Công ty mẹ Sabeco muốn niêm yết mảng kinh doanh bia trên sàn chứng khoán

Trần Anh - 14:14, 06/12/2019

TheLEADERMảng kinh doanh bia của Thaibev, công ty mẹ của Sabeco đang đóng góp gần một nửa doanh thu cho tập đoàn Thái Lan nhưng chỉ mang về hơn 14% lợi nhuận trong năm tài chính 2019.

Một thông báo trên webiste của Thaibev cho biết, tập đoàn này đang cân nhắc việc niêm yết mảng kinh doanh bia trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên kế hoạch này đang thực hiện những bước đầu tiên và chưa có thêm các thông tin chi tiết được công bố.

Trước đó, một nguồn bài viết trên Bloomberg tiết lộ, Thaibev đang xem xét việc niêm yết mảng bia (bao gồm Thái Lan và Việt Nam) lên sàn chứng khoán Singapore, với quy mô vốn hóa ước tính có thể lên tới 10 tỷ USD.

Với mức định giá trên, mảng bia của Thaibev cũng sẽ được xếp hạng trong số các công ty bia lớn nhất khu vực như Công ty bia Tsingtao (Trung Quốc). Mặc dù vậy, quy mô vẫn sẽ nhỏ hơn nhiều so với thương vụ IPO mảng kinh doanh châu Á của Anheuser-Busch Inbev – chủ thương hiệu bia Budweiser nổi tiếng.

Trở lại với Thaibev, đơn vị thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi - người giàu nhất Thái Lan. Thương hiệu bia chủ lực của Thaibev là Bia Con voi (Chang), ngoài ra Thaibev cũng sản xuất bia Archa và thương hiệu Federbrau lấy cảm hứng từ Đức. Bên cạnh kinh doanh nhà máy bia, Thaibev cũng điều hành các nhà máy chưng cất sản xuất rượu bao gồm rượu rum SongSam, Meridian, Whisky Drummer.

Công ty mẹ Sabeco muốn niêm yết mảng kinh doanh bia trên sàn chứng khoán
Mảng kinh doanh bia đóng góp 45% doanh thu nhưng chỉ mang về 4% lợi nhuận cho ThaiBev trong năm 2019

Năm 2017, công ty con của Thaibev đã mua vào cổ phần kiểm soát tại Sabeco (gần 54%), nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam, với giá trị khoảng 4,8 tỷ USD.

Sabeco là doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam, nắm khoảng 40% thị phần nội địa. Trong 9 tháng đầu năm 2019, 4,4 tỷ lít bia được bán ra tại Việt Nam, điều này giúp Thaibev củng cố vị trí dẫn đầu về tiêu thụ bia trong khu vực.

Sau khi về tay Thaibev, hoạt động tái cơ cấu bên trong Sabeco tạo ra khác biệt lớn về lợi nhuận. Biên lợi nhuận gộp bán bia đã tăng lên liên tục cho thấy công ty bán hàng hiệu quả hơn hẳn so với giai đoạn trước đó.

Song song với hoạt động tái cơ cấu bên trong, Sabeco cũng rất tập trung đầu tư cho hoạt động quảng bá ra bên ngoài. Chi phí bán hàng tăng mạnh chủ yếu do Sabeco rót tiền nhiều hơn vào hoạt động marketing.

Chi nhiều tiền cho marketing hơn đi cùng với việc tăng giá bán. Đầu tháng 10, Sabeco đã tăng giá bia Saigon Special (thương hiệu cận cao cấp) khoảng 2-3% sau đợt tăng giá tương tự cho bia Saigon Lager vào tháng 8.

Bên cạnh việc tăng giá bán, biên lợi nhuận còn được cải thiện thông qua các giải pháp tối ưu hóa chi phí và như tiếp tục giảm cước phí vận chuyển, tối ưu hóa lộ trình vận chuyển, tiếp tục hợp nhất sản lượng bia vào các nhà máy thuộc kiểm soát của Sabeco và số hóa quy trình hoạt động.

Việc Thaibev quyết niêm yết mảng bia ở Thái Lan và Việt Nam có thể sẽ thúc đẩy quá trình thoái toàn bộ vốn của Nhà nước tại Sabeco. Hiện tại, ThaBev mới nắm giữ 54% cổ phần tại Sabeco, mức chi phối song Bộ Công thương hiện vẫn đang là cổ đông lớn thứ 2 tại Sabeco với 36% cổ phần.

Gần đây, cơ cấu cổ đông của Sabeco cũng đã có xáo trộn khi Heineken Asia Pacific Pte.Ltd thông báo về việc bán xấp xỉ 5,2 triệu cổ phiếu Sabeco trong phiên giao dịch 15/11, qua đó không còn là cổ đông lớn của Sabeco sau hơn 1 thập kỷ nắm giữ.

Dữ liệu giao dịch cho biết, Heineken đã bán gần 5,2 triệu cổ phiếu Sabeco cho nhà đầu tư nước ngoài với giá sàn 234.400 đồng mỗi cổ phần thông qua giao dịch thỏa thuận, tương ứng tổng giá trị 1.219 tỷ đồng.