị trường sản phẩm N31 - giải pháp thanh toán toàn diện 3 trong 1 và Tap to Phone - giải pháp công nghệ biến điện thoại Android thành máy POS thanh toán thẻ không tiếp xúc, đón đầu xu hướng ví điện tử thế hệ mới.

Không chỉ theo đuổi các giải pháp thanh toán, bản thân NextPay cũng đầu tư vào các startup công nghệ như: PosApp (Giải pháp quản lý bán hàng), MySpa (Phần mềm quản lý CSKH Spa, Salon, Thẩm mỹ viện...) và MegaBiz (Hóa Đơn Điện Tử Vinvoice).

Ông Nguyễn Hữu Tuất - CEO NextPay cho biết: "Đã từng trải qua và thông cảm với nỗi đau chung với các startup công nghệ trong khâu bán hàng, NextPay liên tục đầu tư góp vốn hoặc hợp tác liên doanh để làm cầu nối giúp các startup có cơ hội tiếp cận với mạng lưới hàng trăm ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn quốc".

Thành lập từ năm 2013, đến nay NextPay có quy mô hơn 1.000 nhân sự, với 24 văn phòng đại diện trên toàn quốc. Công ty đặt mục tiêu chuyển đổi số cho 1 triệu doanh nghiệp với gần 20 sản phẩm trong hệ sinh thái Next360.

Trước đó, từng xuất hiện thông tin NextPay huy động 60-100 triệu USD nhằm niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán, và trở thành công ty đại chúng đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực fintech.