Đằng sau kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn của VPBank

Trần Anh - 07:08, 30/05/2020

TheLEADERKhác với giai đoạn trước tập trung nhiều vào tăng trưởng nóng, VPBank hiện tại đòi hỏi tăng trưởng về lợi nhuận phải đi đôi với nâng cao hiệu quả.

Tại ĐHCĐ ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc ngân hàng cập nhật một thông tin quan trọng tới các cổ đông: Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank trong 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 5.100 tỷ đồng. 

Thậm chí, nếu tình hình kinh tế vẫn ổn định như hiện nay, lợi nhuận 6 tháng của VPBank có thể đạt trên dưới 6.000 tỷ đồng.

Con số lợi nhuận này tăng đột biến nếu so với mức lợi nhuận 4.343 tỷ đồng mà VPBank đạt được vào cuối quý 2 năm ngoái. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến kinh tế Việt Nam và toàn thế giới, việc VPBank vẫn duy trì lợi nhuận vượt trội được được xem là tín hiệu đáng mừng.

Mặc dù vậy, cả năm 2020, VPBank lại chỉ thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế 10.214 tỉ đồng, giảm nhẹ 1,1% so với năm trước. Tổng tài sản tăng 12,7% lên 425.132 tỉ đồng; dư nợ cấp tín dụng tăng trưởng 12,3% với 304.744 tỉ đồng. Tăng trưởng huy động ở mức khiêm tốn hơn với 10,4%. Tỉ lệ nợ xấu giữ ở dưới mốc 3%.

Lý giải về việc lợi nhuận kế hoạch thấp hơn khá nhiều so với tốc độ thực tế có thể đạt được, ông Vinh chia sẻ, kế hoạch năm 2020 của VPBank được xây dựng trên một sự xem xét cẩn trọng.

Sau thành công lớn năm 2019, ban lãnh đạo VPBank đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là tăng trưởng 25% với lợi nhuận 13.500 - 14.000 tỷ đồng cho năm 2020. Tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 ập đến gây khó khăn cho trong nước và thế giới, nên Ban lãnh đạo ngân hàng đã quyết định điều chỉnh kế hoạch nhằm bảo toàn tài sản và vượt qua khủng hoảng một cách an toàn nhất.

VPBank đã chủ động xây dựng 3 kịch bản kinh doanh khác nhau và mức lợi nhuận kế hoạch năm nay được xây dựng dựa trên kịch bản xấu.

"Có thể cổ đông nhìn thấy con số chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất giảm sẽ hơi buồn song đây là chỉ tiêu ban lãnh đạo ngân hàng cam kết trong bối cảnh dịch bệnh. Nếu diễn biến tích cực theo dự kiến là Covid-19 sẽ được kiểm soát ở Việt Nam và thế giới vào cuối quý 2, ban điều hành cũng đặt mục tiêu sẽ đạt kết quả cao hơn, khoảng 10 – 20%, phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh và sự phục hồi của nền kinh tế. Riêng với ngân hàng mẹ, mục tiêu lợi nhuận năm nay vẫn đề ra cao hơn 10 - 15% so với năm trước”, ông Vinh chia sẻ.

Đằng sau kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn của VPBank
Đại hội cổ đông của VPBank diễn ra ngày 29/5

Khá tự tin về việc VPBank sẽ vượt mức kế hoạch lợi nhuận năm 2020, song ông Vinh cũng nhấn mạnh lợi nhuận không phải là vấn đề ngân hàng tập trung hàng đầu.

2020 là năm thứ ba VPBank triển khai chiến lược 5 năm giai đoạn 2018 – 2022 nhằm đưa VPBank lên tầm cao mới, trở thành ngân hàng có giá trị lớn nhất trên thị trường, có sự trải nghiệm tốt nhất với khách hàng. Trong đó, VPBank sẽ phát triển thành một ngân hàng hoàn chỉnh, đặc biệt tập trung vào nhóm khách hàng bán lẻ.

Khác với giai đoạn trước tập trung nhiều vào tăng trưởng nóng, VPBank hiện tại đòi hỏi tăng trưởng về quy mô (cho vay, huy động, doanh thu,…) phải đi đôi với nâng cao hiệu quả, cải thiện được chất lượng tài sản, chất lượng huy động, chất lượng khách hàng, chất lượng vận hành.

Hiện tại, 4 hướng đi chính để bảo đảm tăng trưởng hiệu quả bao gồm việc đẩy mạnh các sản phẩm cho vay chiến lược; tăng cường CASA và ngân hàng giao dịch; đa dạng hóa thu nhập ngoài lãi và kiểm soát chi phí rủi ro.

Quá trình thay đổi được thể hiện rất rõ qua những con số trong báo cáo của ngân hàng. Nếu những năm trước đây, để thúc đẩy tăng trưởng, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của VPBank tương đối cao, từ 45 – 55% thì đến cuối quý 1/2020, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 33,1%.

Theo ông Vinh, “đó là kết quả của sự hợp lý hóa hệ thống vận hành, quản trị để ngân hàng ngày càng hoạt động hiệu quả hơn”.

Tất nhiên, không phải lĩnh vực nào VPBank cũng đang làm tốt. Chẳng hạn, tỷ lệ CASA của VPBank hiện vẫn còn đang ở mức khá thấp, một phần do đặc thù định hướng kinh doanh của ngân hàng.

Không phủ nhận những điểm yếu cần khắc phục, ban lãnh đạo của VPBank cũng cho rằng, điểm yếu hiện tại cũng chính là những dư địa tăng trưởng của ngân hàng trong tương lai.

“Về CASA, chúng tôi đã có chiến lược trong 3-5 năm tới là chuyển hướng từ ngân hàng cơ bản cho vay sang ngân hàng đa năng hiện đại, ngân hàng số, tái cấu trúc các hoạt động, theo hướng ngân hàng mở... Có thể thấy, CASA sẽ lên từ từ chứ không thể lên ngay lập tức.”, vị CEO VPBank chia sẻ.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tập trung vào củng cố nền tảng, phát triển công nghệ. Tự động hoá và số hoá tiếp tục tạo ra các nền tảng vững chắc cho Ngân hàng kiểm soát tốt chi phí hoạt động.

Chi phí hoạt động trong quý 1/2020 gần như không tăng so với quý 4/2019 và chỉ tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2019. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 24,4% của tổng thu nhập hoạt động.

Ngoài việc tối ưu chi phí, mục tiêu của VPBank khi phát triển nên tảng số là tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh nhằm triển khai chiến lược Open Banking, từ đó đem lại giá trị gia tăng cho ngân hàng và tìm kiếm thêm các cơ hội kinh doanh mới.