Nhiều động lực cho bất động sản công nghiệp tăng trưởng

Trần Anh - 14:46, 03/06/2022

TheLEADERChính sách "Trung Quốc +1" của các tập đoàn đa quốc gia, sức tăng trưởng của thương mại điện tử và khả năng thu hút vốn FDI sẽ là những động lực thúc đẩy bất động sản khu công nghiệp phát triển trong dài hạn.

Nhiều động lực cho bất động sản công nghiệp tăng trưởng

Báo cáo mới đây của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá tiềm năng bất động sản khu công nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất lớn với hai phân khúc chính sẽ được khai thác bao gồm cho thuê đất và cho thuê nhà xưởng xây sẵn.

Theo VDSC, mặt bằng giá cho thuê đất kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng, không chỉ bởi nhu cầu vẫn đang tăng mà bên cạnh đó là nguồn cung có phần hạn chế. Bằng một cách tự nhiên, chi phí đền bù cũng như tiền thuê đất phải nộp tăng hàng năm cũng góp phần đẩy mặt bằng giá cho thuê tăng. Từ đó, các chủ đầu tư bất động sản khu công nghiệp có sẵn quỹ đất lớn, sạch, đã đền bù giải phóng mặt bằng và nộp tiền sử dụng đất sẽ hưởng lợi nhiều hơn nhờ chi phí thấp trong khi giá thuê tăng dần.

Theo CBRE, giá thuê bình quân tại các khu vực miền Nam tăng lần lượt 13%, 15% và 21% trong quý 4/2021. Các dự án khu công nghiệp trong phạm vi 1 giờ di chuyển tới trung tâm thành phố đã có mức giá thuê tăng từ 17% tới 32%.

Tương tự, việc thiếu hụt nguồn cung cũng xảy ra trong khu vực miền Bắc. Trong dài hạn, khu vực miền Bắc sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chính sách "Trung Quốc +1" của các tập đoàn sản xuất đa quốc gia.

Song song với đó, khả năng thu hút vốn FDI vẫn duy trì và sự phát triển của thương mại điện tử thúc đẩy nhu cầu thuê đất và nhà xưởng xây sẵn

Tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam còn rất lớn, với tỷ lệ thâm nhập thấp và tăng trưởng cao. Hiện tại tỷ lệ thâm nhập của thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ chỉ đạt mức 5,5%, tức chỉ ở mức của Trung Quốc cách đây 10 năm.

Đại dịch Covid đã trở thành yếu tố góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng, giúp cho thương mại điện tử phát triển nhanh hơn trong thời gian tới. Giá trị thương mại điện tử có thể đạt mức tăng trưởng kép 32%/năm giai đoạn 2021 – 2025.

Sự phát triển của ngành thương mại điện tử sẽ là động lực tăng trưởng đối với nhóm ngành kho vận, và kéo theo nhu cầu thuê đất KCN để làm nhà kho. Cụ thể, Becamex và Warburg Pincus (BWI) - một doanh nghiệp đầu ngành trong việc phát triển nhà xưởng xây sẵn và nhà kho, đã tăng diện tích từ hơn 200ha lên gần 800ha từ năm 2018 tới 2021.

Trong khi đó, vốn FDI giải ngân duy trì xu hướng cải thiện trong 5 tháng đầu năm 2022. VDSC kỳ vọng hoạt động xuất nhập khẩu cũng như thu hút dòng vốn FDI sẽ diễn ra tích cực nhờ RCEP, hiệp định FTA lớn nhất thế giới, chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.

Ngoài ra, với lợi thế cạnh tranh nhờ chi phí sản xuất (nhân công, thuê đất, điện, nước...) thấp hơn các quốc gia trong khu vực, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia hưởng lợi khi các tập đoàn đa quốc gia nghĩ tới việc dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Hiện tỷ lệ sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn còn thấp nếu so với Trung Quốc. Việt Nam cũng có định hướng phát triển công nghiệp với mục tiêu tới năm 2030 mục tiêu tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 30% (Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2018).

Cùng với tốc độ phát triển của thương mại điện tử kèm theo sự dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI lớn vào Việt Nam, những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có định hướng phát triển mảng nhà xưởng xây sẵn và có sẵn quỹ đất ở khu vực lân cận thành thị được cho rất đáng để quan tâm.