BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận 12.500 tỷ đồng

Trần Anh - 11:35, 08/03/2020

TheLEADERTrong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, Ban lãnh đạo BIDV cho biết sẽ cố gắng hết sức hoàn thành kế hoạch được đại hội giao nhưng cũng linh hoạt thực hiện.

BIDV là một trong những ngân hàng đầu tiên đã tổ chức họp cổ đông thường niên năm 2020. Trước đó, Đại hội cổ đông của Eximbank bị hoãn vì nhưng lo ngại liên quan đến dịch Covid-19.

Tại Đại hội, ban lãnh đạo BIDV cho biết, trong 2 tháng đầu năm, ngân hàng vẫn hoạt động bình thường và đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, dư nợ giảm cho vay giảm 2%, huy động giảm 1,6%. Đây là xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay do tác động kép của dịch Covid-19 và nhu cầu của người dân.

Hiện BIDV đã khảo sát, đánh giá nhu cầu khách hàng, phân tổ các nhóm. Những khách hàng có nhu cầu vay mới, thì BIDV sẽ cho vay mới. Các khách hàng cần giãn nợ thì ngân hàng sẽ giảm lãi, cơ cấu thời gian dài hơn. BIDV sẽ có gói hộ trợ tổng số 120.000 tỷ đồng và chính thức cung cấp 28.000 tỷ đồng tính tới hiện nay, ngân hàng sẽ tùy theo sức hấp thụ của thị trường để cân đối.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, BIDV lên kế hoạch lãi trước thuế 12.500 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước. Tăng trưởng tín dụng dự kiến theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước (NHNN giao 9%), huy động vốn mục tiêu tăng 9%.

Tuy nhiên, kế hoạch ban lãnh đạo trình cổ đông thông qua lần này là kịch bản tích cực nhất, dựa trên giả định dịch Covid-19 hết trong tháng 3 này. Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, BIDV cho biết sẽ cố gắng hết sức hoàn thành kế hoạch được đại hội giao nhưng cũng linh hoạt thực hiện.

Về vấn đề xử lý nợ xấu, BIDV cho biết đến cuối năm ngoái, BIDV còn 9.312 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt của VAMC, nhưng đã trích dự phòng 6.300 tỷ. Đầu năm nay, ngân hàng tiếp tục trích lập dự phòng cho VAMC và đến giờ này, BIDV đã mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC.

Tại ĐHCĐ, ngân hàng cũng trình phương án tăng vốn điều lệ bằng phát hành thêm 532,9 triệu cổ phiếu, tương đương 13,3% vốn nhằm cải thiện các kết quả định hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực tài chính.

BIDV sẽ phát hành 281,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 7% và chào bán 8,5% cổ phần (chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng), tương đương 251,4 triệu cổ phiếu. Sau khi hoàn tất, ngân hàng sẽ tăng vốn lên 45.549 tỷ đồng và tiếp tục là đơn vị có vốn lớn nhất sàn chứng khoán.

Thời gian phát hành cổ phiếu trả cổ tức dự kiến trong quý III-IV và chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc riêng lẻ trong năm nay hoặc năm sau, sau khi có quyết định chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trước đó, BIDV đã phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng. Số cổ phiếu trên đã được niêm yết bổ sung trong tháng 12/2019 và KEB Hana cũng đưa ông Yoo Je Bong vào HĐQT của ngân hàng. KEB Hana Bank trở thành cổ đông lớn thứ hai của BIDV.