Startup Việt xoay chuyển nghịch cảnh trong Covid-19 thế nào?

Việt Hưng - 13:13, 06/04/2020

TheLEADERLàm thế nào để startup sống còn qua Covid-19? Có "điểm sáng" nào để các doanh nghiệp trẻ, với nguồn lực hạn chế, có thể lách khe cửa hẹp để duy trì tăng trưởng?

Sequoia Capital gọi Covid-19 là "thiên nga đen" của năm 2020. Đại dịch ập đến bất ngờ, gây tác động lớn và những hệ quả kéo dài không lường trước. Với nguồn lực hạn chế, kinh nghiệm non trẻ, các startup đang "thấm đòn" từ cơn khủng hoảng toàn cầu hiện tại. 

Nhiều startup đã đóng cửa hoặc ít nhất, lâm vào tình cảnh "ăn bữa nay chưa biết bữa mai". Các nhà đầu tư toàn cầu chú trọng chiến lược bảo toàn vốn, các quỹ đầu tư mạo hiểm dừng đa số các hoạt động tiếp xúc, rót vốn...

Tại Việt Nam, chưa có báo cáo cụ thể Covid-19 đang tác động đến startup Việt như thế nào khi nền kinh tế đang chững lại. Làm thế nào để startup sống còn qua Covid-19? Có "điểm sáng" nào để các startup lách khe cửa hẹp để duy trì tăng trưởng?

Chuyển động của hệ sinh thái startup

Bà Trương Lý Hoàng Phi - CEO VinTech cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các startup liên quan tới ngành nghề sử dụng nhiều mặt bằng, hoạt động chuỗi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, ví dụ như: du lịch, khách sạn, dịch vụ ăn uống...

"Nhiều người nghĩ rằng, startup đơn giản chỉ cần đóng cửa hàng là tạm an toàn. Nhưng thực tế, đóng một cửa hàng, một mặt bằng gây ra rất nhiều thiệt hại, từ tài chính, con người, thậm chí là mô hình hoạt động", bà Phi nói.

Theo CEO VinTech, khi đại dịch Covid-19 qua đi, các startup sẽ cần có các phương án quản trị rủi ro hiệu quả trong tương lai. Bên cạnh đó, ngoài các sản phẩm truyền thống, startup cũng cần tính tới các phương pháp chuyển đổi phù hợp hơn với xu thế thị trường.

"Về phía các nhà đầu tư, trong bối cảnh nên kinh tế đang đi xuống, đây sẽ là dịp để họ chậm lại quan sát cả thị trường lẫn startup. Rất nhiều người nói với tôi, thời gian qua hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bắt đầu xuất hiện dấu hiệu "bong bóng" startup. Dịch bệnh càng kéo dài, các "bong bóng" sẽ càng dễ vỡ", nữ CEO nhận định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Nam - nhà sáng lập FUNiX đánh giá, Covid-19 đang tác động tiêu cực tới các mô hình kinh doanh truyền thống. Với các doanh nghiệp chưa chuyển đổi số, cơ hội xoay sở, tìm ra lời giải là rất mong manh.

"Khi xây dựng FUNiX, tôi từng đưa ra giả định - sẽ tới lúc học sinh không còn phải đến trường mới được học, thay vào đó là học trên các nền tảng online và tất nhiên là không nhiều người tin vào giả định này. Nhưng đến khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hóa ra phương án học trực tuyến lại đến sớm hơn mọi người chờ đợi", ông Nam nói.

Theo nhà sáng lập FUNiX, dịch Covid-19 đã và đang đánh thức các doanh nghiệp "ngủ quên", đặc biệt là đánh thức "tư duy sống sót" ở mỗi doanh nghiệp. 

"Với bối cảnh hiện nay, cắt giảm không hẳn là giải pháp tốt. Điều quan trọng là startup nên giải quyết bài toán tập trung nguồn lực vào mũi nhọn, sản phẩm gì lúc này để tạo ra giá trị. Chỉ có dồn toàn lực, tập trung vào những gì mình biết, mình giỏi, startup mới mong sống sót qua dịch Covid-19", ông Nguyễn Thành Nam nhận định.

Startup Việt xoay chuyển nghịch cảnh trong Covid-19 thế nào?
Startup xoay chuyển nghịch cảnh trong Covid-19 thế nào?

Nền tảng online lên ngôi

Dù đang là cao điểm dịch bệnh Covid-19, nhưng vẫn có những mô hình mới tận dụng tốt công nghệ trở thành "điểm sáng". Đó là những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực trọng yếu góp phần đẩy lùi dịch bệnh, như công nghệ sinh học, công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, mô hình giúp kết nối người dùng làm việc từ xa...

Trong điều kiện người tiêu dùng buộc phải ở nhà để chống dịch, hành vi tiêu dùng chắc chắn sẽ thay đổi theo. Nhiệm vụ của startup lúc này là tìm ra giải pháp đáp ứng nhu cầu hàng ngày thông qua nền tảng online, đồng thời chứng minh năng lực sinh tồn

Phan Xuân Cảnh - đồng sáng lập Viec.Co, startup giúp kết nối các lao động tự do với doanh nghiệp cho biết, thời gian vừa qua Viec.Co đang tinh giản về hệ thống, sản phẩm. Các kế hoạch ngắn và dài hạn liên tục được cập nhật, thay đổi phù hợp với xu hướng.

"Chúng tôi liên tục đặt ra các kịch bản, 6 tháng, 12 tháng, để giả định trước những gì sẽ làm, sẽ tập trung trong thời gian tới. Trong đó, cắt giảm chi phí chỉ là thứ yếu. Bởi bản thân startup vốn đã tiết kiệm, nếu cắt giảm nữa thì sẽ rất khó sống", Cảnh nói.

Đồng sáng lập Viec.Co cho biết, thời gian qua hoạt động của startup không bị ảnh hưởng quá nhiều, vì xuất phát điểm của Viec.Co là nền tảng online. Tuy nhiên, các doanh nghiệp là khách hàng của Viec.Co lại chịu tác động chung từ đại dịch Covid-19, nên tình hình kinh doanh của startup có phần giảm sút.

"Trong khó khăn luôn có cơ hội, đây là dịp để các startup làm việc chăm chỉ hơn. Qua đó, chúng tôi có thêm thời gian nhìn lại quy trình, sản phẩm của mình. Minh chứng là những tuần qua, ngày nào Viec.Co cũng có các bản cập nhật, để khi đại dịch qua đi, startup sẽ hoạt động mạnh mẽ trở lại", Phan Xuân Cảnh nói.

Đồng sáng lập & phó Tổng giám đốc eDoctor - TS. Huỳnh Phước Thọ nhận định, bản thân startup là đã mạo hiểm, nên dịch bệnh Covid-19 có thể coi là một thử thách với hệ sinh thái startup nói chung.

"Để khởi nghiệp, chúng tôi đã trải qua nhiều giai đoạn phải sinh tồn, vì nhiều thời điểm còn khó khăn hơn giai đoạn hiện tại. Do đó, nếu startup lạc quan coi đây là một thử thách trên con đường lập nghiệp, thì họ sẽ sớm tìm ra lời giải", TS. Huỳnh Phước Thọ chia sẻ.

Điểm sáng của eDoctor là vừa qua, startup này đã gọi vốn thành công triệu USD từ 4 quỹ đầu tư. Nguồn đầu tư mới đến đúng lúc sẽ vừa là phương tiện, và động lực để eDoctor phát triển hệ thống ứng dụng và mô hình cung cấp dịch vụ cho người dân Việt Nam. 

"Tuy là tin vui, nhưng chúng tôi đã mất tới 6 tháng trước đó để hoàn thành các thủ tục, và yêu cầu từ nhà đầu tư. Mục tiêu của của eDoctor trong thời gian tới là tích cực tìm kiếm các dịch vụ, công nghệ mới. Bởi trong bất kì giai đoạn nào, nhu cầu về y tế luôn tồn tại", nhà đồng sáng lập eDoctor nhấn mạnh.