Chứng khoán ngày 1/8: Trụ đỡ yếu, VN-Index lội ngược dòng thất bại

Minh Nhật - 19:59, 01/08/2018

TheLEADERSau khi rớt thủng mốc 950 điểm vào cuối phiên, chỉ số VN-Index nhanh chóng đi lên nhưng không kịp khi lực nâng đỡ quá yếu và phần lớn đến từ 2 cổ phiếu năng lượng lớn GAS và PLX.

HOSE - Điều chỉnh

Chỉ số VN-Index đã vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý quan trọng 950 điểm vào hôm qua cùng với khối lượng giao dịch tăng vọt. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã tiếp tục được cải thiện. VN-Index đang hướng tới mốc tròn điểm tiếp theo. Tuy nhiên, sau 2 lần áp sát mốc 960 điểm thì chỉ số này vẫn chưa thành công. Thêm nữa vào chiều qua, áp lực chốt lời tăng mạnh ở một số blue-chips, đặc biệt là phần lớn thuộc nhóm cổ phiếu ngân hàng, tạo tín hiệu xấu cho phiên giao dịch hôm nay.

Sau khi mở cửa trong sắc xanh nhạt sáng nay, VN-Index bất ngờ vọt lên 960 điểm (+0,38%) và tạo mức cao nhất trong ngày. Tuy nhiên, chỉ số này vừa chạm ngưỡng kháng cự mới thì một số mã lớn đã vấp phải áp lực chốt lời gia tăng dẫn đến sự sụt giảm trên biểu đồ giá như VIC, MSN, TCB, VCB. Điều này khiến VN-Index bị bật trở lại mốc tham chiều và liên tục dao động với biên độ hẹp cho đến giờ nghỉ trưa.

Trong top 10 mã có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn sáng nay, chỉ có VIC tăng 0,6%; GAS tăng 2,5%; VCB tăng 0,7%; BID tăng 0,8%; TCB tăng 0,7%. Trong khi đó, các mã giảm còn lại có VNM giảm 0,8%; SAB giảm 0,2%; MSN giảm 0,2%; VHM giảm 1%, CTG giảm 0,6%.

Đến chiều, diễn biến của chỉ số VN-Index tệ hơn. Áp lực chốt lực tăng mạnh hơn khiến sắc đỏ ngày càng chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Các mã có ảnh hưởng lớn đến chỉ số chính tăng giá ngày càng ít. Lực nâng đỡ sụt giảm mạnh khiến chỉ số chính lao dốc mạnh và tạo đáy ngày tại 949,89 điểm (-0,68%).

Ngay khi VN-Index vừa thủng mốc 950 điểm, lực cầu bắt đáy hoạt động tích cực hơn. Chỉ số này được kéo trở lại, thu hẹp mức tổn thất trước đó và đóng cửa tại 952,77 điểm, giảm 3,62 điểm so với tham chiếu (-0,38%).

Chứng khoán ngày 1/8: Trụ đỡ yếu, VN-Index lội ngược dòng thất bại

Khối lượng giao dịch giảm 17% so với phiên trước, đạt 202 triệu đơn vị, tương ứng với 4,46 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Chốt phiên có 126 mã tăng giá, 169 mã giảm giá và 47 mã đứng giá. Trong đó, 13 mã tăng trần và 7 mã giảm sàn.

VHM (-1,54%) là mã tạo sức ép nhiều nhất cho VN-Index hôm nay với việc cướp đi 1,5 điểm.

Trong nhóm ngân hàng, ngoài trừ VCB tăng nhẹ 0,17% và HDB tăng 0,42% thì còn lại đều giảm khá gồm TCB giảm 0,9%; CTG giảm 1,7%; MBB giảm 1,49%; VPB giảm 1,11%; STB giảm 1,31%; EIB giảm 0,36%; TPB giảm 1,96%. Nhóm ngành này cũng tạo gánh nặng không kém VHM với 1,2 điểm ảnh hưởng.

Ở phía ngược lại, ngành năng lượng GAS (+1,03%) và PLX (+1,32%) là điểm tựa lớn nhất cho VN-Index vào cuối phiên với lần lượt 0,57 điểm và 0,35 điểm ảnh hưởng.

Về khối lượng giao dịch, mã FLC (-2,91%) với 22,2 triệu đơn vị dẫn đầu sàn HOSE. Tiếp theo là HAG (-6,82%) với 12,6 triệu đơn vị và HQC (tăng trần) đạt 10,7 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, sàn HOSE đã chuyển sang bán ròng 69,26 tỷ đồng. Cụ thể, HPG dẫn đầu sàn về thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài với 1,5 triệu đơn vị được giao dịch. Theo sau là HDB, VCB, VRE.

Ngược lại, mã chứng khoán bị khối ngoại xả mạnh nhất là PVD với 3 triệu đơn vị. Theo sau là VIC, VRE, HPG.

Trong phiên giao dịch hôm nay, 4 mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày gồm PAN (CTCP Tập đoàn PAN) tăng 9,2 lần; TEG (CTCP Tecgroup) tăng 4,9 lần; HQC (CTCP Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân) tăng 4,8 lần; PVD (Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí) tăng 4,2 lần.

Sau khi tăng giá nhẹ vào nửa phiên sáng, cổ phiếu PAN bất ngờ tăng trần cùng lực mua gia tăng mạnh. Mới đây, CTCP Tập đoàn PAN đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 với sự tăng trưởng doanh thu thuần tới 136% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.546 tỷ đồng. Doanh thu từ lĩnh vực kinh doanh Nông nghiệp (PAN Farm) và Thực phẩm (PAN Food) đóng góp lần lượt là 73% và 27%.

Cổ phiếu PVD tăng trần từ sớm, nhưng sau đó có sự điều chỉnh nhẹ trên biểu đồ giá và đóng cửa tại 57.700 đồng/1 cổ phiếu, tăng 6,9%. Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí đã công bố BCTC quý 2/2018 với việc báo lỗ ròng tới 67 tỷ đồng. Nếu lũy kế 6 tháng đầu năm nay, PV Drilling (PVD) lỗ ròng gần 300 tỷ đồng cao hơn khoản lỗ 253 tỷ đồng của nửa năm đầu 2017.

HNX - Trụ nâng đỡ yếu

Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, chỉ số HNX-Index duy trì sắc xanh nhạt trong toàn bộ thời gian phiên sáng. Đến chiều, các cổ phiếu chi phối hầu như đều chịu áp lực chốt lời mà lao dốc trên biểu đồ giá. Trụ nâng đỡ yếu dần khiến HNX-Index giảm sâu và đóng cửa tại 105,56 điểm, giảm 0,6 điểm (-0,56%).

Chứng khoán ngày 1/8: Trụ đỡ yếu, VN-Index lội ngược dòng thất bại 1

Khối lượng giao dịch tăng 18% so với phiên trước, đạt 47 triệu đơn vị, tương ứng với 0,6 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Chốt phiên có 59 mã tăng giá, 92 mã giảm giá và 59 mã đứng giá.

VCS (-3,15%) là mã chứng khoán tạo gánh nặng lớn nhất cho HNX-Index hôm nay với -0,24 điểm ảnh hưởng.

Cả phiên có 13 mã tăng giá kịch trần, 16 mã chạm sàn.

Về khối lượng giao dịch, PVS (+3,49%) dẫn đầu sàn khi đạt 10,6 triệu đơn vị. SHB (-1,23%) theo sau với 7,5 triệu đơn vị, KLF (0%) đạt 5,9 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, ACB là mã được khối ngoại mua vào nhiều nhất với 643 nghìn đơn vị. Ngược lại, khối ngoại xả mạnh nhất là ACB với 643 nghìn đơn vị.

Sàn HNX hôm nay, 3 mã có khối lượng giao dịch đột biến hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày trước đó gồm PGS, CSC, DGL.