CEO FE CREDIT: Covid-19 là thách thức nhưng cũng tạo ra cơ hội lớn

Lam Giang - 10:37, 09/11/2021

TheLEADER"Covid-19 là thách thức lớn nhưng chúng tôi cũng nhìn thấy nhiều tín hiệu tích cực, tương lai gần là cơ hội lớn", ông Kalidas Ghose, CEO FE CREDIT khẳng định.

CEO FE CREDIT: Covid-19 là thách thức nhưng cũng tạo ra cơ hội lớn
FE CREDIT triển khai chương trình miễn giảm lãi từng kỳ khi khách hàng đóng đủ dư nợ gốc và 50% tiền lãi của kỳ thanh toán gần nhất sẽ được xem xét miễn giảm tiền lãi còn lại cần phải đóng của kỳ góp đó.

Nỗ lực hỗ trợ khách hàng, vượt qua khó khăn chung của toàn ngành

Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta bùng phát mạnh đã tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước… 

Trong đó, tài chính tiêu dùng thuộc nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi khách hàng vay của các công ty tài chính đều là người lao động có thu nhập trung bình và thấp.

Tại hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm 2021 của các tổ chức hội viên là công ty tài chính mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết tính đến nay, tổng dư nợ tín dụng của 12 công ty tài chính hội viên đạt khoảng 129.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu bình quân lại vọt lên mức 10% (cuối năm 2020 đạt khoảng 6%) và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng.

“Nhìn chung, đặc thù khách hàng của các công ty tài chính là người lao động có thu nhập thấp, công nhân, tiểu thương… đây là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19. Mặt khác, do nhiều thành phố lớn thực hiện giãn cách xã hội nên hoạt động của nhóm các công ty tài chính tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng, có tiền nhưng không thể cho vay. Những yếu tố này dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao, đồng thời cũng hạn chế tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm”, ông Hùng nhận định.

Tại FE CREDIT, với thị phần dẫn đầu ngành cùng lượng khách hàng hơn 12 triệu người nên đại dịch Covid-19 ảnh hưởng khá nhiều đến kết quả kinh doanh công ty. Kết thúc quý III/2021, doanh số công ty giảm so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, các chỉ thị giãn cách nghiêm ngặt trên diện rộng tại 19 tỉnh miền Nam và nhiều tỉnh thành có các khu công nghiệp lớn ở phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương (vốn là các thị trường trọng điểm của mảng tài chính tiêu dùng)… đã tác động lớn đến việc giải ngân khoản vay khi đạt 10.300 tỷ đồng.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn do Covid-19 nhưng FE CREDIT cùng các công ty tài chính vẫn ra sức hỗ trợ khách hàng. Công ty đã chủ động miễn, giảm lãi cho khách hàng theo nhóm nợ khi các tỉnh, thành phố bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội. 

Đồng thời, kể từ tháng 8/2021, FE CREDIT triển khai chương trình miễn giảm lãi từng kỳ khi khách hàng đóng đủ dư nợ gốc và 50% tiền lãi của kỳ thanh toán gần nhất sẽ được xem xét miễn giảm tiền lãi còn lại cần phải đóng của kỳ góp đó. 

Các giải pháp này đã hỗ trợ hơn 130.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số lãi phí hỗ trợ gần 215 tỉ đồng. Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2021, FE CREDIT đã hỗ trợ 400.000 khoản vay, trị giá khoảng 2.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi.

FE CREDIT - Covid-19 là thách thức nhưng cũng tạo ra cơ hội
FE Credit có sự tham gia của cổ đông chiến lược SMBC trong thời gian tới.

Covid-19 là thách thức nhưng cũng tạo ra cơ hội

Nhận định Covid-19 là thách thức chung của toàn ngành, nhưng đồng thời cũng góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng sang các kênh trực tuyến, không chỉ các khoản vay mà cả các giao dịch khác như mua sắm, thanh toán… Với nền tảng công nghệ sẵn có, khó khăn hiện tại cũng chính là lợi thế để FE CREDIT tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn qua các ứng dụng trong hệ sinh thái của công ty.

"Covid-19 là thách thức lớn nhưng chúng tôi cũng nhìn thấy nhiều tín hiệu tích cực. Do đó, chúng tôi nhìn nhận tương lai gần là cơ hội lớn", ông Kalidas Ghose, CEO FE CREDIT khẳng định.

Được biết trong thời qua, công ty đã đầu tư vào công nghệ nhằm hạn chế tiếp xúc cũng như gia tăng trải nghiệm và mang đến sự thuận tiện nhất trong mọi giao dịch của khách hàng. 

FE CREDIT đã liên tục cập nhật tính năng thanh toán khoản vay cho ứng dụng FE CREDIT Mobile, và cung cấp thêm video hướng dẫn tra cứu và thanh toán tiện ích qua ứng dụng. 

Bên cạnh đó, công ty hợp tác với hệ thống Payoo để mang đến cho khách hàng những phương thức thanh toán thẻ tín dụng tiện lợi, nhanh chóng và hưởng nhiều ưu đãi.

Công ty cũng liên kết với nhiều đối tác để đa dạng hóa kênh thanh toán trực tuyến cho khách hàng như: ví điện tử ZaloPay, Momo, SmartPay, Viettelpay, ShopeePay... giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, bảo mật thông tin và hạn chế rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.

Hiệu quả từ việc đẩy mạnh công nghệ không chỉ nâng cao trải nghiệm cho khách hàng mà còn giúp FE CREDIT tối ưu hóa chi phí khi chỉ tiêu OPEX (chi phí hoạt động) 3 quý liên tiếp đều giảm đáng kể.

Một điểm sáng tích cực về kết quả kinh doanh của FE CREDIT trong quý III có thể kể đến là việc ghi nhận thu nhập khác tăng đột biến lên 832 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Cho thấy hiệu quả của quá trình tái cơ cấu danh mục đầu tư, thích ứng với khó khăn trước mắt.

Cũng theo nhận định của các công ty chứng khoán về FE CREDIT, sau nhiều quý tập trung thu hồi nợ, rủi ro tín dụng liên quan đến các khoản vay sẽ phần nào được giải quyết. Điều này có thể thúc đẩy sự hồi phục mạnh mẽ hơn khi bước sang giai đoạn “bình thường mới”.

Để chuẩn bị cho sự tăng trưởng sau dịch, FE CREDIT đang lên kế hoạch khai khác tối đa tiềm năng của hơn 12 triệu khách hàng sẵn có để kích hoạt họ trên ứng dụng mới thông qua các sản phẩm không tốn phí, cung cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng ngay trên các nền tảng trực tuyến, thay vì tiếp cận qua các kênh telesales như hiện nay. 

Song song, công ty cũng mở rộng tệp khách hàng với các sản phẩm chuyên nghiệp và chuyên biệt hơn như khoản vay dành riêng cho giáo viên, y bác sĩ…

Công ty cũng có các sáng kiến mới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thu hồi nợ, cụ thể triển khai chiến lược phù hợp với từng phân khúc khách hàng khác nhau và tập trung thanh lý danh mục đầu tư đã tái cơ cấu để tối ưu hóa khả năng thanh khoản.

Đặc biệt với sự tham gia của cổ đông chiến lược SMBC trong thời gian tới, FE CREDIT được kỳ vọng sẽ tận dụng cơ hội này để có được nguồn vốn rẻ từ Nhật, từ đó giúp cải thiện chi phí huy động vốn, NIM, lợi nhuận, khả năng sinh lời. Đồng thời, tiếp nhận kinh nghiệm phong phú về quản trị rủi ro và phát triển sản phẩm mới trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng từ Công ty tài chính tiêu dùng SMBC.