Chủ tịch GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp: Người cầm lái không tuổi

Giang Sơn - Thu Phương - 16:18, 18/07/2022

TheLEADERHiếm có lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nào khi về hưu vẫn dũng cảm gây dựng lại sự nghiệp ở một lĩnh vực kinh doanh mới đầy thử thách như Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp.

Ngồi trong phòng làm việc rộng rãi và hiện đại trong toà nhà do chính công ty mình xây dựng, ông Hiệp vẫn không thể quên những tháng ngày “tái khởi nghiệp” khó khăn và thiếu thốn. Sau khi nhận quyết định nghỉ hưu 15 năm trước sau hơn bốn thập kỷ lăn lộn với những doanh nghiệp xây dựng nhà nước, ông Hiệp thành lập Công ty CP Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest). Lúc đó, công ty chưa có văn phòng và phải mượn hai phòng của một ngân hàng nhỏ để tạm làm việc.

Nhưng, cũng giống như sự thay đổi trong phòng làm việc của ông Hiệp, GP.Invest giờ đây đã gây dựng được cơ ngơi "đồ sộ" gấp rất nhiều lần so với trước đây. Vốn chủ sở hữu của GP.Invest đã vượt 1.800 tỷ đồng, so với con số khiêm tốn 65 tỷ đồng lúc mới thành lập. Từ chỗ loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu, GP.Invest đã đầu tư và đưa vào sử dụng năm dự án bất động sản ở Hà Nội và đang vươn ra làm những dự án khu đô thị quy mô lớn ở Phú Thọ và Lạng Sơn.

Giờ đã ở độ tuổi U80 nhưng "ông già gân" Nguyễn Quốc Hiệp vẫn giữ nhịp làm việc như hồi mới khởi nghiệp, và chính sự tâm huyết cũng như miệt mài với công việc đó mà Phó chủ tịch HĐQT Trần Văn Tá gọi ông là “người cầm lái không tuổi” cũng như tin tưởng vào bản lĩnh chèo lái con thuyền GP.Invest của ông Hiệp. Trải qua nhiều thăng trầm, ông Hiệp cũng cảm thấy điều tự hào nhất mình làm được là giữ được niềm tin của các cổ đông, của đối tác và của các khách hàng – một điều ít có lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nào làm được khi đã nghỉ hưu.

Người cầm lái không tuổi
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp

Vốn liếng lớn nhất là lòng tin của cổ đông

Khởi nghiệp khi đã nghỉ hưu sau hơn bốn thập kỷ làm ở những doanh nghiệp xây dựng nhà nước có tiếng là Vinaconex và Constrexim, làm thế nào ông có thể thuyết phục được các cổ đông, nhất là những người từng giữ chức vụ cao hơn ông trong các cơ quan nhà nước và cả những người đang sinh sống ở nước ngoài, cùng góp vốn kinh doanh?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Đó là một thử thách rất lớn mà nếu không có sự tín nhiệm và niềm tin của các cổ đông, chắc chắn tôi không thể làm được.

May mắn là tôi và tất cả các cổ đông từng là lãnh đạo các bộ ngành, sếp cũ của tôi, chúng tôi không phải xuất phát từ chức vụ hay ràng buộc vị trí công tác cũ mà trên cơ sở là anh em, bạn bè tin cậy, quý mến, tin tưởng nhau và cùng gửi gắm vào GP. Invest.

Đến bây giờ, nhìn lại quá trình 15 năm xây dựng GP.Invest, các anh em, bạn bè là cổ đông từ những ngày đầu đều nói việc gửi gắm vào GP.Invest là quyết định đúng đắn nhất của họ. Ngày ấy, nếu không có niềm tin và sự tín nhiệm, có lẽ họ đã không lựa chọn GP.Invest, bởi chúng tôi bắt đầu hoàn toàn từ con số 0 tròn trĩnh. GP. Invest gặp khó khăn lớn nhất trong hai năm đầu, khởi nghiệp với số vốn ít ỏi và chưa có dự án nào. Cán bộ nhân viên công ty chỉ có sáu người, không có văn phòng, phải mượn nhờ GP Bank hai phòng để tạm làm việc.

Sau đó hai tháng, chúng tôi mới thuê văn phòng nhưng trang thiết bị không có, không biết làm gì, bắt đầu từ đâu.

Họ biết chắc chắn rằng tôi không lấy tiền đi làm bậy!

Vốn liếng lớn nhất mà tôi có được là lòng tin của cổ đông, họ đồng ý giao tiền cho chúng tôi, họ tin vào bản lĩnh, nhân cách và năng lực của tôi. Họ biết chắc chắn rằng tôi không lấy tiền đi làm bậy!

Từ những ngày đầu khó khăn ấy, với tâm huyết và trong đó có cả cơ may, chúng tôi đã tìm được đất để làm dự án đầu tay. Qua những dự án đó, GP.Invest đã không ngừng đúc kết được kinh nghiệm đầu tư, phát triển dự án, bán hàng. Và đến thời điểm hiện tại, sau 15 năm, GP.Invest đã có thể tự tin làm được những dự án chất lượng hàng đầu.

Từng có một thời gian dài làm việc trong công ty nhà nước rồi khởi nghiệp với một doanh nghiệp tư nhân, điều gì khiến ông tự hào nhất?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Khi còn làm ở doanh nghiệp nhà nước, tất cả mọi khía cạnh từ cơ chế vận hành, quan điểm về lợi nhuận, quản trị doanh nghiệp đều rất khác doanh nghiệp cổ phần. Đây là một thách thức rất lớn đối với tôi trong những ngày đầu. Nó đòi hỏi tôi phải thực sự chuyển biến nhanh chóng thích nghi, thoát khỏi những cơ chế, thói quen làm việc cũ ở doanh nghiệp nhà nước.

Lúc tôi làm ở doanh nghiệp nhà nước, người lãnh đạo phát triển doanh nghiệp để mang lại lợi ích cho ngân sách và họ chỉ có lương. Thủ trưởng đơn vị là người chỉ huy, quyết định mọi chủ trương, phương hướng hoạt động phát triển của doanh nghiệp. Tất nhiên, có những vấn đề lớn, doanh nghiệp phải xin phép các bộ ban ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và đầu tư. Nhưng cơ bản, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước là người quyết định, không chịu sự chi phối của cổ đông hay hội đồng quản trị.

Nhưng khi chuyển sang doanh nghiệp tư nhân lại là một cơ chế hoàn toàn khác. Các công ty cổ phần chịu sự định hướng quan trọng của hội đồng quản trị, đại hội cổ đông. Hội đồng quản trị sẽ quyết định những quyết sách lớn của doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, đó là sự khác biệt cơ bản trong quản trị. Rõ ràng, cơ chế hoạt động của các công ty cổ phần linh hoạt hơn rất nhiều so với doanh nghiệp nhà nước. Điều này đòi hỏi tôi phải thay đổi rất nhanh để thích nghi với cơ chế mới.

Đơn cử như khi suy nghĩ, lên kế hoạch phát triển một dự án, người lãnh đạo công ty cổ phần phải đặt quyền và lợi ích của các cổ đông lên hàng đầu, nhờ đó, doanh nghiệp mới có được sự tín nhiệm của các cổ đông.

Sau 15 năm hoạt động, đây cũng là điều tôi rất tự hào. Với những cổ đông ngày đầu của GP.Invest, trong suốt thời gian hoạt động của công ty đều được chia cổ tức, có những thời điểm chia cổ tức cao nhất lên đến 35%. Nhiều cổ đông gắn bó đã thu về giá trị tài sản gấp 3 - 4 lần vốn đầu tư.

Sự quan tâm, chăm bẵm, đặt cao quyền và lợi ích của cán bộ nhân viên, các cổ động, chính là yếu tố khiến các cổ đông rất tin cậy tin cậy và tín nhiệm bộ máy lãnh đạo của công ty và mong muốn gắn bó lâu dài.

Trong lễ kỷ niệm 15 năm thành lập GP.Invest, có cổ đông sáng lập đã nói rằng họ tin tưởng gửi tiền vào ông vì ông là người tỉ mỉ, quan tâm đến từng chi tiết. Nhưng ông lại đóng vai trò là Tổng giám đốc Chủ tịch HĐQT, người chỉ lo những vấn đề lớn, liệu hai nét tính cách và yêu cầu công việc đó ở ông có mâu thuẫn với nhau trong việc quản trị doanh nghiệp hay không?

Người cầm lái không tuổi 1
Mặc dù đã có tuổi nhưng ông Hiệp vẫn sâu sát với công trường của từng dự án

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Hai vấn đề đó nghe có vẻ mâu thuẫn. Mọi người thường cho rằng, nếu làm những cái tỉ mẩn thì sao có thời gian quan tâm đến những cái chung, những vấn đề to lớn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản lại có những đặc thù riêng.

Tôi đã làm xây dựng 40 năm, tất cả các quy trình xây dựng dự án, tôi đều nắm rõ trong lòng bàn tay. Với kinh nghiệm đó, không nhà thầu nào có thể qua mặt, làm ẩu chất lượng dự án. Khi giám sát công việc xây dựng với nhà thầu, chỗ nào không phù hợp tôi đều cho ý kiến ngay để sửa đổi kịp thời.

Nhiều nhà thầu thậm chí còn nói vui rằng, làm việc được với tôi cũng như một “chứng chỉ” về năng lực, chất lượng của họ. Nếu đã làm việc được với GP.Invest thì họ không ngại bất cứ chủ đầu tư nào trên thị trường. Tất nhiên, chúng tôi không nói mình là thước đo của chất lượng, nhưng đó là lợi thế của những người có chuyên môn, kinh nghiệm về xây dựng.

Chính vì vậy các dự án GP. Invest đều rất cẩn thận, chặt chẽ, đảm bảo chất lượng tốt nhất đến khách hàng.

Truy trách nhiệm đến cùng

Đó là vấn đề về xây dựng, nhưng trong điều hành quản trị công ty hàng ngày, nếu người lãnh đạo can thiệp quá sâu vào từng công việc tỉ mỉ, liệu có gây khó cho nhân viên hay không? Ông đã quản trị doanh nghiệp bằng cách nào để vừa quản lý bao quát, vừa phân cấp phân quyền để điều hành công ty một cách trơn tru mà nhân viên vẫn phát huy tốt được công việc của mình?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: GP.Invest có các phòng, ban chức năng để quản lý từng công việc, quản lý dự án. Về nguyên tắc, các phòng ban ấy phải chịu trách nghiệm trước tôi về công việc của họ.

Tôi cũng không can thiệp vào từng công việc cụ thể, nhưng công ty có họp giao ban hàng tháng, hàng tuần. Trong đó, các bộ phận, các nhân viên phải báo cáo toàn bộ các vấn đề liên quan đến công việc của mình, tiến độ dự án, các vướng mắc cần tháo gỡ. Bên cạnh đó, việc sâu sát của ban lãnh đạo là rất cần thiết. Nhờ đó, chúng tôi mới biết được các phòng ban, hay nhà thầu nào đang làm tốt để phát huy hay làm không tốt để nhắc nhở kịp thời.

Nếu chỉ bao quát vĩ mô, chung chung, sẽ không thể tránh khỏi những sai sót trong quá trình thực hiện dự án. Do đó, người lãnh đạo không nhất thiết phải can thiệp vào từng công việc nhưng vẫn phải biết công việc đó triển khai như thế nào để có những định hướng, điều chỉnh kịp thời.

Tất nhiên, mỗi doanh nghiệp đều có cách quản trị riêng, có những người chỉ kiểm soát vĩ mô, có những người đi vào chi tiết. Tôi không nói cách làm của mình là hay nhất hay chưa tốt, nhưng với những dự án tôi đã làm được, tôi hoàn toàn tự tin về chất lượng với khách hàng của mình.

Có những vấn đề gì trong quản trị doanh nghiệp nhà nước mà ông thấy đó là nhược điểm và không thể áp dụng ở doanh nghiệp tư nhân?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Nếu nói mọi cơ chế quản lý ở công ty nhà nước đều không tốt thì không đúng. Tuy nhiên, cơ chế quản lý của doanh nghiệp nhà nước ngoài cơ chế vốn buộc phải thay đổi do bối cảnh kinh tế xã hội, không còn doanh nghiệp nhà nước thuần túy, thì rõ ràng, cơ chế quản lý nhà nước vẫn mang tính chất bao biện. Khi một nhân viên hay lãnh đạo phòng ban nào đó mắc lỗi, người ta không cần đánh giá chi tiết sai phạm đó để quy ra trách nhiệm cụ thể đối với từng người.

Nhưng ở công ty cổ phần, ai làm sai, ai làm đúng đều phải được quy ra trách nghiệm, thưởng phạt công bằng, nghiêm minh. Nhân viên đưa ra đề xuất, ý tưởng tốt sẵn sàng được thưởng ngay, nhưng khi làm sai, họ đều phải chịu phạt.

Đơn cử như với việc lựa chọn sai hệ thống điều hòa trong nhà chung cư khiến căn hộ đó nóng mặc dù thiết bị tốt thì chúng tôi sẽ xem xét đây là lỗi của nhà cung cấp cung cấp thiết bị chất lượng kém hay là cán bộ của công ty lựa chọn công suất không phù hợp. Chuyện đó cần làm đến cùng, truy ra trách của từng cá nhân, tập thể và xử phạt nghiêm minh.

Ở công ty cổ phần, người lao động có thể không có bằng khen, danh hiệu nhưng thưởng phạt nghiêm minh, bằng những vật chất cụ thể để khuyến khích người lao động phải có trách nhiệm cao với công việc của mình.

Vậy ông thấy làm lãnh đạo doanh nghiệp cổ phần khó hay dễ hơn doanh nghiệp nhà nước?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Làm lãnh đạo công ty cổ phần khó hơn doanh nghiệp nhà nước rất nhiều. Ở doanh nghiệp nhà nước, người lãnh đạo chỉ cần có định hướng quản lý chung. Còn lại sự phát triển của doanh nghiệp, lỗ hay lãi không được phân định rõ ràng. Trước đây, các doanh nghiệp nhà nước còn có tình trạng lãi giả lỗ thật. Tất nhiên, tình trạng này hiện nay đã được hạn chế nhiều do sự kiểm toán chặt chẽ.

Đó là chưa kể đến việc doanh nghiệp cổ phần phải chịu rất nhiều sức ép từ cơ chế thị trường, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nếu như ở công ty nhà nước là cơ chế xin cho thì các doanh nghiệp tư nhân phải đấu thầu dự án, làm sao để có dự án, rồi phát triển dự án như thế nào để bán được hàng. Doanh nghiệp phải tính đủ các kiểu.

Làm doanh nghiệp tư nhân đòi hỏi bản lĩnh sự quyết liệt, sâu sát của ban lãnh đạo để có được những sáng kiến, chiến lược mới thì mới cạnh tranh, tồn tại được.

Người cầm lái không tuổi 2
The Nine là dự án mà ông Hiệp tự hào có chất lượng không thua kém, thậm chí tốt hơn nhiều chủ đầu tư bất động sản lớn

Trước đây ông đã từng làm xây dựng, bây giờ là phát triển bất động sản. Giữa hai lĩnh vực đó, ông thấy lĩnh vực nào khó hơn? Liệu ông có muốn quay trở lại làm xây dựng?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Trước khi làm ở Constrexim tôi cũng đã làm về đầu tư bất động sản, nhưng đó là đầu tư một số dự án, chưa phải lĩnh vực chính vì doanh nghiệp khi đó là kinh doanh đa ngành, cả xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, xây lắp, đầu tư và xuất khẩu lao động.

Nhưng bây giờ, GP.Invest xác định là một chủ đầu tư chuyên nghiệp về bất động sản. Tất nhiên, bất động sản là một lĩnh vực rất rộng, bao gồm nhiều phân khúc như bất động sản công nghiệp, du lịch… GP. Invest hiện đang tập trung vào bất động sản nhà ở và sắp tới là bất động sản khu công nghiệp ở Hải Dương.

Trước đây, tôi cũng không tìm hiểu sâu về các các luật chi phối thị trường bất động sản, nhưng khi sang GP.Invest, bản thân tôi phải đọc hiểu từng văn bản, từng nghị định, dự án vướng điều khoản nào, cần gỡ ở đâu để đảm bảo thật chặt chẽ về pháp lý.

Có thể nói, làm bất động sản đòi hỏi sự phức tạp hơn nhiều làm xây dựng. Về mặt pháp lý, bất động sản đang chịu sự chi phối bởi 12 luật khác nhau, chưa nói đến các hoạt động thanh kiểm tra, thuế…

Khi làm bất động sản, doanh nghiệp phải thực sự am hiểu luật. Trước đây, tôi cũng không tìm hiểu sâu về các các luật chi phối thị trường bất động sản, nhưng khi sang GP.Invest, bản thân tôi phải đọc hiểu từng văn bản, từng nghị định, dự án vướng điều khoản nào, cần gỡ ở đâu để đảm bảo thật chặt chẽ về pháp lý.

Thủ tục dự án không chỉ khó vì đan xen giữa nhiều luật mà để thông qua cũng vô cùng nhiều bước. Nếu như làm xây dựng chỉ cần có giấy phép xây dựng là xong, sau đó quản lý chặt chẽ để không hao phí vật tư, như vậy sẽ có hiệu quả, dù lãi mỏng nhưng yên tâm, không phải đau đầu nhiều, thì làm bất động sản, doanh nghiệp phải lo “đủ thứ trên đời”. Thủ tục của một dự án vô cùng phức tạp, ba bốn chục con dấu cho một dự án được triển khai. Nếu không hiểu luật và nắm chắc các thủ tục, thời gian chờ đợi pháp lý càng dài, doanh nghiệp càng chịu thiệt hại.

GP.Invest tự hào rằng, chúng tôi làm dự án nào cũng đúng hạn bàn giao nhà cho khách hàng. Kể cả những dự án đầu tiên như GP.Invest Building ở La Thành hay những dự án triển khai vào đúng thời kỳ khủng hoảng của thị trường bất động sản năm 2012. Hay gần đây nhất như The Nine, dù trải qua hai lần đại dịch Covid-19, vẫn đúng tiến độ.

Mặt khác, vì dự án đảm bảo pháp lý chặt chẽ nên chúng tôi chưa bao giờ chậm sổ đỏ cho khách hàng. Nhiều nhất, chỉ sau sáu tháng người dân vào ở là sẽ có sổ đỏ. Nếu pháp lý không chuẩn chỉ, sẽ không thể nào có thể cấp sổ đỏ nhanh như vậy.

GP.Invest luôn phát triển trên quan điểm đúng pháp luật, tính pháp lý cao chặt chẽ. Dự án đúng tiến độ, giao sổ đỏ đúng thời gian cam kết chính là biểu hiện của sự tôn trọng khách hàng, mong muốn giữ được niềm tin nơi khách hàng. Làm bất động sản phải được khách hàng tin cậy, gửi gắm. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi rất mừng có những người mua dự án trước lại quay lại mua dự án mới. Đó chính là sự động viên rất lớn với doanh nghiệp, là thước đo cho sự thành công của công ty.

Vẫn còn đó những khát khao

Nhìn lại 15 năm phát triển, có những điều gì ông mong muốn nhưng chưa làm được ở GP.Invest?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Sau 15 năm, nếu nói rằng mình đã hải lòng với những điều đang có chưa thì chưa. Tôi vẫn luôn trăn trở về một dự án khu đô thị hoàn chỉnh, đầy đủ dịch vụ sống cho người dân.

Thời gian trước, do khó khăn về tìm kiếm quỹ đất, chúng tôi chưa thể làm được những dự án như vậy mặc dù chất lượng xây dựng của GP.Invest hoàn toàn không thua kém bất cứ chủ đầu tư lớn nào trên thị trường.

Đây cũng là điều tôi đang ấp ủ trong tương lai. Sắp tới chúng tôi sẽ phát triển dự án bất động sản ởViệt Trì, Lạng Sơn. Với quỹ đất đủ lớn, như dự án trên Lạng Sơn là 37ha, có cả đồi núi, chúng tôi đã thuê công ty thiết kế hàng đầu châu Âu để quy hoạch phát triển một khu đô thị hoàn chỉnh, trở thành điểm đến, niềm tự hào của địa phương.

Đó chính là mong muốn của chúng tôi khi được đóng góp vào sự phát triển của tỉnh, nâng cao đời sống, chất lượng sống cho người dân.

Vây trong số các dự án GP. Invest đang triển khai, dự án nào ông cảm thấy hài lòng nhất?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Mỗi dự án tôi đều tâm huyết, không thể nói dự án nào tâm huyết hơn, dự án nào không.

Tuy nhiên, ở những ngày đầu, khi làm dự án tại La Thành, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính của công ty còn hạn chế, nhưng sau đó, càng những dự án sau, chúng tôi càng khắc phục những điểm yếu và dần hoàn thiện bản thân mình.

Hiện nay, với dự án mới nhất là The Nine, tôi có thể tự tin rằng đây là dự án hàng đầu về chất lượng, từ thiết kế đến vật tư vật liệu, hạ tầng kỹ thuật… đảm bảo chất lượng sống lý tưởng cho cư dân.

Qua mỗi dự án, GP. Invest đều rút kinh nghiệm để làm dự án sau tốt hơn dự án trước. Minh chứng là tất cả các dự án của chúng tôi đều tăng giá theo thời gian. Đơn cử như dự án GP Invest Building tại La Thành, trước đây bán giá 26 triệu đồng/m2, hiện đã lên 38 – 40 triệu đồng/m2. Dự án Tràng An Complex, giá khởi điểm 32 triệu đồng/m2, giờ là 45- 46 triệu đồng/m2.

Ở GP.Invest không có sự phát triển đột biến mà là sự bền vững, liên tục học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để mang đến sự hài lòng cho đối tác và khách hàng.

Ông có dự định gì cho chiến lược phát triển của GP. Invest trong tương lai?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Chúng tôi vẫn đang có một chiến lược phát triển bền vững, chắc chắn ở thời điểm hiện tại. Có thể 5 - 10 -15 năm sau sẽ khác đi với bối cảnh mới, cơ hội mới hay sự tiếp nối của thế hệ trẻ để phát triển tốt hơn, nhưng chắc chắn, mong muốn, khát vọng mang lại những dự án chất lượng, những giá trị cho cộng đồng là điều chúng tôi luôn theo đuổi.

Xin cảm ơn ông!